Mai Ngọc là giọng ca tài tử lâu năm, thành danh khi còn rất trẻ. Được sinh ra trong một gia đình mấy đời theo nghiệp đờn ca. Là con gái út của nhạc sĩ Năm Hòa, cháu ruột của danh ca Chín Sớm, nghệ sĩ Mỹ Thanh (với nhiều nghệ danh khác như Thanh Xuân, Phượng Uyên) từng là đào chánh nhiều đoàn hát như đoàn Hồ Thị Hương (Hề Sa, Đồng Nai), nhạc sĩ Mỹ Giàu. Dòng nhạc tài tử cải lương đã thắm sâu vào trái tim của Mai Ngọc khi vừa mới chào đời.
Những cuộc đờn ca của nhạc sĩ Năm Hòa với các bạn nghề là những danh cầm bậc thầy thường xuyên được tổ chức tại nhà hay những năm dài các chị được ba và chú dạy đờn, dạy ca, mỗi ngày được sống trong môi trường âm nhạc, không học mà tự nhiên Mai Ngọc như đã được tô luyện từ vô thức.
Nên từ khi bắt đẩu tập tểnh vào nghề ca hát Mai Ngọc đã trở thành một giọng ca tài tử bản lĩnh, chắc nhịp, thuộc làu, nắm vững cơ bản của 20 bài bản Tổ, không học mà như đã học gần cả một đời. Mai Ngọc có chất giọng trầm buồn, khi ca chú trọng khai thác chiều sâu nội tâm trên nền tảng bộ nhịp điêu luyện, tung tăng khi triển kỹ thuật của một nghệ nhân tài tử đầy bản lĩnh. Sở trường là những bài oán lớn hay những bài bắc, bài hạ.

Khác với những giọng ca trẻ chỉ chuyên khai thác bài ca vọng cổ, Mai Ngọc chú tâm rèn luyện, nâng cao nghệ thuật đờn ca bài bản tài tử chính thống, xứng đáng tiếp nối truyền thống một gia đình nghệ sĩ có tài, có tiếng ở Sài Gòn. Cùng với người bạn đời là nhạc sĩ Minh Nhường, thời gian gần đây Mai Ngọc chuyên tâm nghiên cứu về đờn ca tài tử.
Thu âm một số bài bản cổ viết lời mới hay những bài xưa tưởng như đã thất truyền. Một công trình giá trị không chỉ bằng cái tâm của con nhà nòi mà bằng cả tài năng chuyên biệt về thể loại nhạc gốc của cái nôi xuất phát nhạc đờn ca cải lương.
Nếu có dấn thân vào nghiệp đờn ca tài tử mới biết đây là bộ môn nghệ thuật rất khó, đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài năng khiếu bẩm sinh phải là sự khổ luyện miệt mài, họi đờn ca tài tử khó hơn rất nhiều lần học đờn ca bài bản cải lương. Cuộc sống của nghệ nhân đờn ca tài tử thầm lặng gắn bó mật thiết với xóm làng, bạn bè, với người nông dân.
Là sinh hoạt tinh thần của những người đam mê dòng nhạc độc đáo của quê hương sông nước miền Nam. Mai Ngọc hát với nghề như một lẻ tự nhiên, là hơi thở, là đời sống, là vui buồn của một kiếp người, hát với sự nhẹ nhàng thanh thản, tha thiết làm tròn bổn phận của một đứa con được sinh ra và lớn lên trong cái nôi nghệ thuật cha truyền con nối của dòng họ, của cha mẹ.
Hàng tuần các chị em của Mai Ngọc có dịp gặp nhau tại ngôi nhà từ đường, tất cả họ đều hoạt động nghệ thuật, vẫn thầm lặng đóng góp tài năng của mình cho sự nghiệp chung của sân khấu. Chị Mỹ Hoa ngoài ngón đờn tranh tuyệt kỹ còn là một cây viết cải lương có nhiều vở đã được thu hình, quay video.
Bây giờ chị chuyên viết những bài ca về Phật pháp, đi vào cõi tâm linh nhẹ nhàng thơ thới. Chị Thanh Xuân với giọng ca trầm buồn có âm hưởng hao hao nghệ sĩ Phượng Liên vẫn có những show hát riêng của mình, được bạn bè, đồng nghiệp yêu quý tin tưởng.
Chị Mỹ Giàu là nhạc sĩ đờn tranh nhiều năm gắn bó với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, vẫn đi sớm về khuya cùng với đoàn đem tiếng đờn của mình phục vụ cho khán giả tri âm. Nhìn lại gia đình, Mai Ngọc cho rằng mình rất hạnh phúc, dù trong cuộc sống có lúc trải qua những nỗi buồn, những mất mát.
Nhìn những học trò do mình cùng với chồng đào tạo trở thành những nghệ sĩ trẻ triển vọng, những giọng ca có nền tảng vững vàng, là niềm vui, là động viên to lớn để Mai Ngọc tiếp tục lao tâm khổ trí bảo tồn những gì của gia đình để lại mà mình đã học, đã biết. Mai Ngọc với Minh Nhường như đôi song kiếm hợp bích, đôi tình đẹp tài năng của giới đờn ca.
VIỆT KHANG
Nguồn tin: Báo sân khấu