NSUT Mỹ Thu: Nợ duyên với miệt tỉnh
Ký ức thời niên thiếu
Nguyễn Thị Thu sinh ra trong một gia đình ở thành thị (TP Đà Nẵng), trong bốn anh chị em, cô là út - út Thu. Cha mẹ cho cô một vẻ đẹp tự nhiên, từ thời niên thiếu cô đã có sẵn đôi mắt ''bồ câu” buồn với hàng mi cong vút thời nữ sinh Trung học ở trường bạn bè tặng cô danh hiệu ''hoa khôi''. Cô lại có giọng ca hay, thường xuất hiện trong những buổi văn nghệ của trường (tân nhạc - trước 1975). Thỉnh thoảng cô ca nghêu ngao vài câu Vọng cổ, có bạn thì khen, có bạn lại động viên cô nên ngã sang Vọng cổ...
Sau ngày GP thì sớ trường ca nhạc của cô lại thành sở đoản. Khi Cải lương bắt đầu chiếm lĩnh “thị phần” nghệ thuật, cô cũng tự thay đổi cho thích nghi với thời cuộc. Thế là Út Thu vào TPHCM để tầm sư học đạo, cô đến lò dạy của Nhạc sĩ Út Trong để thọ giáo (1976) và được Thầy đặt cho nghệ danh Mỹ Thu.
Mỹ Thu hồi tưởng 34, 35 năm về trước. Hồi ấy, cô học trọng tâm là ca Vọng cổ và một số thể điệu thường phổ biến trong Cải lương (không học Tài tử) để theo đoàn hát, vì cô “nôn” sớm thành đào hát!... Thu chú tâm Vọng cổ nhiều hơn, học thầy về căn cơ, cô còn kết hợp học gián tiếp kỹ thuật ngân nga, luyến láy của các nghệ sĩ tài danh để tự rèn luyện cho mình một phong cách riêng. Càng rèn Vọng cổ Thu càng thích thú, cô tập riêng cho mình lối xuống “hò” cho khác đồng nghiệp, là thông thường cất cao âm giọng, ngân dài rồi dồn trọng âm để xuống “hò” cho ngọt, nhưng cô cất giọng cao mà không ngân (khác người), lại nuốt hơi chỉ nhả nhẹ cho âm giọng như bị ngắt hơi rồi từ từ xuống “hò”, cách ca đó vẫn ngọt ngào như mía lùi. Kỹ thuật ngắt hơi ẩy khiến người nghe hồi hộp chờ đợi và khi xuống “hò” một cái thì sự chờ đợi ấy được bù đắp rất thỏa mãn... Và thầy cũng phát hiện điều đó, thầy càng tập trung những “độc chiêu” mà truyền cho cô, khiến những môn đệ khác phải phát ghen...
Mỹ Thu học với thầy út Trong khoảng năm, sáu tháng thì tinh thần học tập của cô dường như không tiến triển nữa, có lẽ vì cô “nôn” trở thành đào. Thầy biết tâm trạng của trò nên thầy chiều theo, cho trò “hạ san hành hiệp”.
Liều mình cứu chúa
Lúc bấy giờ, Mỹ Thu là một thiếu nữ với cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” sức sống tươi trẻ tràn đầy ở ngoại hình của một cô đào thương khó ai chê được, lo gì không có nơi thu nhận.
Quả vậy, ông bầu Đặng Hiền Lương của Đoàn CL Kim Dung mời cô về hát đào chánh, với cát-sê khá hậu hỉ, vì thấy cô có thanh sắc khá lý tưởng với một cô đào thương chánh. Nhưng mọi chuyện không như cô mong muốn...
Về đoàn hát ban đầu, ông bầu đưa cho cô một vai đào chánh khá nặng. Một vai diễn trên SK thật sự đòi hỏi không chỉ có giọng ca, kỹ thuật ca mà cả phương thức nhập vai, truyền tải cảm xúc của nhân vật qua kỹ thuật diễn xuất hoàn toàn khác khi cô casalon. Mỹ Thu tâm sự: “Bình thường em ca một mình thấy khá lắm,tròn trịaa, trơn tru, giọng điệu nghe được lắm, nhưng vào vai diễn không còn là mình nữaa, mà phải ca, nói,diễn theo nhân vật mới là khó đây chứ...”. Thế là vai đào chánh của Mỹ Thu đầu tiên không thành và cô rất buồn lẫn cả tự ái vì ông bầu sang vai chánh cho cô đào khác. Sắc vóc, chất giọng đào chánh của cô thì không chê vào đâu được, nhưng khổ nỗi là cô diễn không ra tính cách nhân vật A Khắc Thiêu Kiều.
Con người ta thường gặp, trong cái rủi lại có cái may và ngược lại. Kể từ hôm bị “rớt” vai đào chánh, cô chỉ ca salon hàng đêm nên cát-sê cũng giảm xuống. Tuy có buồn đôi chút, song hàng đêm cô ngồi bên cánh gà để xem đồng nghiệp hát. Nhờ vậy, Mỹ thu thuộc lòng nhiều vai của người khác. Thế rồi một hôm, đoàn diễn vở “Lâm Sanh Xuân Nương” - một vai công chúa (đào nhì) bỏ trống,vì cô đào này bị bệnh đột xuất không diễn được, trong khí đó đoàn đã bán hết vé. Lúc này, ông bầu Hiền Lương bối rối. Mỹ Thu thấy vậy nên “liều mình để cứu chúa”... Ông bầu hồi hộp hỏi gặng Mỹ Thu đến hai, ba lần “được không con?”, Thu quả quyết “Dạ được, cậu yên tâm!”... Đến lớp diễn, Mỹ Thu bước ra sân khấu rất ung dung, nhưng rồi mắt cô bỗng nhiên tối sầm lại, khi đèn sáng lên, khán giả đông nghẹt sân, khiến cô quên hết lời thoại của nhân vật, cô khựng lại, tay chân luống cuống... Lúc đó NS Minh Chí (Vua xàng xê) thấy Mỹ Thu bối rối, với kinh nghiệm đầy mình củaa “Vua xàng xê” đã từng “chinh Đông phạt Tây" nên ông đến gần Mỹ Thu nói nhỏ và động viên “Từ từ bình tĩnh đi con”, rồi ông “mớm” lời thoại cho Mỹ Thu: “Sao, cô nương bị chóng mặt? Chắc là cô nương thù ghét Xuân Nương yêu Lâm Sanh phải không?”. Mỹ Thu nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, nhớ lại tuồng và ca diễn cho đến hết vai một cách tròn trịa. Ông bầu lúc đó mới “hoàn hồn” và các đồng nghiệp cũng trải qua cơn “hú vía”...
Có duyên với các vai đào nhì
Sau đêm đó, ông bầu vỗ đầu Mỹ Thu khen, “Được lắm, từ nay con sẽ hát đào nhì này luôn”. Dường như cũng từ sự kiện đó, Mỹ Thu lại có duyên với nhiều vai đào nhì sau này, nổi bật là vai Công chúa trong “Lâm Sanh Xuân Nương”. Cô qua đoàn khác cũng thủ các vai đào nhì, nhưng vai nào cô cũng để lại dấu ấn đẹp với khán giả thời đó. Cho đến bây giở, những khán giả lớn tuổi vẫn còn nhớ Mỹ Thu với các vai nổi trội như Công chúa trong “Rừng thần”, Thiếu úy Mộng Thu trong “Giọt máu oan cừu” ở Đoàn Cao Văn Lầu - Minh Hài (1978)... ái Trinh trong “Ngọc ẩn rừng thiêng” ở Đoàn Hậu Giang lll (1979)...
Mỹ Thu cho biết, cuộc đời đi hát của cô khá suôn sẻ và gặp những thuận lợi hơn với nhiều đồng nghiệp khác, là từ ca salon lên hát đào nhì, rồi chánh, không có hát vai nào là tì nữ hoặc dàn bao. Bên cạnh, cô được đồng nghiệp, lãnh đạo ngành thương mến và khán giả mến mộ cô từ những vai đào nhì. Có những lúc ban ngày, cô thường được khán giả đến đoàn hát tìm hỏi thăm làm quen, mời cô về nhà làm tiệc tùng chiêu đãi và trên đường lưu diễn đó đây cô đã ký tên, tặng ảnh lưu niệm cho không biết bao là khán giả...
Mỹ Thu lý giải về những vai đào nhì của cô rất lý thú và cô cho rằng từ những vai đào nhì là sự thành công bước đầu của người đi hát, cũng là cơ hội gây cảm tình ban đầu với khán giả. Vai đào nhì thường là những nhân vật có tính cách hoặc phản diện đối nghịch với vai đào chánh, nhưng tính cách vai đào nhì thường đối lập, có thế lực để áp đảo vai chánh dù hệ quả về cuối có thảm bại, nhưng ban đầu vẫn gây sự xôn xao - phản cảm với người xem. Thêm vào đó, lợi thế của đào nhì thường là nhân vật tiểu thơ đài cát, công chúa quý tộc nên hoá trang, trang phục đẹp, xiêm y lộng lẫy hơn đào chánh thường xuất thân khổ cực, nghèo nàn, với những cảnh đời bi thảm... Điều kiện đó càng tôn vẻ hình thức bên ngoài của các vai đào nhì thêm sang trọng và quý phái hơn, là cái mà khán giả cảm nhận sắc vóc của một cô đào. Mỹ Thu vẫn thường được khen “Cô đào nhì đẹp quá!”.
Những năm đầu sau giải phóng, Cải lương rất hưng thịnh. Cái thời mà Cải lương được mệnh danh là “Đế vương”, đào kép hát là những “Ông hoàng - bà chúa”; Cải lương về làng như “Phụng hoàng về miễu”... Đoàn hát đến đâu là khán giả nườm nượp đến đó, các đoàn tỉnh hồi ấy không quanh quẩn trong tỉnh nhà như bây giờ, mà luôn lưu diễn khắp nơi. Vì vậy, mới hát đào nhì chỉ vài năm mà tên tuổi Mỹ Thu được nhiều khán giả ở các tỉnh miền Tây nam bộ biết đến và mến mộ. Nhưng rồi đến đầu năm 1980, người ta không còn thấy Mỹ Thu đâu nữa, và có một vài đoàn Cải lương ở miền Tây muốn mời cô về cộng tác, nhưng cũng không tìm được mối liên lạc...
Lâm Giang - Báo Sân Khấu