1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình nghệ thuật có môi trường diễn xướng rất phong phú và đa dạng; không phụ thuộc vào các không gian văn hóa hoặc các không gian trình diễn theo mùa vụ nên có thể được chơi ở bất kỳ hoàn cảnh, thời gian nào, miễn người chơi có cảm hứng. Thoát khỏi không gian vốn có, đờn ca tài tử Nam Bộ sẽ bị biến tướng, lai căng.

    Trước khi Việt Nam tổ chức lễ đón nhận bằng của UNESCO tôn vinh đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, GS-TS Trần Văn Khê đã có ý lo ngại về sự biến tướng của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này và ông kêu gọi hãy trả lại không gian vốn có cho ĐCTT Nam Bộ. Theo ThS - nhạc sĩ Huỳnh Khải, không gian được hiểu nôm na là “chỗ chơi”; đã là “chỗ chơi” thì muốn chơi ở đâu cũng được, trong nhà, ngoài sân, ngoài vườn, trên ruộng, dưới ghe…

    Mọi lúc mọi nơi

    Danh cầm Năm Thê (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) gắn bó với ĐCTT từ lúc còn là cậu bé 15 tuổi. Nay đã ở cái tuổi gần 90 nhưng mỗi lần nhắc lại ký ức thời thơ bé, đôi mắt ông bỗng rực sáng. Ông bảo thời đó, đi đâu cũng nghe tiếng đờn, tiếng hát: trong bụi tre, gốc ổi, ngoài ruộng lúa, bờ ao, dưới ghe thuyền…

    Nhất là khi kết thúc vụ mùa, đúng dịp trăng rằm, đờn hát giữa cảnh trời trăng mây nước còn gì thú vị hơn. “Mỗi nhà thường có một bộ ván ngựa, người đờn và người hát đều ngồi trên bộ ván ngựa đó, bà con đến xem thường trải chiếu ngồi ngoài sân, vừa thưởng thức tiếng đờn, lời ca vừa uống nước, trò chuyện vui vẻ. Chủ nhà nào có điều kiện, nấu cháo gà thết đãi anh em thì còn gì sung sướng bằng” - ông kể.
    Đờn ca tài tử trên sông là một không gian tạo nhiều cảm hứng cho người chơi. (Một cảnh tái hiện ĐCTT trên sông nước). Ảnh: Hữu Thọ

    Những người đờn ca, ban ngày đều là nông dân chân lấm tay bùn nhưng tối đến, họ lại là những “nghệ sĩ” tài hoa. Người đờn say sưa trên phím, người hát thả hồn trong từng lời ca. Trăng lên càng cao, tiếng đờn, lời ca càng đấy cảm xúc. Nghệ sĩ Trọng Hữu nhớ lại: “Hễ gà lên chuồng là bà con kéo nhau đi nghe ĐCTT, xa mấy họ cũng đi. Khi người hát xuống “xề” mùi mẫn thì tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên rộn rã.

    Người hát càng hăng say, có khi ngẫu hứng sáng tác và hát ngay tại chỗ”. Danh cầm Năm Thê cũng cho biết: “Càng hát, tôi càng ghiền, đến nỗi 1 tháng tôi đi hết 30 ngày. Khi tiếng đờn, lời ca cất lên, con người, thiên nhiên hòa quyện vào nhau, mọi nhọc nhằn mưu sinh thường nhật như tan biến hết. ĐCTT đã cùng với chúng tôi đi qua những thăng trầm của cuộc sống”.

    Đờn ca tài tử trên sông cũng là một không gian mang lại cho người chơi nhiều cảm hứng. Trên ghe thuyền của những thương hồ luôn có cây đàn ghi ta hoặc đàn nguyệt. Cuộc sống rày đây mai đó của những con người phóng khoáng, lạc quan không thể không có những giờ phút neo đậu, nghỉ ngơi và mang đờn ra dạo, hát.

    Còn với những người xứ Trà Ôn như danh cầm Năm Thê thì ĐCTT gắn với những chiều thong dong trên chiếc xuồng ba lá nhỏ, tròng trành. Ông nhớ có lần, khi đàn hát trên bờ chán chê, bỗng một câu hát từ đâu ngân lên: “Chị tôi như kiếp bông bần/Bốn mùa rơi rụng trắng ngần bến sông!”, thế là ông cùng bạn bè rủ nhau xuống xuồng, rẽ vào những tán bần đờn hát.

    “Có những đêm trăng nghe giọng ai đó cất lên “mình ên”, không bạn hữu, không người thưởng thức, không nhạc cụ, chỉ có tiếng chèo khua nước nhưng tiếng hát vẫn trầm bổng lạ lùng” - ông nói thêm. Theo nghệ nhân dân gian Tấn Khoa (ngụ huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), ĐCTT còn được chơi ở những buổi trưa hè ngoài vườn chuối, gốc mít, bụi tre, ở đám cưới, đám tiệc, những buổi tiễn đưa tân binh, bộ đội…

    Đầy tính ngẫu hứng

    Không phụ thuộc vào không gian, thời gian nên ĐCTT là loại hình có tính ngẫu hứng cao nhất. Theo GS- TS Trần Văn Khê, người chơi ĐCTT không bao giờ tính trước, không ai nói trước với ai, mỗi khi gặp nhau, có cảm xúc thì mang đờn ra dạo rồi hòa cùng lời ca. Vậy nên người ta nói chơi ĐCTT chứ chẳng ai nói là biểu diễn ĐCTT là vậy.

    Vì tính ngẫu hứng ấy mà những buổi ĐCTT không được tổ chức rình rang hay chỉn chu. Ban đầu chỉ một vài người chơi, vài giờ sau số lượng lên đến hàng chục, khán giả kéo đến hàng trăm. Cố nghệ nhân dân gian Bạch Huệ từng nói: “Một người ngồi đờn, người khác đi ngang thấy hay quá ghé vào chơi. Dần dần, ai đi ngang qua họ cũng ngoắt tay rủ vào hoặc vì thấy đờn ca hay quá mà họ tạt vào.

    Khi đờn ca hợp nhau thì họ ngồi với nhau cả buổi. Như thế mới là một buổi ĐCTT đúng nghĩa”. Nghệ nhân dân gian Tấn Khoa kể rằng có lúc ông ghé qua nhà bạn trao đổi công việc, tự dưng có hứng liền rủ rê: “Ê, mang đờn ra làm vài bản đi!”. Thế là 2 người ngồi ca say sưa, người qua kẻ lại thấy ca hay cũng ghé vào mỗi lúc một đông.

    Tính ngẫu hứng còn được thể hiện trong từng cách nhấn nhá, chẻ nhịp, thêm thắt, quăng bắt của người đờn. Tức là người chơi phải luôn sáng tạo, không bao giờ lặp lại nhưng không có nghĩa là đờn sai bài bản. “Cùng một bài bản đó nhưng tùy cảm xúc, sự điêu luyện của người đờn mà hôm nay nghe khác, ngày mai nghe khác. Lúc cao hứng, người chơi luôn phát triển, ngẫu hứng thêm để hay hơn” - nghệ nhân dân gian Tấn Khoa lý giải.

    Vậy đó! Trong cảnh sắc thôn quê đơn sơ, bình dị với bờ tre, ruộng lúa, con đò, ánh trăng, người chơi không phân biệt hèn sang, không khách sáo, nề hà. Họ đã gảy lên những cung đàn réo rắt, trầm bổng, những tiếng ca ngọt ngào, đầy cảm xúc làm say đắm lòng người.

    “ĐCTT là cuộc tao ngộ đầy cảm hứng của khách tri âm, người tri kỷ. Không câu nệ, không hình thức và không khoảng cách, tiếng đờn hòa với tiếng đờn, lời ca quyện với lời ca, họ có thể ứng tác, ứng tấu, sáng tạo liên tục” - GS-TS Trần Văn Khê khẳng định.

    Tiếng đờn là tiếng tơ lòng

    Tiếng đờn chứa đựng cả những cung bậc cảm xúc, tình cảm hỷ, nộ, ái, ố… nên với những người biết thưởng thức, chỉ cần nghe tiếng đờn có thể biết tâm trạng người chơi như thế nào. Khi có tâm sự thì tiếng đờn sẽ trầm lắng, tha thiết; khi vui thì tiếng đờn bỗng du dương, réo rắt hơn.

    Danh cầm Năm Thê cho rằng: “Tiếng đờn xuất phát từ trái tim mới có sức tan tỏa, quyến rũ, say đắm lòng người”. Có lẽ vì vậy mà ai từng một lần nghe tiếng đờn của ông đều thấu hiểu tiếng lòng của một người cả đời đắm say với ĐCTT.

    Kỳ tới: Còn đâu chất tài tử?

    Bài và ảnh: MINH NGA
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 2 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    phongrau (27-03-2014), romeo (24-03-2014)

  3. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Trả lại không gian cho đờn ca tài tử: Còn đâu chất tài tử?

    Khi đờn ca tài tử thoát khỏi hình thức sinh hoạt dân dã để trở thành một hoạt động mang tính chuyên nghiệp cũng là lúc cái tình của người chơi và cái hồn của tiếng đờn, lời ca, chất ngẫu hứng, giao lưu càng nhạt nhòa

    Hoạt động đờn ca tài tử (ĐCTT) ngày càng phát triển rầm rộ, xôm tụ với hàng chục ngàn người tham gia sinh hoạt ở TP HCM và khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, dường như chất ĐCTT vốn có đã không còn như trước.

    Vô hồn, nhạt nhẽo

    Nghệ nhân dân gian Tấn Khoa nhìn nhận: “Không gian của ĐCTT không bị mất đi nhưng việc mở rộng nơi trình diễn như mang lên sân khấu đã làm cho chất tài tử biến mất. Chơi ĐCTT ở góc sân, sau vườn có tính sinh hoạt, giao lưu, trong khi mang lên sân khấu lại nặng tính biểu diễn”.

    GS-TS Trần Văn Khê cũng từng trăn trở: “ĐCTT bây giờ biến thành câu lạc bộ (CLB), ăn mặc chỉnh tề, đờn thật chính xác, đúng nhịp, ca đúng hơi vô cùng mà không còn cái hồn nữa”.
    Một buổi sinh hoạt của CLB ĐCTT Ánh Sao Mai, quận Bình Thạnh, TP HCM Ảnh: Minh Tâm

    Danh cầm Năm Thê lắc đầu: “Bây giờ, người đờn bản nào ra bản đó, chính xác từng nhịp nhưng nghe mười lần đều giống nhau. Họ không có cảm xúc, không có cảm hứng nên nhiều lúc tiếng đờn nghe vô hồn!”. Thực tế hiện nay, người chơi không dám phá cách, không có sự búng bẩy trong từng ngón đờn, chỉ cần nghe qua là đủ biết họ quá phụ thuộc vào khuôn khổ sẵn có.

    Bởi vậy, trong những buổi biểu diễn, giao lưu của các CLB ĐCTT hiện nay, chúng ta luôn thấy người ngồi đờn mặt mày căng thẳng, chăm chú vào cây đờn. “Đã gọi là chơi ĐCTT là phải có hứng thú, phải thả hồn, từng ngón đờn nhảy múa, linh hoạt. Thời chúng tôi đờn mê đến nỗi không muốn dứt ra, còn bây giờ người đờn trông cho xong bài rồi thôi, thở phào nhẹ nhõm. Đờn như vậy thì làm sao hay được!”- nghệ nhân dân gian Tấn Khoa thở dài.

    Lý giải thực tế này, nhiều nghệ nhân cho rằng chính không gian bó hẹp trên sân khấu khiến những người chơi mất đi rất nhiều cảm hứng tự nhiên - nét đặc thù của nghệ thuật này. Ngày trước, người đờn, người hát giao lưu thoải mái; ai biết đờn chút ít cũng mạnh dạn đờn, nếu sai thì bạn bè chỉnh sửa.

    Còn bây giờ, người chơi bị áp lực, sợ bị chê đờn dở, đờn sai nên chỉ cố gắng đờn sao cho thật chính xác những bài bản đã thuộc, những khuôn mẫu có sẵn. Bởi vậy, người chơi, người thưởng thức trở nên khách sáo.

    Thạc sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Khải cho rằng: “Sở dĩ tiếng đờn thiếu hồn là do tài nghệ và bản lĩnh người đờn còn quá yếu. Đờn trước khán giả mà tim đập, chân run thì làm sao đờn cho hay”.

    Hơn nữa, ngày trước ĐCTT để giãi bày nỗi lòng, tâm sự của mình thì nay đã trở thành loại hình nghệ thuật biểu diễn có tính cách mưu sinh, trở thành một nghề kiếm sống. Nói như GS Trần Văn Khê: “Lúc đờn thì mặt mày buồn hiu, đờn xong thì vội vã cầm phong bì đi về”.

    Không bán tiếng đờn cho kẻ mua vui

    Nếu như ngày trước ĐCTT chỉ dành riêng cho người tri âm tri kỷ, cùng đem lời ca tiếng nhạc trỗi lên khúc tơ lòng… thì nay ĐCTT đã đi vào các nhà hàng, tụ điểm ca nhạc, quán hát với nhau. Bởi vậy, loại hình nghệ thuật này đã bị biến dạng, không còn đúng với cái “chất” của ĐCTT Nam Bộ.

    Các nhà hàng, quán ăn, tụ điểm ca nhạc ĐCTT mọc lên nhan nhản, chủ yếu tập trung ở các vùng ven, ngoại thành TP HCM như quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh và một số ít ở quận 7, quận 8… Nói là ĐCTT song chính xác là “món thập cẩm”, pha trộn ca cổ, cải lương, tân nhạc trong một không gian ô tạp.

    Danh cầm Năm Thê cho biết ông từng được các chủ nhà hàng, quán ăn mời lên TP HCM để chơi đờn nhưng chỉ chơi được một bữa là ông xin nghỉ ngay vì không thể mang tiếng đờn dạo lên trong những không gian thiếu nghiêm túc như thế. “Những người ca chủ yếu là khách đến quán, trong khi nhậu họ hứng lên thì hát. Nhưng hát không ra hát, không thuộc bài bản, hát trật nhịp mà bắt tôi phải đờn theo. Tôi không đờn theo thì họ cự nự” - ông kể.

    Một khi những nghệ nhân không đồng ý làm thì các chủ nhà hàng, khách sạn buộc phải thuê người khác. “Những tay chơi đờn ấy hầu như không được học hành bài bản, không có kiến thức, toàn là những người học lóm được vài ngón đờn cũng đi đờn.Đờn ca cổ cũng sai, toàn nhịp tân nhạc vào nghe chẳng ra làm sao cả!” - danh cầm Năm Thê ngao ngán.

    “Thời của tôi hát hò nghiêm chỉnh, lịch thiệp, thân tình còn bây giờ ĐCTT sao nghe xốn tai quá, hát không ra hát, hò không ra hò. Chưa kể trong những cuộc giao lưu như vậy, người đờn còn tô điểm, thêm thắt, phóng túng tự do làm mất đi bản sắc vốn có của nghệ thuật ĐCTT” - một nghệ nhân than thở.

    Dù theo nghề hơn nửa đời người nhưng những nghệ nhân ĐCTT lúc nào cũng giữ cho mình sự phong lưu, phóng khoáng bởi họ không bao giờ lấy tiếng đờn để mưu sinh.

    Nghệ sĩ nói trên tâm sự: “Tôi chỉ gảy đờn cho những người thật sư yêu quý tiếng đờn, thấu hiểu nỗi lòng, nghe không mất tiền chứ tuyệt đối không bao giờ bán tiếng đờn cho những kẻ mua vui. Tiếng đờn bị đồng tiền chi phối sẽ lập tức mất đi cái hồn cốt vốn có. Điều đó rất nguy hiểm”.

    Kỳ tới: Ngăn chặn lai căng

    Chói tai, nhức mắt

    “Thực ra, chúng tôi cũng chẳng rành về ĐCTT lắm! Chỉ biết đây là hình thức thu hút khách đến với quán nên chỉ quảng cáo vậy thôi; còn khách vào đó có người đờn phục vụ, muốn hát gì thì hát” một chủ quán cho biết. Vậy là những quán như vậy chỉ lấy ĐCTT để thu hút khách mà thôi.

    Một lần chứng kiến không khí đàn hát tại một quán nhậu có treo băng rôn ĐCTT tại quận 12, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với những tiếng đờn, lời ca mà nhiều người vẫn cho đó là ĐCTT. Không chỉ nghe chói tai mà nhìn cũng nhức mắt. Trong khi người đờn, người hát say sưa thì ở dưới, khách vẫn cầm bia rót, cụng ly, la hò liên tục.

    Thậm chí khi đã ngà ngà, những người khách lảo đảo bước lên và bắt đầu “tra tấn”. Chẳng còn là những “tài tử” với giọng hát mùi mẫn mà thay vào đó là những tiếng ca lè nhè. Không khí nhậu nhẹt vẫn diễn ra náo nhiệt. Nhiều quán mang hình thức ĐCTT ngày càng biến tướng, đáng lo ngại hơn khi người phục vụ chủ yếu là những cô gái xuất thân từ miền Tây Nam Bộ, biết hát vài câu vọng cổ mà đã có thể phục vụ thâu đêm suốt sáng cho những thực khách tìm đến mua vui.
    MINH NGA
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    phongrau (27-03-2014), romeo (26-03-2014)

  5. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Trả lại không gian cho đờn ca tài tử: Ngăn chặn lai căng!

    Mang đờn ca tài tử vào hoạt động kinh doanh, du lịch sinh thái... chẳng khác nào biến loại hình nghệ thuật này thành một món hàng để những người làm dịch vụ kiếm tiền

    Khi đờn ca tài tử (ĐCTT) được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được nhà nước triển khai công tác bảo tồn, bộ môn nghệ thuật này đang trở thành “đặc sản” kinh doanh ở các khu du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long. Việc các công ty du lịch sử dụng ĐCTT để thu hút khách ngày càng nở rộ và tình trạng biến tướng ngày càng dị hợm.

    Lệch lạc giá trị

    Cũng giống như ở các quán nhậu, nhà hàng, những nơi du lịch sinh thái ĐCTT đã nhầm lẫn nghiêm trọng giữa ĐCTT và ca cổ, cải lương. Mang tiếng là trình diễn ĐCTT nhưng những người đờn, hát chỉ biết chơi quanh đi quẩn lại vài ba bản vọng cổ. “Chúng tôi được giới thiệu họ là những nghệ nhân đàn giỏi, những nghệ sĩ chơi những bản tài tử rất điệu nghệ nhưng khi nghe mới biết thực chất họ chỉ hát vài bản vọng cổ, có người cũng biết vài ba ngón đờn.

    Như vậy làm sao thể hiện hết tính chất của ĐCTT, làm sao người nghe hiểu hết bài bản một cách đúng nghĩa” - chị Huỳnh Thị Châu (quận Gò Vấp, TP HCM), người từng đến khu du lịch sinh thái ĐCTT ở tỉnh Tiền Giang, băn khoăn.
    Đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch tại Cồn Phụng, tỉnh Bến Tre Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG LÂN

    Một nghệ nhân ở tỉnh Long An cho biết: “Những anh em đờn hát phục vụ du lịch hầu như chỉ đờn được đôi ba bài nhỏ, các bài tổ thì “ngoài tầm với” vì trình độ chưa tới. Riêng người hát chỉ hát những bài lý, vài câu vọng cổ quen thuộc”.

    Vì vậy mà có lần GS-TS Trần Văn Khê đưa ra lời cảnh báo: “Mang ĐCTT đi làm du lịch là một vấn đề hết sức nguy hiểm. Trong chút thời gian ngắn ngủi 15-20 phút nghe đờn, hát vài ba bản thì làm sao hiểu hết giá trị. Chưa kể, cứ mang ca cổ ra giới thiệu tràn lan sẽ khiến người nghe hiểu lầm, giá trị của ĐCTT bị lệch lạc”.

    Thực tế, chơi ĐCTT ở những nơi này là một nghề kiếm sống không hơn không kém. Họ đi đờn hát như những người làm công ăn lương, được các công ty du lịch thuê biểu diễn mỗi khi có khách và được trả tiền theo sô. Tuy nhiên, tiền nhận được cho mỗi lần biểu diễn cũng không nhiều, nếu ai được khách thưởng thì được thêm chút đỉnh. Vì vậy, không biết tự bao giờ, vì áp lực mưu sinh, họ biến thành những “thợ đờn”, “thợ ca” máy móc, chỉ biết gảy lên những tiếng đờn vô hồn, ca với giọng vô cảm.

    Danh cầm Năm Thê nói: “Đa số những người này chỉ biết vài ba ngón đờn đơn giản do học lóm chứ có học hành bài bản gì đâu mà đờn. Họ chẳng biết làm nghệ thuật là gì mà chỉ biết đờn để kiếm tiền thôi!”. Một thợ đờn phân trần: “Chúng tôi vẫn cố gắng đờn đúng nhịp, đúng bài nhưng để thả hồn vào từng lời ca tiếng đờn thì hiếm lắm. Ở hoàn cảnh đờn để mưu sinh chứ không còn là một thú chơi nữa”.

    “Rất nhiều người day dứt khi mang tiếng đờn gảy cho vừa tai khách để kiếm tiền nhưng họ không thể làm khác được” - nghệ nhân dân gian Tấn Khoa cho biết. Rõ ràng, khi nghệ thuật bị thương mại hóa thì sẽ ít nhiều mất đi giá trị vốn có. Bởi vậy, nói như GS-TS Trần Văn Khê: “ĐCTT là một cuộc tiêu khiển nghệ thuật, người nghe không mất tiền và người chơi cũng không đờn để kiếm sống. Muốn giữ gìn cái chất của ĐCTT thì đừng biến nó thành món hàng kinh doanh”.

    Phải trả về đúng bản chất của nó

    GS-TS Trần Văn Khê là người trăn trở nhất với việc làm sao trả ĐCTT về đúng không gian vốn có. Ông cho rằng trước hết phải tôn trọng vốn cổ cha ông để lại. ThS - nhạc sĩ Huỳnh Khải nói: “ĐCTT ở những vùng quê, nông thôn miền Tây vẫn còn giữ nguyên giá trị. Chỉ đáng lo ngại là những hình thức đưa ĐCTT vào nhà hàng, quán nhậu, du lịch để kinh doanh”. Vậy nên, việc chấn chỉnh hoạt động ở những hình thức này phải được quan tâm hàng đầu.

    Ông Huỳnh Khải cho biết: “Chúng tôi mê ĐCTT vì được học hỏi, giao lưu với những danh cầm, nghệ nhân của thế hệ trước quá xuất sắc. Các bạn trẻ bây giờ không mê ĐCTT vì họ không được tiếp xúc, học hỏi một lớp nghệ nhân đờn giỏi như thời trước nữa”.

    Thực tế, số lượng nghệ nhân “vàng” của ĐCTT không còn nhiều trong khi những người kế thừa lại phải lao vào cuộc mưu sinh. Vì vậy, nhà nước nên có chính sách tạo điều kiện để những người ĐCTT có thể sống bằng tiền lương, giúp họ học hỏi, nâng tay nghề, hiểu đúng giá trị của ĐCTT.

    Vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM đã phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TP triển khai dự án đưa ĐCTT vào học đường. Trường THPT Bùi Thị Xuân là điểm hẹn đầu tiên của dự án. Chương trình bất ngờ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tài tử, danh cầm và học sinh nơi đây. Vấn đề đặt ra là làm sao mang đến thế hệ trẻ một không gian của ĐCTT đúng nghĩa, không bị hiện đại hóa, lai căng hóa.

    Cần cách làm phù hợp

    Theo nghệ nhân dân gian Tấn Khoa, ĐCTT trong các quán nhậu, nhà hàng rất khó để dẹp bỏ. Nếu có dẹp được thì cũng chỉ vài ba bữa rồi đâu lại vào đó. Mà những quán này thu hút khách đông, chứng tỏ người ta rất mê ĐCTT. Vậy nên, phải tạo điều kiện để họ được giao lưu, học hỏi trong những không gian ĐCTT đúng nghĩa.

    Theo ThS - nhạc sĩ Huỳnh Khải, việc mở rộng không gian của ĐCTT như đưa lên sân khấu, vào nhà hàng, quán ăn, các khu du lịch... là một xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu xã hội. Ông lý giải: “ĐCTT muốn phổ biến thì phải đưa lên sân khấu, khi đưa lên sân khấu thì phải ăn mặc chỉnh tề. Muốn quảng bá rộng rãi đến du khách thì tất nhiên phải đưa vào du lịch”.

    Nói chung, bất kỳ một loại hình nghệ thuật nào có chiều dài phát triển cũng phải chấp nhận đối mặt với nhiều thách thức trong thời buổi kinh tế, hội nhập. Đây là quy luật của cuộc sống.

    Bởi vậy, đây là cơ hội để ĐCTT có dịp thử sức mình, vượt qua để khẳng định giá trị. “Còn việc có tự mình vượt qua được hay không hay sẽ bị đào thải thì vẫn cần những chính sách, sự quan tâm hơn nữa của những người làm công tác bảo tồn, gìn giữ” - ông Huỳnh Khải nhấn mạnh.

    MINH NGA


    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following User Says Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    romeo (28-03-2014)

ANH EM CHANNEL