Cuối tháng 9/2010, rạp Hưng Đạo đóng cửa – khép lại những chuỗi ngày tưng bừng sáng đèn, lừng lẫy thời hoàng kim của Sân khấu Cải lương. 50 năm tồn tại, nó phải chấm dứt một giai đoạn lịch sử để chuẩn bị gánh vác một sứ mệnh mới – khi nó được đầu tư xây dựng thành một Trung Tâm biểu diễn Nghệ thuật Cải lương của thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2012
Đơn vị chủ quản của rạp Hưng Đạo là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang được Sở VH-TT và DL giao tạm thời rạp Thủ Đô làm địa điểm hoạt động và khai thác, trong thời gian chờ xây dựng Trung tâm. Tuy nhiên, hơn 15 năm qua, rạp Thủ Đô đã không còn là điểm diễn quen thuộc của Cải lương, hay đúng hơn không còn là một điểm hẹn của những người yêu sân khấu – mà nhiều người đã không ngại gọi là một rạp “chết”. Trước tình hình đó, ban lãnh đạo Nhà hát đã “xoay trở” như thế nào?
Maket vở " “Đả chiến phá sông Ngân"
Ngày 16/10/2010, Nhóm Thắp sáng niềm tin đã bắt đầu diễn suất đầu tiên ở rạp Thủ Đô, với nổ lực đáng khen. Sau đó, đều đặn sáng đèn một suất/tuần, đến cuối năm 2010, họ đã có suất diễn thứ 80, với lượng khán giả trung bình là 300/suất. Ngoài việc tổ chức biểu diễn, Nhà hát CL THT vẫn tiếp tục thu hút những nhóm XHH về Thủ Đô biểu diễn, như nhóm XHH của Vũ Linh với chương trình chuyên đề của Vũ Linh, Nhóm XHH Vũ Luân, Nhóm XHH Trường Thanh.v.v… bước đầu cũng khó khăn khi tập lại cho công chúng thói quen tới rạp Thủ Đô coi hát, nhưng ngoài Thủ Đô bây giờ, thực sự các nhóm hát Cải lương khó mà có một địa điểm khác để hoạt động.
NS Quốc Hùng – Giám đốc Nhà hát CL THT cho biết:
- Được Sở VH-TT và DL tạm giao rạp Thủ Đô, Nhà hát có trách nhiệm phải xây dựng Thủ Đô thành điểm diễn mới, Cải lương về đây là “sống” được, do đó để thu hút sự chú ý của cộng đồng yêu thích Cải lương, các chương trình tạp kỷ đậm đà bản sắc dân tộc, chúng tôi quyết định phải tập trung đầu tư một số chương trình kha khá tại Thủ Đô.
PV: Cụ thể Nhà hát sẽ xây dựng chương trình như thế nào để gọi là “khá khá”?
- Trước mắt, Nhà hát bỏ ra 200 triệu, xin nhà nước hỗ trợ 300 triệu để trong dịp Tết này dàn dựng một vở cải lương qui mô, hoành tráng, để thu hút công chúng đến với rạp Thủ Đô. Nhà hát sẽ dàn dựng kịch bản: “Đả chiến phá sông Ngân” ( Tác giả: NSND Nguyễn Thành Châu, đạo diễn: Vũ Minh, TKSK: Kiến trúc sư Nguyễn Minh Tuấn, thực hiện: hoạ sĩ Văn Tòng, Âm nhạc: Thanh Tâm, TK trang phục: Ngọc Tuấn, thực hiện: Công Minh). Chúng mời đạo diễn Vũ Minh dàn dựng vở này. Trong vở “Đả chiến phá sông Ngân”, chúng tôi tập trung lực lượng nghệ sĩ tài danh, ngôi sao sân khấu và lực lượng nghệ sĩ của Đoàn 1 và Đoàn Thắp sáng niềm tin cùng tham gia. Nhà hát luôn quan tâm đến Đoàn Thắp sáng niềm tin – đơn vị này tập trung nhiều diễn viên trẻ, có tiềm năng, triển vọng nên chúng tôi cũng đặc biệt chú ý đầu tư để tạo điều kiện cho lớp kế thừa tiếp bước lớp đàn anh. Song song đó trong kế hoạch biểu diễn Tết, Nhà hát đầu tư cho Đoàn 1 dàn dựng vở “Việt Kiều mà!” (TG:Lam Tuyền, ĐD: Quốc Kiệt, Âm nhạc: NSUT Thanh Hải) với dàn diễn viên ở Đoàn THT 1 là NSUT Thoại Miêu, Dương Thanh, Trọng Nghĩa, Lam Tuyền, Ngọc Tuyền, Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Lý Thu, Diễm Thanh..., đặc biệt tăng cường thêm hai NS Thoại Mỹ và Trọng Phúc. Bên cạnh đó, Đoàn THT2 vẫn liên tục nhận được nhiều hợp đồng ở các tỉnh như Đà Nẳng, Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Bến Tre… nếu không thì lại về Thủ Đô biểu diễn. Trong tết này Đoàn 2 sẽ thực hiện các hợp đồng và ra Dầu Tiếng biểu diễn một số suất phục vụ theo chỉ tiêu Sở giao.
Maket vở " “Đả chiến phá sông Ngân"
PV: Nhà hát có ba đơn vị là Đoàn THT 1, Đoàn THT 2 và Đoàn Thắp sáng niềm tin (TSNT). Trước đây, đoàn 1 và 2 thay nhau đảm nhận nhiệm vụ chính trị, đồng thời biểu diễn doanh thu bảo đảm chi phí cho tập thể. Bây giờ, Nhà hát vẫn giữ phương thức hoạt động đó?
- Vẫn như vậy, nhưng năm nay, nói cho nhà báo cùng mừng, Nhà hát đã có trong tay nhiều hợp đồng biểu diễn. Thời gian đi biểu diễn phục vụ nhiều nơi, Nhà hát đã xây dựng được các “vệ tinh” đặc biệt. Đến cuối năm nay có thể nói chúng tôi đã liên lạc được khoảng 50 đội “vệ tinh” rải rác từ Huế đổ về và khá rộng ở khắp các tỉnh. Đó là những tổ gồm 3 đến 5 người, làm công việc gần giống ngoại vụ của đoàn hát lúc trước. Tức là họ sẽ tìm những điểm diễn mới cho Nhà hát, giao dịch với địa phương để đưa đoàn về hát. Nhà hát làm việc với các “vệ tinh” này theo hợp đồng biểu diễn và tùy địa điểm gần, xa mà tính giá trị hợp đồng. Từ đây, Nhà hát đã mở rộng được địa bàn biểu diễn. Sang năm sau, Nhà hát sẽ có thêm một số “vệ tinh” ở phía Bắc, dần dần sẽ đặt chân tới nhiều điểm diễn xa hơn. Cụ thể Tháng 1/2011 Nhà hát sẽ diễn ở Hải Phòng. Năm 2010 Nhà hát thực sự hạnh phúc vì theo phương thức hoạt động trên, các đơn vị đã phối hợp với các Tỉnh thành thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật mang tính chất từ thiện gây quỹ ủng hộ người nghèo, gia đình chính sách, giúp đỡ thanh niên xung phong, học sinh nghèo hiếu học…Trong năm qua Nhà hát đã thực hiện được hơn 30 chương trình: Trường xưa, Nghĩa tình đồng đội, Tiếp bước cho em đến trường, Sắc hoa nghĩa tình, Thắp sáng niềm tin, Miền Nam nhớ mãi ơn Người, Nỗi đau da cam…tại các tỉnh: Đà Nẳng, Khánh Hoà, Đắc Lắc, Long An, Cà Mau, Vũng Tàu, Cần Thơ, Quảng Nam, Huế…
PV: Nghĩa là ngoài những trung tâm của các tỉnh, thành phố, các đơn vị của Nhà hát cũng sẳn sàng đến các vùng sâu, các điểm diễn mới?
- Thực tế mấy năm gần đây khi Nhà hát đi về trung tâm các tỉnh và đi vào một số điểm diễn mới, nếu có thể so sánh thì ở Trung tâm còn khó bán vé hơn. Do đó, việc mở rộng địa bàn theo cách xây dựng các “vệ tinh” nói một cách nào đó là một hướng mở trong lúc khó khăn này.
PV: Ngoài việc mở rộng địa bàn hoạt động, chế độ đãi ngộ Nghệ sĩ, nhân viên có khác không, thưa anh?
- Phần lớn về địa phương nào thì anh em đều được lo chỗ ăn chỗ ở, lương gấp ba, bốn lần bình thường (tùy đi xa, hay gần), anh em được hát thường xuyên và đôi khi có truyền hình trực tiếp. Hình ảnh của nghệ sĩ được truyền bá rộng rãi.
Maket vở " “Đả chiến phá sông Ngân"
PV: Nếu như vậy quả thật đáng mừng. Phải nói là “Cái khó ló… cái hay”. Xin chúc cho Nhà hát luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và nhanh chóng xây dựng được rạp Thủ Đô thành một địa điểm mới để sân khấu Cải lương của Thành phố vẫn sáng đèn.
Vâng. Với hướng xây dựng các nhóm “vệ tinh” ở khắp các tỉnh như thế thì không bao lâu, các đơn vị của Nhà hát sẽ có mặt ở nhiều điểm diễn mới. Lo được hoạt động thường xuyên thì đời sống anh em nghệ sĩ sẽ khá hơn, đặc biệt Nhà hát sẽ phải tìm thêm nguồn kịch bản mới. Chúng tôi cũng hy vọng “bức tranh” Cải lương sẽ bớt ảm đạm hơn trong năm tới.
PV: Xin hỏi anh một câu cuối: Trong Hội thảo Sân khấu Cải lương do Hội NSSKVN và Hội Sân khấu TPHCM tổ chức vào giữa tháng 12/2010, trong phát biểu của anh có thông tin: để xây dựng rạp Hưng Đạo thành một Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo cần đến 100 tỷ, nhưng Nhà hát chỉ được duyệt 50,9 tỷ đồng?... Vậy liệu với số tiền một nửa của dự trù ấy, Nhà hát sẽ xoay sở ra sao để có một Trung Tâm cho Cải lương trong tương lai?
- Cảm ơn nhà báo quan tâm đến những hoạt động của Nhà hát cũng như những thông tin về xây dựng rạp Hưng Đạo thành Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo. Để có một rạp hát tối tân và hiện đại, xứng tầm với một trung tâm kinh tế bậc nhất phía Nam, thì số tiền đầu tư như thế chắc không đủ. Nhưng Nhà hát tin rằng các cấp lãnh đạo TPHCM, Sở Xây dựng sẽ quan tâm và tạo điều kiện nhiều hơn để TPHCM có một rạp hát hiện đại, khang trang. Đó cũng là mong mỏi của công chúng TPHCM nói chung và giới nghệ sĩ sân khấu nói riêng với loại hình sân khấu truyền thống của dân tộc.
Theo Kim Thơ - Báo Sân Khấu Xuân 2011