Sinh ra trong gia đình nghèo khó, Lâm Ngọc Hoa - quán quân “Solo cùng Bolero” mùa đầu tiên từng phải nghỉ học năm lớp 8 để phụ giúp bố mẹ làm ruộng. Bằng đam mê và nghị lực, cô gái chăn vịt ngày nào nay đã trở thành nghệ sĩ cải lương trong Đoàn cải lương Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu) và ẵm nhiều giải thưởng âm nhạc khi tuổi đời còn khá trẻ...
Cô gái chăn vịt “ẵm” nhiều giải thưởng lớn
Gặp Lâm Ngọc Hoa (SN 1994, trú tại tỉnh Sóc Trăng) nhân dịp cô ra Hà Nội tham dự diễn đàn Vận động viên, nghệ sĩ trẻ tài năng với “Khát vọng cống hiến vì bản sắc dân tộc” trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 2 (năm 2015). Với vóc dáng nhỏ nhắn, giọng nói đậm chất miền Tây sông nước, Lâm Ngọc Hoa kể, cô có một tuổi thơ gắn với ruộng đồng, với những tiếng “cạp cạp” của bầy vịt và nỗi nhọc nhằn của ba mẹ.
Ngay từ khi 8 tuổi, Ngọc Hoa đã biết đi chăn vịt kiếm tiền phụ giúp gia đình. Một mình với đàn vịt giữa đồng, buồn, hiu quạnh cô nghêu ngao ca hát. Phát hiện con gái mê ca cổ và có giọng hát khá ngọt, ba của Lâm Ngọc Hoa cho con theo học ca ở một lò đờn ca tài tử. Thế là chiều nào ba của Ngọc Hoa cũng chèo đò chở con gái qua sông để đến nhà thầy.
Không được đào tạo âm nhạc bài bản, nhưng những buổi học từ lớp học “ao làng” cùng năng khiếu bẩm sinh đã giúp cho “sóc” nhỏ Ngọc Hoa được nhận vào Đoàn cải lương Cao Văn Lầu khi tròn 14 tuổi.
16 tuổi, lần đầu tiên Lâm Ngọc Hoa mang về cho cha mẹ hai mươi triệu đồng, số tiền mà cho đến lúc đó, ba mẹ cô không bao giờ dám mơ. Đó là khoản tiền cô được Đoàn cải lương Cao Văn Lầu bảo lãnh để vay ngân hàng theo chủ trương hỗ trợ những nghệ sĩ, diễn viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống và yên tâm làm nghề. Nhờ số tiền đó mà gia đình cô được ở trong ngôi nhà mưa không cần chạy, nắng không cần trốn và đêm có thể ngủ ngon vì không phải canh cánh khi thời tiết chuyển mùa.
Trước đó, gia đình cô nghèo, ba mẹ ngày ngày phải nhọc nhằn đẩy xuồng đánh lưới cá trên sông, không có giấc ngủ ngon. Buông việc, chỉ kịp ăn vội bữa cơm, rồi lại tiếp tục ra đồng… Nhưng ký ức về tuổi thơ buồn nhất đó là khi Ngọc Hoa phải nghỉ học giữa chừng. Nhà cô cách chợ một con sông.
Một ngày chèo đò đi chợ mua đồ cho ba mẹ, cô gặp bạn bè mình tíu tít đạp xe đi tựu trường. Cô thoáng giật mình, bình thường cứ đầu năm học ba mẹ cô mua sẵn sách vở. Nhưng năm nay, không thấy ba mẹ dặn gì. Thế rồi cô ngẫm ngợi về hoàn cảnh gia đình mình, về đàn vịt ngoài đồng.
Ba mẹ vất vả vì cuộc sống mà gia đình vẫn nợ nần chồng chất, và nếu cô đi học thì ai là người chăn vịt giúp ba mẹ? Cho đến khi đoạt giải Chuông bạc cuộc thi Chuông vàng vọng cổ truyền hình, cô mới thấu hiểu được nỗi lòng của ba mẹ: “Ba mẹ không có tiền đi học chữ, thì đi học hát để mưu sinh. Sau này thành công, tôi biết ơn ba nhiều lắm!”, Ngọc Hoa nói.
Một thời gian công tác trong Đoàn cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), theo nguyện vọng của gia đình, Ngọc Hoa lên Cần Thơ tham gia một đoàn hát khác để bồi dưỡng tài năng và đi hát kiếm tiền. Nhưng sau 2 năm, đoàn này cho cô nghỉ việc với lý do không hoàn thành nhiệm vụ. Lúc đó, cô dự tính sẽ nghỉ hát luôn.
Trong lúc chán nản, tuyệt vọng, cô được Đoàn cải lương Cao Văn Lầu tiếp tục nhận về đào tạo. Trở lại đoàn năm 2012, cô cố gắng gấp hai, gấp ba, vừa diễn, vừa học hỏi. Nhờ nỗ lực phấn đấu, giải đầu tiên mà cô gái 18 tuổi mang về là giải nhất Hương đất phù sa 2012 do tỉnh Sóc Trăng tổ chức.
Năm 2013, cô giành giải Chuông bạc trong cuộc thi Chuông vàng vọng cổ truyền hình. Thành tích nối dài với hàng loạt giải thưởng khác như: Huy chương vàng Triển vọng Trần Hữu Trang 2014; Huy chương bạc cuộc thi Tài năng sân khấu, cải lương và Dân ca kịch toàn quốc 2014; giải Quán quân cuộc thi “Thần tượng Bolero” 2015; giành Huy chương bạc Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Bạc Liêu (tháng 11-2015).
Ca sĩ cải lương Lâm Ngọc Hoa. Ảnh: M.Miên
Người con có hiếu…
Thời gian có thể làm “dày” bảng thành tích của cô ca sĩ trẻ, nhưng dường như chưa thể thay đổi bản chất hồn nhiên, mộc mạc của cô gái có tiếng cười trong veo và giọng hò da diết miền quê Thạnh Trị (Sóc Trăng). Ẵm nhiều giải thưởng lớn, mục tiêu của Ngọc Hoa đơn giản chỉ là giúp ba mẹ sửa sang nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi.
Ba mẹ không còn phải cực nhọc, vất vả chuyện mưu sinh. Từ ngày giành giải nhất cuộc thi “Solo cùng Bolero”, Ngọc Hoa nhận nhiều sô diễn hơn, diễn tại các phòng trà, sự kiện, cát-sê cũng cao hơn hẳn. Từ con số vài chục nghìn một buổi biểu diễn tại Đoàn cải lương thì giờ đây khi hát tại sự kiện lớn cô nhận số tiền cát-sê lên tới 8 chữ số.
Nhờ số tiền đi hát, Ngọc Hoa có thể chu tất mọi việc chi tiêu trong gia đình. Thế nhưng, khi được hỏi rằng, là người nổi tiếng, vừa có tài, có sắc, Ngọc Hoa có nghĩ cần một điểm tựa nào đó để có thể vươn xa hơn trong sự nghiệp, cô lắc đầu: “Tôi nghĩ tài chính bây giờ cũng chủ động, vừa phục vụ cho ba mẹ và hai người em, dù đôi lúc chưa được thoải mái, nhưng tiền mình tạo ra thì mới bền vững.
Cuộc đời không ai cho không cái gì. Tôi tự biết mình phải tránh xa cám dỗ trong nghề. Bởi tôi luôn xác định ba mẹ là lẽ sống của mình. Cho nên, tôi phải sống đúng bản thân, không ràng buộc, gò bó với một mối quan hệ nào khác”.
Câu ca của nghệ thuật sân khấu cải lương thấm nhuần giá trị đạo đức, nhân văn. Hồi nhỏ, Ngọc Hoa đã được mẹ hát ru bằng cải lương, lớn lên, sinh sống trong ấp Bàu Lớn, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng đã nuôi dưỡng tâm hồn cô bằng lời ca, giọng hò da diết miền sông nước.
Chính những năm tháng được đào tạo tại Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu do NSƯT Khưu Minh Chiến làm trưởng đoàn là cái “nôi” giúp cô có được thành công như bây giờ.
Được khán giả “nhớ mặt đặt tên” khi trở thành quán quân tại cuộc thi “Solo cùng Bolero”, nhưng ít ai biết rằng, những ngày đầu tiên sơ tuyển lại chật vật và khó khăn với giọng ca chỉ quen với giọng hò, ca cổ. Ngọc Hoa kể, cô đến với nhạc Bolero không hẹn trước. Đó là lần vô tình theo chân hai chị họ đến thi tuyển tại TP HCM.
Giọng hát ngọt ngào của cô bé 21 tuổi đã lọt vào mắt xanh của giám khảo Minh Đức, ca sĩ Phi Nhung. Ngọc Hoa vừa mừng, vừa lo vì lần đầu tiên cô hát nhạc xưa. Vậy mà giờ, vẫn cô bé của sân khấu truyền thống, khép nép sau cánh gà, nhìn lên ánh đèn sân khấu lấp lánh những ước mơ, bắt đầu dòng nhạc xưa đậm chất trữ tình.
Vượt qua 7.000 thí sinh, cô may mắn giành giải nhất bằng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân. Về dự án âm nhạc sắp tới, Ngọc Hoa sẽ thực hiện album những bản nhạc xưa để dành tặng khán giả cuối tháng 12 này. Lý do cô chọn album đầu tay là dòng nhạc xưa, bởi chính dòng nhạc này đã giúp cô đến gần với khán giả, tri ân khán giả ủng hộ cô trong suốt hành trình tham gia cuộc thi.
Chia sẻ trong diễn đàn “Khát vọng cống hiến vì bản sắc Việt” về những khó khăn của người nghệ sĩ với nghệ thuật truyền thống, Ngọc Hoa cho rằng: “Nghệ thuật không có điểm dừng, không tuyệt đối, chỉ cần cố gắng thử sức thì có thể thành công. Mong rằng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ để nghệ thuật cải lương Việt Nam phát triển trong dòng chảy nghệ thuật truyền thống với khán giả đương đại”.
đúng!mình ko hỉu sao để ông nội Minh Đức làm giám khảo trong khi vốn hiểu bik của ổng về nhạc bolero quá ít,bài hát bik ko nhìu,ngay cả Giang Tử ông cũng còn ko bik là ai mà đòi làm giám khảo!vớ vẩn(trong chương trình năm đầu tiên ổng lẫn lộn Giang Tử với Duy Khánh.chịu nổi ko???)
đúng!mình ko hỉu sao để ông nội Minh Đức làm giám khảo trong khi vốn hiểu bik của ổng về nhạc bolero quá ít,bài hát bik ko nhìu,ngay cả Giang Tử ông cũng còn ko bik là ai mà đòi làm giám khảo!vớ vẩn(trong chương trình năm đầu tiên ổng lẫn lộn Giang Tử với Duy Khánh.chịu nổi ko???)
em tự suy nghĩ đi (nó thuộc về vấn đề nhạy cãm mà em )