Đoàn cải lưng Sài Gòn 3 là sân khấu luôn phát hiện những giọng ca trẻ, khuyến khích lối ca phá cách, là sân khấu ở thành phố, ươm mầm cho những giọng ca dài hơi. Những nghệ sĩ ca dài hơi xuất thân từ đoàn Sài Gòn 3 sau này trở thành những danh ca, một thời gian làm say mê lớp khan giả yêu mến sân khấu cải lương, những Linh Vương, Bình Trang, Linh Huệ, Châu Thanh… đều có một thời gian dài hát chánh ở đây.
Khán giả đã quen với cách ca vọng cổ của cặp đào kép chánh nên những người thay thế là những người có làn hơi dài phong phú. Lần lượt Linh Vương, Bình Trang, linh Huệ, Châu Thanh…. người trước người sau rời khỏi đoàn, tìm những bến đỗ mới. Đoàn Sài Gòn 3 qua mấy bận thăng trầm thay đổi, vẫn tin tưởng vào lớp nghệ sĩ trẻ. Nghê sĩ Dũng Thanh từ khi làm trưởng đoàn thay thế ông Tư Hiếu nghỉ hưu, đã chọn những giọng ca lạ về hát chánh.
Từ năm 1995-1999. Có liên danh Nhã phượng- Linh Kiệt, là những nghệ sĩ trẻ có giọng ca dài hơi độc đáo về chống đỡ bảng hiệu Sài Gòn 3. Linh Kiệt đã qua đời cách đây vài năm còn Nhã Phượng sau khi rời sài Gòn 3 ngưng hoạt động, cô trở về nhà tiếp tục đi hát bằng những show lẻ.
Cho tới nay, cô vẫn âm thầm đi hát, vẫn lo được cho gia đình bằng số tiền cát xê nhận được. Nhã Phượng là giọng ca hơi dài thứ bas au Phượng Hằng, Cẩm Tiên. Với làn hơi khoẻ, chất giọng kim trong trẻo, cao vút, có cách ca riêng không bắt chước bất cứ ai, Nhã Phượng có thể ca vọng cổ rất dài vẫn tròn vành rõ chữ.
Dù chưa phải là ngôi sao, suốt thời gian hát chánh của mình ở sân khấu Sài Gòn 3 Nhã Phượng đã thể hiện bản lĩnh ca hát của mình, trở thành một trong những nghệ sĩ trụ cột được khán giả yêu mến. LÀ CON NHÀ NÒI
Nhã Phượng là con gái thứ của đôi vợ chồng nghệ sĩ Mộng Long, Trang Kim Nguyệt, từng hát chánh nhiều đoàn hát từ trước năm 1975. Nha Phượng có người chị hai là nghệ sĩ Linh Kiều, cũng một giọng ca dài hơi từng hát chánh nhiều sân khấu các tỉnh và em trai út là nghệ sĩ Long Phụng.
Nhã Phượng tên thật là Nguyễn Thị Trang Phượng sanh vào tháng 1 năm 1970, nhưng tuổi ta vẫn còn là tuổi con gà. Những ngày tháng chạp năm Kỷ Dậu, khi đoàn cải lương Tinh Hoa của bà bầu Mười Cơ diễn tại An Khê ( nay thuộc tỉnh Gia Lai). Thì nghệ sĩ Trang Kim Nguyệt chuyển dạ hạ sanh đứa con gái thứ.
Giống như những bạn bè trang lứa cùng sanh ở đoàn Tinh Hoa thời đó có Phượng Hằng, Thuỳ Linh, Kim Thoa… Bé Phượng theo cha mẹ sống trong đoàn hát, cho tới sau ngày Giải Phóng Miền Nam. Khi đoàn Tinh Hoa tạm ngưng hoạt động, năm 1976 nghệ sĩ Mộng Long và Trang Kim Nguyệt về hát cho đoàn Sông Hậu 2 cùng với “ Hoàng Đế Đĩa Nhựa” Tấn Tài rất nổi tiếng với vở cải lương Đứa Con Mang Họ Mẹ.
KHÔNG CHỌN NGHỀ HÁT
Đoàn cải lương Sông Hậu 2 được nhà nước cấp cho hậu cứ ở đình cây Khế( Cần Thơ), con em nghệ sĩ ở trong đoàn không phải theo đoàn đi lưu điễn mà phải ở nhà lo ăn học, bé Phượng rất siêng năng học chữ, lớn lên một chút rất ham ca hát, xin ba mẹ cho được hát nhưng ba mẹ nhất quyết không cho, bắt phải học chữ.
Năm 1980, về quê nội ở xã bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM tiếp tục đi học. Cứ mỗi trưa đến 12 giờ hay 5 giờ chiều nghe Đài phát Thanh phát chương trình ca cổ cải lương thích lắm, nhưng nhớ tới lời ba cấm không cho đi hát, nước mắt cứ tuôn trào, suốt mấy năm liền như vậy, càng lớn lại càng muốn đi hát.
Mười bốn, mười lăm tuổi, ngoài việc học chữ, ba mẹ còn cho học thêm nghề may, ông bà muốn định hướng tương laic ho con sau này. Nghiệp hát của ông bà rày đây mai đó, cứ theo đoàn hát lưu diễn suốt, tương lai bấp bênh, bất định. Phần đông nghệ sĩ thường không thích con mình đi theo nghề, họ cứ sợ con cháu sẽ khổ như cuộc đời của họ…
Năm 17 tuồi, sau khi học xong văn hoá, cũng vừa học nghề may thành thạo được ba mẹ mở cho một tiệm may. Từ đó, Phượng trở thành cô chủ tiệm may trẻ tuổi. một lần xuống thăm ba mẹ ở đoàn cải lương Hàm Luông thuộc tỉnh Bến Tre, thấy chị Hai Linh Kiều đang hát đào chánh ớ đoàn, dằn long không được, buộc miệng xin ba mẹ cho được theo đoàn hát.
Lúc này Linh Kiều là cô đào trẻ sang giá của đoàn Hàm Luông có giọng ca khoẻ, rất dài, rất ăn khách. Đêm nào cũng vậy, mỗi lần Linh Kiều vô vọng cổ dài hơi, khan giả vỗ tay muốn bể rạp, cả đoàn rất cưng chị Linh Kiều. Phượng muốn được như chị Hai.
Thấy con gái có vẻ quyết tâm, nghệ sĩ Mộng Long ra điều kiện:” Nếu con ca dài hơi được như chị Hai thì ba mẹ sẽ cho con đi hát, phải ca một hơi…”, nghệ sĩ Mộng Long tưởng việc ấy rất khó, con gái thứ sẽ không thể nào thực hiện được, không dè, Phượng đã thuộc nằm lòng tất cả những câu ca dài hơi cảu chị Hai, như một cuộc thi kiểm tra tay nghề.
Phượng ca một hơi lảnh lót, tròn vành rõ chữ, làn hơi ấm chắc, truyền cảm, không thua kém chi Hai Linh Kiều. Nghệ sĩ Mộng Long và Trang Kim Nguyệt không ngờ con gái lại ca hay đến thế, lâu nay Phượng ở nhà đi học nên ít dịp gần gũi ba mẹ, lại bị cấm hát nên không bộc lộ được gì, với kinh nghiệm của mình, vợ chồng nghệ sĩ Mộng Long, Trang Kim Nguyệt biết chắc Phượng sẽ nhanh chóng trở thành đào chánh.
Âu cũng là duyên nghiệp, dự tính của gia đình đã không phù hợp cới năng khiếu của Phượng. Ba mẹ đặt tên cho Phượng là Nhã Phượng và đồng ý cho hát, nhưng bắt làm cung nữ, những vai phụ.
Có một diều khá đặc biệt, Nhã Phượng chưa từng học ca với một thầy đờn chánh thức nào, nghe nghệ sĩ ca trên Đài Phát Thanh bắt chước ca theo, theo đoàn hát đứng bên cánh gà hát theo ba mẹ và các nghệ sĩ khác. Vậy mà vọng cổ, bài bản cải lương ca rành rọt, điệu nghệ như một giọng ca chuyên nghiệp từng trải qua sân khấu.
Trong thời gian làm cung nữ, Nhã Phượng chú ý học them vũ đạo, không đầy ba tháng trở thành diễn viên trẻ múa vũ đạo rất giỏi của đoàn. Cơ may đến, cô đào chánh hát chia vai với chị hai Linh Kiều bị bệnh, mà một mình chị Linh Kiều hát suốt vai rất mệt vì vai diễn ấy vừa xuyên suốt kịch bản, cảnh nào cũng có mặt, lại vừa hát vừa múa vũ đạo rất nhiều, một người thủ diễn dễ bị đuối sức…
Nhã Phượng được đôn lên hát thử, đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời đi hát của mình, Lần đầu tiên được hát đào chánh, cả gia đình và mọi người trong đoàn không ngờ Nhã Phượng hoàn thành vai diễn của mình rất xuất sắc, múa vũ đạo rất đẹp, vô vọng cổ dài hơi rất ngọt, bỗng nhiên trở thành một đối trọng nặng ký với chị Hai.
Nghệ sĩ Mộng Long và trang Kim Nguyệt mừng như được vàng, đứa con gái không được tôi luyện nghề nghiệp gì cả bỗng chốc trở thành một cô đào chánh trẻ trung đầy tiềm năng. Kể từ đó, Nhã Phượng chính thức trở thành đào chánh cùng hát chia vai với chị Hai Linh Kiều, mỗi người hát một nửa tuồng.
Những vở Người Đệp Suối Mây, Cô Gái Động Trầm Hương… của đoàn cải lương hàm Luông với hai cô đào trẻ Linh Kiều, Nhã Phượng thu hút rất đông khan gải đến với đoàn. Thật ra, nghề nghiệp không phải tự trên trời rơi xuống, những năm tahng1 ở nhà, Nhã Phượng đã âm thầm tự rèn luyện.
Từ lâu trong suy nghĩ của mình, cô đã quyết chọn nghể hát, và chỉ có hát, biết bao giọt nước mắt khóc âm thầm khi nghĩ tới một ngày nào đó mình được đứng trên sân khấu hát như ba mẹ và chị. Nghề thợ may tưởng như là nghề chính lập nghiệp mưu sinh lại trở thành phương tiện để Nhã Phượng tự thiết kế quần áo mặc thường ngày và những trang phục màu sắc dung để diễn tuồng cổ.
Ro định mời hôm sinh nhật WEB tháng 7 vừa rồi đó anh Huệ nhưng thấy nhiều anh chị em nghệ sĩ quá, Ro sẽ mời vào dịp SN CLB tháng 4 tới nhé . Âm thanh của TÂM ĐẤT mà hát hơi dài chắc tội nghiệp nghệ sĩ lắm đó
VUI CÙNG GẠO CHỢ NƯỚC SÔNG: Đời nghệ sĩ thường phải trải qua nhiều đoàn hát, vừa để tích lũy kinh nghiệm, vừa để khẳng định vị trí của mình, được nhiều đoàn mời hát, giá trị càng cao. Đoàn cải lương Châu Long (Kim Chưởng) đã mời Nhã Phượng về hát để tăng cường thêm giọng ca trẻ. Vậy là sau giai đoạn khởi đầu khá tốt ở đoàn Hàm Luông, Nhã Phượng ra đi tìm thử thách mới, qua đó để biết khả năng mình tới đâu, thuộc vị trí nào. Hát chánh cho đoàn Châu Long lúc đó là Thùy Linh và Chiêu Bình.
Do không hợp đoàn nên Nhã Phượng ít được hát, sau một năm cộng tác với đoàn Kim Chưởng, Nhã Phượng trở về nhà, yêu và kết hôn với Nguyễn Hữu Lâm tức là nhạc sĩ Lâm Quốc Phương, con trai của nghệ sĩ Bửu Tài, một nghệ sĩ kỳ cựu của đoàn Hàm Luông, hai gia đình rất thân thiết, việc kết thân cũng dễ dàng, thuận chèo, mát mái, năm đó Nhã Phượng mới 18 tuổi.
Sui gia, cả hai họ đều là nghệ sĩ, gia đình mấy đời theo nghiệp hát, con cháu theo nghề rất đông, đủ lực lượng cho một đoàn hát. Không muốn tiếp tục làm công nữa, sau đó hai bên bàn bạc cùng nhau tách ra khỏi đoàn Hàm Luông lập ra đoàn hát mới lấy tên là Trúc Giang do nghệ sĩ Bửu Tài làm trưởng đoàn, Nhã Phượng hát đào chánh.
Con giá Nguyễn Phượng Nhi được sanh ra tại đoàn hát của ông bà nội, ngoại. Chỉ được 4 năm hạnh phúc, khi con gái mới được 3 tháng, vợ chồng xảy ra chuyện hục hặc, đi đến chia tay. Nhã Phượng bồng con ra đi, ở vậy nuôi con cho tới bây giờ, năm nay cháu Phượng Nhi đã 23 tuổi, đang học ngành y, còn chồng Nhã Phượng đã mất vì bạo bệnh cách nay hơn mười mấy năm rồi.
Trở lại chuyện đi hát, buồn vì hôn nhân tan vỡ, Nhã Phượng ôm con rời đoàn Trúc Giang, tiếp tục cuộc đời gạo chợ nước sông qua các đoàn hát khác. Xin nói thêm, các đoàn hát ở miền Tây thời đó thường do một dòng họ, một gia đình lập ra, đường lưu diễn vào các xã, ấp xa xôi, sông nước chằng chịt, phương tiện chính để di chuyển là chiếc ghe bầu.
Khá hơn là chiếc tàu đò lớn vừa chở xác gánh, vừa là nơi trú ngụ của cả đoàn hát. Nghề hát có lúc đông, lúc ế khách, cơm ngày hai bữa có bầu lo, lại bềnh bồng trên sông nước qua các vùng vườn thơm trái ngọt, phong cảnh hữu tình, thơ mộng, con trai, con gái miền Tây khoẻ mạng, xinh đẹp, nói năng chất phát, thiệt thà dễ mến, dễ thân...
Cuộc đời đi hát trên sông nước thật lãng mạn, thật vui, nhất là mùa khô, mùa cúng đình, những đêm trăng sáng, mỗi đêm hát vui như lễ hội, nam thanh, nữ tú dập dìu, đào kép của đoàn hát là thần tượng gần gũi yêu mến nhất của bà con. Đi hát không giàu, nhưng rất sướng, niềm vui tinh thần là vô giá...
Cuộc sống đi hát trên sông đã giúp cho Nhã Phượng nguôi ngoai, sự ái mộ, ủng hộ cuồng nhiệt của khán giả là nguồn động viên để Nhã Phượng đứng vững giữa đời để nuôi con, tiếp tục sống với nỗi đam mê, hát cho bà con miền quê sông nước. Ca vọng cổ dài hơi một thời làm mưa, làm gió trên sân khấu, lối ca phá cách ấy rất được khán giả nông thôn yêu thích.
Đó là nhu cầu đổi mới, bổ sung thêm sự phong phú đa dạng cách ca vọng cổ trên sân khấu, lối ca rề rà, rỉ rả quá cũ, nhàm chán phần nào không thích hợp với cảnh sôi nổi, nóng bỏng, khán giả trẻ thích sự tươi trẻ, mạnh mẽ. Nhã Phượng là một trong số ít những cô đào có giọng ca trẻ khỏe, vừa cao, vừa ngọt ngào đủ sức buộc khán giả vỗ tay mỗi lần vô vọng cổ.
Hay đổ một hơi dài dứt câu với lối sắp nhịp lắc léo, luyến láy độc đáo, mới lạ. Nhã Phượng không là cô đào đẹp, mà nhờ vào giọng ca hay, làn hơi phong phú đã che hết những thất thế về ngoại hình. Thanh sắc không toàn diện phần nào hạn chế sự thành công của Nhã Phượng.
Với giọng ca thiên phú, với khả năng diễn xuất khá tốt, nếu Nhã Phượng đẹp hơn một chút, chắc chăn cải lương có một ngôi sao. Riêng với Nhã Phượng, những gì có được trên sân khấu quá đủ, Tổ nghiệp đã quá ưu ái cho rồi, Phượng không dám mơ xa nữa. Không thành danh lừng lẫy, vẫn sống được bằng nghề hát đã minh chứng cho tài năng của Nhã Phượng.
Trong giới nghệ sĩ rất thích giọng ca dài hơi của Nhã Phượng, chỉ đứng sau Phượng Hằng, Cẩm Tiên. Năm 1991, Nhã Phượng về hát chánh cho đoàn Hương Sen Đồng Tháp của bầu Đức Tài (khác với danh ca bộ đội Đức Tài, từng hát chánh đoàn Văn công Quân khu 7). Thời gian gần này, Nhã Phượng trở thành nghệ sĩ trẻ ăn khách ở các vùng nông thôn xa, một ngôi sao sân khấu miệt vườn.
Duyên may đưa đến, năm 1995 nghệ sĩ Linh Huệ về hát tăng cường cho đoàn Hương Sen, có dịp hát chung với thần tượng, danh ca hơi dài đương thời, Nhã Phượng có dịp học hỏi thêm rất nhiều ở bậc đàn chị. Ở đoàn Sài Gòn 3, sau khi Linh Huệ ra đi, đoàn vẫn đang tìm một giọng ca mới, hơi dài thay thế, họ phát hiện Nhã Phượng.
Vậy là có sự hoán đổi vị trí cho nhau, Nhã Phượng về đoàn Sài Gòn 3, Linh Huệ hát ở đoàn Hương Sen, kết thúc hơn 10 năm hát ở các đoàn tỉnh, tạm rời xa cảnh gạo chợ nước sông, về thành phố Hồ Chí Minh rửa mặt với nghề. Cặp đào kép chánh Linh Kiệt – Nhã Phượng của đoàn cải lương Sài Gòn 3, từ năm 1995 đến năm 1999 là 2 giọng ca hơi dài rất được khán giả mến mộ.
Nhất là khi đoàn lưu diễn ở miền Trung. Khi về thành phố, là lúc cải lương đang gặp nhiều khó khăn, tiếng là đoàn thành phố, nhưng đoàn Sài Gòn 3 phải lưu diễn thường xuyên ở các tỉnh, có khác chăng là ít khi hát ở vùng sâu như thời hát ở tỉnh, điểm diễn của đoàn là vùng thị tứ, trung tâm thành phố.
BÌNH AN DƯỚI MÁI ẤM GIA ĐÌNH
Đầu năm 2000, Nhã Phượng chính thức rời đoàn Sài Gòn 3, chính thức giải nghệ, xa rời sân khấu, có lẽ duyên nghiệp với nghề đã hết, nhiều đoàn tỉnh mời Phượng cộng tác, cô đều từ chối, an phận bên con gái và cha mẹ trong căn nhà bên quận 8, thành phố Hồ Chí Minh cho đến bây giờ.
Niềm vui của Nhã Phượng hiện nay là được một số đồng nghiệp mời đi hát show lẻ, giọng ca của Nhã Phượng vẫn còn đủ sức lay động lòng người, nghe Nhã Phượng hát ai cũng khen đó là một giọng ca hay, thu hút. Thường hay hát trong các album của bạn bè, nhưng cho tới nay Nhã Phượng vẫn chưa có album nào riêng cho mình.
Sống trầm lặng, hòa đồng với mọi người, hiền lành, thẳng thắn không thích bon chen, tranh giành, với Phượng sao cũng được, miễn sao, đó là việc tốt, đàng hoàng. Nhã Phượng rất được cảm tình với anh em đồng nghiệp, gần đây cô thiên về cuộc sống nội tâm, hay đi chùa, trường chay mấy năm rồi.
Với nghề, Nhã Phượng tự mãn nguyện với những gì cống hiến, với cha mẹ vẫn là đứa con hiếu thảo, với con, hăm mấy năm tròn bổn phận mẹ hiền. Nhìn lại sự mất mát hạnh phúc của đời, Nhã Phượng cho đó là căn nợ của mình phải trả, số phận tạo cho Phượng nỗi đau, song vẫn ban lại hạnh phúc, sự nghiệp thăng tiến suốt thời gian đi hát, con gái nên người, được ăn học, dạy dỗ đàng hoàng, vậy là quá đủ.
Giữa năm 2013, ba của Nhã Phượng (nghệ sĩ Mộng Long) ra đi vĩnh viễn để lại nổi đau cho mẹ, cho các con. Dẫu biết đó là qui luật cuộc sống, song mất ba, như mất nữa linh hồn, nỗi buồn khó nguôi ngoai, thương mẹ tuổi già vắng bóng người chồng tri âm đồng điệu, người nghệ sĩ về chiều thường sống trong nỗi cô đơn, trống lạnh ở tâm hồn.
Hàng ngày, Phượng vẫn niệm kinh, cầu nguyện cho ba sớm siêu thoát, cầu nguyện an lành cho gia đình, nhất là cho mẹ luôn được mạnh khỏe, sống đời cùng con cháu. Ở tuổi ngoài 40, con gái nay đã trưởng thành, chợt nhớ, mình đã qua hơn nữa đời người, ở tuổi thiếu phụ nữa chừng xuân...
Chừng như Nhã Phượng đã quen với cuộc sống thường ngày của mình. Vượt qua những nỗi đau, đi hát rong với bạn bè là niềm vui bất tận. Coi như số phận đã an bày như vậy, Phượng không mong mỏi gì hơn. Một Nhã Phượng nghệ sĩ khác hơn nhiều nghệ sĩ, bình an trong cõi riêng của mình, lánh xa hư danh, tìm đến chốn an ổn tâm hồn.