Không thua chị, kém em
Họ được đánh giá là những gương mặt sinh động trong diễn xuất, tạo được thế mạnh riêng
Trong 5 gương mặt nữ diễn viên sân khấu được bạn đọc đề cử tranh Giải Mai Vàng năm nay, ngoài nghệ sĩ hải ngoại Bạch Lê (từ Pháp về) là nhân tố mới, 4 nghệ sĩ còn lại đều quen thuộc với bạn đọc quan tâm Giải Mai Vàng nhiều năm qua.
Nhận định đa chiều
Về Thanh Thủy, NSND Phạm Thị Thành nhận xét: “Thanh Thủy đã đạt đến độ chín về mặt diễn xuất để làm chủ sàn diễn, cuốn hút khán giả dù đó là vai bà lão hom hem, lưng còng”.
Theo NSƯT Trần Minh Ngọc, “Thanh Thủy có được thế mạnh diễn vai bà lão khi đứng bên cạnh Hoài Linh, tuy nhiên, đôi lúc Thủy bị kéo đi xa quá đà, không biết quay về, đó là khuyết điểm của Thủy”. NSƯT - đạo diễn Trần Ngọc Giàu đánh giá: “Thanh Thủy sẽ lặp lại mình nếu cứ lạm dụng cách diễn ngẫu hứng mà không biết kiềm chế”.
Về Ngọc Trinh, NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng Ngọc Trinh diễn tinh tế hơn với vai con Cấm trong vở kịch “mượn chuyện dân gian nói chuyện ngày nay” Con Tám, con Cấm. Ở Ngọc Trinh, vẫn với nét diễn tinh nghịch đáng yêu, không lặp lại chính mình. Vở kịch này được dàn dựng như một náo kịch, do đó chủ đạo của vai diễn là gây cười nhưng có nhiều lớp nhân vật tạo được dấu lặng đẹp.
Về Lê Khánh, NSƯT - đạo diễn Trần Ngọc Giàu nhận xét: “Lê Khánh có độ nhạy bén trong diễn xuất dù đài từ của cô còn yếu so với Thanh Thủy”. NSƯT Ca Lê Hồng nhìn nhận Lê Khánh diễn trường đoạn khi Kay già rất xúc động.
Có điều cô chưa biết che giấu đi chất giọng trẻ trung của mình cũng như Ngọc Trinh, nếu diễn vai già sẽ là nhược điểm vì chất giọng lúc nào cũng trẻ. Song vai của Lê Khánh làm khán giả cười, ngạc nhiên và khâm phục. Còn vai của Ngọc Trinh chỉ để người xem ôm bụng cười.
Về Tú Sương, NSƯT Trần Minh Ngọc vẫn đánh giá là cô đào chính tạo cho nhân vật trung tâm độ sáng nhất định. Vai Mỵ Nương của Tú Sương có hai giai đoạn đã cho thấy cách diễn nhà nghề của con nhà nòi, có lớp lang, có trình thức. Làm việc với Tú Sương rất thú vị bởi cô không để đạo diễn “lôi” mình đi mà cách diễn của cô đôi lúc làm cho đạo diễn phải chạy theo.
NSƯT - đạo diễn Trần Ngọc Giàu nói: “Vai diễn nào của Tú Sương cũng đủ độ chín muồi, có tư duy và có sự vượt bậc. Nhưng vai Mỵ Nương chưa phải là vai tầm cỡ của cô”. NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét: “Về diễn xuất, tôi không thấy vai Mỵ Nương là mới, Tú Sương sẽ mới hơn nếu không lặp lại những vũ đạo đã từng diễn trước đây. Chỉ mỗi lớp diễn đánh trống làm cho tôi thật sự nổi gai óc. Vở Hoa vương tình mộng có lớp diễn này là nổi bật”.
Nhà lý luận phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái nêu ý kiến: “Tôi cho rằng sự tương tác của khán giả ở sân khấu xã hội hóa đã hình thành nên tính cách các vai diễn chứ không hẳn những diễn viên nữ của bảng đề cử năm nay không biết tạo ưu thế cho mình.
Khán giả tương tác họ và họ nhào nặn nhân vật của mình qua những suất diễn như thế. Cách Thanh Thủy diễn vai bà lão có “bị” khán giả kéo đi thì đó cũng là tiếng cười trong sáng.
Hoặc Ngọc Trinh với vai con Cấm vẫn là nương theo tiếng cười cần thiết của vở diễn. Tóm lại, tình huống của vở diễn quy định diễn xuất của diễn viên. Họ không thể tách rời đội hình. Đánh giá họ trên phong độ của mỗi suất diễn, đặt trong hiệu quả nghệ thuật chung cho toàn vở, đó mới là cốt lõi”.
Ai cũng xứng đáng
Nhận định chung về 5 vai diễn của 5 nữ diễn viên được đề cử năm nay, đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc cho biết: “Có đủ các thể loại: lịch sử, dân gian, cổ đại phong kiến đến xã hội đương đại.
Các vai diễn
Ỷ Lan của Bạch Lê (Câu thơ yên ngựa), Kay của Lê Khánh (Một cuộc đời bị đánh cắp), Mỵ nương của Tú Sương (Hoa vương tình mộng), bà nội của Thanh Thủy (Ông ngoại, bà nội) và con Cấm của Ngọc Trinh (Con Tám, con Cấm) đều được các diễn viên khai thác nội tâm đúng mức. Độ thẩm thấu nhân vật có sự chênh lệch nhưng các vai diễn đều tạo được đất canh tác rộng, thu hoạch cao”.
Nhà lý luận phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái nêu ý kiến: “Tôi cho rằng sự tương tác của khán giả ở sân khấu xã hội hóa đã hình thành nên tính cách các vai diễn chứ không hẳn những diễn viên nữ của bảng đề cử năm nay không biết tạo ưu thế cho mình.
Khán giả tương tác họ và họ nhào nặn nhân vật của mình qua những suất diễn như thế. Cách Thanh Thủy diễn vai bà lão có “bị” khán giả kéo đi thì đó cũng là tiếng cười trong sáng.
Bạch Lê được khen nhiều
Về nghệ sĩ hải ngoại Bạch Lê, theo NSƯT Trần Minh Ngọc: “Bạch Lê về nước diễn lần này tạo được sự ngưỡng mộ của khán giả với phong độ diễn xuất không sút giảm, điều đó cho thấy chị đam mê nghề và ý thức cho lần xuất hiện này.
Vai Ỷ Lan là vai cũ nên sáng tạo của chị dễ rơi vào tư thế làm mới vai diễn cũ. Nhưng chị đã tạo được thế mạnh cho diễn xuất thông qua vũ đạo và nội tâm nhân vật”.
NSƯT - đạo diễn Trần Ngọc Giàu khen: “Bạch Lê đã làm cho bức tranh cải lương năm nay khởi sắc.
Diễn xuất của chị phong độ, vũ đạo mang hơi thở mới khi biết tiết chế những động tác thừa để tạo độ sâu nội tâm”.
NSƯT Ca Lê Hồng cũng khen: “Chị vẫn là thế hệ nghệ sĩ tiên phong của sân khấu tuồng cổ.
Phong cách diễn xuất không cường điệu, quyện vào lời ca và thần thái để vai diễn tỏa sáng.
Xem Ỷ Lan của 20 năm trước và bây giờ, tôi nhìn thấy Ỷ Lan của chị hôm nay mùi mẫn hơn, sâu sắc hơn vì diễn xuất đó đã được thẩm thấu từ cuộc sống”.