1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Nói đến cải lương, không thể bỏ qua bà Nguyễn Thị Thơ (bầu Thơ), người góp phần làm cho sân khấu cải lương thật sự lớn mạnh, xứng đáng được ghi vào dòng chảy văn học nghệ thuật của miền Nam

    Cho đến tận hôm nay, mô hình quản lý một đoàn hát của bà vẫn được các nhà tổ chức biểu diễn áp dụng.

    Nhìn xa trông rộng

    Trước tiên là việc bà quyết định ký hợp đồng với các soạn giả mà trước đó họ thường gắn với đoàn nhà, nghĩa là có dính dấp đến bầu gánh, đào kép hát, viết tuồng theo kiểu “đo ni đóng giày”, khó tìm được sự khách quan để phát triển đoàn hát theo đúng chiến lược. Soạn giả Kiên Giang cho biết từ thập niên 1950 đến giữa thập niên 1980.

    Có năm bầu gánh hát đã làm cho sân khấu cải lương thật sự lớn mạnh, xứng đáng được ghi vào dòng chảy văn học nghệ thuật của miền Nam, gồm: Bầu Thơ (Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga), bầu Kim Chưởng (Đoàn Kim Chưởng), bầu Long (Công ty Kim Chung), bầu Xuân (Diệp Nam Thắng) - Đoàn Dạ Lý Hương và soạn giả Thu An (Đoàn Hương Mùa Thu).
    Bầu Thơ và NSƯT Thanh Nga
    Bà Nguyễn Thị Thơ làm bầu gánh trong suốt 23 năm, từ khi chấp nhận gá nghĩa cùng kép Năm Nghĩa (năm 1959) - người khai phá ra cách ca vọng cổ nhịp 8, phát triển từ bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1919) tại Bạc Liêu.

    Từ nền tảng bài vọng cổ nhịp 8, các thế hệ nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ và các soạn giả cải lương tiền phong thời đó đã phát triển thành nhịp 16, rồi 32, 64 cho đến ngày nay.


    Trong lịch sử cải lương ở miền Nam, chưa hề có một người nào làm bầu gánh hát bền bỉ và thành công như bầu Thơ. Bà nghiêm khắc với nghề nên dù học hành rất ít nhưng có cách nhìn xa trông rộng. Bà hơn các bầu gánh hát khác ở chỗ quy tụ đội ngũ tác giả kịch bản về đoàn của mình để sáng tác theo đúng chủ đề tư tưởng của từng đợt.

    Phong cách sáng tác và dàn dựng tuồng tâm lý xã hội, phản ánh cuộc sống đương đại, nâng nghệ thuật cải lương lên một tầm cao đã khiến các soạn giả đương thời lúc đó tâm đắc.

    Có đến 27 soạn giả quy tụ về “dưới trướng” của bầu Thơ, không chỉ vì được trả lương tháng như một công chức hoặc được ký hợp đồng giá hậu hĩ cho một kịch bản hay mà vì họ thấy giá trị của ngòi bút đã được nâng lên từ sự đãi ngộ hết sức thân tình của một người phụ nữ ít học nhưng trọng đạo lý, trọng chữ tín với khán giả.

    NSND - soạn giả Viễn Châu kể: “Bầu Thơ nghiêm khắc với nghề theo hai lẽ: gia đình có con cháu nối nghiệp thì chị phải là tấm gương và mỗi vở tuồng ra đời dưới “khai sanh” của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga phải là “con cưng” của khán giả”. Theo NSND - soạn giả Viễn Châu, hồi đó, bầu Thơ thường lấy con gái là nghệ sĩ Thanh Nga ra để chứng mình việc “con cưng” thì càng phải mài giũa, giáo huấn.

    Vì thế, có lần Thanh Nga bệnh đột xuất, gần đến giờ diễn đã xin bầu Thơ trả vé. Bà chấp nhận nhưng thòng thêm một câu: “Rồi con trả lương suất hát này cho anh em trong đoàn. Không thể muốn nghỉ là nghỉ”. Thế là Thanh Nga phải vào rạp hát dù bị bệnh nhẹ, muốn nhõng nhẽo với mẹ của mình.

    Lấy sự nghiêm khắc làm kim chỉ nam

    Nói về việc tái dựng 2 kịch bản cải lương lừng danh là Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa, đại diện thương hiệu Thanh Minh - Thanh Nga, NSƯT Hữu Châu, cho biết 64 năm thành lập (kể cả Đoàn Cải lương Thanh Minh) là một chặng đường dài của gia tộc. Dù năm 1972, trước những biến cố thời cuộc.

    Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga đã tạm ngưng cho đến năm 1975 mới tái hoạt động nhưng lúc nào bầu Thơ cũng lấy sự nghiêm khắc trong quản lý và nguyên tắc giáo huấn của riêng mình để làm kim chỉ nam cho hoạt động của đoàn. Lần tái ngộ khán giả với 3 thế hệ nghệ sĩ trong gia tộc và hầu hết các nghệ sĩ của đoàn đã là một duyên may rất lớn đối với gia tộc của anh.

    “Tôi tin trong 4 suất hát với 2 tác phẩm Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa, ở đâu đó trong khán phòng Nhà hát Thành phố sẽ có bà nội tôi ngồi xem con cháu biểu diễn và chứng kiến tình thương của khán giả dành cho đoàn hát” - NSƯT Hữu Châu nói.

    Nhắc lại những nguyên tắc làm bầu và “hiệu lực” quản lý của bà Nguyễn Thị Thơ, NSND Ngọc Giàu kể: “Má Thơ (cách gọi thân mật của các nghệ sĩ đối với bầu Thơ) có bộ ván ngựa và một cơi trầu. Mỗi sáng tập tuồng, má ngồi trên bộ ván ăn trầu, đào kép hát đến muộn nhìn thấy đều sợ muốn rớt tim ra ngoài.

    Má Thơ ghét nhất là sự trễ nải và đi hát mà không thuộc tuồng. Đối với đào kép hát, má ít khi khen, chỉ gật đầu mỉm cười. Hát hay thì má tự khắc tăng lương. Làm không được việc thì má thẳng thắn nói thời hạn hết hợp đồng để đào kép biết đường mà tính toán”. Theo NSND Ngọc Giàu, lúc đó, vị trí của nghệ sĩ rất được tôn vinh bởi bầu Thơ không thích họ la cà với khán giả, đánh mất hình tượng.

    “Khán giả không thể chen vào đời sống nghệ sĩ. Trong khi đó, nghệ sĩ chỉ được nghe ý kiến góp ý, phê bình của ký giả kịch trường và khán giả tại suất hát, để không bị lệch lạc bởi kiểu lăng xê như hiện nay, khiến nghệ thuật vàng thau lẫn lộn” - NSND Ngọc Giàu nói.

    Kỳ tới: Ràng buộc bằng tình

    “Bầu của những ông bầu”

    "Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga hoạt động trong thời gian 23 năm, có gần 70 nghệ sĩ và 27 soạn giả xuất sắc nhất của sân khấu cải lương miền Nam làm việc dưới quyền điều khiển của bầu Thơ. Đây là gánh hát duy nhất của miền Nam diễn thường trực tại rạp Quốc Thanh mà lúc nào cũng đông nghẹt khán giả.

    Bầu Thơ được tặng mỹ danh là “bầu của những ông bầu” vì nhiều nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả từ Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga tách ra và học theo cách làm của bà để điều hành gánh hát."
    Bài và ảnh: Thanh Hiệp
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Bầu Thơ là niềm hãnh diện của giới làm bầu, không bóc lột anh em nghệ sĩ, đối đãi với họ bằng cái tình, chứ không bằng hợp đồng

    Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga dưới sự điều khiển của bà Nguyễn Thị Thơ (bầu Thơ) đã mở đường cho việc trình diễn các vở lịch sử, dã sử Việt Nam và đề tài tâm lý xã hội cận đại về đời sống người Việt. Chiến lược bà chọn là nâng cao vị thế đoàn hát, mặt khác tạo lực đối trọng để luôn cạnh tranh trong sáng tạo.

    Niềm hãnh diện của giới làm bầu

    Khi soạn giả Hà Triều lâm bệnh nặng, dù đã giải tán đoàn hát nhưng bầu Thơ vẫn kêu Hải - người cháu nội, anh ruột của NSƯT Hữu Châu - đạp xe đến nhà biếu 10 lít gạo và một bì thư 50 đồng.Ông Ngũ Lang - con của soạn giả Hoa Phượng - cho biết: “Bầu Thơ chăm lo đến đời sống của soạn giả.

    Lúc còn sống, cha tôi vẫn thường nhắc nếu không có bà cứu giúp thì mẹ tôi đã qua đời trong một cơn bạo bệnh. Bầu Thơ là niềm hãnh diện của giới làm bầu, không bóc lột anh em nghệ sĩ, đối đãi với họ bằng cái tình, chứ không bằng hợp đồng”.
    Bầu Thơ và NSƯT Thanh Nga trong một buổi khai trương tại rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân, TP HCM) Ảnh: TƯ LIỆU

    Với các soạn giả khác cũng thế, nhiều người sống “lang bạt kỳ hồ”, nay đây mai đó, bầu Thơ tạo điều kiện để họ mua nhà, mua xe, ổn định cuộc sống. Theo soạn giả Kiên Giang, bầu Thơ cứng rắn về mặt nguyên tắc nhưng lý và tình đâu ra đó. Nhờ vậy mà đoàn Thanh Minh - Thanh Nga đã tạo được danh mục kịch bản rất phong phú. Có thể kể ra hàng trăm kịch bản xã hội, hơn 30 tuồng lịch sử và dã sử Việt Nam của 27 tác giả đã từng hưởng lương thường trực của bầu Thơ.

    Trước thời bầu Thơ, sân khấu cải lương có rất ít tuồng xã hội vì người ta cứ nghĩ cải lương thì chỉ có màu sắc, ông hoàng, bà chúa. Tuy nhiên, đến thời bầu Thơ, bà đi theo cách: Sân khấu phải thật và đẹp. Từ đó, bầu Thơ đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của sân khấu cải lương, đưa nó về với nội dung văn hóa dân tộc.

    “Ngày nay, các nhà tổ chức chương trình trong làng giải trí, kể cả những giám đốc của sân khấu kịch xã hội hóa, mấy ai học đủ hết chiêu thức của bầu Thơ để áp dụng cho việc quản lý. Dù rằng thời đại khác nhau nhưng trên phương diện quản lý chung, theo đặc thù của sân khấu thì cái tình phải được đặt lên trên. Hiểu ý và làm đúng luật thì sẽ đạt hiệu quả” - soạn giả Kiên Giang nói.

    Lấy lương tri soi rọi nghĩa nhân

    Khi tái dựng hai vở Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa, NSƯT Hữu Châu quan tâm đến việc phục hiện cảnh trí, âm nhạc và phục trang. Bởi lẽ, về mặt trang trí sân khấu và phục trang của nghệ sĩ, bà nội của anh là người đầu tiên chịu chi số tiền lớn cho họa sĩ thực hiện. Mỗi vở đều được vẻ nhiều bối cảnh mới và phục trang thích ứng với nhu cầu mỹ thuật.

    “Một lần, chị Thanh Nga đòi má tôi may 5 cái áo dài để mặc khi diễn vai The trong vở Nửa đời hương phấn thì bị từ chối ngay. Má tôi nói: Đâu phải đào chánh ra sân khấu mặc đồ thiệt đẹp là đúng, phải tùy theo vai, tùy theo hoàn cảnh. Vai The khi về quê thăm cha mẹ, mặc áo dài lòe lẹt không hợp” - NSƯT Bảo Quốc kể. Theo ông, cố NSƯT Thanh Nga chính là người nổi tiếng nhất trong gia tộc và chịu nhiều sự rèn giũa của bầu Thơ.

    NSND Viễn Châu cho biết khi cải lương hưng thịnh, một số bầu gánh hát chạy theo lợi nhuận, thị hiếu, đẩy cải lương đi quá đà. Chính sự khinh xuất này đã làm cho khán giả trí thức than phiền khi đến xem một số đoàn vì đào kép ăn mặc lòe loẹt, cảnh trí không đúng hoàn cảnh, nghệ sĩ ca diễn theo kiểu vô câu vọng cổ vài trăm chữ, tuồng tích thì đủ kiểu, thiếu tính thẩm mỹ.

    Từ đó, người ta miệt thị “ăn mặc gì mà như cải lương”. “Bầu Thơ đau lắm, vì câu nói đó hàm ý phục trang không theo kiểu dáng của dân tộc nào, tầng lớp nào trong xã hội” - NSND Viễn Châu nói.

    Theo NSƯT Bảo Quốc, khi ông được giao vai Hiệp sĩ mù trong vở diễn cùng tên, chuyển hẳn sang con đường diễn vai hài, bầu Thơ đã may cho ông một chiếc áo choàng gấm để mặc lúc chiến thắng trong vinh dự, mù nhưng giữ được đạo nhà, chứ không làm hư hại danh tiếng gia tộc. “Sân khấu phải đẹp và sang trọng.

    Con giữ cái áo này để cuối cảnh choàng vào, lúc đó khán giả sẽ nhìn thấy chàng hiệp sĩ đã không còn là một hiệp khách giang hồ mà đại diện cho chân lý: lấy lương tri soi rọi nghĩa nhân” - bầu Thơ dạy NSƯT Bảo Quốc.

    Kỳ tới: Khởi động giải thưởng danh giá

    Những kỷ vật quý giá

    Tiền sảnh của 4 suất diễn tại Nhà hát Bến Thành (TP HCM) sẽ được NSƯT Hữu Châu trang hoàng không gian cải lương xưa, mời khán giả cùng hoài niệm về một thời đoàn Thanh Minh - Thanh Nga được khán giả yêu mến. Bên cạnh những bức ảnh xưa được anh thu thập trong nhiều thập niên qua, có một chiếc máy đánh chữ cũ kỹ.

    NSƯT Hữu Châu xúc động: “Đó là chiếc máy đánh chữ của ông nội tôi - Năm Nghĩa. Ông sáng tác tuồng trên chiếc máy này và trong đêm cuối cùng của cuộc đời, khi đang ngồi viết kịch bản để đoàn hát khai trương vở mới thì ông qua đời sau khi thổ huyết, ướt đẫm trang bản thảo. Với gia tộc tôi, bộ ván gỗ ông nội tôi thường ngồi xem đào kép tập tuồng và cái máy đánh chữ là gia tài rất quý. Hai kỷ vật nhắc nhở chúng tôi phải sống thật tử tế với nghề”.

    Nhắc lại những ký ức đẹp, nghệ sĩ Thanh Tú kể: “Bầu Thơ và thầy Năm Nghĩa là những bậc trưởng lão trong nghề. Bà làm bầu, ông viết tuồng, sự hòa quyện trong từng cách nghĩ, cách làm đã định hướng một lối đi riêng cho sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga. Chiếc máy đánh chữ đó được dùng để gõ tên các nghệ sĩ khi về đoàn Thanh Minh - Thanh Nga.

    Từ tấm hợp đồng vàng úa đơn sơ, tên tuổi các tài danh được dát vàng. Hợp đồng tăng lên gấp bội, nghệ sĩ mua nhà và sắm xe. Sau ngày đất nước thống nhất, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga được mở màn trình diễn… và tôi nhớ hoài tiếng gõ lóc cóc của chiếc máy chữ nặng tình nghệ sĩ”.
    Thanh Hiệp
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  3. The Following 2 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    romeo (03-03-2014), Thanh Hậu (03-03-2014)

  4. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Mười năm tồn tại, giải thưởng Thanh Tâm đã phát hiện rất nhiều nghệ sĩ tài danh cho sân khấu cải lương, hầu hết đều được bầu Thơ hun đúc tinh thần

    Sự thức thời của bà Nguyễn Thị Thơ (bầu Thơ) đã giúp nhiều nghệ sĩ cải thiện cuộc sống. Bà cũng tạo chất xúc tác để họa sĩ thể hiện tính mỹ thuật trên sân khấu, vừa nâng cao trình độ thưởng thức của khán giả vừa buộc các soạn giả phải nâng cao tính văn học trong sáng tác. Khi đã đạt được 2 điều này, bà chủ động tính đến việc định hướng thị hiếu khán giả.

    Chú trọng đạo đức nghệ sĩ

    Trong những ngày khởi động giải thưởng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức tại TP HCM, Bạc Liêu và Hậu Giang, tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, đã nhắc đến việc tiếp nối giải thưởng Thanh Tâm trước năm 1975, làm tiền đề cho giải Trần Hữu Trang ngày nay, mà người có công lao lớn trong việc vận động nghệ sĩ, soạn giả đi theo sự định hướng của một giải thưởng chính là bầu Thơ.
    NSƯT Hữu Châu (giữa) và các thành viên trong gia tộc tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày mất của NSƯT Thanh Nga

    Soạn giả Kiên Giang cho biết khi đó, để tập trung cho những chiến lược nghệ thuật, hướng sân khấu đi đúng quỹ đạo tuyên truyền lối sống đúng đắn của mọi tầng lớp khán giả, năm 1958, các ký giả kịch trường, trong đó có nhà báo Trần Tấn Quốc, đã sáng lập nên giải Thanh Tâm; nghệ sĩ Thanh Nga được trao HCV triển vọng đầu tiên.

    Theo NSND Viễn Châu, năm 1959, nghệ sĩ Thanh Nga giành thêm HCV giải thưởng Thanh Tâm trong niềm vinh dự của cả gia tộc. “Tuy nhiên, bầu Thơ không khen ngợi con gái mà chỉ khuyên trong gia đình này, không có việc làm bầu gánh để lăng-xê con cháu. Phải sống sao cho xứng đáng với 2 chiếc HCV mà các bác, các ký giả và công chúng đã tặng thưởng” - NSND Viễn Châu kể.

    Sau đó, NSƯT Bảo Quốc được trao HCV cuối cùng vì năm 1968 giải Thanh Tâm chính thức ngưng hoạt động. Mười năm tồn tại, giải thưởng này đã phát hiện rất nhiều nghệ sĩ tài danh cho sân khấu cải lương, hầu hết đều được bầu Thơ hun đúc tinh thần. “Nghĩa cử của bà chính là việc tạo công ăn việc làm cho nghệ sĩ, đồng thời quan tâm, theo dõi cuộc sống riêng tư để giúp đào kép biết dừng lại đúng lúc” - soạn giả Kiên Giang nói.

    Theo bầu Xuân, trưởng đoàn Dạ Lý Hương, chính bầu Thơ đã đề nghị thêm vào điều lệ xét tặng giải thưởng Thanh Tâm về tư cách đạo đức của người nghệ sĩ và được nhà báo Trần Tấn Quốc cùng các ký giả thời đó đồng ý. Vì vậy, có năm một đôi đào kép chánh đáng lẽ đoạt HCV triển vọng của giải Thanh Tâm nhưng vì dính líu đến việc ngoại tình nên đã không được xét” - bầu Xuân kể.

    Điên đảo vì tình

    Không biết có phải vận vào cái mệnh lụy tình hay không mà hầu hết bi kịch của những vở cải lương trên sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga đều để khán giả phải khóc thương cho đôi đào kép chánh. Trong đó, đêm nào nghệ sĩ Thanh Nga cũng phải khóc thương cho kiếp hồng nhan bạc phận khiến báo giới đặt tên “Nữ hoàng sân khấu”, “Đệ nhứt đào thương”…

    NSND Viễn Châu cho biết thời đó, bà Nguyễn Thị Thơ góa bụa, đem con từ Tây Ninh về Sài Gòn tá túc nhà người quen để làm thợ may. Cứ ngỡ bà sẽ ở vậy để nuôi con nhưng cái cách âm thầm chịu đựng của một người phụ nữ, bền chặt với cuộc tình cũ khiến kép Năm Nghĩa xao xuyến.

    “Hằng ngày, anh Năm Nghĩa đến thăm cô thợ may, mua bánh kẹo cho bé Thanh Nga, rồi hễ không thấy thì nhét tiền dưới bàn máy may để phụ giúp hai mẹ con. Cứ thế cho đến một ngày, nghe radio phát bài ca cổ Điên đảo vì tình do anh Năm Nghĩa sáng tác và thâu âm, cô thợ may mới xiêu lòng” - NSND Viễn Châu kể.

    Sau đó, cả hai đã lập gánh hát và bắt đầu dìu dắt Thanh Nga theo nghề. Bầu Thơ mời nhạc sĩ Út Trong về dạy ca, NSND Phùng Há dạy diễn xuất cho con gái. Bài ca cổ Điên đảo vì tình có lẽ nói lên nỗi niềm của Năm Nghĩa, đồng thời cũng là nỗi niềm chung của những nghệ sĩ nặng nghiệp cầm ca.

    Chính Năm Nghĩa cũng không biết được ngày mình qua đời vì căn bệnh lao phổi, bầu Thơ đã đòi chết theo ông. Rồi đến đêm 26-11-1978, những phát súng định mệnh đã cướp mất cuộc đời nghệ sĩ Thanh Nga và người chồng (luật sư Phạm Duy Lân) trong lúc bà cố giành lại đứa con trai 5 tuổi - nay là diễn viên Hà Linh - từ tay bọn bắt cóc.Nghệ sĩ Thanh Nga ra đi ở tuổi 36 và cái chết của bà đã để lại niềm tiếc thương trong giới nghệ sĩ cũng như công chúng.

    Kỳ tới: Mở ra trang sử mới

    Theo sát đời sống xã hội

    Trong những năm từ 1955 đến 1972, Đoàn Cải lương Thanh Minh, rồi Thanh Minh - Thanh Nga đã diễn những tuồng lịch sử và dã sử Việt Nam như: Đồ bàn di hận, Biên thùy nổi sóng, Tình tráng sĩ, Núi liều sông bằng, Nẻo tắt Hoành Sơn, Hồi trống Vân Lâu, Ngược dòng sông Lỗi, Chiếc lá giữa dòng, Đường về núi Lam, Cành đào Thăng Long, Sương gió Chiêm Thành, Nguyễn Trãi biệt Đông Quan, Áo gấm khôi nguyên, Ngược sóng Phú Lương, Thiên thần trên thiết mã, Nhan sắc phi tần...

    Song song với những tuồng lịch sử và dã sử Việt Nam, bầu Thơ còn khuyến khích các soạn giả sáng tác những vở tuồng phản ánh xã hội Việt Nam: Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Tuyệt tình ca, Tần Nương Thất, Đêm vĩnh biệt, Mưa rừng, Đôi mắt người xưa,

    Ngã rẽ tâm tình, Bóng chim tăm cá, Người tình của biển, Hai hình ảnh một cuộc đời, Bọt biển, Chuyện ba trái tim, Chuyện xóm mình, Tiền rừng bạc biển, Chuyện tình 17, Tình xuân muôn tuổi, Bông hồng cài áo, Lỡ bước sang ngang, Hai chuyến xe hoa, Yêu trong hoàng hôn, Thầy cai Tổng Bồi, Đời hai mặt, Chén cơm đô thành...

    Tất cả đều tạo cơ hội cho diễn xuất của các nghệ sĩ: Thanh Nga, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Hữu Phước, Hùng Minh, Hoàng Giang, Kim Giác, Thanh Tú, Thanh Sang, Thanh Thanh Hoa, Mộng Tuyền, Hương Lan, Bo Bo Hoàng... thăng hoa trên sàn diễn. Trong số đó, nhiều người đã đoạt HCV giải thưởng Thanh Tâm.
    Bài và ảnh: Thanh Hiệp
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  5. The Following 3 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    huongle (04-03-2014), romeo (03-03-2014), Thanh Hậu (03-03-2014)

ANH EM CHANNEL