1. MEM
    Avatar của MEM
    NSƯT Lệ Thủy: 45 năm giọng ca chuông ngân
    06.02.2007

    Năm 1964, Lệ Thủy được trao giải Thanh Tâm, là nữ nghệ sĩ trẻ nhất đoạt giải này sau 10 lần tổ chức.

    Sự nghiệp của Lệ Thủy bắt đầu khởi sắc. Chị ký hợp đồng với Công ty Kim Chung từ 50.000 đồng/2 năm, sau 6 tháng đã tăng lên 250.000 đồng/2 năm (giá vàng lúc đó khoảng 800 đồng/lượng)

    Với bài ca cổ Cô gái bán đèn hoa giấy, Lệ Thủy bắt đầu vào nghề, thoạt tiên qua việc ngâm thơ hậu trường, đóng những vai kép con trên sân khấu... Có lần chị nhớ nhà quá, xin nghỉ việc, chấp nhận bỏ ước mơ không theo nghề hát nữa. Nhưng về đến nhà, thấy cảnh nghèo túng, nợ nần của gia đình, chị cắn răng quay về gánh Trâm Vàng, quyết tâm học cho bằng được nghề hát.

    Kép con lên đào chánh

    13 tuổi, Lệ Thủy thế vai kép con trên đoàn Trâm Vàng, 14 tuổi, chị đường hoàng bước lên vai đào nhì. Soạn giả Viễn Châu kể: “Năm 1960 tôi nhận lời viết kịch bản Quan Âm Thị Kính cho hãng dĩa Việt Hải, thiếu một em bé đóng vai con của Kỉnh Tâm. Một người quen chỉ tôi đến gánh Trâm Vàng, nói có con bé nhỏ xíu nhưng lanh lẹ, ca ngọt. Tôi đã tìm đến và bắt gặp ở Lệ Thủy bóng dáng một ngôi sao sáng.

    Sau khi dĩa Quan Âm Thị Kính ra đời, tiếng lành đồn xa về một cô bé có giọng ca lảnh lót, hồn nhiên đã tới tai các hãng dĩa. Rồi Lệ Thủy được thu dĩa chung với Minh Cảnh, một nghệ sĩ danh tiếng bấy giờ. Sau đó ông giám đốc của hãng Việt Hải đặt hàng tôi viết thêm bài ca cổ Cha về cõi Phật, trong đó có đoạn Lệ Thủy ca 6 câu vọng cổ. Thấy cái tên Lệ Thủy bắt đầu ăn khách, hãng Asia mời cô thâu bài Nấu bánh đêm xuân với nghệ sĩ Hữu Phước, thù lao đến mấy trăm đồng”.

    Nghe soạn giả Viễn Châu nhắc lại, Lệ Thủy rất xúc động và hãnh diện. Chị bộc bạch: “Tôi nhớ hoài cảnh má tôi phải đi nhổ tóc ngứa cho người trong xóm để có tiền chợ. Nhờ đi hát, trong 2 năm tôi đã có được tên tuổi, lương được nâng cao đến 1.200 đồng cho mỗi lần thu băng. Gia đình tôi dần dần đổi đời”. Lúc này có nhiều đoàn hát đến gánh Trâm Vàng xem Lệ Thủy diễn rồi mời gọi với mức lương cao hơn, như đoàn Minh Bằng sẵn sàng ký công tra (hợp đồng) 10.000 đồng, nhưng chị đã từ chối. “Tôi không thể tham tiền mà bỏ gánh Trâm Vàng, cái nôi của mình”- Lệ Thủy nói.

    Một thời gian sau, chị rời Trâm Vàng để về Công ty Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long, một đại bang có 7 đoàn hát. Tại sân khấu này chị đã được soạn giả Ngọc Văn nhận làm con nuôi. Ông đã viết nhiều kịch bản đưa chị vào đóng từ vai phụ cho đến vai chính. Tiền công tra của Lệ Thủy lên đến 50.000 đồng.

    Tuổi trăng tròn đoạt giải Thanh Tâm

    Sau những bước đi đầu tiên tạo được ấn tượng, ông bầu Trần Viết Long lập đoàn Kim Chung 3. Lệ Thủy chuyển sang đây diễn chung với nghệ sĩ Thanh Hải trong vở Bẽ bàng duyên mới của soạn giả Ngọc Văn. Tên tuổi của Lệ Thủy bắt đầu nổi lên, trở thành cô đào chánh sáng giá lúc vừa tròn 15 tuổi.

    Cũng trong khoảng thời gian này (năm 1963), ban tuyển chọn giải Thanh Tâm (giải thưởng sân khấu có uy tín thời đó, ra đời năm 1958. Hằng năm, một ban tuyển chọn gồm các ký giả kịch trường nổi tiếng, các soạn giả tên tuổi cùng xét giải cho các nam, nữ diễn viên xuất sắc nhất. Người nhận giải Thanh Tâm đầu tiên là nghệ sĩ Thanh Nga) đã chọn Lệ Thủy là diễn viên đoạt giải HCV triển vọng. Thế nhưng, khi kiểm tra lại, Lệ Thủy mới 15 tuổi, chưa đủ tuổi theo điều lệ giải.

    Đến năm 1964, Lệ Thủy và Thanh Sang được trao giải Thanh Tâm tại rạp Quốc Thanh. Lễ trao giải được tổ chức trang trọng đã là đêm diễn đầy kỷ niệm với Lệ Thủy. Trong danh sách 24 nam, nữ nghệ sĩ qua 10 lần đoạt giải Thanh Tâm, Lệ Thủy là nữ nghệ sĩ có tuổi đời trẻ nhất. Sự nghiệp của Lệ Thủy bắt đầu khởi sắc. Chị ký công tra với Công ty Kim Chung từ 50.000 đồng/2 năm, chỉ sau 6 tháng đã tăng lên đến 250.000 đồng/2 năm (giá vàng lúc đó khoảng 800 đồng/lượng). Tính từ năm 1962 đến năm 1975, Lệ Thủy đã gắn bó với thương hiệu Kim Chung 13 năm. Sài Gòn thời ấy có rất nhiều đoàn cải lương, nhưng Lệ Thủy gắn bó với đoàn Kim Chung lâu như vậy là vì cách điều hành ở đây rất chuyên nghiệp. Ông bầu Long rất thương yêu nghệ sĩ, quản lý tuy khắt khe nhưng đầy tình cảm.
    Tâm nguyện đem tiếng hát cho đời

    Lệ Thủy lập gia đình và sống hạnh phúc với người chồng biết thông cảm, san sẻ những vui buồn trong nghề hát. Ba người con của chị đều ăn học đến nơi, đến chốn. Trong đó có Đình Trí đã nối nghiệp mẹ làm ca sĩ. Những năm gần đây, sân khấu cải lương ngày càng gặp nhiều khó khăn. Lệ Thủy và nghệ sĩ Minh Vương đã thành lập chương trình Những dấu ấn không phai tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Hơn 65 nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn, nhạc công, họa sĩ, biên tập... đã tham gia chương trình. Điều ghi nhận đầu tiên là chương trình Những dấu ấn không phai đã làm vinh quang tên tuổi của những nghệ sĩ thuộc thế hệ tài danh.

    Lệ Thủy tâm sự: “Sau ngày đất nước hòa bình, tôi gắn bó với đoàn Văn Công TP, Nhà hát Trần Hữu Trang, may mắn có được nhiều vai qua các vở tuồng ca ngợi tinh thần bất khuất, can đảm, giàu nghị lực của nhiều tầng lớp phụ nữ như: Cây sầu riêng trổ bông, Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Kiếp chồng chung, Áo cưới trước cổng chùa... Năm 1993 tôi vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT, đó là những thành quả đạt được của một quá trình phấn đấu không nghỉ. Cho đến nay, tôi vẫn sống mãi với tâm nguyện đem tiếng hát cho đời”.

    Tìm lại công chúng cho cải lương

    Vào thời điểm sân khấu cải lương đang cần một liều thuốc thật mạnh để có thể gượng sức tạo nên những bước đi tự tin, Lệ Thủy và nhiều nghệ sĩ tham gia cùng Nhà hát TP để gầy dựng các chương trình chuyên đề sân khấu.

    Lệ Thủy lý giải: “Những tác phẩm cải lương xưa được yêu thích vì đã có thời gian để công chúng đo lường. Ngày nay, khi cải lương đương đại chưa đủ sức thuyết phục khán giả, người ta lại nâng niu cái cũ. Tôi muốn góp phần trả cải lương về với niềm tin. Nghĩa là phải bắt đầu từ nơi xuất phát. Dàn nhạc, âm thanh, ánh sáng, tranh cảnh, trang phục và quan trọng là kịch bản, đạo diễn, diễn viên..., tất cả nếu được đặt đúng vị trí chuyên nghiệp thì cải lương sẽ tìm lại được công chúng”.

    (Theo NLĐ)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL