Thời gian gần đây ít thấy Thanh Lựu xuất hiện trong các tuồng cải lương sân khấu, hay cải lương truyền hình, nhưng trong các chương trình hát từ thiện, phục vụ ca cổ, trích đoạn cải lương bà con vùng sâu, vùng xa ở thành phố hay các tỉnh, Thanh Lựu luôn có mặt cùng các nghệ sĩ khác, những nhà hảo tâm, đem tiếng hát của mình chia sẻ với những người gặp hoàn cảnh khó khăn.
Đem niềm vui nho nhỏ góp chút thành tâm với cộng đồng, coi đó như trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với khán giả của mình. Bà con rất thích giọng hát của Thanh Lựu, giọng ca mượt mà, truyền cảm, sâu lắng, cách nhã chữ nhẹ nhàng, thanh thoát, nhịp điệu điêu luyện, thể hiện kỹ thuật ca của một giọng ca hay, một nghệ sĩ được đào tạo bài bản, chính quy.
Quê gốc ở Quảng Nam, tên thiệt là Nguyễn Thanh Lưu, sinh năm 1969. Khi đi làm giấy khai sinh, nhân viên hộ tịch đánh sai tên bỏ thêm dấu nặng thành tên Lựu, bút sa gà chết, tên được tư pháp đặt rồi khó mà sửa đổi. Ngẫm nghĩ tên Lựu cũng hay hay như trái lựu ngọt ngào rất được mọi người ưa thích, nhất là các cô gái thích ăn trái cây như trái lựu.
Sau năm 1975, bé Lựu theo gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp, tuổi nhỏ chưa biết gì, đi học về nguồn giải trí duy nhất là những bài vọng cổ phát trên Đài Phát Thanh, những năm tháng ấy ít có trò chơi cho tuổi thanh thiếu niên lựa chọn, rãnh rỗi chẳng biết làm gì, trưa nằm nghe cải lương thấy nó hợp với tâm hồn của mình làm sao, tự nhiên đâm ra yêu thích.
Đến năm 1986, vừa tròn 17 tuổi, thành một thanh niên chớm lớn, máu yêu nghệ thuật cứ trào sôi trong lòng. Nghe Minh Vương, Thanh Tuấn, Hoài Thanh, Thanh Sang… ca vọng cổ mê hồi nào không hay. Tự thử giọng mình rồi tự đánh giá thấy cũng hay hay, muốn học ca cho có nhịp, đúng giọng điệu mà không biết học ở đâu.
Một bữa nọ đi học về ngang Nhà Văn Hóa quận Tân Bình thấy có thông báo chiêu sinh mở lớp dạy đờn ca tài tử cải lương do thầy Hiếu và thầy Văn Ngàn phụ trách. Nhập học được hai năm, ai cũng khen Thanh Lựu có giọng hát hay, truyền cảm. Nghe thầy và mọi người khen trong lòng Thanh Lựu nung nấu ước mơ trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
May sao, năm 1988, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tuyển sinh đào tạo diễn viên khóa 3 (Khóa 1 có các nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm, Linh Châu, Linh Trung, Chí Linh, Vân Hà… Khóa 2 có Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Quang Châu, Tô Châu, Thùy Trang…), vậy Thanh Lựu quyết định đăng ký thi đầu vào. Ngày nhận kết quả trúng tuyển là ngày vui nhất, hạnh phúc nhất, Lựu vẫn chưa tin là sự thật, cảm giác lân lân cứ như mình đang ở trong giấc mơ.
Ước muốn trở thành một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp đang ở trong tầm tay mà chỉ năm sau thôi, mấy năm miệt mài học tập, một giọng ca tay ngang sẽ trở thành nghệ sĩ… nghĩ tới đâu thấy sung sướng tới đó. Không gì bằng khi niềm đam mê của mình đã được thực hiện. Khóa 3 Nhà hát Trần Hữu Trang là khóa 9 của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. HCM.
Từ trước tới nay, khâu đào tạo diễn viên của Nhà hát Trần Hữu Trang luôn có sự liên kết với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành Phố, vậy là được học chính quy rồi, được dạy bởi những người thầy kiệt suất của sân khấu cải lương như NSND Phùng Há (mà trong giới nghệ sĩ thường hay gọi là Má Bảy), NSND Ngọc Thạch hay NSƯT Kim Cúc (mà các học trò thường gọi là Cô Hai).
NSƯT Tấn Đạt, NSƯT Hoàng Ba, NSƯT Công Thành, Thầy Xuân Hiểu, Cô Thu Vân, Cô Quỳnh Mai… Cùng lớp học với Thanh Lựu còn có nhiều bạn khác nữa, có những bạn ngày nay đã thành danh như: NSƯT Tấn Giao, NSƯT Hữu Quốc, Ngọc Nga, Minh Hoàng… Các thầy cô rất yêu thương, châm chút cho đám học trò nhỏ nhưng cũng rất nghiêm khắc.
Thanh Lựu cho rằng, thế hệ của mình rất là may mắn được dạy nghề tốt nhất. Ba năm trôi qua rất nhanh, năm 1991, khóa của Thanh Lựu và các bạn tốt nghiệp ra trường, Thanh Lựu được hát chánh ở một số vở như Lời Thề Bè Bạn, Khúc Hát Đoạn Tình… được đánh giá là một trong những diễn viên xuất sắc nhất.
Cũng trong năm này Thanh Lựu đoạt HCV Giọng ca Cải lương do Hội Sân khấu TP. HCM tổ chức. Thanh Lựu, Tấn Giao, Hữu Quốc, Ngọc Nga, Minh Hoàng, Ngọc Tuyết, Minh Cường… và một số bạn khác được đưa về diễn cho đoàn xung kích Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Đúng như tên gọi của đoàn, với lực lượng diễn viên trẻ, với dàn kịch mục và những tác phẩm được dàn dựng công phu, chất lượng với các diễn viên vừa tốt nghiệp. Các điểm diễn phục vụ của đoàn thường là ở vùng sâu vùng xa, ở các trường cai nghiện, ở Côn Đảo, Phú Quốc.
Năm 1993 – 1994, Thanh Lựu và các bạn diễn đã có vài lần ra diễn phục vụ ở đảo Trường Sa, có thể nói đoàn cải lương xung kích của Nhà hát Trần Hữu Trang là đoàn hát cải lương ở phía Nam đầu tiên ra hát phục vụ chiến sĩ bộ đội bà con ở đảo Trường Sa. Sau này, đoàn bổ sung thêm một số diễn viên trẻ ở khóa kế cận như Mỹ Hằng, Quý Lý, Quỳnh Hương…
Đoàn cải lương xung kích Nhà hát Cải Lương Trần Hữu Trang là đơn vị hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị hiệu quả một thời của sân khấu cải lương Thành Phố. Năm 1995, Thanh Lựu được điều về đoàn 1 Nhà hát Trần Hữu Trang để tham gia Liên hoan Sân khấu Chuyên nghiệp Toàn quốc năm 1995 khu vực TP. HCM qua vai Cường trong vở Giấc Mộng Không Tên của tác giả Hoàng Song Việt.
Đạo diễn NSƯT Đoàn Bá, bên cạnh các ngôi sao của đoàn như NSƯT Phương Quang, nghệ sĩ Cẩm Tiên, Linh Tâm, Trương Hoàng Long, Vũ Đức… Năm 1998, Thanh Lựu được giải Diễn viên yêu thích nhất của Giải thưởng Trần Hữu Trang như phần thưởng quý giá, khích lệ tinh thần của một diễn viên trẻ.
Tính ra, trong suốt quá trình tồn tại của đoàn cải lương xung kích Nhà hát Trần Hữu Trang, Thanh Lựu đã có 11 năm gắn bó, 11 năm cùng với Tấn Giao chia nhau hát những vai chánh của đoàn. Với biết bao kỷ niệm buồn vui, đem tiếng hát lời ca tới những vùng đất biển trời xa xôi của Tổ quốc. Những năm tháng đó thật vinh quang, thật đáng yêu, đối với những nghệ sĩ trẻ như Thanh Lựu và bạn bè.
Sự hồn nhiên hết mình vì nghề nghiệp, không toan tính, tị nạnh, không so thiệt tính hơn, vui vẻ, yêu thương, đùm bọc, tương trợ nhau, hài lòng với đồng lương, với chế độ trợ cấp ít ỏi của một diễn viên thuộc biên chế nhà nước. Lúc ấy những tác động tiêu cực từ sân khấu thị trường chưa ảnh hưởng tới tâm hồn trong sáng của những diễn viên trẻ được đào tạo, giáo dục tử tế.
Nhớ mà thương, mà quý một thời Thanh Lựu và các bạn của mình đã cống hiến hết mình vì nghệ thuật, thỏa mãn nỗi đam mê được làm nghệ sĩ chuyên nghiệp và hơn hết là sự vui tươi, nhiệt tình của tuổi trẻ. Đi hát nắng mưa, sương gió cực khổ mà vui như đi du lịch, chấp nhận mọi khó khăn trên đường lưu diễn xa như một điều kiện tất nhiên của những nghệ sĩ thuộc biên chế nhà nước.
Tinh thần đoàn viên là niềm lạc quan, hưng phấn để Thanh Lựu và các bạn hoàn thành nhiệm vụ biểu diễn của mình đến với bà con khán giả vùng sâu vùng xa. Những việc ngày ấy tưởng như đơn giản, bình thường bây giờ nhớ lại không khỏi bâng khuâng, làm sao có được những ngày xưa ấy. Kỷ niệm với đoàn xung kích Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là một phần đời sâu lắng, chi phối rất nhiều đến tâm tư, tình cảm, hoạt động nghệ thuật của Thanh Lựu sau này. Tất cả giờ đây chỉ còn là hoài niệm…
GIỌNG CA VÀNG : Thanh Lựu có giọng ca hay, có nghề. Với chất giọng kim pha thổ ấm áp ngọt ngào, bộ nhịp vững chắc, cách ca vọng cổ Thanh Lựu chủ yếu khai thác chiều sâu, ca nhẹ nhàng như ru người nghe, cảm xúc dạt dào lắng đọng. Không thành công rực rở trên sân khấu như các bạn đồng chan lứa qua các vai diễn, nhưng nếu ca để thu âm, Thanh Lựu là một danh ca xuất sắc, nhận được sự yêu mến của khán, thính giả sành điệu, đồng nghiệp nể trọng.
Kỷ thuật ca vọng cổ của Thanh Lựu đạt đến trình độ nghệ thuật, rất đáng để các giọng ca thuộc thế hệ mới sau nầy học hỏi. Cách ca của Thanh Lựu vừa thể hiện được năng khiếu từ làn hơi phong phú, tự nhiên, kết hợp với những gì đã học, đào tạo một cách căn cơ, chính qui, khác hẳn với những giọng ca tự phát.
Thanh Lựu biết ứng dụng nghệ thuật ca cổ điển của các danh ca tiền bối, làm nền tảng chủ đạo để phát triển cách ca mới của mình, vừa rất nghề, vừa hợp với khán giả ngày nay. Thanh Lựu ca rất sang trọng, làm đẹp hơn bài vọng cổ của cải lương. Khán giả sành điệu rất tinh tế, điều đó giải thích vì sao giọng ca Thanh Lựu tới nay vẫn có vị trí cao trong lòng người mộ điệu.
KHÔNG DỄ ĐỂ THÀNH CÔNG VỚI LỮ BỐ, LỤC VÂN TIÊN…
Tính ra Thanh Lựu đã có trên 20 năm đứng trên sân khấu, số vai diễn hay, ấn tượng không phải ít. Không có sức hút mãnh liệt của một nghệ sĩ ăn khách, để bán vé rầm rộ, nên tên tuổi Thanh Lựu khá khiêm tốn so với tài năng thực thụ của mình. Có lẽ do vóc dáng không như chuẩn của một ngôi sao sân khấu, phần nào hạn chế sự rực rỡ, bừng sáng của Thanh Lựu.
Dù thành tựu đạt được chỉ trên mức trung bình, nhưng nếu xét về nhiều mặt thì Thanh Lựu vẫn là một nghệ sĩ trẻ có tài, đại biểu có lớp nghệ sĩ được đào tạo bài bản. Hơn 20 năm đi hát, Thanh Lựu rất hợp với những vai cổ trang, kinh điển.
Hai vai diễn ưng ý nhất được các thầy cô, khán giả đánh giá cao, là vai Lữ Bố và vai Lục Vân Tiên, dù nhiều nghệ sĩ đã từng diễn 2 vai nầy thành công, nhưng Thanh Lựu lại thể hiện “cái thần hồn’’ của nhân vật được NSND Phùng Há, NSƯT Kim Cúc dày công vun đắp xây dựng. Phần nào đó khả năng ca diển của Thanh Lựu lại hợp với 2 vai nầy.
VAI LỮ BỐ
Thường thì người ta chỉ khai thác tâm lý vai Lữ Bố ở khía cạnh si tình, lòng đam mê sắc dục đã làm mờ đi lý trí, là kẻ hữu dõng vô mưu…Thanh Lựu lại có suy nghĩ khác, Lữ Bố của Thanh Lựu yêu chân thành bằng trái tim của chàng trai trẻ tuổi, có sức mạnh đánh bại muôn người, sự nén lòng biết kềm chế mình trước thế lực của Đổng Trác, làm con hổ dữ tạm thu lạo móng vuốt, rình rập chờ đợi thời cơ xé xác con mồi.
Thanh Lựu kết hợp vũ đạo cơ bản tuồng cổ với cách biểu hiện tâm lý trong nhân vật hiện đại. Khi ca lại lột tả được tâm trạng say đắm, u uất của kẻ đang yêu, mà không được trọn vẹn với người tình, dự báo sẽ có sự bùng nổ… Một Lữ Bố cải lương mềm mại, thu hút hơn trữ tình hơn, gần gũi dể tạo sự cảm thông đồng điệu giữa khán giả với nhân vật, so với hình mẫu kinh điển trong hát Bội, hay cải lương Hồ Quãng. Lữ Bố của Thanh Lựu có nhiều sáng tạo.
VAI LỤC VÂN TIÊN
Lúc Thanh Lựu thủ vai Lục Vân Tiên, thì hình tượng nầy đã được nhiều ngôi sao sân khấu cải lương thể hiện rất thành công ở nhà hát Trần Hữu Trang, trở thành vai diễn mẫu, kinh điển. Nghệ thuật biểu diễn vốn khẳng định ở những nguyên mẫu, mà vẫn luôn cần những sáng tạo, đột phá. Thanh lựu đã tự tin thể hiện khả năng ca diễn của mình qua vai Lục Vân Tiên.
Lục Vân Tiên là hình mẫu thanh niên ngày xưa, văn võ song toàn, trung hiếu tiết nghĩa… Bị kịch của người hiền. Về bản chất vai nầy phù hợp với Thanh Lựu, có sự tương đồng giữa nhân vật và nghệ sĩ thủ vai. Lục Vân Tiên qua bao nhiêu thăng trầm, cuộc đời cần nhất là chổ dựa tình cảm, Kiều Nguyệt Nga chíng là nỗi mong nhớ, chờ đợi của Vân Tiên.
Ở lớp diễn khi đối diện với người xưa, nửa tin, nửa ngờ… Thanh lựu đã diễn bằng cảm xúc rất thật, mọi kỹ thuật biểu diễn như hòa vào cảm xúc, tạo nên mối đồng cảm giữa người xem và vai diễn trên sân khấu. Vai Lục Vân Tiên vừa có vũ đạo rất đẹp, rất sang đúng chất học trò của Phùng Há.
Kim Cúc, lại rất nho nhả, hiền lành, dễ thương đúng chất của Thanh Lựu, một sự kết hợp hoàn hảo giữa bản năng và học thuật. Thanh Lựu đã để lại dấu ấn nghề nghiệp khi vừa mới tốt nghiệp… Đó là một kỉ niệm đẹp, là niềm an ủi cho một đời nghệ sĩ mà vinh quang pha nhiều cay đắng.
CHỌN NGHỀ ĐÀO TẠO
Thanh Lựu thích biểu diễn hơn là công tác đào tạo. Nhưng thực tế sân khấu cải lương hiện nay, không cho phép anh sống theo sở thích. Nhìn các bạn trẻ ngày nay yêu nghề, theo học nghề, mà điều kiện học không hề đơn giản. Có một thực tế không thể phủ nhận, khâu đào tạo diễn viên cải lương hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu trẻ hóa, tạo nên lớp nghệ sĩ kế thừa đủ tài vực lại nền sân khấu cải lương đã quá cũ, già nua, chưa có gì mới.
Cải lương không dở, không lổi thời, mà vì người làm cải lương hiện nay chưa đủ sức theo kịp trào lưu đổi mới quá nhanh của xã hội, thực trạng thiếu người tài, có tâm thực sự, lại manh lún nhỏ lẻ, chưa phát huy hết sức mạnh tổng lực sẫn có của cải lương, cứ đãi cát tìm vàng mãi… Cát cứ đãi… mà vàng chưa thấy, dù là vàng cám, vàng bụi…
Thanh Lựu không dám cho mình có tài, nhưng có may mắn được học nhiều món nghề hay từ những người thầy là tinh hoa của cải lương. Để mai một, thất truyền những thứ quí báu của cải lương là có tội với thầy với nghề… Nên Thanh Lựu quyết định đến với lớp dạy, trao đổi lại những gì mình đã học với các bạn trẻ chọn họ cải lương, làm nghề nghiệp chính của mình.
Làm thế hệ đàn anh hướng dẫn các em, chớ không dám làm thầy, sở học không phải của Thanh Lựu mà của các bậc tiền nhân, của thầy cô truyền dạy. Có vài học trò của Thanh Lựu bước đầu gặp nhiều thuận lợi. Đã có người đoạt Chuông vàng, Chuông bạc, hay đoạt giải cao ở các cuộc thi khác… Càng vấn thân với nghề càng thấy mình quá bé nhỏ, như hạt muối giữa lòng biển sâu… Việc dạy học trò với Thanh Lựu là sự trả ơn nghề, ơn thầy…
NỖI NIỀM TRĂN TRỞ
Thịnh suy là quy luật tất yếu của cuộc sống, cải lương đang cần có sự thay đổi quyết liệt, tích cực để tồn tại và phát triển. Đó là việc lớn của nhiều người. Trong phạm vi nhỏ của mình Thanh Lựu có nhữnng ý kiến nhỏ: Xin đừng làm cho cải lương dở thêm, nếu chưa hay thì cũng đừng nên quá dở, đừng làm cho lớp khán giả hiểu lầm cải lương chỉ có vậy, chẳng có gì hay.
Cải lương hiện nay cần chất lượng hơn số lượng. Các bạn trẻ may mắn sớm thành danh nhờ cuộc thi của nhà đài, được lăng xê, được nổi danh, có nhiều show, hưởng thù lao cao, chớ vội ảo tưởng, đó chỉ mới là thuận lợi ban đầu, thành công của người nghệ sĩ đích thực là con đường dài, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, cả một quá trình học hỏi tôi luyện, không ngừng.
Nghệ thuật chân chính là tài năng thật, nó không đến từ những giá trị ảo, sớm nở tối tàn. Tài muốn tiến xa, phải có tâm tốt, sáng. Kẻ thực dụng có thể thu lợi trước mắt, nghệ thuật phải là chất lượng có giá trị lâu bền. Không có sân khấu, diễn viên trẻ không có đất thi thố tài năng, dễ đi đến thui chột…