Trên sân khấu cải lương,thường khán giả chỉ chú ý tới những vai “đào kép” chán,hay chí ít cũng là anh hề vui nhộn,ưa bóng gió xa gần,chuyên móc lò,mỉa mai thói hư tật xấu,bênh vực lẽ phải,hay là những cặp “đào kép” nhì,ba lâm ly,diễm tình,mấy ai quan tâm với những nghệ sĩ chuyên đóng “kép độc” kẻ gian ác số một trong vở. Khi là một nịnh thần gian xảo,khi là một bạo chúa hung tàn,khi là kẻ tham tiền,háo sắc,hay kẻ phản bạn ,lừa thầy,đâm cha,thuốc chú,lấy chị dâu…
Nói chung những gì ác độc,hèn hạ,ti tiện nhất đều dành riêng cho họ trên sân khấu-những nghệ sĩ chuyên đóng vai phản diện. Vương Châu “kẻ độc ác nhất” của đoàn cải lương Long An.
Xuất thân từ Thị xã Bình Minh,Tỉnh Vĩnh Long,năm 1981 Vương Châu đi theo đàn cải lương Cửu Long 1,làm hậu đài chỉ để được coi hát. Có máu mê đờn ca,ở quê nhà chưa kịp học ai,nên Vương Châu tự học tại đoàn hát. Từ Vĩnh Long 1 qua tới đoàn Kiên Giang vẫn là một hậu đài cần mẫn.
Trôi dạt qua đoàn Tân Thủ Đô,ra tuốt miền Trung vào đoàn Du Sỹ Ca Quốc Trầm,lúc nầy có khá hơn,đã làm được quân báo,lâu lâu được hát vài vai phụ,với Vương Châu như vậy là hạnh phúc lắm rồi. Ở miền Trung Châu gặp đoàn Tiếng hát Minh Phương,tiếp tục đời phiêu bạt,ăn cơm hội,hát sân banh,mỗi đêm có hàng ngàn khán giả xếp hạng rồng rắn đến coi hát.
Ở miền Trung nắng gió mãi cũng thấy nhớ miền Tây sông nước,năm 1994 Châu về đoàn cải lương Chuông Vàng Tỉnh Sóc Trăng,do NSƯT Hoàng Đông làm trưởng đoàn,vẫn vai kép phụ,nhưng đất diễn nhiều hơn,tính cách nhân vật sắc bén hơn. Từ một người chẳng biết ca hát gì hơn 10 năm lăn lộn với sân khấu,chàng trai quê trở thành một diễn viên chuyên nghiệp.
Nhìn thấy tên mình được vẽ trên băng rôn quảng cáo treo trước cửa rạp hát,Vương Châu sung sướng vô cùng,tưởng như đã làm được điều gì đó phi thường lắm. Đoàn Cải Lương Chuông Vàng là nơi Vương Châu ở làm việc lâu nhất,như mái nhà thứ hai,sau mái ấm của cha mẹ.
Vì nhiều lý do,năm 2004 đoàn Cải Lương Chuông Vàng Sóc Trăng được lịnh giải thể,xoá hẳn bảng hiệu,vĩnh viễn không còn có mặt trên bản đồ sân khấu cả nước. Không riêng Vương Châu, mà cả tập thể đoàn hụt hẫng,như đánh mất thứ gì đó rất thiêng liêng trong đời ca hát của mình.
Dẫu biết hợp tan ở một đoàn cải lương là chuyện thường tình,nhưng với một đoàn Cải Lương mạnh như Đoàn Chuông Vàng,đoàn cải lương nhà nước với lực lượng nghệ sĩ hùng hậu,chất lượng đã từng đoạt HCV tập thể dành cho đoàn trong hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995.
Ngay sau khi vừa tách tỉnh từ Cần Thơ về Sóc Trăng.là nỗi đau đớn ,mất mát không chỉ riêng Vương Châu mà cho cả thế giới nghệ sĩ ở Tỉnh Sóc Trăng. Không còn mái nhà chung,tưởng như trọn đời gắn bó Vương Châu tiếp tục cuộc đời phiêu bạt của mình.
Ban đầu khi vừa mới về Đoàn Cải Lương Long An do bạn nghề giới thiệu,Vương Châu nghĩ rằng tới đâu hay tới đó,một phần vì cú sốc ở Sóc Trăng chưa nguôi,phần vì đoàn Long An có nhiều nam diễn viên. Với bản tánh cần cù,chịu khó,được giao vai gì diễn vai đó,không đòi hỏi,so bì.
Cứ thế,dần dà Vương Châu diễn nhiều vai quan trọng,trở thành diễn viên nòng cốt của đoàn,hát vai nào đạt chuẩn vai đó. Ở Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009,trong vở Nghĩa sĩ Cần Giuộc Vương Châu vào vai Ju Mông,sĩ quan Pháp cấp cao chỉ huy đội quân xâm lược,tìm cách chiếm 3 tỉnh miền Tây.
Với vóc dáng cao ráo,gương mặt sang sân khấu Vương Châu vào vai rất ngọt,thể hiện tính cách của một sĩ quan mưu lược đúng phong cách của người Châu Âu ở thế kỉ 19. Sau 11 năm cống hiến, Vương Châu hiện là nghệ sĩ hát “kép độc chánh” sáng giá của đoàn.
Niềm vui đã trở lai Đoàn cải lương Long An không chỉ giúp anh hàn gắn lại vết thương lòng,còn mở ra cho anh một chân trời mới sáng sủa,nhiều sáng tạo mới đang chờ anh thi triển. Vương Châu đang ở giai đoạn sung sức,chín chắn nhất trong quá trình làm nghề. Sân khấu luôn cò chỗ đứng vững chắc cho những nghệ sĩ có tâm,có tài,nơi giúp họ có những giây phút thăng hoa tuyệt với nhất.