Lần đầu tiên tiếp xúc với Giang Bích Phượng, nghe giọng nói rất chân chất, tôi không có cảm giác chị là một người nổi tiếng, vì thế chúng tôi trò chuyện về những điều rất đỗi bình dị trong cuộc sống của chị. Tuy bình dị, nhưng lại là những nguồn động lực vô cùng lớn lao để chị vững bước trên con đường nghệ thuật đầy nụ cười nhưng cũng lắm nước mắt.
*TỔ ẤM LÀ HẬU PHƯƠNG VỮNG CHẮC*
Chào Giang Bích Phượng, có vẻ như chị là một bà mẹ hạnh phúc với những bận rộn nhỉ?
- Hiện giờ niềm hạnh phúc lớn nhất của chị là khi đi hát 2, 3 ngày về, ông nhóc 5 tuổi nhà chị lon ton chạy ra đón mẹ, miệng tíu tít: " Cục vàng của con về, cục vàng của con về ", rồi ôm hôn mẹ. Tự nhiên bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết.
Chăm sóc bé nhỏ cực dữ ha? Chị sắp xếp thời gian thế nào trong việc gia đình và làm nghệ thuật?
- Chị rất may mắn khi được bà ngoại ở Sóc Trăng lên Sài Gòn chăm sóc bé dùm. Thương bà ngoại lắm, năm nay 78 tuổi rồi, mà bé bao nhiêu tuổi là ngoại lên chăm bé bấy nhiêu năm đó. Cha mẹ ủng hộ tinh thần rất lớn cho chị. Còn những vai diễn, lịch sử nhân vật có ông xã lo rồi, mình chỉ cần làm tròn nhân vật thôi. Hằng ngày chị chỉ đi chợ, lo ăn uống, thời gian còn lại là tập tuồng.
Là người con giá miệt Sóc Trăng, lúc mới lên Sài Gòn, chân ướt chân ráo, chắc chị cũng vất vả lắm?
- Lúc mới từ quân đội ra lên Sài Gòn, ông trời gửi cho nhiều thử thách lắm. Có lúc cô đơn, thất vọng đến tột cùng, nhưng rất may mắn là có được một người bạn chân tình, anh luôn luôn đồng hành cùng những vui buồn của chị. Rồi như duyên trời đã định, anh chị quyết định xây tổ ấm vì thấy không ai tốt hơn mình hơn anh nữa. Chồng chị là soạn giả Lam Tuyền, ba chồng là soạn giả Yên Lang.
Lúc trước, từ miệt vườn ra thành phố, chị có ngỡ ngàng không? Và cuộc sống có nhiều thay đổi không?
- Chị là dân miền Tây, mộc mạc, không cầu kỳ, ở quê cũng vậy lên Sài Gòn cũng vậy. Hồi nhỏ ở nhà gọi chị là Út Đèo, tại vì nuôi hoài không lớn. Sau này về thăm quê, bà con, hàng xóm không ai nhận ra bề ngoài vì... hết đèo rồi, nhưng bản chất hòa đồng với mọi người thì xưa giờ không đổi.
Mỗi lần Út Đèo về quê vui lắm, con nít chạy theo khắp đường vì được cô Phượng phát kẹo. Gốc của mình là nông dân, giờ làm gì thì mình là nông dân. Thôi thì mình cứ sống theo lề thói quê cha đất tổ của mình. Ông nhóc 5 tuổi ở nhà, chị cũng dạy cho biết hòa đồng, quan tâm tới mọi người, có đồ chơi hay bánh kẹo là phát hết cho bạn bè, cưng lắm!
*SỰ NGHIỆP NHIỀU NỤ CƯỜI NHƯNG CŨNG LẮM NƯỚC MẮT*
Đã được nhiều giải thưởng, chắc con đường sự nghiệp cũng rộng mở với chị?
Ừm... nhiều nụ cười nhưng cũng lắm nước mắt. Không có ông xã thì chị không trụ được trong nghề đâu. Nhiều lần nói với ảnh em bỏ nghề, ảnh cũng an ủi, gia đình mình có nhiêu ăn nhiêu thôi. Nhưng mỗi khi đi coi hát là chịu không nổi, khóc, nhớ nghề lắm... Rồi được Tổ nghiệp thương, ông xã động viên, các cô chú, anh chị, các em ủng hộ thì chị mới có được ngày hôm nay. Đối với chị được hát là sung sướng nhất.
Cuộc sống hiện giờ của chị tạm gọi là ổn định, vậy khi nghĩ tới những biến cố của ngày xưa, cảm xúc của chị thế nào?
Lần đầu tiên được quay ở Sài Gòn cũng là lần đầu chị được diễn với ba Diệp Lang, chú Minh Vương trong vở Sau luỹ tre làng, chị run quá không biết diễhn sao hết, nên nói với ba Diệp Lang và chú Minh Vương :"Ba ơi, chú ơi con không biết diễn, ba với chú dìu con nha ".
Ông xã thì chỉ cho cách đi đứng, cách nhìn vào máy quay... Lúc đó chị mới vượt qua mọi sợ hãi để hoàn thành vai diễn một cách xuất sắc. Rồi một may mắn nữa là công ty Hoàng Anh Tú giúp đỡ dựng vở Tâm sự gửi dòng sông, gửi đi dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.
Được sự giúp đỡ của các nghệ sĩ Hoàng Nhất, Khánh Tuấn, Trương Hoàng Long, Lệ Trinh và rất nhiều người khác nữa nên lần đó chị may mắn được Huy chương vàng toàn quốc. Giờ chỉ biết cố gắng làm nghề, cống hiến hết mình để đền đáp lại công ơn của Tổ nghiệp và mọi người ủng hộ cho mình.
Cái chất quân đội cũng còn trong chị nhiều ha?
Nhìn dáng liểu yếu đào tơ vậy chứ cứng cỏi lắm đó. Cuộc đời luôn có 2 mặt, mình không mềm dẻo thì bị quật lại thôi. Nhờ môi trường quân đội rèn luyện mà chị vừa cứng cỏi, vừa dẻo dai. Kệ, ai làm gì thì làm, mình cứ an phận để sống hết mình cho nghề là được rồi
Chị đang tham gia tuồng nào?
Chi đang quay tuồng Khi rừng thu thay lá, Máu nhuộm sân chùa, Băng Tuyền nữ chúa. Khoảng giữa tháng 11 này, chi tham gia cùng với hãng phim của anh Hoài Linh bộ phim 30 tập Ra giêng anh cưới em được chuyển thể từ vở cải lương cùng tên của soạn giả Lam Tuyền.
Có khi nào chị cảm thấy tủi phận với phận ằm nhả tơ mình đang theo đuổi?
Tuy có cực thiệt, nhưng được diễn là mừng rồi. Giở chỉ biết cám ơn Tổ nghiệp đã đãi cho Phượng quá nhiều.
Cảm ơn bằng cách thiết thực nhất là sắp tới chị có những dự án nào để cống hiến cho nghề?
Có chứ, nhưng... nói trước bước không qua. Khi nào thực hiện được rất mong quý khán giả ủng hộ Phượng.
Chị có điều gì muốn gửi gắm tới khán giả không?
Khi đi diễn, mừng muốn rớt nước mắt khi có khán giả cùng đồng cảm với nhân vật của Phượng. Phượng muốn gởi gắm thật nhiều điều tốt lành tới khán giả. Mong khán giả lúc nào cũng ủng hộ để Phượng có đủ tinh thần làm nghệ thuật nhằm đáp lại tấm lòng của khán giả Đang trò chuyện thì có mấy người bạn của chị vô tình cũng tới và với những thấu hiểu sâu sắc trong nghề, chị đã kêu gọi sức mạnh tinh thần lẫn vật chất của bạn bè để cùng với báo sân khấu thành phố hỗ trợ cho các anh em đã gắn bó cả đời mình vơớ nghệ thuật.
Chúc chị và gia đình dồi dào sức khỏe, sự bình an để cả gia đình cùng cống hiến cho nghệ thuật.