Quốc Nhĩ một cái tên rất quen thuộc trong giới nghệ sĩ cải lương, nhất là nghệ sĩ ngôi sao. Đặc biệt hơn là ở Đoàn Thanh Minh-Thanh Nga mọi người đều nhớ Quốc Nhĩ có một vai diễn rất ấn tượng trong Tiếng Trống Mê Linh, đó là vai Đông Bản.
Nhân kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Đoàn Thanh Minh-Thanh Nga do NSUT – danh hài Bảo Quốc và gia đình thực hiện, Quốc Nhĩ đã trở lại “mái nhà xưa” cũng diễn Tiếng Trống Mê Linh, nhưng lần này anh thủ diễn vai cụ Đô Trinh, vai của nghệ sĩ lão thành Ba Xây ngày xưa. Anh đã hoàn thành vai diễn xuất sắc, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả mộ điệu, giành được lời khen của NSƯT Bảo Quốc, một niềm an ủi cho người nghệ sĩ từ lâu đã xa rời sân khấu.
Quốc Nhĩ tên thật là Lê Hiếu Nhĩ, sinh năm 1947 tại xã Tân Lược, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Thuở nhỏ rất yêu thích ca hát, anh không định hướng cho mình một nghề nghiệp nào cả, chỉ mong muốn được làm nghệ sĩ. Ở nhà anh không học qua một thầy đờn nào, chỉ nghe ca trên đài, hay trong đĩa hát mà học theo.
Năm 1963, Đoàn cải lương Thống Nhất – Út Trà Ôn (đệ nhất danh ca vọng cổ) làm bầu về diễn tại Vĩnh Long. Vốn ái mộ Út Trà Ôn từ lâu nên Nhĩ xin vô đoàn, được ông bầu nhận làm đệ tử, vì thấy “thằng nhỏ này” mặt mày sang sủa, có giọng ca tốt, và ông đặt nghệ danh là Quốc Nhĩ.
Thời đó, các đoàn cải lương thường có một đôi vũ công nam nữ vài mươi người dùng để múa trong các lớp diễn ấn tượng. Quốc Nhĩ vừa làm vũ công nam vừa làm người nhắc tuồng, đôi khi được hát một vài vai nhỏ. Lúc đó anh vừa đi hát cho vui, vừa để trốn lính.
Đến năm 1965, anh về Đoàn Hương Mùa Thu của tác giả Thu An, tiếp tục làm vũ công nhưng được ký “công tra” hẳn hòi với giá 700 đồng. Tuy số tiền không lớn, nhưng là một dấu mốc rất quan trọng đối với anh, lần đầu tiên đi hát được ký công tra. Sau khi nhận tiền anh liền ra tiệm mua tặng nghệ sĩ Huỳnh Minh, người anh kết nghĩa, một đôi giày để tỏ long tôn trọng với một nghệ sĩ có tài mà nghèo.
Sau đó vì lý do riêng Quốc Nhĩ nghỉ Đoàn Hương Mùa Thu, được vợ chồng anh chị kết nghĩa, soạn giả Duy Tích – Thanh Thủy, đem về nhà nuôi nấng; lại được anh chị Văn Đặng-Lan Chi thường hay lui tới thăm nom, an ủi. Hàng ngày, khi chủ nhà đi vắng anh lau nhà, rửa chén, sắp hàng ngoài phông tên gánh nước, giúp việc cho gia đình như một cách trả ơn.
Sau đó, anh Duy Tích giới thiệu anh cho NS Tám Vân và soạn giả Nhị Kiều. Lần đầu tiên anh được đứng trong cánh gà coi đoàn Thanh Minh-Thanh Nga hát, lần đầu tiên được nhìn thấy thần tượng Thanh Nga bằng xương bằng thịt. Sau lớp diễn chị Thanh Nga vào hậu trường thấy một thanh niên lạ, mặt mày sáng sủa khép nép, đứng xớ rớ mới hỏi tác giả Nhị Kiều “Ai đó?”
Sẵn có ý muốn giúp nên tác giả Nhị Kiều nói “Nó là con nuôi của tôi”. NS Thanh Nga hỏi “em có muốn đi đoàn hát không để chị nói với má…” Như mở cờ trong bụng, lại được tác giả Nhị Kiều nói thêm “Tôi cũng muốn xin cho nó vô đoàn, nhưng chưa có dịp thưa qua với Bà Bầu”. NS Thanh Nga nói luôn “Để tôi nói với má cho”.
Một lát sau NS Thanh Nga trở lại “Má đã đồng ý nhận em, và chị muốn nhận em làm em nuôi…” Anh không ngờ mình lại được may mắn đến thế. Chị Thanh Nga có vài người em nuôi nhưng toàn là nữ, chỉ có duy nhất Quốc Nhĩ là con trai.
Từ đó Quốc Nhĩ như người em trai thân cận nhất của chị Thanh Nga, đi đâu, có việc gì anh đều được đi bên chị, anh tiếp tục công việc nhắc tuồng, làm vũ công và thay thế một số diễn viên trụ cột đột xuất vắng mặt. Anh đã từng thế vai của NS Phương Thanh. Bà Bầu Thơ đã coi anh như con trai, Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga thời đó là gia đình thứ hai của anh.
Cũng trong thời gian này anh quen biết với cô Ba Thanh Loan, không ngờ sau này anh gặp lại mới biết đó là một nghệ sĩ cách mạng, tham gia kháng chiến. Với anh, nghề hát như một cuộc vui chơi thú vị, được ở trong đoàn hát là vui, còn được hát hay không cũng chẳng màng.
Được cái tánh vui vẻ, hiền lành, ai nhờ việc gì cũng giúp, từ việc nhỏ như mua giùm ly cà phê hay việc lớn là hát thay vai, anh đều làm tốt. Có lẽ nhờ tình thương của gia đình bà Bầu Thơ, chị Thanh Nga, vợ chồng NS Nhị Kiều-Tám Vân và bầu không khí của Đoàn Thanh Minh-Thanh Nga mà anh được đối xử như một cậu quý tử. Anh rất được NS Thành Được thương mến, làm người anh đỡ đầu.
Anh sống ở Đoàn Thanh Minh-Thanh Nga từ năm 1966 đến năm 1973 khi Đoàn chánh thức ngưng hoạt động. Sau đó anh có tham gia một số đoàn hát khác cho tới 1975, Đoàn Thanh Minh-Thanh Nga thành lập lại, anh quay trở về Đoàn cho tới 1978 thì cô Ba Thanh Loan mới xin với bà bầu Thơ cho anh về Nhà hát Trần Hữu Trang.
Đoàn Thanh Minh-Thanh Nga đối với anh là kỷ niệm lớn nhất trong đời, anh đã nhận tình thương của gia đình, đặc biệt là chị Thanh Nga. Ở sân khấu này, anh có những vai diễn hay, với anh, không có gì sánh bằng. May mắn không dễ có hai lần trong đời. Dấu ấn sâu sắc nhất cũng từ sân khấu này, cũng từ chị Thanh Nga mà anh gặp được người bạn đời xinh đẹp, tài hoa NSƯT Thanh Nguyệt.
Ở nhà hát Trần Hữu Trang được vài năm, rồi anh xin nghỉ hẳn khi phong trào băng, đĩa cải lương nổi lên anh về công tác với vợ chồng người thầy, ba mẹ nuôi NS Tám Vân – Nhị Kiều, phụ trách vai trò kịch vụ cho hãng băng Vafaco. Hàng trăm vở cải lương cassette, video do anh tham mưu, chọn kịch bản, chọn diễn viên phù hợp để thực hiện chương trình, được các nhà sản xuất tin tưởng tuyệt đối.
Vốn tính tình hiền lành, vui vẻ, không thích nịnh bợ, lại hiểu biết sâu sắc về nhiều sinh hoạt hậu trường của giới cải lương, nhiều năm dài Quốc Nhĩ như một kho tư liệu sống. Ảnh hưởng từ sự nghiêm túc của sân khấu Thanh Minh Thanh Nga nên khi ở vai trò tổ chức sản xuất anh làm việc rất chỉnh chu, đâu ra đó, mang phong cách của những người trưởng thành từ sân khấu Thanh Minh-Thanh Nga.
Quốc Nhĩ rất hay là anh thuộc rất nhiều đoạn viết hay của những tác giả tài danh như Hà Triều – Hoa Phượng, Mộc Tinh, Loan Thảo, Thế Châu… Mỗi khi nghe một diễn viên nào đó hát sai lời của những tuồng xưa là anh đọc vanh vách lời văn nguyên bản. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình.
Quốc Nhĩ cống hiến rất nhiều công sức cho sân khấu cải lương, một công việc âm thầm, chỉ có các nghệ sĩ biết. Anh đón nhận sự thương yêu, tin cậy của rất nhiều nghệ sĩ ngôi sao. Với anh, sân khấu Thanh Minh-Thanh Nga vẫn là sân khấu mẫu mực số 1, từ sự sạch sẽ, nghiêm trang ở phong cách biểu diễn, nơi quy tụ những nghệ sĩ tài giỏi bậc nhất, những tác giả đạo diễn bậc thầy.
Nơi có nhiều kịch bản xuất sắc nhất mà sân khấu cải lương từng có. Nên khi được mời lại diễn trong chương trình 64 năm thành lập Đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, anh coi đó là món quà lớn mà NSƯT Bảo Quốc và gia đình dành cho một thành viên thân cận của đại gia đình Thanh Minh-Thanh Nga, một món quà Tổ nghiệp dành cho một nghệ sĩ cả đời thầm lặng cống hiến cho sân khấu.
Ở tuổi về chiều, không còn tham gia các sinh hoạt nghệ thuật, Quốc Nhĩ đóng vai trò “tài xế” âm thầm đưa rước người bạn đời NSƯT Thanh Nguyệt đi đóng phim, họ có một hạnh phúc tuyệt vời với nhau đúng nghĩa, đôi bạn đời bạn nghề tâm đầu ý hợp. Tôi nhớ anh ở những công việc của hơn 20 năm trước trong vai trò của mình anh đã giới thiệu nhiều nghệ sĩ, tác giả.
Nhạc sĩ trẻ cho các hãng băng, các đoàn cải lương, ngày nay trong số đó, có người đã thành ngôi sao. Anh không hề lợi dụng vị trí, quyền hạn của mình để “vơ vét” lớp nghệ sĩ trẻ cần được lăng xê, anh sống sạch,tư cách lớn, đàng hoàng. Nhìn lại ngày nay, nhan nhản những kẻ lợi dụng vị trí.
Quyền hạn của mình mà “hút máu”, “trấn lột” các nghệ sĩ trẻ mà thấy rằng tư tưởng maphia đã len vào và đang sinh sôi nảy nở, để những người trẻ yêu mến nghệ thuật cải lương muốn thành công phải trả một cái giá rất đắt. Từ đó mà kính trọng anh, lớp nghệ sĩ đàn anh luôn coi trọng nhân tâm và tư cách nghệ sĩ. Sân khấu cải lương vẫn nhớ anh và cần có những con người như Quốc Nhĩ.