Bạc Liêu là một trong số ít những tỉnh lẻ có được vinh dự nhiều lần gặt hái các giải thưởng lớn trên lĩnh vực sân khấu cải lương.
Không chỉ rình rang với “kỳ tích” 4 lần đoạt chuông trong các cuộc thi Chuông vàng vọng cổ (CVVC) do Đài Truyền hình TP. HCM (HTV) tổ chức, mà còn giành nhiều giải thưởng vinh dự khác như: huy chương vàng giải Trần Hữu Trang, tài năng sân khấu trẻ, huy chương ở các hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc…
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là việc sử dụng nhân tài trên lĩnh vực này sao cho đội ngũ này có “đất” để thể hiện tài năng…
Chuông vàng vọng cổ 2007 - Ngọc Đợi (người thứ ba từ phải sang trái) trong vở cải lương “Một phút, một thời” được Đoàn cải lương Cao Văn Lầu dàn dựng tham gia Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012. Ảnh: C.T
Hành trình tìm kiếm tài năng
Người đóng vai trò “nhạc trưởng”, ông bầu của Đoàn cải lương (ĐCL) Cao Văn Lầu - NSƯT Khưu Minh Chiến là người đầy “máu lửa” khi đề cập đến con đường đi lên tầm cao mới của ĐCL duy nhất ở tỉnh Bạc Liêu. Chính vì máu lửa ấy nên bên cạnh việc đào tạo chuyên môn cho đội ngũ hiện tại, anh còn quan tâm đến việc thu hút đội ngũ trẻ, để làm trẻ hóa ĐCL Cao Văn Lầu bằng chính sức trẻ ấy!
Cho nên, “mục tiêu” của ĐCL Cao Văn Lầu chính là hành trình đi tìm tài năng trẻ. Ở đâu cũng tìm, từ các hội thi, hội diễn, liên hoan, thậm chí là trong những lần đoàn kéo quân về các làng quê biểu diễn, ông bầu cũng có thể “chiêu sinh” bằng cách thông báo cho bà con, các em, các cháu ai có khiếu và đam mê ca cải lương thì cứ vô đoàn thử tài.
Bằng những con đường tìm kiếm ấy, những Ngọc Đợi, Mỹ Hạnh, Hồng Nhiên, Hồng Thêm, Ngọc Hoa, Anh Chàng, Hoàng Huynh… đã “đầu quân” về đoàn. Qua sự dìu dắt về chuyên môn, nghiệp vụ, qua quá trình học tập trường lớp… đội ngũ trẻ này đã gặt hái được những thành công bước đầu.
Nếu đặt trong mối tương tác giữa các đoàn hát tỉnh lẻ với nhau, có thể khẳng định, ĐCL Cao Văn Lầu đã có một vị thế khá vững vàng! NSƯT Hữu Lộc (một người thầy tận tình dìu dắt cho CVVC 2007 - Ngọc Đợi), từng nhận định rằng ông thật sự bất ngờ trước sự “lột xác” của đội ngũ trẻ ĐCL Cao Văn Lầu. Sự ưu ái của lãnh đạo tỉnh đối với việc củng cố và phát triển đoàn, việc quan tâm đào tạo đội ngũ kế thừa, sự tâm huyết của đội ngũ trẻ chính là những yếu tố làm nên sự “lột xác” đó!
Phải có “đất” để phát huy tài năng
Tìm kiếm, đào tạo dẫn đến thành công cho các tài năng trẻ, Bạc Liêu đã làm được. Vấn đề còn lại là “đất diễn” để phát huy các tài năng. Chuông vàng Ngọc Đợi vang danh trên sân diễn của các chương trìnhNgân mãi chuông vàng, Vầng trăng cổ nhạc…
Nhưng quay về Bạc Liêu, giới mộ điệu ngay tại sân nhà chưa thấy cô “tung hoành”, thỉnh thoảng Ngọc Đợi chỉ xuất hiện ở các chương trình hát phục vụ lễ, Tết, thậm chí giỗ Tổ cổ nhạc vừa qua tại ĐCL Cao Văn Lầu cũng không thấy bóng dáng cô đào sáng giá Ngọc Đợi của đoàn?!
Và sắp tới là Lâm Ngọc Hoa, chuông bạc cuộc thi CVVC năm 2013, chắc chắn với tài năng đầy triển vọng, cô sẽ tiếp tục ngân vang giọng hát trên các sân khấu lớn như đàn chị Ngọc Đợi.
Công bằng mà nói, lẽ dĩ nhiên, khi đoạt giải thưởng của HTV, các “chuông” phải ưu tiên phục vụ cho các chương trình của HTV, nhưng không vì thế mà sân nhà trên quê hương lại “thiệt thòi” khi vắng bóng những tài năng này?
Dựng vở mới để các tài năng trẻ nói chung, các “chuông” nói riêng có đất diễn, đó là một giải pháp. Theo lộ trình của “Đề án tiếp tục phát triển ĐCL Cao Văn Lầu giai đoạn 2012 - 2016”, đoàn được giao chỉ tiêu dựng 2 vở/năm. Nhưng nhìn lại 2 vở gần đây nhất trong năm 2013, là “Dấu ấn giao thời” và “Bên cầu dệt lụa” thì không thấy bóng dáng của chuông vàng Ngọc Đợi!
Theo NSƯT Minh Chiến, đoàn đang phát huy tối đa đội ngũ trẻ vào các vở tuồng, tạo điều kiện cho các em cọ xát, trưởng thành, cho nên lần lượt từng gương mặt trẻ sẽ được tạo đất diễn để các em “chín muồi” hơn về chuyên môn.
Đó là điều cần thiết, nhưng thiết nghĩ chưa “tận dụng” được các “chuông” để nâng vị thế của đoàn ở các vở tuồng trên “sân nhà” thì cũng là một sự lãng phí, cần được xem xét lại!
Gặt hái những chuông vàng, chuông bạc, những huy chương… chỉ là thành công bước đầu. Sử dụng những tài năng ấy phục vụ công chúng, phục vụ khán giả những bữa tiệc văn nghệ thịnh soạn để “kéo” khán giả gần hơn với cải lương.
Nâng cao hơn nữa nhu cầu thưởng thức nghệ thuật bản sắc của công chúng, trong đó tất yếu phải kể đến giới mộ điệu Bạc Liêu, đó mới là điều cần thiết tiếp theo, không thể bỏ qua!