NHƯ LÀ ĐỊNH MỆNH: Thập niên 80 khán giả mộ điệu Cải lương các tỉnh miền Tây, Nam bộ rất yêu mến một cô diễn viên trẻ sáng sân khấu, dáng cao cao, có giọng ca hao hao nữ nghệ sĩ tài danh Lệ Thủy, ai cũng ngỡ đó là em hay người thân của Lệ Thủy. Cô lấy nghệ danh Lệ Trinh, điều đó càng làm cho nhiều người cho rằng nhận định của mình là đúng. Trong số những nghệ sĩ đàn em chịu ảnh hưởng Lệ Thủy thì Lệ Trinh ca diễn giống hơn, điều đó cũng không lạ, bởi Lệ Thủy chính là thần tượng của cô bé Phan Kim Sinh nhà ở gần chợ Bàn Cờ - Quận 3 - TPHCM.
Thời ấy, Kim Sinh thích hát tân nhạc hơn, nhưng cũng yêu Cải lương chút chút, cô thích các bài ChúcAnh Đài, Cô hàng chè tươi Bạch Thu Hà... do Lệ Thủy ca trong dĩa hát, nói đúng hơn là Kim Sinh yêu mến giọng ca rồi thuộc lời bài hát. Trong một lần đi hát, có người yêu cầu bé Sinh hát vọng cổ, cao hứng Sinh hát vài câu cho vui, không dè mọi người khen quá, còn nói là ca giống Lệ Thủy. Năm 1974, Kim Sinh vừa tròn 15 tuổi, đang học lớp 10 thì gia đình gặp biến cố, do làm ăn thất bại, ba má phải bán nhà trả nợ, ba thì chạy tai mướn, má buôn bán nhỏ gồng gánh gia đình qua cơn khốn khó. Kim Sinh phải nghỉ học, tập tành đi hát nhạc ở phòng trà. May sao gặp nhạc sĩ Đoàn Huy, Văn Giỏi, được họ nhận làm đệ tử. Đi học ca vọng cổ được một tháng thì cô đi theo đoàn hát.
HÒAI DUNG – HÒAI MỸ: Thầy dạy diễn đầu tiên
Nợ nần chồng chất vượt quá khả năng chi trả của gia đình, má dẫn Kim Sinh lánh thân nhiều nơi. Gia đình nghệ sĩ Hoài Dung, Hoài Mỹ lập đoàn Cải lương Hoa Lan ở rạp Ruốc Thanh, Kim Sinh đến thử hơi xin vào đoàn. Với con mát nghề nghiệp soạn giả Nguyễn Huỳnh (tác giả vở CL nổi tiếng ''Tướng cướp Bạch Hải Đường'' và NS Hoài Dung phát hiện ra năng khiếu bẩm sinh của cô bé. bà nhận Sinh làm học trò, họ lập đoàn Hoa Lan cốt để cho con cháu hát và đào tạo lớp trẻ kế thừa. Thấy Sinh có nét giống Lệ Thủy, Nguyễn Huỳnh - Hoài Dung đặt tên cho cô học trò nhỏ nghệ danh Lệ Trinh, cho vai Kiều Linh trong tuồng Kỳ nữHạnh Đào (còn có tên Hắc Long nữ kiệt). Vở được thu truyền hình với ê-kíp nghệ sĩ hùng mạnh như Hùng Cường, Lệ Thủy, Phương Thanh, Đỗ Quyên, danh hài Văn Chung, Văn Khoe, Hoài Dung, Hoài Mỹ. Bước khởi đầu khá may mắn thuận lợi. Vậy là hai má con có nơi nương náu, má nấu cơm hội, Lệ Trinh hát đào nhì, đào ba. Cuộc sống tuy nghèo, đồng lương thấp, nhưng việc học nghề của Lệ Trinh rất thuận lợi. Trinh trở thành cô đào trẻ sáng giá, ăn khách của đoàn, Hoài Dung, Hoài Mỹ dạy Trinh rất nhiều. Cho tới bây giờ Lệ Trinh vẫn còn nhớ ơn NS Hoài Dung đã dạy cô diễn lớp điên trong vở Lời thề trước mộ của soạn giả Quy Sắc Từ bài học của Hoài Dung, sau này khi trưởng thành Lệ Trinh diễn nhiều vai điên rất hay, mang dấu ấn truyền nghề của người thầy dạy diễn đầu tiên. Không ai nghĩ một cô bé mới 15 tuổi, học ca vọng cổ một tháng, lại vững nhịp, ca chắc và nắm vai đào ngon hơ khi chưa qua sáu tháng học nghề.
LÊNH ĐÊNG KIẾP TẰM
HOạt động chưa tới một năm thì đoàn Hoa Lan ngưng hoạt động. Lệ Trinh chơi vơi, chưa biết đi đâu, về đâu. Đoàn Dạ Lan Hương của bà ''Chín Mazda'' thành lập với lực lượng nghệ sĩ hùng hậu như Út Trà Trà , Ngọc Bích, Nam Hùng, Thanh Thanh Hoa... Bà bầu biết Lệ Trinh có triển vọng cho mời về đoàn, ban đầu thật khó hòa nhập, vì cô ở tuổi lỡ đào con, lỡ đào. ở đoàn đa số là nghệ sĩ lớn bậc cha chú, khó đóng chung, không như ở đoàn Hoa Lan toàn là bạn trẻ đồng trang lứa nên dễ hát hơn. Sau nầy đoàn biến động lực lượng, Lệ Trinh được đôn lên hát đào nhì. Khi đòan Xuân Liên Hoa của nghệ sĩ Thanh Điền hoạt động, Lệ Trinh được mời về hát cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975...
Đoàn CL Tiếng ca Trung Hiếu của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) được thành lập, Lệ Trinh được mời về hát chánh, sau đó đoàn được giao lại cho tỉnh Long An đổi lại là đoàn cải lương Long An cho tới ngày nay.
Năm 1978 NS Mỹ Châu nghỉ đoàn Sài Gòn 2, Lệ Trinh về hát thế vai. Đây là cơ hội tốt đến với cô diễn viên trẻ vừa tròn 19 tuổi. Những tưởng sự nghiệp của mình được thăng hoa, tuổi trẻ nắm chánh một sân khấu lớn đó là điều ao ước của bao nghệ sĩ, vậy mà Lệ Trinh đành phải bỏ tất cả để tiếp tục kiếp hát rong ở các tỉnh vì thời ấy đồng lương diễn ở TPHCM quá thấp, lại nữa đang mang số nợ quá lớn của gia đình phải trả nên trinh phải chọn lựa. Ngày Lệ Trinh rời TP với nỗi buồn trĩu , biết bao giờ có cơ hội thành NS tầm cỡ? Lệ Trinh trở lại đoàn Long An rồi qua đoàn Long Giang, đoàn CL An Giang, Kiên Giang 2, để rồi sau đó mới định cư ở đoàn Nhân Dân Kiên Giang. Từ những năm 1978 đến 1990 Lệ Trinh là một nữ nghệ sĩ tên tuổi, tài năng, rất được khán giả đồng bằng sông Cửu Long mến mộ, một thời nổi đình nổi đám với danh ca Thanh Tuấn, trước khi cặp bến Nhân Dân Kiên Giang cùng Trọng Hữu thành bộ đôi ăn khách nhất miền Tây gần một chục năm dài. Đến năm 1990 Lệ Trinh trở về thành phố hát ở Đoàn Sài Gòn l, Đoàn Phước Chung, tăng cường cho Đoàn Sông Hương, trở lại Sân Khấu Mới Kiên Giang cho đến khi quyết định nghỉ hát năm 1993, chuyển qua buôn bán làm ăn để nuôi con và mẹ già bị bịnh bại não, nằm liệt giường, sống đời sống thực vật suốt mấy năm trời.
NHỮNG BẠN DIỄN ĂN Ý
Ở Đoàn xuân Liên Hoa Lệ Trinh đã cùng Thanh Tâm là bộ đôi trẻ rất được NS Thanh Điền cưng, vì họ rất trẻ và có triển vọng thành sao. Sau nầy ở Đoàn Tiếng Ca Trung Hiếu, rồi Long An, Lệ Trinh -Thanh Tâm là bạn diễn ăn ý, trước đó hai người từng là bạn diễn ở Đoàn Hoa Lan, cùng là học trò của Nguyễn Huỳnh, Hoài Dung, Hoài Mỹ, Văn Khoe. Một người ảnh hưởng Lệ Thủy, một người ảnh hưởng Chí Tâm, những năm hát chung Lệ Trinh - Thanh Tâm là liên danh trẻ ăn khách mà nhiều đoàn bạn phải kiêng nể, tránh hát gần vì dễ bị ảnh hưởng doanh thu.
Với Tuấn Thanh ở đoàn Sài Gòn 2, thành bộ đôi thế Thanh Tuấn - Mỹ Châu, Ban lãnh đạo đoàn, nhất là đối với NS Diệp Lang, Tuấn Thanh - Lệ Trinh là lớp đàn em kế Thanh Tuấn, Mỹ Châu mà ông vừa ý nhất. Sự đời không như mong muốn, bộ đôi nầy sớm tan rã, Tuấn Thanh về Đoàn Văn Công Thành Phố mở đường thanh sao, còn Lệ Trinh phiêu bạt ở các tỉnh, chấp nhận nhiều thua thiệt để tròn chữ hiếu với gia đình.
Cô từng hát đôi với Thanh Tuấn ở đoàn Long Giang và các đoàn tỉnh khác.
Thời gian nầy Thanh Tuấn thường hay tăng cường ở các đoàn tỉnh, các ngôi sao như Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, bận ở thành phố, nên bạn diễn ăn ý, hợp nhất với anh thời đó chính là Lệ Trinh đang thời xuân sắc, ca hay, diễn tốt, ngoạm hình đẹp, dừng trên sân khấu rất xứng đôi Thanh Tuấn - Lệ Trinh là bộ đôi hái ra tiền cho nhiều đoàn tỉnh trong thập niên 80. Thời gian đó hát có danh có tiền, nhưng thật ra để có một vở diễn tầm cỡ, vai diễn hay để xưng danh với đồng nghiệp thì Lệ Trinh chưa có, hầu hết là những vai thay thế đàn chị như Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ... Có tài là một chuyện, còn có thời cơ để bộc phát tài năng, đi đến điểm đỉnh của sự nghiệp lại là chuyện khác. Lệ Trinh thuộc lớp nghệ sĩ có tài, nhưng thiếu vận may, dù rất có nghề, rất được trọng dụng nhưng để có một tên tuổi lớn lẫy lừng như một số đồng nghiệp trang lứa thì với Lệ Trinh đó là dấu chấm than buồn. Đôi khi chạnh tủi Lệ Trinh chỉ biết chép miệng than ''số trời cả thôi..
(Theo Báo sân khấu)