Những nghệ sĩ không có tuổi
Mỗi người đều lưu lại một dấu ấn không trùng lắp, họ đã bền bỉ với nghề cho dù sân khấu cải lương đã trải qua nhiều thăng trầm. Đó là những nam nghệ sĩ chuyên đóng kép chính. Có thể vai của họ là mùi, độc, lẵng, nhưng ở cương vị nào họ cũng chứng tỏ bản lĩnh nghề nghiệp. Hiện nay, họ lại là những nghệ sĩ đắt sô nhất, tạo được sức hút khán giả, dù tuổi đời đã bước vào hàng U60 – U70.
NS THANH SANG – Chất ngọc không tan
Hai đêm liveshow
50 năm một tình yêu nghệ thuật của NS Thanh Sang tổ chức tại Nhà hát TP.HCM đã gây nên cơn sốt vé. Giá vé chính thức 200 ngàn đồng/vé, nhưng đến giờ mở màn phe vé chợ đen hét giá 1,5 triệu đồng/vé, vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu người xem. Nhờ đâu Thanh Sang ở tuổi 65 vẫn thu hút đông đảo khán giả như thế? Theo soạn giả Lê Duy Hạnh – Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, NS Thanh Sang đã 6 năm tạm xa sân khấu do mang nhiều căn bệnh. Lần trở lại này anh một mình thể hiện 5 vai diễn để đời:
Trần Minh (Bên cầu dệt lụa),
Trần Đại Đảnh (Tần Nương Thất),
Thi Sách (Tiếng trống Mê Linh),
Đường Minh Hoàng (Dương Quí Phi) và
Lục Vân Tiên (Kiều Nguyệt Nga).
NS Bạch Tuyết và Thanh Sang
Bên cạnh đó, chất giọng trầm buồn và phong cách diễn xuất chân thật của Thanh Sang đã gieo vào lòng người xem sự xúc động mãnh liệt. Đứng bên cạnh các nữ bạn diễn như: Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Phượng Hằng, Cẩm Tiên... anh lúc nào cũng khiêm tốn, làm điểm tựa cho các bạn diễn tỏa sáng. Một điều mà theo tác giả Lê Duy Hạnh, anh lấy lại phong độ bởi cung cách làm việc hết sức nghiêm túc của một nghệ sĩ đàn anh. Bao giờ tập tuồng anh cũng đến sớm, không tỏ thái độ ngôi sao mà cùng nhân viên hậu đài, diễn viên múa, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng làm việc cật lực để có được hai đêm diễn 4.3 và 4.4 thật ấn tượng. Live show của Thanh Sang sẽ được tái diễn tại Rạp Quốc Thanh vào tối 18 và 19.5, sau đó lưu diễn các tỉnh theo lời mời của một số TTVH miền Trung. Để giữ cho nghề một tình yêu sâu đậm suốt 50 năm, quả đúng như lời tâm sự của NS Thanh Sang: “Tôi tin cải lương mãi mãi được yêu thương như chất ngọc không tan”. Vâng, chất ngọc anh đang giữ đó là lòng yêu nghề đúng nghĩa, của người nghệ sĩ chân chính
NS NAM HÙNG – Người của mọi người
Nhiều năm qua, NS Nam Hùng gần như gắn chặt với ngôi nhà chung của sân khấu, tham gia công tác xã hội, góp phần xây dựng Ban Ái hữu Nghệ sĩ TP.HCM ngày càng trở thành cơ sở tín nhiệm đối với giới nghệ sĩ. Từ sau liveshow của con gái – NS Thanh Thanh Tâm với chủ đề Vọng phu, NS Nam Hùng vẫn gắn bó với sàn diễn và sân khấu video. Nghề nghiệp của anh vẫn tỏa sáng với hàng loạt vai diễn mà qua lời nhận xét của các nhà chuyên môn, thì “gừng càng già, càng cay”. Anh đi vào các vai phản diện rất chuẩn xác, cái ác không được thể hiện bằng sự đanh thép, dữ dội, nhưng ngầm bên trong là những làn sóng nham hiểm, làm tan nát con tim khán giả khi xem anh diễn. Diễn hài pha một chút lẵng như thầy lý trong Ngao Sò Ốc Hến, thì không ai có thể qua mặt NS Nam Hùng, hoặc vai Đổng Trác bụng bự, râu rìa, anh có nét diễn hóm hỉnh, làm người xem vừa ghét, vừa thích thú, buồn cười. Vai Chu Phác Viên (Lôi Vũ) cũng thế, anh khéo dấu sự toan tính bẩn thỉu của một người cha đạo đức giả bên trong cái vỏ bọc chăm sóc vợ, lo lắng cho con. Chu Phác Viên của Nam Hùng ấn tượng với người xem nhờ cách nghiên cứu vai diễn sâu sắc và chuyển tải đến tận cùng.
NS Nam Hùng và con gái- NS Thanh Thanh Tâm
NS MINH PHỤNG – Cánh chim vượt bão không đơn lẻ
Anh đã vượt qua cơn bệnh nguy hiểm thập tử nhất sinh như một phép mầu, mà không ai dám nghĩ là anh sẽ chiến thắng, Minh Phụng đã trở lại sân khấu, thực hiện chương trình
Những cánh chim không mỏi do HTV tổ chức tại rạp Hưng Đạo và đang chuẩn bị liveshow Mùa thu lá bay tại Nhà hát TP.HCM vào tháng 8.2007, khi con gái anh – ca sĩ Y Phụng về nước cùng cha tổ chức đêm diễn này. Nếu báo giới Sài Gòn đặt cho anh và Lệ Thủy nghệ danh Cặp bão biển đang dâng cao (thời hai nghệ sĩ còn hát chánh cho công ty Kim Chung), thì đến nay, ở tuổi 64 anh vẫn là cánh chim vượt bão không đơn lẻ. Mỗi chương trình có anh đều có đông khán giả, sự hiện diện của anh đã góp vào chương trình những điểm sáng nổi bật. Bên cạnh Bạch Tuyết anh đóng vai Trần Nhân Tông, bên cạnh Lệ Thủy anh tái diễn vai Tần Lĩnh Sơn thật hào hùng, chính khí. Chính tình thương của khán giả đã tiếp thêm nghị lực để anh giữ được phong độ và chất thanh xuân qua mỗi vai diễn.
NS Minh Phụng cho biết: “Tôi sẽ hát đến hơi thở cuối cùng. Căn bệnh suy thận hiện nay buộc tôi phải 3 ngày trong tuần đến bệnh viện để lọc máu, nhưng tôi vẫn hết sức lạc quan, vì bên tôi vẫn còn đồng nghiệp, khán giả yêu mến mình”.
NS MINH VƯƠNG – Giữ vững danh hiệu “Khôi nguyên vọng cổ”
Năm 1964 Minh Vương đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ, cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương do báo giới Sài Gòn tổ chức 4 năm một lần. Tính đến nay đã 43 năm trôi qua, vậy mà NS Minh Vương vẫn ngự trị trong lòng công chúng với giọng ca trong trẻo, ngân xa. Đặc trưng của chất giọng Kim mà anh thừa hưởng rất hiếm trong giới sân khấu, nhất là kép. Bởi trong phép tính ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, xét ở khía cạnh dòng nhạc ngũ cung: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, thì giọng Kim của anh ứng với cung Cống, mà theo cung điệu và thanh điệu thì cung Xê và Cống thuộc dương, Hò và Xự thuộc âm, còn Xang là lưỡng nghi (tức vừa có âm, vừa có dương), nên Minh Vương có làn hơi dài và đầy âm lượng, độ cao rất thoải mái khi cần thiết ca cấn hoặc hạ giọng trầm buồn mà không sợ hụt hơi. Do vậy trong các vai diễn mang nhiều kịch tính, anh thường ca cấn để nhấn trọng âm khi diễn tả ca từ buồn thảm. Nhờ vào ưu điểm này mà giọng ca Minh Vương mãi mãi không già lão, chất giọng của anh lúc nào cũng chất chứa màu sắc trữ tình hơn là bi ai, dù đó là vai ông lão (Nguyễn Trãi – Rạng Ngọc Côn Sơn) hay là anh kép đa tình – Minh (Tô Ánh Nguyệt) thì người xem vẫn dành nhiều tình cảm cho Minh Vương. Anh tâm sự, mình chưa nghĩ đến việc sẽ tổ chức liveshow như các đồng nghiệp đã làm, nhưng tình cảm của khán giả dành cho anh hơn bao giờ hết vẫn là mục tiêu để anh quyết tâm bền bỉ với nghề. Anh tâm sự: “Tôi muốn giữ vững danh hiệu Khôi nguyên vọng cổ để bản thân mình góp phần mang mùa xuân về cho sân khấu, dù năm nay tôi đã 58 tuổi”.
NS PHƯƠNG QUANG – Tình anh bán chiếu... không sầu
NS Phương Quang có làn hơi trầm ấm, cách nhã chữ và ngân nga gợi cảm. Cho mãi đến bây giờ anh vẫn thu hút cảm tình của khán thính giả mỗi khi nghe :
Tình anh bán chiếu, Gánh bưởi Biên Hòa, Ông lái đò, Gánh nước đêm trăng... Cái tên Phương Quang nổi lên từ đoàn Kim Chưởng, trải qua nhiều sân khấu, sau này về Nhà hát Trần Hữu Trang, anh tích lũy trong hành trang sự nghiệp những vai diễn để đời, với biết bao số phận người hùng mà khán giả tri âm không thể nào nhầm lẫn: Hoàng Mộng Long vở Người nhạn trắng (một hiệp sĩ biến hóa đủ hình hài, giúp dân trừ bạo. Vai này đòi hỏi khả năng biến hóa thật tinh tế nhiều trạng thái tâm lý),
Kỳ Thanh Lang vở Mặt trời đêm (một hoàng tử đẹp trai, nhưng khi đêm xuống bị biến thành người mặt nám, lưng gù xấu xí), Kim Đồng vở Huyết phiến lôi phong (một hiệp sĩ trẻ tuổi, nuôi mối thù của gia đình rồi chấp nhận hy sinh để xóa bỏ lời thề 20 năm trước),
Sĩ Tế Nãi Long vở Tình nào cho em (một hiệp sĩ người Mông Cổ, theo lệnh triều đình sang nước Nam làm mật thám, có mối tình khắc cốt ghi tâm với nàng Lý Băng Tâm - do Phượng Liên đóng),
Vua Riêm (vở Nàng Xê Đa),
Bảy Đờn (Người ven đô),
ông Độ (Tần Nương Thất).
Vua Riêm- Phương Quang
Soạn giả Viễn Châu nhận xét: “Phương Quang học cách ca theo thần tượng, đó là anh Mười Út Trà Ôn. Nhưng Phương Quang không cố tình bắt chước mà tạo được lối đi riêng trong cách ca, khiến người nghe thoát được cái buồn man mác, mà kỳ vọng, lạc quan với những câu chuyện tình qua bài vọng cổ”. Đó chính là điều khiến cho chất giọng Phương Quang không già nua mà luôn tươi rói. Anh chuẩn bị làm một liveshow ở tuổi 66. Khi đó chắc khán giả sẽ được xem lại những vai diễn của Phương Quang để khám phá người nghệ sĩ luôn làm mới chính bản thân mình.
NS THANH TÒNG- Người giữ lửa cho nghệ thuật Cải lương tuồng cổ
Trong giới sân khấu cải lương tuồng cổ, NS Thanh Tòng được xem là
“chưởng môn nhân” – người anh thủ lĩnh của bộ môn nghệ thuật này. Khi được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND ở tuổi 59, anh tâm sự: “Tôi mãn nguyện vì bản thân mình đã làm cho dòng họ được rạng danh. Nói theo cách nào đó thì tôi đã công thành danh toại. Còn nếu so với các bậc đàn anh, đàn chị, có thể họ xứng đáng được đón nhận danh hiệu này trước tôi. Thế nhưng, cái chính vẫn là tấm lòng bền bỉ với nghề, cùng nhau làm cho sân khấu cải lương rạng rỡ ánh đèn”.
Vừa qua, Đài TH Hậu Giang đã tổ chức chương trình liveshow NS Quế Trân – con gái của anh và khán giả đã đón chào nồng nhiệt người nghệ sĩ luôn là điểm tựa cho con gái mình phấn đấu. Trong dòng tộc của NS Thanh Tòng, anh là người sống khiêm tốn, giản dị, cá tính của anh không thích bon chen, nên công việc anh làm đều âm thầm như con ong thợ tích góp nhụy ngọt cho đời. Phong cách diễn xuất nhà nghề của anh luôn để lại bài học kinh nghiệm cho thế hệ trẻ, cũng như qua công trình nghiên cứu Từ Hát bội đến sân khấu cải lương tuồng cổ, anh đã thuyết phục khán giả và các nhà chuyên môn khi đưa ra những hệ thống nghiên cứu khoa học rất chỉnh chu, làm nền tảng để thế hệ diễn viên trẻ tiếp tục trong diễn xuất. Ngoài nghề diễn, anh còn sáng tác và đạo diễn 6 HCV, 4 HCB, nhiều bằng khen cấp quốc gia cho nghề đạo diễn đã nói lên tất cả tâm huyết góp phần xây dựng nền sân khấu đậm đà bản sắc dân tộc. Anh vẫn luôn đồng hành với công chúng để cống hiến nhiều vai diễn, tác phẩm để đời.
NS THANH TÚ – Chàng trai Nhuận Điền rặt chất nông dân
Khán giả xem hai đêm liveshow Thanh Sang và nhiều chương trình cải lương trên màn ảnh nhỏ gần đây không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy NS Thanh Tú lúc nào cũng xuất hiện với bộ đồ nông dân.
Anh nổi tiếng với vai Nhuận Điền (Bên cầu dệt lụa) và được công chúng yêu thích qua lối diễn mộc mạc, cùng với giọng ca đầy đặn, quyến rũ. Hơn 40 năm dong rũi theo nghề, anh chưa bao giờ than phiền khi nói đến sân khấu cải lương. Khi sân khấu thưa vắng khán giả, anh gom anh em nghệ sĩ về Sài Gòn lập quán, lúc sân khấu có khán giả, anh lại lập gánh và tiếp tục bôn ba. Vợ anh – NS Trang Bích Liễu luôn sát cánh bên chồng. Anh chị lúc nào cũng tươi trẻ, hết lòng vì nghệ thuật.
Cái chất nông dân quyện chặt vào con người Thanh Tú, nên anh diễn những vai cơ cực không chút khó khăn, tựa như lấy món đồ trong túi. Hiện nay, quán ăn Bên cầu dệt lụa của anh gần Bến xe miền Tây lúc nào cũng đông khách, vì khán giả đến thưởng thức những món ăn đồng quê, còn được nghe Nhuận Điền – Thanh Tú ca vọng cổ. Sắp tới, anh và chị sẽ tổ chức một liveshow tại Nhà hát TP.HCM, với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ cùng thời. Anh nói: “Tôi nôn nao chờ đợi được hát một đêm kỷ niệm 45 năm tuổi nghề, 67 năm tuổi đời, đó sẽ là một đêm diễn nhiều kỷ niệm trong cuộc đời nghệ sĩ”.
THANH HIỆP
(Nguyệt san ĐẤT MŨI số 3)