1. MEM
    Avatar của MEM
    NSƯT Bạch Tuyết:
    "Tôi trân trọng mỗi một khoảnh khắc trong đời"


    TTO - "Tôi yêu tất cả những con người, những sự việc cho dù là tình cờ hay có sự sắp đặt đã đi qua đời tôi. Tôi trân trọng mỗi một khoảnh khắc trong đời, dù vui, dù buồn và tôi giữ gìn nó như hơi thở của mình", "Cải lương chi bảo" Bạch Tuyết chia sẻ trong buổi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn TTO hôm nay (6-2). Trước gần 500 câu hỏi bạn đọc khắp nơi gửi về bày tỏ sự quan tâm dành cho mình, cho cải lương nói chung, NSƯT Bạch Tuyết đã nhiệt tình nán lại để trả lời thật nhiều câu hỏi.



    NSƯT Bạch Tuyết
    đang giao lưu trực tuyến với bạn đọc TTO
    - Ảnh: T.T.D.

    * Để cải lương được chuyên nghiệp và có chỗ đứng đầy thuyết phục hơn nữa, có khi nào chị nghĩ là phải cùng bạn bè thành lập một trường đại học cải lương nhằm nghiên cứu và đào tạo người tài cho cải lương - một loại hình nghệ thuật đặc trưng không phải dân tộc nào cũng có được và biết đâu đây là cơ hội để cải lương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại? (Đào Quang Trí, 47 tuổi, daominhtuancm@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Vấn đề bạn đặt ra là thực tế và cấn thiết nhưng chỉ có tôi với bạn và một vài người nữa thì không được mà nó phải được sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là những nhà quản lý. Cải lương ra đời từ những nhà trí thức lớn đau đáu vận nước, vận nhà trong cảnh nô lệ. Theo dòng sống, cải lương thăng trầm cùng dân tộc, những vở tuồng, tác phẩm kinh điển đã hiếm có cơ hội xuất hiện nhiều khiến trong một bộ phận công chúng nhìn cải lương như là một sự lạc hậu, thất học...Vậy thì, cần phải có những cái nhìn chân xác hơn đối với một loại hình sân khấu dân tộc hiện đại. Nhưng trước hết, điều đó phải được bắt đầu từ những người làm cải lương. Ở đó, tính chuyên nghiệp tri thức và sự cẩn trọng phải được đặt hàng đầu.


    Ông Hàng Phước Long - PTTKTS Tuổi Trẻ Online
    tặng hoa cho NSƯT Bạch Tuyết - Ảnh: T.T.D.

    * Tôi đặc biệt yêu thích giọng ca và phong cách diễn của chị. Khi còn nhỏ, tôi rất thích chị diễn vai Thúy Kiều trong Kim Vân Kiều và một nhân vật trong vở Tần Nương thất. Rất mong gặp lại nhân vật chị đã diễn trên TV hoặc DVD. Chị vẫn sống và làm việc với cải lương đầy nhiệt huyết như ngày xưa chứ? Tôi vẫn thấy các giọng trẻ ngày nay thiếu một cái gì đó so với thế hệ của chị. Chị có nghĩ như vậy không? (Ngô Giang Bảo, 35 tuổi, ngogiangbao@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Cảm ơn bạn! Thế hệ trẻ không phải thiếu tài năng mà hình như họ thiếu một mô hình đầu tư kỹ lưỡng, khoa học bởi những người có trách nhiệm.

    * Thưa chị, tôi được biết chị là đệ tử của thiền Sư Thích Thanh Từ. Theo chị, Thiền - đặc biệt là Thiền Trúc Lâm Yên Tử đã có những ảnh hưởng đến suy nghĩ, hoạt động nghệ thuật của chị như thế nào? Có những trở ngại nào không, giữa việc tu tập Thiền (tĩnh lặng) và hoạt động nghệ thuật (động)? Chị có "vô niệm" khi làm nghệ thuật không? Xin cám ơn chị! (Trần Hữu Ngọc, 43 tuổi, huungoc64@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Phải! Tôi là đệ tử của Thiền sư Thích Thanh Từ hơn 30 năm. Hơi thở thiền giúp tôi cân bằng mọi thứ trong cuộc sống. Làm nhiều nhưng không tất bật. Tôi "sống như nó đang là".

    * Nếu cải lương lấy lại phong độ thì lớp người kế sau chị phải làm gì để cải lương không còn đi vào ngõ cụt nữa? (le ky, 42 tuổi, thichnguyen_nguyen.@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Cuộc sống vẫn đang đi tới, người tốt chung quanh ta rất nhiều, không có ngõ nào cụt. Theo tôi, chỉ có sự thui chột trong tâm hồn mới đáng sợ. Điều tốt vẫn đang được nhân lên trong đám đông một cách thầm lặng. Trước đây và bây giờ, đa số người Việt đều biết ca cải lương bởi nó là tiếng nói, là âm nhạc dân tộc. Cải lương có tuồng tích, diễn viên, khán giả vậy là có sắc tướng cho nên vẫn phải đi theo quy luật "thành trụ hoài không" để rồi mỗi thế hệ sẽ có cái mới hơn.

    * Kính thưa cô Bạch Tuyết, cháu rất khâm phục sự lao động, nghị lực vươn lên không mệt mỏi của cô để trở thành một nghệ sĩ trí thức, tạo nên một hình ảnh mới về người nghệ sĩ trong công chúng. Cháu nghĩ rằng muốn bảo tồn và phát triển cải lương, tất yếu phải đi theo con đường tìm tòi, sáng tạo một cách khoa học, nhưng vẫn giữ nguyên những tinh hoa mà cải lương vốn có (tức là có cả sự bình dân lẫn bác học trong nội dung và nghệ thuật). Vì vậy, theo cháu, công việc cô đang làm tại ĐHDL Bình Dương rất căn cơ và hữu ích. Vậy xin cô vui lòng cho biết những định hướng sắp tới của cô với vai trò của một tiến sĩ khoa học - nghệ sĩ để phát triển bộ môn nghệ thuật cải lương? Kính chúc cô thật nhiều sức khỏe để tiếp tục "nhả" những đường tơ tuyệt phẩm cho đời! (Phượng Diễm, 28 tuổi, phuongdiem0604@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Cảm ơn bạn! Mỗi sáng thức dậy thấy mình còn sống tôi tiếp tục làm những công việc hôm qua còn bỏ dở. Một người không làm được gì nhưng một người cần mẫn thì có ích cho nhiều người. Tôi vẫn đang cố gắng sống như một người cần mẫn.

    * Tôi là người yêu và mê giọng hát của chị khi còn là thanh niên khi chị đóng cùng Hùng Cường, xin hỏi chị một câu về đời riêng, chị có bao giờ nhớ anh Tam Lang không? (nguyen Hung, 54 tuổi, langdu002003@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi nhớ tất cả mọi người tốt!

    * Kính thưa cô Bạch Tuyết, vừa qua con có đọc bài báo về cách nhìn của người nước ngoài về thế hệ trẻ của VN. Trong đó có một bạn nói rằng: "Điều đáng buồn nhất là dường như các bạn không mấy quan tâm tới nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình. Tuồng, chèo, cải lương hay ca trù củ VN phải nói là rất hay, bằng chứng là một người nước ngoài như tôi phải lặn lội sang tận đất nước các bạn để học". Khách quan con thấy nhận xét này rất đúng. Như vậy, theo cô làm thế nào để người trẻ hiểu - biết - yêu và trân trọng nghệ thuật truyền thống của dân tộc? Hay nói khác hơn, cải lương làm thế nào để không còn "xa lạ" đối với nhiều người trẻ hiện nay trong môi trường toàn cầu hóa. Kính chúc cô sức khoẻ, hạnh phúc. (Hồng Diễm, 23 tuổi, hongdiemch@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi thích được đi, được thấy, được nghe và có được đi nhiều nơi. Hình như có một điều gì đó khác hơn cái bạn đang hỏi. Nghệ thuật thuyết phục con người bằng trái tim, tâm hồn và ngược lại con người ở mỗi độ tuổi đi tìm cái mình cần. Cải lương, sân khấu dân tộc đang được chú ý hơn bao giờ hết. Vấn đề là: nội thân cải lương đáp ứng được bao nhiêu theo yêu cầu của thời đại. Người nước ngoài tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa của bạn khác với người VN và nghệ thuật dân tộc VN.

    * Phật giáo ảnh hưởng trực tiếp đến chị thế nào khi lên sân khấu? (le ky, 42 tuổi, thichnguyen_nguyen.@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Nhờ đạo Phật tôi thấy mình hiền hơn và làm việc kiên trì, cần mẫn hơn!


    "Hình như khó có ai rủ rê tôi
    làm những việc không cần thiết cho
    cuộc sống quá ngắn ngủi này" - Ảnh: T.T.D.

    * Cô Bạch Tuyết có thể cho biết cô có bí quyết nào để tập trung làm được nhiều việc đến thế không trong khi cuộc sống của người nghệ sĩ vốn có nhiều người vây quanh để rủ rê vui chơi, tụ tập? Cảm ơn cô. (Tâm Khanh)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi là người rất hay lan man nhưng lan man để học chứ không phải để chơi. Chơi đối với tôi cũng là học, cho nên không rủ rê người thì thôi. Hình như khó có ai rủ rê tôi làm những việc không cần thiết cho cuộc sống quá ngắn ngủi này.

    * Thưa nghệ sĩ Bạch Tuyết, người diễn viên được khán giả yêu mến, nổi tiếng là nhờ vào vở diễn và vai diễn, còn tác giả của vở diễn thì không ai biết. Được biết, nghệ sĩ hiện cũng đã chuyển qua viết kịch bản, cô có thấy khó khăn gì không? Tác giả Bạch Tuyết có áp lực không với NSƯT Bạch Tuyết? (Nhung Huyền, 24 tuổi, huyennhung856@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi làm vì việc cần làm và thích làm. Không có gì khác trong sáng tạo nghệ thuật giữa người diễn và người viết trong tôi. Có điều, diễn thì phơi ra ngoài và viết thì rút vào trong. Biết đâu chừng nhờ quy luật ngược đời đó mà tôi khá hơn.

    * Có lúc nào nghệ sĩ muốn được như những người phụ nữ khác - được gặp và chăm sóc chồng con hàng ngày? Hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ được và mất những gì? (K.Thiệm, 27 tuổi, thiem4@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi làm đều và trật đều. Nhờ vậy mà được chồng con cưng bởi thấy tội nghiệp.

    * Xin chào chị Bạch Tuyết! Em là người vô cùng ái mộ chị. Em chỉ muốn nói ngắn gọn 1 điều là rất mong chị hát lại tuồng Đời Cô Lựu (hát ở rạp) cùng với tất cả các nghệ sĩ trước đây. Rất cám ơn chị và chúc sức khỏe chị cùng gia đình. Kính chào. (Nguyễn Anh Dũng, 35 tuổi, nguoikhonkho@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi cũng thích và mê như vậy nhưng mà bản chất cuộc sống vốn thay đổi thường xuyên nên cái muốn chủ quan khi chưa đủ duyên phải chờ.

    * Kính chào Cô Bạch Tuyết. Cháu năm nay 31 tuổi, từ nhỏ đã mê thích cải lương nhưng vì hoàn cảnh nên không có điều kiện theo học cải lương, bây giờ cháu muốn theo học cải lương thì học ở đâu và tiền học phí bao nhiêu? Hơn nữa với tuổi đời như cháu thì có thể theo học được không, và có thể đi theo nghề này được không? Cảm ơn cô. Chúc cô luôn khỏe và giọng ca luôn mượt mà trong sáng như ngày nào. (Đăng Khoa, 31 tuổi, tranbaclg@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Có câu: "Thầy già con hát trẻ", em thích cải lương hãy cứ học để thỏa mãn điều mình thích. Theo cô, đó là hạnh phúc. Nhưng để trở thành nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp thì có lẽ hơi trễ đối với em.

    * Thưa cô, nghệ thuật cải lương có chọn người hát hay không? (nguyễn văn yên, 25 tuổi, runuavangtrang@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Cuộc sống vẫn diễn biến hằng ngày như tự nó, không ai có thể biết trước một tiếng đồng hồ trước sau sẽ xảy ra chuyện gì. Nếu thật sự như vậy thì em nghĩ rằng ai chọn ai?

    * Cháu xin kính chào cô Bạch Tuyết, cháu là một thính giả rất mộ điệu sân khấu cải lương và rất mê hát cải lương, cháu rất muốn được đi theo nghiệp này nhưng vì hoàn cảnh gia đình túng thiếu nên không thể nuôi cháu học tiếp được, hiện nay cháu đang đi làm thuê ở TP.HCM nhưng vẫn nuôi trong lòng hoài bão đó, cháu muốn tìm một người thầy để dạy cho cháu về cải lương và cháu sẽ học sau những buổi đi làm về, nếu được như thế cháu rất mừng và rất hạnh phúc. Nếu cô giúp cho cháu được điều gì về vấn đề này cháu xin chân thành cảm ơn cô. (Nguyễn Phương Sinh, 18 tuổi, nguyenphuongsinh@, Quận 7, TP.HCM)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Nhà hát Trần Hữu Trang, Trường CĐNT sân khấu TP, các lò dạy cổ nhạc của các nhạc sĩ, cuộc thi tuyển hàng tuần của đài phát thanh đều là những địa chỉ tốt cần biết cho em cũng như các bạn trẻ. Hãy tự tin!


    NSƯT Bạch Tuyết: "Tôi làm việc và thưởng thức
    cuộc sống mỗi giây phút đời người" - Ảnh: T.T.D.

    * Cô Bạch Tuyết ơi! Nhìn lại quãng đời hơn 60 năm của mình, điều gì cho đến giờ khiến cô hài lòng nhất? Cô còn tổ chức buổi nói chuyện nào tại NVH Phụ nữ nữa không? (A lìn, 19 tuổi, maiyeu2046@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi ít quan tâm đến tuổi tác của mình. Hôm qua xong rồi, ngày mai chưa tới. Tôi làm việc và thưởng thức cuộc sống mỗi giây phút đời người. Nói chuyện ở Nhà văn hóa Phụ nữ hay ở bất cứ nơi nào nếu có người mời và tôi thích!

    * Cháu muốn hỏi cô là lịch phát sóng các buổi nói chuyện của cô ở trên đài truyền hình Bình Dương không biết có còn tổ chức nữa hay không? (A lìn, 19 tuổi, maiyeu2046@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Mỗi tháng có một kỳ, nhưng giờ phát thì phải hỏi đài mới chính xác!

    * Thưa cô, khi nói đến sức sống của cải lương trong đời sống hiện đại hôm nay thì cô có những suy nghĩ và mong muốn gì ạ? (Phương Thảo - Hà Nội, 24 tuổi, tiengnoithudo@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Dân tộc VN còn là chèo, tuồng, cải lương còn bởi vì cái đó là của mình, không ai giành giật được. VN đang thời kỳ sung mãn của một quốc gia tương đối về một số lĩnh vực. Cải lương là một trong đại biểu xứng đáng của văn hóa Việt. Chỉ cần mọi người hết lòng vậy là mọi việc sẽ tốt.

    * Để đạt được danh hiệu "Cải lương Chi bảo" là điều không dễ dàng. Vậy, cô đã và đang dẫn dắt thế hệ sau đi trên con đường nghệ thuật khá thuận lợi so với cô ngày trước, liệu không biết có những gương mặt nào xứng đáng nhất để có thể lọt vào "tầm ngắm" danh hiệu như cô không? (Trân Nguyễn, 33 tuổi, ntbtran@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Trong nghệ thuật của mọi cá nhân cũng giống như trong các thương hiệu kinh tế mà chúng ta đã thấy quảng bá hiện nay, mỗi thứ một thương hiệu và nó tồn tại như chính nó. Đừng lo, bởi sự chăm chút quan tâm của những người hôm nay, chúng ta dứt khoát sẽ có nhiều danh hiệu đẹp hơn, quý hơn cho cải lương trong tương lai.

    * Có bao giờ cô nghĩ những lời thoại trong các vở cải lương hiện đại quá "cải lương" so với đời thực? Nếu là ngoài đời, ở tình huống ấy thì không ai lại đi nói như vậy? (Trân Nguyễn, 33 tuổi, ntbtran@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Hoàn toàn đồng ý với bạn! Nhưng ngôn ngữ lạc hậu hoặc nghèo nàn khiến cho bạn và nhiều người khó chịu đó lỗi không thuộc về cải lương mà do người viết quá nhiệt tình nhưng thiếu chuyên môn và thiếu vốn sống cần thiết.

    * Trong sự nghiệp ca hát của cô, bên cạnh những thành công, yêu mến của khán giả thì điều gì làm cô sợ nhất và điều gì làm cô cảm thấy khó khăn nhất trong nghiệp diễn? (Nghiêm, 25 tuổi, dohuunghiem@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi không sợ và không cảm thấy khó bởi vì khi nào sợ tôi quyết tâm đi đến cùng để tự hỏi tại sao mình sợ và giải quyết nó. Khi khó, tôi xông vô bằng toàn khả năng mình với bè bạn thế là hết khó.


    NSƯT Bạch Tuyết: "Một số những vở diễn
    trên tivi thực chất không phải cải lương mặc dù
    được giới thiệu là cải lương" - Ảnh: T.T.D.

    * Tôi là một trong những người rất mê bộ môn nghệ thuật cải lương, nhưng trong nhiều năm trở lại đây, mỗi khi bật Tivi mà có cải lương là tôi chuyển sang kênh khác liền. Bởi vì không thể xem nổi cũng như không đủ kiên nhẫn để xem, lý do duy nhất đó là "quá tệ", không thấy nghệ thuật đâu nữa cả. Trong khi nếu mở cassette nghe lại các tuồng ngày xưa trước năm 1975 thì không những cả nhà mà cả hàng xóm cũng đến nghe!

    Vậy theo chị, sự khác biệt quá lớn này bắt nguồn từ đâu? Phải chăng do thế hệ nghệ sĩ mới sau này (đã qua trường lớp hẳn hoi!) không đủ sức để làm một cuộc cách mạng để trả lại những gì mà cải lương đã đánh mất? Hay đổ lỗi do không có kịch bản hay? Nhiều tuồng tích cũ đã được dàn dựng lại rồi, nhưng đâu cũng vào đấy! Chỉ có thế hệ nghệ sĩ như chị trở lên mới có khả năng làm được đại sự đó!

    Nhưng còn bao nhiêu người có tâm huyết như chị? Và sẽ ra sao khi nay mai tất cả sẽ về hưu! Khoảng trống này lấy ai để bù đắp vào được? Tôi không bi quan, nhưng thật sự không dám lạc quan cho nền cải lương nước nhà được! Mong được nghe những lời tâm sự của chị về vấn đề này! Rất cám ơn! (Một người rất mê tiếng hát của chị khi còn rất nhỏ - trước 1975) (Đức Huy, 42 tuổi, huyducit@)



    NSƯT Bạch Tuyết

    Trong năm 2006, vượt khỏi thực trạng không sáng sủa của cải lương, bằng tài năng và suy nghĩ rất hiện đại, NSƯT Bạch Tuyết đã đem lại cho cải lương một lực đẩy cực mạnh với live show “Đêm Bạch Tuyết - tự tình quê hương”.

    Chương trình của chị đã tạo nên hiện tượng “cải lương sốt vé” với giá vé ngang bằng giá vé live show của các ngôi sao ca nhạc thời thượng, giá trị của bộ môn nghệ thuật cải lương được đánh động trong xã hội, tạo một dấu ấn đẹp của mảng văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiphop, rap, dance… đang dễ dàng xâm lấn giới trẻ.

    Cùng với “Tự tình quê hương”, trong năm 2006 nghệ sĩ Bạch Tuyết còn có nhiều hoạt động đáng ghi nhận như trình diễn cải lương tại Festival Huế 2006, vinh danh cải lương trước công chúng trong nước và quốc tế; giảng dạy lớp tập huấn cải lương cho các nghệ sĩ trẻ; dàn dựng vở Trần Nhân Tông - thiền ca Yên Tử…

    Với tư cách giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát triển văn hóa - văn hóa dân tộc của Đại học Bình Dương, chị đã tổ chức nhiều chương trình sân khấu có giá trị về nghệ thuật dân tộc. Hằng tháng, trung tâm này kết hợp cùng Đài truyền hình Bình Dương thực hiện chương trình “Chân dung đối thoại” với mục đích phổ biến, đề cao văn hóa nghệ thuật dân tộc.

    Luôn đau đáu với sự nghiệp phát triển cải lương, chị ôm ấp kế hoạch xây dựng những “trường ca cải lương” và âm thầm bắt tay vào viết những trường ca chuyển thể từ tác phẩm Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều, Bút quan hoài - Á Nam Trần Tuấn Khải… Hiện tác phẩm chuyển thể Kinh Pháp Cú thành trường ca cải lương của chị với nhiều bài bản dễ nhớ, dễ hát, dễ thuộc đã được tái bản nhiều lần qua hình thức VCD, được khán giả đón nhận và khen ngợi…

    Hơn 60 tuổi nhưng vẫn luôn giữ vị trí tiên phong, vẫn luôn được công chúng tin tưởng và chờ đợi những sáng tạo mới mẻ, nghệ sĩ Bạch Tuyết là một trong số ít nghệ sĩ sở hữu một tinh thần cầu tiến, học hỏi không ngừng và một nghị lực lẫn sức lao động đáng khâm phục...
    - NSƯT Bạch Tuyết: Một số những vở diễn trên tivi thực chất không phải cải lương mặc dù được giới thiệu là cải lương. Thứ nhất, bài bản âm nhạc cải lương không được sử dụng đúng chỗ, đúng nơi, đúng tình huống. Thứ hai, sự cách biệt quá lớn, quá khác giữa dàn dựng, diễn xuất, cảnh trí cho sân khấu và phim trường. Hiện nay ở VN chúng ta chưa có trường đào tạo dạng chuyên viên này. Thứ ba, diễn viên được chọn không hợp với tính cách nhân vật. Thứ tư, tập vội vàng, bị động bởi nhiều khâu nên đa số làm đại, làm cho xong. Khuôn mặt diễn viên một đường, ngôn ngữ và nội tâm diễn viên một ngã, lấy đâu cái thần để gửi đến cho công chúng.

    Còn rất nhiều những nguyên nhân khách quan khiến cho cải lương không thể là cải lương thực chất như đúng tên gọi của nó. Ở đó, còn có cách làm việc cảm tính của một bộ phận quản lý. Vậy thì, tất cả chúng ta nên suy nghĩ và có những giải pháp thiết thực hơn, hợp lý hơn để chắp cánh cho người sáng tạo cũng như người thưởng ngoạn.

    * Trong chương trình "Hội ngộ tài năng - Kim Vân Kiều", danh sách nghệ sĩ sao lại không có "Cải lương chi bảo" NSƯT Bạch Tuyết ạ? Xin Cô vui lòng cho người hâm mộ biết. Nếu quả thực thì đây là một điều rất rất tiếc cho khán giả mộ điệu Cải lương! Xin cảm ơn NSƯT. (Nguyễn Hữu Hiếu, 30 tuổi, nhhieubk@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi không được mời!

    * Liệu thời gian tới cải lương có được sống động như ngày nào không? (Nguyễn Việt Cường, 53 tuổi, nvcuong-bhxh@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Chưa lúc nào cải lương sống động như bây giờ kể cả trong và ngoài nước. Xưa chỉ có một đài truyền hình có cải lương ngày thứ bảy (nhưng cải lương có thương hiệu). Nay có nhiều đài truyền hình và cải lương đã ít được chăm chút như thực chất cải lương vốn có. Theo bạn thì nên như thế nào?

    * Cô Bạch Tuyết không những hát rất hay mà diễn rất thần, đặc biệt trong các tuồng mà tôi đã xem như Đời Cô Lựu, Sở Vân Cưới vợ, Nguyệt Khuyết, Nửa đời hương phấn... nhưng điều mà tôi thấy cảm phục ở cô là cô đã vượt qua được khiếm khuyết của mình, làn hơi ngắn, để đạt được như ngày hôm nay. Cô Bạch Tuyết có thể tiết lộ kinh nghiệm của cô để khắc phục cái nhược điểm này không? (Hữu Phước, 28 tuổi, folami@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Trong các trường sân khấu chuyên nghiệp trên thế giới ở mọi khóa học, người ta có khả năng biến những nhược điểm của diễn viên trở thành ưu điểm. Bởi vì, tính quy luật và tính chuyên nghiệp của nghệ thuật sân khấu từ ânm nhạc, văn học, dàn dựng, âm thanh, ánh sáng, diễn xuất đều theo cấu trúc mở của âm dương tương sinh, tương hợp, tương tác.

    * Thưa nghệ sĩ Bạch Tuyết, nghệ sĩ có nghĩ rằng Cải lương hiện nay ít được đón nhận là một phần do đài truyền hình, đặc biệt là Đài truyền hình TP.HCM, phát chương trình của các vở cải lương không nằm trong "giờ vàng"? Với tư cách một người muốn vực dậy nền sân khấu truyền thống, nghệ sĩ đã có những góp ý thẳng thắn với nhà đài chưa? (Trần Văn Đại Lợi, 32 tuổi, ddailoi@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Một vở cải lương nếu thật sự hay, thật sự giá trị mang đến hơi thở cần thiết cho thời đại thì phát giờ nào khán giả cũng đón xem. Tuy nhiên, trong 12 điều kiện phát triển đất nước thời sau WTO, văn hóa đứng hàng thứ 11. Trong chiến tranh, thế giới gọi chúng ta là lương tâm của thời đại. Hiện nay trong thời bình, nếu không bắt đầu mọi việc, mọi thứ từ văn hóa thì chúng ta có cơ may là những người đi buôn đi bán. Góp ý với nhà đài, theo tôi phải là những đơn vị quản lý trực tiếp.

    * Thưa nghệ sĩ Bạch Tuyết, muốn làm nghệ sĩ thì đòi hỏi yếu tố nào quan trọng nhất? (Nguyễn Nhật Huy, 25 tuổi, nguyennhathuy_kh@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Trước hết phải có năng khiếu về ca và diễn nếu muốn đi vào loại hình ca kịch, và có năng khiếu diễn nếu có ý định vào các lĩnh vực khác như kịch điện ảnh... Tuy nhiên, sự đam mê và lòng kiên trì cũng không thể thiếu. Có những yếu tố kể trên là bắt buộc, nhưng chưa đủ. Tri thức, tâm hồn, sự quan tâm đến xã hội, đến những lớp người chưa có điều kiện sống tốt, những người bất hạnh chung quanh mình là một trong những yếu tố thuộc con người và trách nhiệm trước khi là nghệ sĩ.

    * Em rất thích hát cải lương, cô có bí quyết nào để hát hay không? (Thao, 31 tuổi, thao_phuongnt@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Yêu đời, yêu người!

    * Thưa nghệ sĩ Bạch Tuyết, con và mẹ con rất hâm mộ nghệ sĩ. Nghệ sĩ có một nét diễn rất rất là riêng Bạch Tuyết, cô có thể cho con biết cô có bí quyết gì? (Lê Ngọc Chiến, 22 tuổi tuổi, hophi_nhatlan@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Cha mẹ sinh như thế nào, nuôi nấng dạy dỗ ra sao thì tôi hiện diện trong đời như thế. Mọi thứ đối với tôi hồn nhiên đơn giản và quen thuộc như hơi thở.

    * Tôi rất ấn tượng giọng hát nhẹ nhàng của chị qua các vai Hàn ni trong Mùa thu lá bay, vai Diệu trong Nửa đời hương phấn...Chị có thể cho biết duyên cớ chị hát Tân nhạc qua các bài rất ấn tượng như Tình đời (hát với Duy khánh), bài Xin hãy quên tôi... Xin cám ơn ! (quanlong, 32 tuổi, quanlong2010@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi bắt đầu học nhạc và hát nhạc khi còn ngồi ở nhà trường. Điều này rất hữu ích cho tôi khi hát âm nhạc cải lương.


    "Vì không đến, không đi nên cải lương
    lúc nào cũng có trong lòng" - Ảnh: T.T.D.

    * Cháu là người miền Tây nên rất thích xem cải lương, nhất là những cải lương tuồng cổ. Cháu đã xem rất nhiều vở diễn của cô và rất thích, nhưng có một thời gian cháu không thấy cô diễn trên sân khấu, cháu muốn hỏi khi đó cô đã làm gì và cô có nhớ sân khấu không? Cô trở lại sân khấu trong mấy năm nay có phải do cô nhớ sân khấu của mình? (Thanh Vân, 25 tuổi, vannht@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi chưa bao giờ rời sân khấu. Lúc thì đứng giữa, lúc thì phía trước, lúc thì phía sau. Tôi làm mọi việc vì thích làm cho cải lương. Vì không đến, không đi nên cải lương lúc nào cũng có trong lòng.

    * Bạch Tuyết năm nay bao nhiêu tuổi? Mấy đứa con? Ông xã là ai hiện nay? (phú Cường, 44 tuổi, tranphucuong1963@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi sinh năm 1945. Ông xã tên Nguyễn Văn Đức, có 2 bằng tiến sĩ kinh tế và Luật học ở Pháp và Hòa Lan. Có một con trai.

    * 1. Em đã thấy cô diễn xuất một mình rất nội tâm, làm sao cô có thể diễn xuất thần đến như vậy. Em xem rất cảm động. 2. Trong đời nghệ sĩ của mình, điều cô tâm đắc nhất là gì ạ? (Thảo, 23 tuổi, heaven12989@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi hay dễ xúc động rơi nước mắt trước những cảnh huống của đời và luôn thấy mình bất lực, không giúp được cho ai. Điều đó khiến tôi chưa bao giờ vui trọn vẹn, lúc nào cũng cảm thấy hình như còn một cái gì đó phải làm dù một địa chỉ không quen. Có khi vì như vậy mà nỗi buồn, sự ưu tư, nét bâng khuâng luôn theo đuổi tôi vào nhân vật.


    NSƯT Bạch Tuyết: "Người đi vào thiền tông
    một cách đúng nhất chính là người
    đang tự sửa mình hằng ngày" - Ảnh: T.T.D.

    * Cháu biết cô đã thực hành Thiền nhiều năm, đã từng tu tập Thiền quán cùng với các thiền sư VN tại trung tâm thiền nước ngoài, đã rất thành công trong tu Thiền và trong sự nghiệp văn nghệ - văn hóa của mình. Cháu đang tu thiền nhưng không biết làm sao kết hợp được với công tác hiện nay - vì càng tu cháu càng không muốn tham gia tích cực trong công tác, không muốn chê trách, phê bình ai cả - mà như thế thì không đúng với tinh thần chiến đấu của một Đảng viên Đảng CSVN. Vậy cháu phải tu tập và có thái độ công tác như thế nào đây? Kính mong cô chỉ bảo giúp cháu - vì cháu muốn được như cô - hài hoà trong đời sống tâm linh và công tác xã hội. (An Văn Quý, 32 tuổi, anvanquy@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Thiền không phải tu mà thiền cũng là tu và tu có nghĩa là sửa. Giống như Cột nhà hư thay cái mới, nóc nhà dột lợp lại mới vậy. Cho nên, người đi vào thiền tông một cách đúng nhất chính là người đang tự sửa mình hằng ngày và lúc nào cũng thấy người tốt hơn mình. Thích giúp người chăm sóc cho người hơn là nhìn thấy lỗi của người bởi vì mỗi con người đều mang tính thiện từ thuở sơ sinh nên mỗi khi làm sai phải đối mặt với lương tâm mới là nỗi khổ không ai có thể chia sẻ được. Cho nên, nếu thực hành thiền nên tập sống, nghĩ, làm và quan sát những điều tốt đẹp chung quanh mình. Hãy để bóng tối của người cho tự mỗi người quyết định.

    * Con có dự án phối hợp du lịch và dạy cho khách nước ngoài hát Cải lương và Đờn ca Tài tử. Xin Cô cho biết những gì cần làm ngay để có thể triển khai dự án này? (Nguyễn Thanh Trung, 32 tuổi, ngthtrungmei@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Khi người Tây đô hộ nước mình, muốn phổ biến văn hóa Tây, họ đã xây nhà hát Tây mà cho đến bây giờ trăm năm sau nước nhà độc lập thống nhất, ta vẫn chưa có một nhà hát nào bề thế hơn nhà hát Tây. Người xưa dạy: món ăn ngon chỗ ngồi trang nhã, không khí trong lành, người biết thưởng thức. Chúng ta hiện nay có món ăn ngon, món ăn quý vậy thì dọn ở đâu, cách dọn, người dọn, cách tiếp thị... Chừng nào chúng ta có nhà hát dành cho nghệ thuật sân khấu dân tộc đẹp hơn, hiện đại hơn, lớn hơn nhà hát Tây thì chúng ta không cần nói bảo tồn văn hóa, văn hóa vẫn cứ đường hoàng, bề thế đi vào cửa lớn của dòng sống dân tộc cũng như trên thế giới.

    * Thưa nghệ sĩ Bạch Tuyết, cùng với sự phát triển của xã hội các loại hình nghệ thuật có sự điều chỉnh thích nghi. Vậy theo nghệ sĩ, quan điểm này trong cải lương như thế nào? (danghao, 32 tuổi, danghaovtta@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Cách đây 10 năm, tôi chọn đề tài tiến sĩ là "Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á với điều kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả thế kỷ 21". Tôi về nước đã được 10 năm chưa thấy có ai hỏi, bạn là người duy nhất nói với tôi về sự thích nghi của nghệ thuật cải lương. Thật may, nội dung của cải lương, bản chất của cải lương khi ra đời là đổi mới để thích nghi. Nó sẽ không thể khác cho dù trong cuộc sống dường như đôi khi ta cảm thấy như nó bị bỏ rơi. Nhưng tự thân cải lương có khả năng tự chữa bệnh, tự hồi phục bởi tính âm nhạc, ngôn ngữ Việt vừa phong phú vừa giàu có luôn hiện diện trong nội tạng của cải lương.

    * Chào Cô! Cháu là 1 thanh niên thế hệ trẻ xuất thân từ Nam bộ, lớn lên trong tiếng hò câu hát của miền quê. Giờ đây, trên con đường lập nghiệp của mình, cháu cũng có được những thành công nhất định. Cháu có một phòng trà sang trọng và hiện đại tại Bến Lức, Long An. Cháu muốn làm một cái gì đó cho nghệ thuật cải lương nhưng thật khó vì không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhờ cô hướng dẫn giúp. Chúc cô luôn khỏe! (Phạm Văn An, 27 tuổi, anpham1932@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Kêu gọi mọi người, mỗi người VN đóng góp 10 ngàn đồng để xây dựng 1 nhà hát hiện đại nhất, lớn nhất, đẹp nhất mang dấu ấn kiến trúc Việt dành cho nghệ thuật sân khấu dân tộc. Tôi nói bằng cả trách nhiệm của mình. Ngày nay, trên truyền hình thế giới mọi người biết gì về nước Úc nếu không bằng hình ảnh gợi cảm đầy ấn tượng của nhà hát con sò.

    * Sự nghiệp và gia đình cái nào là quan trọng nhất trong cuộc sống của chị trước đây và hiện nay? Kinh ngiệm quí báu nhất mà chị có thể khuyên lớp trẻ hiện nay để thành đạt trong sự nghiệp mà vẫn có một gia đình bền vững? (Nguyễn Văn Việt, 38 tuổi, vietck15@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Cả hai, nhưng nếu xếp hàng thì tôi chọn gia đình. Đó là cái gốc để cho ngọn cây sự nghiệp phát triển một cách không tật nguyền. Tôi ví dụ người ta mời bạn đi hát, đi nói chuyện hoạt động, chuyến đi bao lâu dài đến mấy rốt cuộc bạn cũng cần một chỗ để về nghỉ, để hồi phục, để chăm sóc và được chăm sóc những người thân yêu nhất của đời mình. Sự nghiệp không thể không có nhưng gia đình mới là chỗ đến đi của một đời người có mở đầu và một kết thúc tốt có hậu.

    * Thưa cô Bạch Tuyết, trong một duyên may tình cờ em được nghe các bài cải lương về Sư tổ Trúc Lâm, Kinh Pháp Cú và Phật giáo với dân tộc do cô trình bày. Em rất thích và từ đó trở nên say mê vọng cổ, nhất là qua giọng hát truyền cảm của cô. Em ước mong cô sẽ tiếp tục nghiên cứu và chuyển thể cải lương thêm nữa các bài giảng về Phật giáo và Thiền. Em hy vọng cô sẽ tiếp tục phổ cải lương các phần sau của bài Cư Trần Lạc Đạo Phú, Đắc thú Lâm Tuyền cảnh đạo ca. Em xin thân chào cô và chúc cô ngày càng thăng tiến trên con đường nghệ thuật và thiền. (Ngoc Phuong, 48 tuổi, phuong.nguyen@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Cám ơn Ngọc Phương! Tôi vẫn đang làm những việc tôi yêu, tôi thích của cải lương và đạo Phật. Thật may mắn khi thấy cái yêu thích của cá nhân mình được nhiều người đồng cảm. Tôi nghĩ mình sẽ cố gắng không phụ lòng mọi người.

    * Chào cô Bạch Tuyết! Thưa cô, cô nghĩ gì về "triết học"? Triết học ảnh hưởng thế nào đến ca cổ cải lương Việt Nam? (NGUYỄN THANH NHÀN, 34 tuổi, nhan_883232@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Với một vở tuồng được gọi là cải lương kinh điển, bản thân nó dung chứa một nền tảng triết học từ nội dung. Thiếu đường dây triết học xuyên suốt nó chỉ là cái mà chúng ta thường nói: tuồng này thật ra là để thương vay khóc mướn. Nó không phải cải lương như mọi người mong muốn.

    * Cô Bạch Tuyết ơi , cháu được biết cô đã làm rất nhiều việc từ thiện. Cháu rất khâm phục cô. (Điệp, 22 tuổi, muatren_daiduong@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi làm điều thiện là để cho mình, tự làm mới mình, tự làm tốt mình tốt hơn ngày hôm qua. Tôi yêu những con người tự đứng lên vượt qua số phận của mình, họ mới đáng khâm phục.

    * Tôi được biết có một băng cassette kể lại các tích cũng như kinh kệ thuyết giáo của nhà Phật, nhưng được diễn đạt bằng làn điệu nhạc tài tử, nghe rất hay và rất có ý nghĩa về giáo huấn. Có phải đó là sản phẩm trí tuệ mà chị đã tham gia? Tìm mua những băng đĩa đó ở đâu? (Nguyễn Lê Long, 43 tuổi, elongnguyen@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi làm vì thích, yêu cần cho mình và thực hiện xong mang đem tặng, khi cho bạn, lúc cho nhà chùa nên đang chưa biết sẽ chỉ cho bạn chỗ nào để mua. Hình như ở chùa Hoằng Pháp - Hóc Môn có sẵn bản VCD Lời Phật dạy mà tôi đã chuyển thể từ đại tạng kinh của đức Phật cách đây hơn 2.000 năm. Bản này nghe nói hiện đang nằm trong bảo tàng VHPG thế giới.


    "Tôi hạnh phúc bởi vì tôi luôn "biết đủ"" - Ảnh: T.T.D.

    * Chị thành đạt như vậy, chị có thật sự vui và hạnh phúc lắm không? Nếu trở về tuổi hai mươi, chị có sống như đã từng sống không? Chúc chị thành đạt trong mọi lĩnh vực cuộc sống! (Thu, 48 tuổi, thungoc3137@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi hạnh phúc bởi vì tôi luôn "biết đủ". Tất cả những gì thuộc về đời riêng tôi không có yêu cầu cao. Nếu trở về tuổi 20 thì tôi cũng sống, cũng yêu, cũng lầm lỗi, cũng tha thứ, cũng được cảm thông. Tóm lại không có gì khác nhưng chắc sẽ khác vì rút kinh nghiệm kiếp này để có thể bớt dại khờ lầm lỗi hơn.

    * Xin hỏi cô Bạch Tuyết, theo cô thế hệ cải lương bây giờ có phải chăng vẫn có tư tưởng hát theo thị trường, không đơn thuần là niềm đam mê như thế hệ của cô. Mẹ của con cũng là một nghệ sĩ cải lương cùng thế hệ với cô, nên con cảm nhận được điều đó rất nhiều (Chien Chinh, 27 tuổi, chinhnc@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Thế hệ nào cũng có người này người khác. Vấn đề là ít hay nhiều. Hát theo thị trường, không đơn thuần là niềm đam mê thì đúng là hơi nhiều hiện nay nhưng không từ mỗi cá nhân. Có nhiều lý do, nhiều nguyên nhân khiến cho người làm nghề không yên tâm và nếu thiếu bản lĩnh ở mọi lĩnh vực đời sống chứ không phải chỉ riêng cải lương. Con người dễ buông lơi quên lãng mục đích vào đời.

    * Chào cô Bạch Tuyết, mẹ của con mê cải lương của cô lắm, đặc biệt là vở Kim Vân Kiều và Đời Cô Lựu, Nửa Đời Hương Phấn. Con muốn tặng mẹ con bộ DVD do chính cô cùng các nghệ sĩ ngày xưa diễn, nhưng con tìm không ra. Con không biết cô có phát hành đĩa gốc các vở diễn đó không? (Lê Thanh Minh Thuy, 31 tuổi, minhthuywl@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Kim Vân Kiều, Đời Cô Lựu, Nửa đời hương phấn do các nghệ sĩ thế hệ vàng biểu diễn thì có thể nhờ người mua ở Mỹ, Cali...

    * Là một người nghệ sĩ của dòng nghệ thuật truyền thống, cô thấy sao khi chính cái mình tâm huyết cả đời đang bị mai một đi? (H.Mạnh, 29 tuổi, quanghungmanh@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi không nghĩ như thế. Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin toàn cầu. Một trang blog của một người bình thường nói lên tâm trạng của mình được cả thế giới lắng nghe huống chi một tác phẩm nghệ thuật thuộc nền văn hóa từng sáng chói của một dân tộc mà bị mai một.

    * Chào cô Bạch Tuyết. Cô nghĩ thế nào về việc hiện nay các ca sĩ hát tân nhạc thường có xu hướng hát các bài hát "tân cổ giao duyên" để làm mới cho phong cách của mình? Đứng góc độ nghệ sĩ gạo cội trong làng ca nhạc cải lương, cô bình luận gì về trào lưu này? Lê Công Hảo (Hảo, 26 tuổi, nicemandh@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Theo tôi, không chỉ là mới mà các vị đang thực hiện điều khán giả mong mỏi. Theo tôi được biết, những chương trình nghệ thuật lớn mang giá trị văn hóa không thể thiếu những trích đoạn mang giá trị kinh điển cải lương. Trường hợp chưa làm được đúng mức là người tổ chức thay vào đó bằng những làn điệu dân ca mang hơi hướng âm nhạc cải lương hiện đại để thỏa mãn yêu cầu của khán giả trong và ngoài nước.

    * Cô Bạch Tuyết ơi! Tâm đắc nhất trong nghề của cô là điều gì vậy? (Lê Đình Lam, 30 tuổi, dinhlamcom@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Được hát, được sống, được có mặt trong đời. Tôi muốn gửi lời cảm ơn ông bà, cha mẹ, cảm ơn tổ quốc.

    * Chị quan niệm thế nào về một người phụ nữ hiện đại? (Hồng Liên, 25 tuổi, thongoc_25_12@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Những gì một người phụ nữ VN hiện đại cần thì chắc cũng không khác nhiều với chức năng của người phụ nữ trên thế giới. Đó là: nữ tính, tri thức, tấm lòng, sự kiên trì trong vai trò của thành viên thứ 2 không thể thiếu trong gia đình.

    * Theo tôi, chị nên mở rộng các buổi nói chuyện chuyên đề sân khấu cải lương kèm theo minh họa bởi các tên tuổi lớn của sân khấu cải lương trong các Trường ĐH. Cách đây 17 năm, tôi có tham dự buổi toạ đàm của chị tại hội trường ĐHSP và từ đó tôi bắt đầu hiểu và thấm nhuần giá trị thực của bộ môn nghệ thuật nầy. (Nhân, 38 tuổi, thanhnhannt@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Cảm ơn bạn! Tôi vẫn đang làm với khả năng hạn hẹp của mình đóng góp vào gia tài quý báu của nghệ thuật cải lương dân tộc như là một sự biết ơn đối với công lao, tâm huyết của người đi trước và trách nhiệm với thế hệ sau mình.

    * Điều gì đã cho cô nghị lực và niềm tin vững chắc như vậy để vượt qua mọi chuyện khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống? (khang, 17 tuổi, khang712000@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Ít nghĩ tới mình, ít có nhu cầu cho riêng mình. Quan tâm chia sẻ tới những người không được hoàn thiện chung quanh mình từ thể chất đến tinh thần, từ vật chất đến phương tiện.

    * Xin cho biết vì sao cô được đặt tên là Cải lương chi bảo? (quynhdt, 45 tuổi, ngandtk.@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tác giả Hoa Phượng cùng với các chú bác làm văn hóa kịch trường trước 75 đặt cho tôi. Ngày đó tôi chưa hiểu, bây giờ cũng chưa hiểu, nhưng tôi biết rằng thông qua đó các vị đặt niềm tin ở một nghệ sĩ trẻ về nghề, về tấm lòng và trách nhiệm đối với cuộc sống. Ý nghĩa của bốn từ Cải lương chi bảo như báo Tuổi Trẻ đã diễn dịch là một báu vật của cải lương.

    * Lời đầu tiên cho tôi gởi đến cô lời chúc sức khỏe và hạnh phúc, xin nghệ sĩ cho biết cô có ý định tái diển vở cải lương Kim Vân Kiều không ạ? (TUYẾT MAI, 32 tuổi, dieptuyetmai75@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Kim Vân Kiều là đĩa VCD đầu tiên của cải lương VN được thực hiện để tốt nghiệp đạo diễn tại Viện Hàn Lâm sân khấu và phim ảnh Sophia-Bulgaria cách đây trên dưới 20 năm với những tên tuổi vàng của cải lương một thời. Dẫu có muốn tái diễn trên sân khấu cũng không thể giữ được chất lượng như nó đã có.


    "Cải lương đang được yêu mến trên toàn quốc
    cũng như bà con VN ở hải ngoại"- Ảnh: T.T.D.

    * Trong sâu thẳm của tất cả những người VN đều có dòng máu cải lương, điều đó chứng minh khán giả không hề quay lưng với cải lương, nhưng tại sao nền cải lương nước nhà lại tụt dốc như vậy? (Phạm Văn Dũng, 50 tuổi, lonphu@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Cải lương đang được yêu mến trên toàn quốc cũng như bà con VN ở hải ngoại. Có điều, cải lương đang bị bệnh mà chưa có đủ duyên để được thầy hay thuốc giỏi chuẩn đoán. Toàn cầu đang cúm gà, bò điên, heo lở mồm long móng, cá có mụn mủ, cải lương VN được như vậy là phước đức lắm rồi, chúng ta không nên đòi hỏi nhiều quá!

    * Cô Bạch Tuyết kính nhớ! Con đang du học tại Trung Quốc, con thấy ở đây các đài truyền hình tổ chức các cuộc thi dành cho thiếu nhi, đặc biệt là môn nghệ thuật truyền thống, các em nhỏ ca hát rất điêu luyện. Cô Bạch Tuyết ơi, cháu mong muốn nước mình cũng cố gắng đào tạo các em nhỏ như vậy, đừng để cho môn nghệ thuật truyền thống bị mai một. (Lien Hoa, 22 tuổi, tony-smith22@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Cô cũng mong như cháu mà có lẽ, nhiều người VN yêu dân tộc, yêu đất nước cũng mong thế.

    * Thưa nghệ sĩ, tôi rất thích ca cổ, tôi thường mua những cuốn bài ca để tập ca, luyến láy theo ngữ điệu, nhưng tôi chưa bao giờ đứng trước dàn nhạc để ca (vì tôi không biết được khi nào phải ngưng, bắt nhịp). Nghệ sĩ có thể chỉ sơ qua để tôi có thể nắm được nguyên tắc ráp với dàn nhạc hay là tìm đọc tài liệu nào? (Nguyễn Thắng Lợi, 23 tuổi, nguoithichcaco2002@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Bạn vui lòng đến các lò cổ nhạc của các nhạc sĩ, nơi đó bạn có thể học nhịp nhàng, bài bản, cách phát âm luyến láy do các nhạc sĩ truyền đạt.

    * Vì sao trong thời gian dài không có những tuồng cải lương mang tính nghệ thuật-văn hóa cao? Làm sao để có Đời Cô Lựu, Thuyền ra cửa biển?! (khanh, 55 tuổi, phucnguyentl@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Có nhiều nguyên nhân, riêng về tác phẩm viết cho cải lương thì một là những tác giả nổi tiếng, tài năng đã qua tuổi thanh xuân, không còn cập nhật thông tin, hơi thở thời đại, nên khi viết nội dung trở nên nghèo nàn, cũ kỹ, dù bài bản cải lương vẫn được đặt đúng chỗ.

    Thứ hai, các soạn giả trẻ có tâm huyết, có thông tin, trực tiếp thở hơi thở thời đại nhưng lại thiếu kinh nghiệm, không rành bài bản... Cả hai nguyên nhân nội tại đó đều đã góp phần làm cho vở cải lương trở nên khô khan, nhạt nhẽo, sáo mòn.

    * Cô Bạch Tuyết kính mến! Có một Trưởng đoàn Cải lương ở một tỉnh phát biểu là: Cải lương sẽ tàn lụi. Cháu không là người hoạt động trong lĩnh vực này nên không nắm được thực hư, nhưng câu nói đó làm cháu bị sốc! Cô có thể cho cháu một nhận định đúng về thực trạng sân khấu cải lương nước ta hiện nay ra sao? (Phạm Chi Lan, 37 tuổi, chilandt@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Ai cũng có quyền phát biểu ý kiến theo nhận định chủ quan, nhưng có những ý kiến đúng với một người, có ý kiến đúng với trăm người, có ý kiến đúng với triệu người. Sự chọn lựa, lắng nghe, tiếp nhận cũng dành cho mọi người. Cải lương như thế nào, cô cũng đã trả lời trước câu hỏi này.

    * Thưa chị! Em biết chị từ lúc còn rất nhỏ, giọng hát của chị càng ngày càng điêu luyện hơn. Chị cho biết gia đình của chị có góp phần làm cho chị vun đắp nghệ thuật hay không? Chị có tâm huyết gì gửi lớp trẻ sau này để giữ mãi phong độ và nhân cách của người nghệ sĩ hay không? Chúc chị sang năm mới vui vẻ và hạnh phúc! (Tran Bao Ngoc, 40 tuổi, tdbn0606@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Nói theo một tựa đề rất dễ thương của báo chí gần đây: "Gia đình là điểm tựa". Còn tâm huyết gửi lớp trẻ, theo tôi, các bạn trẻ hôm nay đa số thông minh, nhạy bén, thông tin nhiều chiều, nhiều mặt là điều tốt, nhưng cần chú ý tới cách tiếp nhận và xử lý thông tin sao cho hữu ích, vừa cho mình, vừa cho cộng đồng xã hội.


    NSƯT Bạch Tuyết (bìa phải) trong Đêm
    Bạch Tuyết - tự tình quê hương - Ảnh: Hòa Bình

    * Các kịch bản ngày nay không thể so sánh với các kịch bản cải lương ngày xưa như Bên cầu dệt lụa, Đêm lạnh chùa hoang,...Các tác giả ngày nay lại chú trọng vào việc xã hội hóa cải lương bằng những vở tuồng mà theo cá nhân em lại càng làm cho cải lương khó gần hơn với khán giả trẻ bây giờ. Nó thiếu chất mà em tạm gọi là sự cao sang, nhã nhặn, chất hoa mỹ vốn là đòi hỏi của cải lương. Ý kiến của cô thì sao?(the anh, 19 tuổi, anhnguen_2802)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Em nghĩ đúng. Cô tin rằng nhiều khán giả cũng nghĩ như em.

    * Thưa NSƯT Bạch Tuyết, bà nghĩ sao về câu "xướng ca vô loài". Theo bà hiện nay câu nói đó có còn đúng không? Xin chúc bà mãi luôn mạnh khỏe. Xin cảm ơn. (Hồ Thị Hạnh, 45 tuổi, hanhho@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Câu này đã xuất hiện từ thời quân chủ, vua quan phong kiến, là cách nhìn của những người tự cho mình thuộc giai cấp quí tộc. Ngày nay, đất nước ta đã độc lập, giai cấp công nhân làm chủ, lâu lắm rồi tôi không còn nghe câu này.

    * Cảm ơn cô rất nhiều vì những điều cô đã làm cho nền văn hóa truyền thống của VN. Cháu là người rất thích nhạc rock và phim hành động Mỹ nhưng trong trái tim mình cháu luôn dành chỗ cho văn hóa truyền thống dân tộc và những bạn trẻ khác cũng vậy vì họ đều là người Việt mà. Chỉ tiếc rằng ngày nay có rất nhiều người lên án rằng giới trẻ quá thực dụng, quay lưng lại với văn hóa truyền thống nhưng họ chưa bao giờ tự hỏi mình đã làm gì để giới trẻ không thờ ơ với văn hóa truyền thống. Nếu văn hóa truyền thống được đặt đúng chỗ, cháu tin rằng mọi người luôn mong đợi và ủng hộ. (Nha trang, 27 tuổi, nhatrangcitynew@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Cô đã tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ có suy nghĩ như bạn trong cũng như ngoài nước, hãy thực hiện những điều mình nghĩ, hãy lắng nghe và tự tin vào chính mình, và đừng quên góp phần nhỏ nhoi của mỗi người chúng ta làm đẹp thêm văn hóa dân tộc trong cái nhìn toàn cầu.

    * NS Bạch Tuyết có nghĩ là việc VN gia nhập WTO cũng là một cơ hội cho nghệ thuật cải lương không? (Nguyen Chau Thanh Loc, 25 tuổi, chau_loc@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Thế giới là một sự liên kết toàn diện, liên tục mà không một quốc gia nào được phép đứng ngoài. Có người tưởng rằng VN gia nhập WTO thì sự phát triển về mặt kinh tế, khoa học kỹ thuật là chính, nhưng thiếu văn hóa thì mọi mặt của xã hội sẽ trở nên thô ráp, thiếu sức thuyết phục về nền tảng lâu dài. Cải lương là một trong các loại hình sân khấu dân tộc tiêu biểu của văn hóa Việt, lẽ nào trong sự phát triển chung lại không tham dự và được quyền tham dự.

    * Hồi nhỏ tôi thường mua vé hát và theo mẹ xem chị diễn cải lương. Mẹ tôi rất thích chị, tiếc rằng bà mất từ lâu. Chị vẫn còn gắn bó sân khấu và vẫn rất nồi tiếng. Chị đã phấn đấu không ngừng để trưởng thành từ một trẻ em bất hạnh để trở thành ngôi sao. Nếu nhìn lại quãng đời đã qua, chị thấy điều gì quý nhất, và kỷ niệm nào đáng trân trọng nhất trong cuộc đời chị, mà nếu không có nó chị khó thành công được như hôm nay? (tvp, 44 tuổi, citb03@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Mẹ tôi cũng mất sớm, tôi thường nghĩ tới bà và nói chuyện với bà trong đêm. Bà là chỗ dựa tinh thần tôi không thể thiếu trong từng gian nan, khó khăn hay huy hoàng, hạnh phúc trên đời.

    Tôi có thói quen xấu là khi vui thì thích rủ mọi người vui chung, còn khi buồn đóng cửa một mình, nhưng khóc xong thì lại yêu đời ngay. Tôi thích câu "Sau cơn mưa trời lại sáng", mà lại còn sáng hơn, trong hơn. Điều này đã được khoa học chứng minh.

    * Thưa chị, có nên chăng đưa cải lương vào nhà trường như một môn học ngoại khóa? Thật ra, muốn cảm được cải lương, trước hết phải hiểu nó cái đã! Tôi nghĩ cần trang bị cho giới trẻ kiến thức về cải lương, đó là cách thức trau dồi thế hệ trẻ lòng tự tôn dân tộc mà các nhà giáo dục cần quan tâm. (huudinh, 30 tuổi, phuanthanh@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Cải lương, theo lời những người có trách nhiệm, trong tương lai gần sẽ là một trong những môn học chính khóa của ĐH Bình Dương. Rất đồng cảm với bạn về những suy nghĩ rất quí báu và thực tế dành cho nghệ thuật cải lương dân tộc.

    * Việt Nam chính thức hội nhập kinh tế thế giới, điều đó có nghĩa là việc giao lưu văn hóa giữa các quốc gia sẽ trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn. Với một tuổi đời và tuổi nghề đáng để nhiều người ngưỡng mộ, cô có những kế hoạch gì để Cải lương VN trở nên quen thuộc với các quốc gia bạn? (nguyễn đình huấn, 22 tuổi, nghuan2001@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Đúng vậy. Tôi và chúng ta đã làm, đang làm một cách cẩn trọng, tâm huyết, trước nhất là cho mình, bởi vì nếu không có cái riêng đầy ấn tượng thì khó có cái chung hài hòa. Tuy nhiên, khả năng và vị trí của mỗi người bao giờ cũng nhỏ nhoi hơn, chậm chạp hơn ước muốn của chính mình.

    Gần mình nhất là Bangkok, họ có nhà hát đẹp, diễn đủ loại hình sân khấu dân tộc, thu hút khách du lịch tìm hiểu văn hóa Thái... Tôi tin rằng các nhà quản lý của mình cũng đã nghĩ đến những kế hoạch dài hơi để giới thiệu văn hóa dân tộc.

    * Cô có thể cho biết sự khác biệt căn bản giữa cải lương trước đây và hiện nay. Tại sao cải lương càng ngày càng đi xuống khi đội ngũ diễn viên được đào tạo chính quy hơn so với thế hệ đi trước? Làm thế nào để cải lương là một phần tất yếu trong việc bảo vệ các giá trị văn hóa Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung? (TS Lê Hùng Tiến, 37 tuổi, lehungtien@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Cải lương trước đây có thương hiệu, cách tổ chức khoa học, bài bản từ khâu tiếp nhận một kịch bản cho đến khi vở diễn xuất hiện trước công chúng. Gần đây chúng ta nghe từ xã hội hóa cải lương, có lẽ vì nó quá mới đối với người quản lý, cho nên con đường phát triển cải lương vẫn còn gập ghềnh, chông chênh.

    Cái được của cải lương hôm nay không nhỏ nhưng cái chưa được lại cũng rất lớn khiến nhiều người ưu tư, lo lắng cho số phận cải lương. Đào tạo chính qui là tốt nhưng chưa đủ, tiếp theo đó phải là đầu ra của sản phẩm. Điều này cho thấy từng người có ý kiến, có tâm huyết cũng chưa đủ. Vấn đề cải lương hiện nay cần có cái nhìn xuyên suốt, mới mẻ của những người có thẩm quyền quyết định, chứ không chỉ riêng những người yêu cải lương.

    * Là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, đã từng sống và đi nhiều nước, khi ra nước ngoài, với cô điều gì đáng tự hào hơn là cải lương, ngoài cải lương?

    - NSƯT Bạch Tuyết: Gần đây tôi rất vui khi nhìn thấy khuôn mặt Việt Nam sáng rực trên khung hình của các hãng truyền thông quốc tế. Đó là hình ảnh Thủ tướng Việt Nam trong buổi hội kiến chính thức bên cạnh Đức Giáo hoàng tại Vatican. Đó là cách nhìn của thế giới đối với VN mới hơn, trân trọng hơn và công bằng hơn so với thập niên trước...


    "Sự không ồn ào khiến cho con người chân thành
    và bền bỉ đeo đuổi những mục tiêu tốt đẹp của đời người" - Ảnh: T.T.D.

    * Một mình một ngựa trên sân khấu thể nghiệm từ hơn 10 năm nay, có vẻ như sự thành công của Hoàng hậu của hai vua, Diễn kịch một mình, Độc thoại đêm, Trần Nhân Tông...càng cho thấy chị là một nghệ sĩ cải lương đẳng cấp nhưng là một đẳng cấp cô độc. (khanhbinh, 31 tuổi, khanhbinh1@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Cám ơn sự chia sẻ của bạn. Nhưng không sao, tôi nhớ có một vở kịch của Liên Xô trước đây mang tựa đề "Một mình với tất cả". Vở kịch rất hay, nó cho tôi niềm tin về cuộc sống tươi tắn, khỏe, trẻ, mới mà tôi đang hiện diện trong đó. Khi không gặm nhấm và thưởng thức sự cô đơn thì người nghệ sĩ khó có những sáng tạo lay động tận đáy lòng. Khán giả của chúng tôi thông minh và nhân từ hơn người sáng tạo cho nên lúc nào, ở đâu tôi cũng cảm thấy mình được chăm chút, theo dõi, sẻ chia và cảm thông.

    Sự không ồn ào khiến cho con người chân thành và bền bỉ đeo đuổi những mục tiêu tốt đẹp của đời người. Tôi may mắn được thể hiện những tác phẩm để đời của những tác giả có thể nói là tài năng, tâm huyết với nghề, với dân tộc. Vinh quang thuộc về họ, tác giả và khán giả. Tôi chỉ là người "ăn ké". Nên nếu có cô độc thì cũng... là luật bù trừ.

    * Sân khấu cải lương ngày càng bị ca nhạc lấn lướt và giới trẻ chỉ thích nhạc trẻ thôi. Cô có suy nghĩ như thế nào về vấn đề sân khấu cải lương ít có đất diễn? (vinh_duc, 25 tuổi, duc_le1603@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi thấy chả ai lấn lướt ai, giới trẻ thì thích ồn ào, người lớn tuổi thì thích trầm lặng. Ai cũng có tự do lựa chọn của mình, và mọi loại hình nghệ thuật đều có chỗ đứng của nó, khán giả của nó. Cải lương ít có đất diễn, ít không có nghĩa là không quan trọng.

    * Người ta có thể bỏ qua quá khứ, nhưng quá khứ của chính mình thì khó thể xóa nhòa. Bà nghĩ sao về quá khứ của mình? (tam, 55 tuổi, tam@)

    - NSƯT Bạch Tuyết: Tôi yêu tất cả những con người, những sự việc cho dù là tình cờ hay có sự sắp đặt đã đi qua đời tôi. Tôi trân trọng mỗi một khoảnh khắc trong đời, dù vui, dù buồn và tôi giữ gìn nó như hơi thở của mình.

    NHÓM PV TTO
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 6 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  3. vansach75
    Avatar của vansach75
    Mới xem vài câu thấy rất hay, tối về xem tiếp...
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. MEM
    Avatar của MEM
    Đúng rồi! Mem lúc trước có đọc phỏng vấn này rồi, thấy hay, thích cách nói chuyện của cô BT. Ngồi lướt tình cờ thấy nên post lại cho bà con cùng xem và chia sẻ với cô!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  5. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:


  6. Thuong Tran
    Avatar của Thuong Tran
    NS Bạch Tuyết và Kỷ lục Việt Nam



    Sau bốn năm âm thầm chuyển thể Kinh pháp cú Phật giáo thành trường ca Vọng cổ. Tác phẩm này đã được NXB Phật Giáo ấn hành cùng với DVD “Lời phật dạy”, NS Bạch Tuyết đã được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam trao giấy xác nhận kỷ lục gia Việt Nam về thành tích chuyển kinh Phật thành trường ca vọng cổ.

    Dịp này chị cho biết, với mong muốn đưa đến người nghe những lời giáo huấn của Phật qua những bài bản cải lương và vọng cổ, công việc của chị không nhằm mục đích lập thành tích để nhận kỷ lục. Chị xin cảm ơn tình cảm mà công chúng đã dành cho mình qua công việc này và cảm ơn TT kỷ lục Việt Nam đã động viên chị làm tốt hơn công việc sắp tới.

    T.H
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL