Nốt trầm của sân khấu
QĐND - Đã là sân khấu thì thường xuyên phải “đỏ đèn”. Tức là thường xuyên biểu diễn. Vậy mà lâu nay, khán giả thờ ơ với sân khấu. Các nhà hát đóng cửa im ỉm quanh năm. Những đoàn kịch nổi tiếng cũng chỉ “đỏ đèn” được 60-80 buổi một năm. Nhà hát Chuông Vàng (Hà Nội) sắp bị thu hồi để phục vụ mục đích khác. Thật đáng buồn!
Các nhà quản lý sân khấu thường than vãn: Có những đêm diễn, một nửa số khán giả đến dự theo giấy mời; số còn lại mua vé vào xem chẳng đáng bao nhiêu. Thậm chí, có buổi diễn miễn phí, 100% là giấy mời mà cũng không lấp hết các hàng ghế. Khán giả đến xem đều là người nhà và bạn bè diễn viên. Họ đến để động viên là chính và cũng có người đi xem vì nể nang không nỡ từ chối.
Kịch nói đã ít người xem, tuồng chèo còn vắng khán giả hơn nhiều. Vì sao lại như vậy? Lý giải vấn đề này, các nhà chuyên môn đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau. Có ý kiến cho rằng, bây giờ là thời đại bùng nổ thông tin, khán giả ngồi ở nhà xem ti vi hoặc băng đĩa theo sở thích riêng, đã có đủ các loại hình nghệ thuật nên không phải mất thời gian và tiền bạc để đến nhà hát. Ý kiến khác lại cho rằng, do không có vở diễn hay, hấp dẫn nên không thu hút được người xem. Lại có một ý kiến nữa: Do kinh phí đầu tư thấp nên không có kịch bản hay; thu nhập thấp nên từ đạo diễn đến diễn viên không đem hết tâm huyết dàn dựng, tập luyện và biểu diễn...
Xem ra thì các lý do trên đều đúng cả nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, mỗi khi có vở diễn mới hấp dẫn từ kịch bản đến cách diễn xuất, khán giả vẫn xếp hàng mua vé vào rạp bởi họ muốn hòa mình trong không khí kịch trường sôi động chứ không thể ngồi nhà “ôm” ti vi. Nếu nói do kinh phí đầu tư thấp thì gần đây, nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, ngành văn hóa cũng không ngần ngại đầu tư những khoản tiền tỷ cho việc sáng tác, dàn dựng vở mới. Song, kết quả không như mong đợi. Lại những “bổn cũ chép lại”, có thêm bớt vài tình tiết nội dung và phương pháp thể hiện nhưng chưa đạt tới mức nhuần nhuyễn.
Tuy nhiên, với mức đầu tư kinh phí thấp nhưng vẫn có đoàn dàn dựng được vở mới đáp ứng được tiêu chí nghệ thuật và nội dung thể hiện. Gần đây nhất là vở kịch múa “Ngọn lửa Hà thành” của Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật quân đội. Kinh phí chỉ được cấp mấy trăm triệu đồng mà tập thể đạo diễn, diễn viên vẫn dàn dựng thành công. Như vậy, kinh phí đầu tư cũng không hẳn là yếu tố quyết định đến chất lượng kịch bản và biểu diễn. Vấn đề cốt lõi vẫn là tài năng và nhiệt huyết của tác giả kịch bản, đạo diễn và diễn viên. Vài chục năm trước, đời sống còn khó khăn hơn nhiều nhưng hoạt động sân khấu nước ta rất sôi động bởi liên tục có những vở mới rung động lòng người. Khán giả xem xong đều tâm phục, khẩu phục bởi nội dung kịch bản hấp dẫn, tài năng đạo diễn và trình độ diễn xuất của diễn viên. Kịch Lưu Quang Vũ, chèo Tào Mạt, vẫn là chuyện cũ viết lại, vẫn là tích cổ nâng cao, vậy mà lôi cuốn người xem đến thế.
Nhìn nhận ở mọi góc độ trên đây, có thể nói rằng, sự thăng trầm của sân khấu nước ta phụ thuộc vào tài năng và nhiệt huyết của đội ngũ những người làm sân khấu. Khi ngọn lửa nhiệt tình và niềm đam mê bị mai một thì khó có thể “thai nghén” được những tác phẩm hay và theo đó, dù nguồn kinh phí dồi dào, đạo diễn và diễn viên cũng không hóa thân hoàn toàn trên sân khấu được.
Dương Tâm (theo baomoi.com)