Một ngày đầu tháng 11, công việc đăng đăng đê đê, tôi vội vã đến gặp Hoài Vương mà cái đầu lộn xộn nhiều chuyện khác. Nhưng khi trò chuyện cùng, tôi như bị cuốn hút bởi những tâm sự rất chân thành của anh về những duyên tình, duyên nghề trong 20 năm sóng gió. Hoài Vương với nghiệp diễn và gia đình nhỏ.
DUYÊN TÌNH
Đôi mắt anh ánh lên hạnh phúc khi kể về gia đình nhỏ, và niềm hạnh phúc đó càng chất ngất hơn khi gia đình anh có thêm thành viên mới hai tháng tuổi, một bé trai bụ bẫm.
Bé trai nhà anh được hai tháng tuổi, sổ sữa, nhìn cưng lắm. Nhỏ xíu vậy mà biết hóng chuyện rồi đó. Còn chị Hai thì phụ mẹ coi em. Chị Hai năm nay 11 tuổi, học giỏi lắm, là một cây văn nghệ của trường Vân Đồn , Q.4.
Anh với Tâm phải trãi qua nhiều gian truân, khóc hết nước mắt mới đến được với nhau. Chắc anh chị vẫn còn duyên còn nợ. Cuộc sống có những khó khăn, như lửa thử vàng phải dám vượt qua nó, có vậy mới trưởng thành được. Cũng như chuyện biết có con là gian khổ nhưng phải có con thì mới thấy được sự thiêng liêng khi được làm cha làm mẹ.
Bé gái nhà anh nghe cha mẹ hát, hát theo, rồi cũng được dạy mấy bài nhỏ nhỏ, con bé học theo nhanh lắm. Mà chắc cũng có gien, vì bà ngoại là nghệ sĩ Bảo Châu, còn ông ngoại là nghệ sĩ Giang Linh. Anh chị ráng nuôi dưỡng đam mê của con, ủng hộ hết mình cho con gái theo nghề. Nghề này rất gian khổ, nhưng khi mình kiên định theo hướng tốt mình đã chọn, thì dù có cám dỗ bao nhiêu đi nữa thì mình vẫn đứng vững. Với nghề, đam mê phải được xuất phát từ trái tim.
Vừa cân bằng được gia đình lẫn nghề nghiệp là rất khó, và cần cố gắng hết mình, cố gắng liên tục. Anh chị có hạnh phúc rồi mới có sự nghiệp, nhưng cũng từ sự nghiệp mà có hạnh phúc. Bây giờ gia đình và nghề nghiệp cũng tạm ổn nên anh chị muốn dành nhiều tâm huyết hơn cho nghệ thuật.
DUYÊN NGHỀ
Giọng ca rất ngọt ngào của Hoài Vương – Thanh Tâm trong những bài ca cổ: Khúc hát sông quê (Nguyễn Đức Mậu, Trần Tuấn Kiệt), Em bé bán khoai lang (Hồng Lê, Quốc Nam), Phận tơ tắm (Huỳnh Anh, Hoàng Song Việt), … đã đưa khán giả vào những chuyện đời bình dị mà cũng rất thắm tình.
Bên cạnh đó là những vai diễn đặc biệt mà khi Hoài Vương hóa thân vào nhân vật là khán giả không thể nhận ra anh nữa.
Mỗi vai diễn của anh đều để lại một dấu ấn rất riêng, anh có bí quyết nào vậy?
Có bí quyết gì đâu, anh chỉ tìm hiểu kĩ tâm lý nhân vật rồi khai thác theo thế mạnh của mình, nhập tâm vô nhân vật đó, kết hợp với diễn xuất hết mình. Nhân vật lịch sử thì phải tìm hiểu kỹ hơn về tính cách, hoàn cảnh, bối cảnh lịch sử mới lột tả được cái hồn của nhân vật, của tác phẩm.
Vai diễn nào anh tâm đắc nhất?
Vai người bộ đội trong một vở cải lương rất bi thương và xúc động, vở Chân Dung (tác giả Phạm Văn Đằng), ĐTH Bình Dương. Đó là một người chiến sĩ cách mạng tranh thủ về thăm vợ con. Khi anh mới bước ra khỏi cửa nhà, lên đường quay trở về đơn vị thì bị bom đánh trọng thương.
Anh cố gắng lết vô được tới giường ngủ nhìn con và vĩnh biệt. Nhân vật này chỉ xuất hiện một cảnh nhưng anh rất thích. Nói về tình cảm của người chồng, người cha dành cho vợ con. Ông ngậm ngùi nhìn mái ấm của mình không nguyên vẹn khi đang đứng giữa sự sống và cái chết.
Anh cũng may mắn được một số giải thưởng như: HCB – Vở Cờ Nghĩa Dòng Sơn Quy vai Đốc Minh Chánh trong Hội diễn Sân Khấu Cải Lương chuyên nghiệp Toàn quốc năm 2010; HCB – Vở Ký Ức Mùa Xuân trong Hội diễn Sân Khấu Cải Lương chuyên nghiệp Toàn quốc năm 2012 với vai ông già cựu chiến binh.
Và khi nhìn lại những gì đã đạt được, anh thấm cảm ơn Tổ Nghiệp đã cho anh có cái duyên với nghề. Hồi trước chỉ học luyện thi có mấy tháng ở Trường Nghệ Thuật – Sân khấu. Sau đó học bằng kinh nghiệm qua CLB của thầy Hoài Thanh, cô Đỗ Quyên. Nhờ công ơn Thầy Cô trong 6, 7 năm chỉ dạy, nâng đỡ, hướng cho một hướng đi tốt mà anh mới có ngày hôm nay.
Chính cái nghề đã cho anh chị có được như ngày hôm nay, gia đình cũng dần ổn định rồi, nên an tâm để tham gia vào Đoàn Cải Lương Đồng Nai. Và sắp tới anh và Tâm sẽ ra album đầu tay, kỉ niệm 20 năm làm nghề.
Được đứng trên sân khấu chuyên nghiệp diễn là một niềm hạnh phúc lớn lao, mong rằng sân khấu luôn sáng đèn để anh chị em nghệ sĩ có nhiều cơ hội diễn.
Ước mơ rất đơn sơ, được hát và chỉ được hát là hạnh phúc. Chúc cho gia đình Hoài Vương – Thanh Tâm luôn được nuôi nấng bởi niềm hạnh phúc và đam mê nghệ thuật.
Xin mượn một câu trong bài ca cổ Phận Tơ Tằm được trình bày bời Hoài Vương – Thanh Tâm thay cho lời kết:
Hạnh phúc đơn sơ của người nghệ sĩ là gửi lại cho đời hương sắc nghiệp cầm ca.