Tôi đã xem Vol.3 và giờ là Vol.4 với chủ đề “Tình nồng hương” của nghệ sĩ Linh Trúc (mới phát hành vào đầu tháng 10-2013). Dù chỉ mới xem và nghe lại giọng ca này qua 2 album mới nhất, sau 20 năm, nhưng với tôi một người đã có mặt trên từng cây số, quá thấu hiểu sân khấu cải lương cả nước, thì giọng ca của Linh Trúc vẫn giữ được phong độ đỉnh cao, điêu luyện và sắc sảo hơn.
Nghệ sĩ Linh Trúc
Hơn 20 năm trước, trong lần đi thực tế ở miền Trung, tôi đã gặp Linh Trúc 2 lần, lúc anh hát kép chánh cùng NSƯT Mỹ Thu ở đoàn Nhạn Trắng, diễn ở Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và Chu Lai (tỉnh Quảng Nam). Cảm nhận về Linh Trúc lúc đó với tôi, đây là một giọng ca lạ, thuộc loại quý hiếm của sân khấu cải lương.
Với chất giọng kim pha chút thổ (gần với giọng đồng), làn hơi khỏe khoắn đầy nội lực, âm vực rộng và cao, Linh Trúc đã biết tận dụng những ưu thế cơ bản để chồng hơi nhẹ nhàng, êm ả, lên bổng xuống trầm đều ngọt ngào, êm dịu, rõ chữ (dù anh là người gốc miền Trung, tỉnh Bình Thuận). Linh Trúc không chỉ ca vọng cổ rất hay mà ca bài bản cải lương cũng rất tuyệt, vóc dáng vừa phải nên anh đã là một kép chánh triển vọng ở miền Trung.
Sớm nổi danh nên Linh Trúc đã được NSƯT Thanh Điền mời về hát đoàn Sài Gòn I mấy năm. Nhưng sau đó do điều kiện kinh tế nên Linh Trúc đã xin phép thầy Điền về cộng tác ở đoàn Bến Tre. Và tại đây, Linh Trúc đã đoạt Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp Toàn quốc (năm 1995) qua vai Mạnh Hùng trong vở “Quê hương và mẹ”.
Những năm gần đây, khi sân khấu cải lương gặp khó khăn thì Linh Trúc về lại Sài Gòn để mở quán nghệ sĩ, cộng tác với sân khấu truyền hình, truyền thanh và video…, vẫn bám sân khấu sàn diễn trong điều kiện có thể.Xem album “Tình nồng hương” của Linh Trúc gồm 8 bài vọng cổ, tân cổ và trích đoạn cải lương.
Trống loạn Thăng Long thành, Trần Giả - Cẩm Giang, Tình nồng hương, Quê hương, Nữ chúa rắn – phò mã cùi, Người đi ngoài phố với các bạn diễn là NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Cẩm Tiên, NSƯT Thanh Thanh Hiền, nghệ sĩ Phương Cẩm Ngọc và Chuông vàng vọng cổ 2010 Bùi Trung Đẳng, người xem khó tìm ra những khiếm khuyết rất nhỏ của album này.
Đây là một trong số ít những album thuộc loại hay trong những dĩa mà tôi đã nghe qua trong thời gian gần đây của rất nhiều nghệ sĩ đã gởi tới Báo Sân khấu TP để tặng tôi. Sự điêu luyện trong giọng ca của Linh Trúc qua album này là không bàn cãi. Điều khám phá của tôi qua album này là nghệ thuật nói lối cũng như ca các bài bản của Linh Trúc như: Vọng kim lang, Phi vân điệp khúc, Lý con sáo, Đoản khúc Nam giang, Trăng thu dạ khúc, Chiêu Quân…
Đã đạt tới đỉnh cao của một danh ca. Nếu như bài Trống loạn Thăng Long thành, Linh Trúc thể hiện thế mạnh của giọng ca về âm vực rộng thì bài Gọi đò Linh Trúc lại ca cao vút tới đỉnh, cho thấy với độ tuổi gần 50 nhưng làn hơi của anh vẫn giữ được phong độ tuyệt vời.
Sự phối hợp của Linh Trúc với các bạn diễn ở những đẳng cấp khác nhau như Thanh Kim Huệ, Cẩm Tiên, Thanh Thanh Hiền hay Bùi Trung Đẳng, Phương Cẩm Ngọc rất nhịp nhàng và giúp cho Vol.4 của anh thành công trọn vẹn. Bên cạnh đó, Album này cũng giúp cho tôi một điều lý thú khi khám phá thêm một giọng ca mới – Phương Cẩm Ngọc.
Cô ca rất ngọt, gợi cho tôi hình ảnh danh ca Phượng Hằng hơn 20 năm trước, lúc Phượng Hằng đang thăng hoa ở đoàn cải lương Trung Hiếu. Và Bùi Trung Đẳng đã tiến bộ vượt bậc. Song ca nam với Linh Trúc (trong bài Tình nồng hương), Trung Đẳng ca rất ngọt, có thể nói như là hay nhất kể từ sau khi anh đăng quang ở cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm 2010.
Đây là một điểm cộng cho Bùi Trung Đẳng khi anh bước vào hoạt động sân khấu chuyên nghiệp trong ba năm đã qua.
KGT