Như Thủy tên thật là Lê Thị Nhị, quê ở An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bên nội có truyền thống hát cải lương nên cô nhập tâm và biết hát từ khi nào cũng không rõ. Gia đình gởi cô vào đoàn đồng ấu ở Bến Tre được cô Tranh tận tình chỉ dạy. Bên cạnh đó cô được NS Vũ Phương Hiền, là người anh thứ tư uốn nắn thêm cho cách ca diễn để đủ khả năng trở thành một diễn viên chuyên nghiệp. Đến 15 tuổi, Nhị đã đi hát ở đoàn Văn công Ba Tri.
Nghệ sĩ Như Thủy
Năm 1989 đạo diễn Hồ Bảy, khi đó đang là Trưởng đoàn cải lương Bông Dừa Trắng, thấy cô bé có sắc vóc tốt, giọng ca trong sáng rất có triển vọng nên ông đã động viên, mời Nhị gia nhập đoàn. Với sự hướng dẫn của ông Hồ Bảy đã trang bị thêm kiến thức cùng kinh nghiệm biểu diễn, giúp cô có cái nhìn mới về sân khấu mới, thoát ra khỏi phong cách biểu diễn đã bị ảnh hưởng từ truyền thống gia đình.
Đạo diễn Hồ Bảy là người thầy đã hướng cho cô hướng đi đúng cho đến tận bây giờ. Sau đó Nhị có thời gian cộng tác với đoàn cải lương Hàm Luông, một đoàn chuyên hát tuồng cổ. Nhờ đó mà cô được tôi luyện thêm kỹ thuật vũ đạo trong biểu diễn. Được một thời gian Như Thủy về cộng tác với đoàn cải lương Bến Tre cho đến nay.
Năm 2005 trong Hội diễn sân khấu chuyên ngiệp toàn quốc, Như Thủy được huy chương đồng qua một vai thứ trong vở “Dưới rặng dừa xanh”. Là một diễn viên đa năng, Như Thủy có thể hát nhiều loại vai tính cách khác nhau: đào mùi, độc, lẳng... Những khi đoàn thiếu diễn viên nữ chính, cô là người thế vai xuất sắc trở thành diễn viên trụ cột đóng góp nhiều công sức cùng đoàn vượt qua nhiều cơn “sóng gió”
Khi có một số diễn viên nòng cốt ra đi. Nhờ gương mặt sáng, đẹp, vóc dáng đúng chuẩn, Như Thủy có sức hấp dẫn riêng của mình trước khán giả. Đã qua hàng trăm vai diễn, sở trường của Như Thủy là những vai sang trọng, kiêu kỳ hay nhỏng nhẻo, dễ thương, ưu thế về ngoại hình đã giúp cô có những thành công nhất định, làm chỗ dựa vững chắc cho lớp diễn viên trẻ của đoàn hiện nay.
Như Thủy đến với nghề hát một cách tự nhiên không tính trước có lẽ cũng do ảnh hưởng từ nghề nghiệp bao đời của ông bà, cha mẹ. Ở Bến Tre có rất nhiều gia đình nhiều đời theo hát bội, cải lương nên không lạ khi ở đây có nhiều bạn trẻ có thể đi hát, hòa nhập rất nhanh vào sân khấu chuyên nghiệp.
Đoàn đã mất rất nhiều diễn viên trụ cột, tài năng nhưng người sau vẫn đủ khả năng thay thế người trước, và cứ như thế mỗi lớp nghệ sĩ có phong cách riêng đã tạo sự phong phú, linh hoạt trên sân khấu đoàn Bến Tre để đoàn vẫn đứng vững đến ngày hôm nay.
Nhớ lại chặng đường đã qua Như Thủy biết ơn Tổ nghiệp, biết ơn nghề đã cho cô có cơ hội tiếp nối truyền thống gia đình. Tuy chỉ quanh quẩn ở các đoàn cải lương của tỉnh Bến Tre nhưng với Như Thủy, cũng là quá đủ, cô được phục vụ bà con quê hương, được sống trong tình yêu thương của đồng nghiệp. Những địa danh làng xóm Bến Tre đã thành nơi ở, chốn về quen thuộc qua từng bước chân lưu diễn của cô.
Nếu phải lựa chọn cho mai sau Như Thủy muốn mình vẫn là nghệ sĩ cải lương, được trải lòng mình qua điệu nhạc, lời ca quen thuộc của cải lương đã mở cửa tâm hồn cho cô thấy cuộc đời mình dù trải qua bao thăng trầm, sóng gió. Chính cải lương đã giúp cô vượt qua tất cả, co niềm tin yêu, lạc quan để vững vàng tiếp tục cống hiến tài năng của mình.
VIỆT KHANG
Nguồn tin: Báo sân khấu