Giang Xuân là một nghệ sĩ rất quen thuộc với khán giả Tây Ninh. Năm 1981 Giang Xuân là phát hiện thú vị của đoàn cải lương Tây Ninh. Thời ấy, danh ca Giang Châu đang nổi tiếng với những tuồng Tìm lại cuộc đời, Tiếng hò sông hậu, vai Trần Hùng, Thừa là những vai diễn rất được các bạn trẻ yêu mến cải lương học hỏi bắt chước theo.
Giang Xuân cũng vậy, tên thật là Phạm Hữu Xuân, sinh năm 1960 tại Mõ Cày Bến Tre. Năm 1975 về quê ngoại ở Trà Cao, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh định cư. Nhà nghèo phải đi cắt lúa mướn, chiếc radio là bạn đồng hành, những buổi trưa nằm nghỉ ngơi nghe đài phát thanh phát những bài vọng cổ mà quên nỗi vất vả.
Đặc biệt là chương trình sân khấu truyền thanh vào mỗi buổi sáng chủ nhật thường hay phát tuồng Tìm lại cuộc đời và Tiếng hò sông Hậu, Giang Xuân ấn tượng bởi giọng hát vừa dài hơi, lạ của Giang Châu, thích rồi ca theo, riết rồi thuộc luôn mấy câu vọng cổ của vai Trần Hùng và vai Thừa.
Tối tối đi ca văn nghệ chơi Giang Xuân ca y hệt như Giang Châu, bà con chòm xóm thấy vậy đặt luôn là Giang Xuân. Từ nhỏ đã mê Minh Cảnh, với chất giọng trong trẻo, cao vút, khoẻ khoắn giống Giang Châu tự nhiên từ thời còn đi làm mướn Giang Xuân là giọng ca rất được bà con bạn cấy cày yêu thích.” Danh ca của xứ đồng ruộng” không cần hát ăn lương, chỉ cần được yêu cầu quà thưởng là mấy ly rượu đế hay miếng mồi là con cá nướng, chuột đồng, lươn rắn nướng rơm.
Khi đoàn cải lương Tây Ninh về diễn tại Trà Cao, Giang Xuân theo lời yêu cầu của bà con lên xin hát mấy câu phụ diễn vai Trần Hùng. Có sự ngẫu như là định mệnh, đoàn cải lương tây Ninh thiếu người diễn vai Trần Hùng trong vở tìm lại cuộc đời, vì diễn viên chính thủ vai này đã rời đoàn, số nam diễn viên còn lại của đoàn chưa có người thế vai được.
NSUT Hữu Lộc, lúc đó là Phó đòan phụ trách chuyên môn đã nhìn ra giá trị của viên ngoc thô còn ẩn trong rơm rạ đồng quê, sáng hôm sau đã tìm hỏi đến nhà Giang Xuân mời về làm diễn viên của đoàn. Từ một diễn viên tay ngang, chỉ tập tuồng không hơn một tuần lễ Giang Xuân đã hát vai Trần Hùng rất xuất sắc, rất được bà con Tây Ninh thương mến.
Và đoàn cải lương tây Ninh may mắn phát hiện ra một giọng ca vàng. Từ đó Giang Xuân trở thành nam diễn viên chính của đoàn đóng cặp với nghệ sĩ Kim Thoại, tạo thành một liên danh trẻ rất được ưa chuộng ở Tây Ninh hay bất cứ nơi nào đoàn Tây Ninh đã diễn qua.
Tây Ninh là nơi sản sinh ra nhiều giọng ca hơi dài, lúc đó Linh Vương là tiêu biểu nhất, rồi kế đến là Châu Thanh( những năm 1980 lấy nghệ danh là Tuấn Kiệt). Giang Xuân thuộc lớp nghệ sĩ trẻ theo trào lưu ca hơi dài, đêm nào cũng vậy, mỗi lần vô vọng cổ hay đổ một hơi dài dứt câu hàng ngàn khán giả vỗ tay như sấm. Có thể nói Giang Xuân là một giọng ca dài hơi hay thật sự.
Rất tiếc vì nhiều lý do khách quan mà không thể trở thành một ngôi sao lớn, có làn hơi, chất giọng ấy và kỹ thuật ca vọng cổ điêu luyện Giang Xuân vào thời sung sức của mình đã từng làm mưa làm gió từ Nam chí bắc. Nhiều nghệ sĩ đã đóng vai Trương Chi trong kịch bản Trương Chi-Mỵ Nương của tác giả Kiên Giang-Hoa Phượng.
Giang Xuân là người hợp vai và đóng vai Trương Chi thành công nhất. Được Hoa Phượng với vai trò đạo diễn-tác giả khen ngợi là vai để đời của Giang Xuân ở đoàn cải lương Tây Ninh. Năm 1982 Giang Xuân nhận được giải B Giọng ca hay cải lương toàn quốc tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh (Minh Vương được giải A).
Giữa lúc sự nghiệp lên cao như diều gặp gió, vì cảnh nghèo không sống nổi với mức lương quá thấp ở đoàn văn công nhà nước Giang Xuân đã âm thầm rời khỏi đoàn dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới. Để giấu tông tích khỏi bị rắc rồi vì thủ tục giấy tờ, thời đó một diễn viên đoàn văn công nhà nước muốn đi ra ngoài diễn gặp rất nhiều khó khan vì thủ tục, chỉ có nước trốn và hát chui.
Giang Xuân đã đổi tên là Xuyên Bình, cộng tác với đoàn cải lương Sông Bé 3 của Hoài Nhân-Kiều Hoa. Đến năm 1985 Xuyên Bình ra hát chánh cho đoàn cải lương Sông Hương của Huế, cùng hát với Ngân Huỳnh (chị Thanh Ngân, hiện đã chuyển sang đóng phim và ca nhạc), Bảo Vy.
Hơn 10 năm hát ở Huế và các tỉnh phía bắc, Xuyên Bình là một giọng ca hay, một kép chánh rất được khan giả Miền Trung, Miền Bắc ái mộ. Thời gian này Giang Xuân làm ra được rất nhiều tiền, kết hôn với một cô gái xứ Thanh Hoá sanh được 2 con, một trai một gái. Con gái lớn là ca sỹ Thảo My, một giọng ca rất triển vọng ở tây Ninh, đang tiếp tục theo nghiệp ca hát của ba.
Sau mười mấy năm lưu diễn xa quê, năm 1997 Giang Xuân về lại đoàn cải lương tây Ninh. Một năm sau thì bị bệnh nặng phải rời xa sân khấu. Sau khi hết bệnh Giang Xuân đi hát cho bầu Trí, ba của nguyễn Huy, được một thời gian lại chuyển qua học nghề thuốc về Hóc Môn làm thuốc cho Sơn “rắn”, một thầy thuốc khá nổi tiếng trong giới nghệ sĩ.
Cuộc đời giang Xuân gặp rất nhiều may mắn trong sự nghiệp, làm ra được rất nhiều tiền nhưng lại không có cơ duyên để giữ hạnh phúc, giữ của. Chia tay người vợ sau nhiều năm gắn bó, trở về gia đình cha mẹ với hai bàn tay trắng, Gian Xuân giải toả nỗi buồn bằng những cuộc hát rong chơi đây đó, với bạn bè.
Là bạn diễn rất ăn ý với Giang Xuân thời xuân sắc, NSUT Kim Thoại hiện là trưởng đoàn cải lương tây NInh rất quý tài, và khả năng ca diễn của Giang Xuân vẫn còn đắc dụng, một số diễn viên trong đoàn là đàn em từng nể phục tài, dẫu không còn trẻ để thủ vai chánh, nhưng vai tính cách cần ca cổ thì Giang Xuân vẫn là giọng can am hay nhất của đoàn hiện nay.
Vì vậy, sau nhiều lần về rồi đi, năm 2009 Giang Xuân đã quyết định gắn bó với đoàn cải lương Tây Ninh cho đến cuối đời. Phong độ ca diễn của anh dần dần phục hồi, quan trọng nhất là vết thương long đã nguôi ngoai. Tình nghĩa bạn bè với NSUT Kim Thoại, NSUT Thanh Thanh Mai, tình đồng nghiệp với những nghệ sĩ trẻ khác cùng sự yêu mến của khán giả Tây Ninh chính là mối ràng buộc để anh tiếp tục làm nghề, sống chết vì sân khấu.
Qua bao nhiêu thăng trầm biến đổi của cuộc đời Giang Xuân rất cần một nơi yên ổn, đoàn cải lương tây Ninh là nơi phù hợp nhất, vừa trọn vẹn nghĩa tình, vừa là sân khấu còn cần đến Gian Xuân. Cùng thế hệ với mình ở đoàn cải lương Tây Ninh, Giang Xuân là nghệ sĩ vẫn còn làm nghề với phong độ ổn định, xuất sắc.
Vẫn còn đóng chánh ở một số vở màu sắc với các diễn viên trẻ, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các nghệ sĩ đàn em. Giang Xuân là một nghệ sĩ có tài, có nhiều cơ hội nhưng không được pháy huy ở sân khấu lớn, ở những trung tâm nghệ thuật như thành phố Hồ CHí Minh nên không thể trở thành tên tuổi lớn.
Đó cũng là một kinh nghiệm để cho những nghệ sĩ trẻ yêu nghề biết chọn hướng đi đúng, biết giữ mình trước bao nhiêu cám dỗ của cuộc đời, vinh quang của người nghệ sĩ rất dễ làm cho tự thân ngộ nhận sanh ra chủ quan ảo tưởng.
Người nghệ sĩ chân chính cần những giá trị thật sự sang tạo không ngừng, hư danh hay vật chất chỉ là những thứ trang điềm bề ngoài nhất thời, không phải là tài năng thật thụ của người nghệ sĩ đúng nghĩa. Hiện nay danh nghĩa nghệ sĩ đang bị số ít người người không chuyên lạm dụng. Cần phải tỉnh táo để phân biệt thật giả.