Xem vở cải lương: Một phút một thời
Tòa tuyên án tử hình, ông Nhân quyết liệt đòi kháng án vì nghĩ rằng công lao đóng góp của mình mấy chục năm qua nhiều hơn so với tội tham nhũng. Một mình trong phòng giam tăm tối, ông Nhân khát khao được sum hợp với gia đình để làm tròn trách nhiệm người chồng, người cha. Nhưng chính giấc mơ ấy đã đánh sập tư tưởng kháng án của ông. Cuối cùng ông Nhân xin được chết bởi tội lỗi mình gây ra quá lớn cho gia đình và xã hội.

Cả gia đình cố gắng đóng kịch để ông Nhân có được một ngày hạnh phúc

Trong mắt các con, ông Nhân luôn là thần tượng
Trong giấc mơ, ông Nhân được về đoàn tụ với gia đình trước khi bị đem xử bắn. Nhưng thảm kịch của gia đình dần hiện ra vì sự ăn chơi sa đọa và sống thiếu trách nhiệm của ông. Vợ ông Nhân nhiều năm đau khổ, giày vò vì không thể cản ngăn hành vi băng hoại đạo đức của chồng dẫn đến bệnh tim trầm trọng, lại phải một mình cáng đáng việc gia đình, lo cho 3 đứa con ăn học. Trước cảnh túng thiếu của gia đình, Nghĩa (con gái lớn ông Nhân, đại học năm thứ 2) phải nghỉ học, hy sinh cả đời con gái và mối tình nhiều kỷ niệm, làm nghề gái bao để có tiền trị bệnh cho mẹ và lo cho hai em ăn học. Còn Trung vừa thi đậu đại học, ngưỡng cửa tương lai đang mở rộng chào đón chàng trai hiếu thảo ngoan hiền, nhưng cuối cùng Trung phải nghỉ học đi làm thuê vì không có tiền đóng học phí; trong lúc ông Nhân đang tung tiền vào các quán bia ôm, nhà hàng khách sạn sang trọng. Một học sinh học giỏi Văn cấp thành phố, Hiếu (gái út) cũng nghỉ học vì không chịu được ánh mắt khinh bỉ, mỉa mai của bạn bè và những người xung quanh. Thần tượng trong lòng Hiếu sụp đổ hoàn toàn, khiến em sa vào con đường nghiện ngập, không màn tới tương lai.
Hiếu bộc phát cơn nghiện

Mặc dù biết rõ hoàn cảnh gia đình của Nghĩa, nhưng Truyền vẫn đến cầu hôn Nghĩa và mong được chia sẻ, lo lắng cho gia đình
Bữa cơm đoàn tụ gia đình được dọn ra thì đã hết một ngày với bao nhiêu thảm cảnh đau lòng. Tương lai đen tối của những đứa con và căn bệnh tim hoành hành cơ thể người vợ là hậu quả của những việc làm sai trái do chính ông Nhân gây ra. Trở về với thực tại, ông Nhân thấy mình đang bị trừng trị và xin được nhận bản án tử hình.

Thảm cảnh gia đình cứ lần lượt hiện ra trong sự ngỡ ngàng, đau xót cùa mỗi người
Buổi tiễn ông Nhân lên đường, cũng là giải thoát cho con người tội lỗi
“...luật pháp đã ân xá cho tôi, nhưng lương tâm tôi không ân xá cho mình. Tôi rất sợ, sợ phải sống trong giấc mơ vừa rồi... Mỗi phút trôi qua, nỗi bất hạnh của vợ con tôi cứ rơi rụng từng mảng trước mắt tôi đến tận cùng. Nó cay nghiệt hơn bản án tử hình...”.
Một phút một thời - Vở diễn xoay quanh vấn đề quen thuộc trong xã hội ngày nay. Khi đương chức đương quyền ít ai nhớ về gia đình, nhớ về cội nguồn. “Một phút trôi qua ngàn đời khôn chuộc lại. Một việc làm không suy nghĩ chỉ thất bại mà thôi”. Với ý nghĩa giáo dục sâu sắc, vở diễn là thông điệp gửi đến những người quyền cao chức trọng phải ra sức tu dưỡng đạo đức, phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; làm tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học hỏi, noi theo.
Vở diễn gồm 3 cảnh, 2 không gian và diễn ra trong thời gian 1 ngày. Mỗi cảnh khắc họa một sự kiện, một hình tượng và có sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhân vật, tạo thành một chuỗi hành động xuyên suốt. Lôi cuốn và xúc động chính là những nút thắt mở được cài đặt tinh tế làm nổi bật chủ đề tư tưởng của vở diễn.
Kịch Một phút một thời của tác giả Khưu Ngọc, chuyển thể cải lương - Nghệ sĩ, nhạc sĩ Trường Giang, là vở được nghệ sĩ Nguyễn Quốc Tín, Phó trưởng đoàn cải lương Hương Tràm chọn làm kịch bản tốt nghiệp lớp Đạo diễn sân khấu - Trường Đại học Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Thông qua cách diễn xuất sắc sảo, tài tình của các nghệ sĩ đoàn cải lương Hương Tràm như: Thế Sơn, Kim Hiền, Hoa Phượng, Trúc Ly, Hoàng Phương... đã góp phần làm bật lên chủ đề tư tưởng của vở diễn; truyền tải được giá trị và ý nghĩa sâu sắc của vấn đề xã hội nóng bỏng hiện nay là con người trở thành sự chi phối của sức mạnh đồng tiền.
Mộng Thường