Theo lịch thì 20h mở màn, nhưng khoảng 19h20 khi đem lẵng hoa của CLS đến chúc mừng, gặp anh Triệu Trung Kiên, anh không giấu vẻ lo lắng khi gần đến giờ mở màn mà tiền sảnh Nhà hát Bến Thành vắng lặng đến bất ngờ. Anh nói : "Không lẽ khán giả TPHCM có thói quen cận giờ diễn mới vào rạp sao em ?"
19h50, khi anh em CLS gồm DH, chị Hương Lê, Linh Huệ, Romeo, Thắng Luyện, Thanh Đào bước vào khán phòng thì chỉ khoảng hơn 100 khán giả thôi. Một chút sau, khán giả rải rác đến , nhưng tổng số chắc không được 200 người ngồi lọt thỏm giữa khán phòng rộng mênh mông. Buồn, và có chút gì đó hụt hẫng tuy DH không phải là người của NHCL Việt Nam
Và điều đáng buồn hơn nữa là sự đìu hiu trên SK khi ngoài lẵng hoa chúc mừng của CLS thì không có bất kỳ lẵng hoa nào khác của các đơn vị bạn ? Lạ quá.
Khán giả vắng, nhưng không vì thế mà diễn viên diễn thiếu lửa. Ngược lại, họ diễn rất nhiệt tình. Có lẽ khi diễn giữa TPHCM, nơi có thể gọi là trung tâm của cải lương phía Nam nên phần mở đầu có nhiều diễn viên bị khớp, ca diễn còn thiếu chút tự tin. Càng về sau, họ đã dần dần lấy cảm tình của khán giả bằng khả năng ca diễn của mình.
Màn vừa kéo ra, khán giả như được đắm chìm trong cảnh đẹp của núi rừng Tây Bắc, nơi tái hiện những phiên chợ tình của đồng bào dân tộc dễ thương làm sao. Không dễ thương sao được khi người chồng sẵn sàng dẫn vợ mình vượt đèo núi để đến phiên chợ tình cho vợ mình thoải mái hẹn hò với người tình cũ. Nét văn hóa mộc mạc của người dân tộc Tây Bắc đáng yêu quá.
Cặp đào kép chính
Quang Khải (vai chàng Ba) - Như Quỳnh (vai nàng Út) lấy được cảm tình của khán giả bởi giọng hát khá ngọt ngào và diễn rất có duyên.
Một số diễn viên khác có chất giọng khá hay như
Xuân Thông (vai Tộc trưởng), Dạ Ngọc Hương.....
Lớp diễn của ba diễn viên đóng vai ba bà Mo (thầy cúng miền Tây Bắc) lấy được nhiều tràng pháo tay của khán giả vì nét hài của họ khá duyên.
Vở diễn với nội dung khá nhẹ nhàng, tình tiết kịch súc tích, diễn viên ca diễn tốt tạo nên một vở diễn đáng xem. Khán giả như hòa mình vào nỗi đau bởi cuộc tình trắc trở của chàng Ba (dân tộc Nùng) và nàng Út (dân tộc Dáy). Do định kiến tôn giáo ràng buộc nên họ không đến được với nhau, tạo nên một thiên tình sử đẫm nước mắt trên đỉnh núi Khau Vai.
Cảm ơn NHCL Việt Nam, cảm ơn Thạc sĩ -NSƯT Triệu Trung Kiên đã cho khán giả TPHCM một cơ hội được xem một vở diễn hay.
Chúc cho sân khấu của NHCL Việt Nam luôn sáng đèn để những người nghệ sĩ cải lương miền Bắc được thỏa niềm đam mê ca diễn đối với bộ môn nghệ thuật xuất xứ từ miền Nam Bộ này.