Văn Chung đóng phim nhiều chưa hẳn kiếm được nhiều tiền
Những năm đầu của thập niên 1970, trong lúc cải lương nhiều đoàn rã gánh, một số ít còn lại sống thoi thóp với mỗi tuần chỉ diễn một ngày, nên đào kép mạnh ai nấy tìm sinh lộ với đủ thứ nghề. Trong khi đó thì hề Văn Chung được mời đóng phim lia, hết hãng này đến hãng khác mời, đem lại cho Văn Chung việc làm thích hợp với sở trường, vậy mà ông vẫn than rằng tiền ít quá!
Các hãng phim thời ấy tự nhiên chuyển hướng, thay vì sản xuất phim phóng tác những tác phẩm tiểu thuyết hay, có nhiều người đọc, họ day sang làm phim hài hước. Nhờ vậy mà các anh hề tên tuổi như Thanh Việt, Thanh Hoài, Khả Năng, Xuân Phát, Văn Chung... đã trở thành tài tử ngon lành, là điều mà trước đó họ không bao giờ nghĩ tới.
Ở đây chỉ nói riêng về Văn Chung, bởi anh hề này xuất thân từ kép mùi, rồi thời gian sau bỗng dưng trở thành hề và nổi tiếng, để rồi được gia nhập làng điện ảnh. Trong số các phim mà hề Văn Chung đóng có cuốn phim “Năm Vua Hề Về Làng” của hãng Mỹ Vân, phim này Văn Chung diễn xuất chung với chuột, vịt. Tiếp đó thì hãng Viliphim với cuốn phim “Chàng Ngốc Gặp Hên”, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã chọn vai cho anh này đóng với... heo (chẳng biết có quay cảnh “heo” ấy không, chỉ thấy báo đăng).
Nhưng có điều trái ngược là phim “Chàng Ngốc Gặp Hên” lại bị xui dài dài. Lo sợ cái xui trước, nhưng Viliphim vẫn không tìm được cái hên cho cuốn phim Chàng Ngốc của mình, bởi đã gặp xui từ lúc thực hiện tới khi chọn ngày Tết Ất Mão để trình chiếu. Tưởng đâu đã qua vận hạn xui xẻo, nhưng khi được chánh thức đem ra trình chiếu thì đụng phải... giới nghiêm 8 giờ tối.
Sau khi đóng xong “Chàng Ngốc Gặp Hên” thì Văn Chung cũng chán nản và có ý nghĩ trở về với cải lương. Theo Văn Chung thì mặc dù được mời đóng phim lia mà ông vẫn cảm thấy buồn cho cái nghề của mình. Vì rằng thấy anh đóng nhiều nhưng tiền thì chẳng được bao nhiêu. Bởi lẽ khi mời đến thì hợp đồng người ta đã làm sẵn bảo anh ký vào, chịu đóng, hổng chịu đi chỗ khác chơi. Văn Chung rất “quê” trong bụng nên nhất định quay về sân khấu, còn đóng phim là việc phụ.
Nhưng trở về với cải lương thì bộ môn nghệ thuật này cũng đang khốn đốn, khổ sở triền miên, đa số đoàn hát rã gánh. Số đoàn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà cũng không có rạp để hát, do bởi Ba Tàu chiếm hết rạp ở thủ đô và tỉnh lỵ, đuổi cải lương tận xã ấp, sống sao nổi nên các đoàn hát phải ra Trung. Ra đây chẳng được mấy ngày thì miền Trung di tản, nghệ sĩ đoàn nào cũng chạy trối chết, có hát xướng được đâu mà trở lại với cải lương.