Khi đến với nghề viết, hay nói đúng hơn là “nghiệp” viết tuồng cải lương, việc đầu tiên người soạn giả là chọn cho mình một bút hiệu (bây giờ còn gọi là bút danh) – Cho dù người viết chưa hề được chút nào nổi danh!Tương tự như thế, trước khi “thai nghén” ý tưởng một kịch bản, việc trước tiên người soạn giả đặt tên cho vở tuồng. Khi vở tuồng đã được cân nhắc đặt tên rồi, bước tiếp theo là nội dung câu chuyện và tuyến của các nhân vật trong tuồng, tiếp theo là phân cảnh đâu đó xong xuôi rồi mới bắt đầu viết.
Lệ thường là như vậy! Nhưng ở đời không có chi gọi là tuyệt đối. Bởi vì cũng có trường hợp soạn giả viết trước rồi đặt tên cho vở tuồng sau. Lại cũng có trường hợp, ban đầu người soạn giả đặt tên cho vở đâu đấy xong xuôi, nhưng sau viết xong mới “phát hiện” ra ý tưởng mới, lại thay tên vở tuồng cho được phù hợp hơn.
Đó là trường hợp vở tuồng “ Tuyệt Tình Ca” của hai cố soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Điệp. Ban đầu, vở tuồng được mang tên “Người đối diện lương tâm”. Có lẽ, do cái tên quá dài lại có vẻ quá “trừu tượng”. Vì lương tâm là thứ vô hình thì làm sao mà đối diện? Có lẽ vì vậy … hai cố soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Điệp mới đổi lại chăng?
Cũng có thể như vậy lắm! Công bình mà nói vở tuồng “Tuyệt Tình Ca” – Cái tên nghe qua cảm thấy là lạ, vừa pha lẫn một chút ngồ ngộ, hay hay! Ba chữ “Tuyệt Tình Ca” đã gieo vào trí tò mò của khan giả. “Tuyệt Tình Ca” ý nghĩa của nó ra làm sao?
Có một giai thoại thú vị về vở Tuyệt tình ca mà người trong giới thường xuyên truyền miệng cho nhau nghe. Sô là liên danh tác giả Hà Triều – Hoa Phượng sau một thời gian hợp soạn đã cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng. Hoa Phượng nhỏ hơn Hà Triều 2 tuổi, lúc nào ông cũng gọi Hà Triều bằng đại ca. Sau đó hai tác giả này giận nhau, ra riêng.
Hà Triều viết riêng hoặc hợp soạn với một số tác giả như Trần Hà (và đã có được một tác phẩm nổi tiếng của liên danh này là vở Bông hồng sa mạc).Hoa Phượng cũng thế, ông viết chung với nhiều tác giả khác, trong đó có vở Tuyệt tình ca viết chung với Ngọc Điệp.
Tựa tuồng đầu tiên mà Hoa Phượng tách khỏi liên danh Hà Triều-Hoa Phượng là Tuyệt tình ca, có nghĩa là dứt tình với đại ca (Hà Triều). Vở này còn có một tên khác là “Ông cò quận 9”.
Tương tự như thế, vở tuồng cải lương “ Nỗi buồn con gái” của hai cố soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng được trình diễn trên sân khấu Dạ Lý Hương, sau này cũng đổi tên là Tần Nương thất”. Vở tuồng Nhật “Khi hoa anh đào nở” cũng của hai cố soạn giả này trước đây được mang tên là “Lối vào cung cấm”.
Vì vậy có thể nói, việc đặt tên cho vở tuồng, người soạn giả ngày xưa rất là thận trọng. Có những vở tuồng khi mới “thai nghén”cốt chuyện được chọn tên này, nhưng khi hoàn thành lại là cái tên khác.
TÊN VỞ TUỒNG GÂY ẤN TƯỢNG CHO NGƯỜI XEM:
Việc dung “thuật ngữ” để đặt tên một vở tuồng cải lương tạo được ấn tượng cho người xem hoàn toàn không hề đơn giản. Thường thì … tên của một vở tuồng cải lương dài lắm cũng chỉ năm, đến sau chữ là cùng. Hầu như không có vở tuồng nào có cái tên dài bảy chữ cả! Hoặc cũng không có vở tuồng nào chỉ duy nhất mỗi một chữ.
Điều này bên Tân nhạc thì có, chẳng hạn như các bài “Kim” – của nhạc sĩ Y Vũ, “Không” của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, “Buồn” của cố nhạc sĩ Y Vân. Bài M (tức Em) của một nhạc sĩ nào đó, vì lâu quá nên tôi không còn nhớ đến tên nhạc sĩ – Xin chân thành cáo lỗi!
Nhân đây, xin phép trích dẫn đoạn cuối của bài nhạc có lời như sau: “Dù biết khổ đau cũng không hờn oán. Khung trời này u buồn nếu vắng bóng em. Yêu em, tôi yêu chin kiếp mười đời. Thề không gian dối nửa lời. Khi lìa trần thế vẫn yêu em hoài”.
Sở dĩ người viết bài này dẫn chứng … ‘ngoài lề” như vậy, không ngoài mục đích để chứng minh việc đặt tên một vở tuồng cải lương gây ấn tượng cho người xem không hề dễ một chút nào!
Và còn rất nhiều bài nhạc mang tên chỉ mỗi một chữ như thế. Điều này, hoàn toàn không hề thấy ở các tuồng cải lương. Tên một vở tuồng cải lương ít nhất cũng phải là hai chữ. Ví dụ như “Sông dài” của hai cố soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng, “Quán ma” của cố soạn giả Thu An …v.v…
Thường thì… tên của vở tuồng cải lương có từ ba đến bốn chữ trở lên, nếu như dài nhất chỉ gói gọn trong phạm vi sáu chữ. Ít khi thấy có vở tuồng nào vượt qua sáu chữ ngoại trừ vở Bao Công tra án anh em song sinh trên sân khấu đoàn Huỳnh Long dài đến 8 chữ. Vở tuồng cải lương có tên sáu chữ là : “Mắt em là bể oan cừu”, “Bao Công xử án Quách Hòe”, “Quái vật động Đình Hồ”, “Người vợ không bao giờ cưới”.
Tên tuồng năm chữ thì số lượng nhiều hơn như: “người đẹp Bạch Hoa Thôn” của cố soạn giả Hoàng Khâm, “Áo cưới trước cổng chùa” của cố soạn giả Kiên Giang, “Ảo Ảnh Châu Bích Lệ của cố soạn giả Thu An, “Người dừng chân đêm mưa” của soạn giả Nguyễn Phương (hiện đang định cư ở nước ngoài), Quán khuya sầu viễn khách của tác giả Yên Lang, Giai nhân bên suối bạc của soạn giả Ngọc Văn, Tâm sự loài chim biển của Yên Lang – Nguyên Thảo..v.v..
Sau 30/4/1975, chỉ duy nhất vở tuồng cải lương có tên sáu chữ, đó là vở “Bàn thờ tổ một cô đào” của soạn giả Đức Hiền (được phóng tác theo truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng), chính xác còn có một vở cải lương có tên 6 chữ nữa mà ít người để ý, vì vở này từ kịch nói của cố tác giả Lưu Quang Vũ, sau đó được chuyển thể cải lương.
Sử dụng ở thể loại audio – video chứ không xuất hiện trên sân khấu sàn diễn như vở Bàn thờ Tổ một cô đào; vở mà tôi muốn đề cập ở đây là “Hồn Trương Ba – Da hang thịt”. Những vở tuồng mang tên có năm chữ gồm: Cây sầu riêng trổ bông, Bóng tối và ánh sang, Tình yêu và lời đáp, Pha lê và cát bụi, Hòn đảo thần vệ nữ, Nửa vầng trăng kỳ lạ, Hạt bụi và non cao, Xuân về trên đỉnh Mã Phi, Người đẹp bến Tiền Châu, Mùa thu trên non cao, Dũng khí Đặng Đại Độ, Vụ án Hồ con rùa…v.v…
Tên những vở tuồng cải lương như thế, vở “Ảo ảnh Châu Bích Lệ” khan giả phải … xem rồi mới biết cốt truyện của vở tuồng đó xuất xứ từ đâu? Cốt chuyện của nước nào? Tuy nhiên, cũng có những vở khi nhắc qua thấy tựa, khan giả sẽ biết ngày đó là tuồng của nước nào: “Khi hoa anh đào nở” là tuồng của Nhật Bổn – Vì chỉ có nước Nhật mới được gọi là xứ sở của hoa Anh Đào.
Tượng tự như thế, khi nghe qua tên vở tuồng “Trăng lạnh xứ Mường” hay “Đường lên xứ Thái” được trình diễn trên sấn khấu Minh Chí-Việt Hùng vào những năm đầu thập niên 60, khan giả sẽ biết ngay đây là vở tuồng cải lương thuộc thể loại Đường rừng.
CÓ BAO NHIÊU THỂ LOẠI TUỒNG CẢI LƯƠNG?
Nếu như không tính tới tuồng Tàu – còn gọi là cải lương Hồ Quảng (bây giờ gọi là cải lương tuồng cổ). Có thể phân ra thành 4 loại, gồm: Dã sử, Hương xa, Đường rừng và Xã hội. Ngày xưa, nói đến tuồng xã hội khan giả sẽ nghĩ ngay đến đoàn Thanh Minh (sau này là Thanh Minh- Thanh Nga) kế đến là đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân. Có thể nói, hai đoàn này chiếm lĩnh về tuồng xã hội thời bấy giờ.
Nếu như đoàn cải lương Thanh Minh thành công với “Nửa đời hương phấn”, “con gái chị Hằng”…v.v…. thì đoàn cải lương Dạ Lý Hương cũng đã một thời nức tiếng với vở tuồng xã hội “Tuyệt tình ca” của hai cố soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Điệp. Cho dù vở tuồng cải lương thuộc về thể loại nào, thì tên của vở tuồng đó phải gây được ấn tượng cho người xem, phải gieo vào tâm trí của khan giả sự hiếu kỳ.
Ví dụ như… tại sao vở tuồng có tựa là “Một tram đêm chia ly?” Vì sao lại có đến Hai chiều ly biệt? nguyên cớ nào lại là … Tuyệt Tình Ca? Nếu như gây được trong long khan giả cái ấn tượng đó, thì xem như vở tuồng đã thành công rồi vậy!
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN
Nguồn tin: Báo sân khấu