Thời gian trôi nhanh quá, mới đó mà Minh Thảo có 53 năm theo nghiệp đờn ca, chưa kể 6 năm về Bến Tre học đờn Kìm với ông ngoại. Ông sanh năm 1945, tại Xã Bàu Năng, Huyện Dương Minh Châu, Tỉnh Tây Ninh, tên cúng cơm là Nguyễn Đường Thảo, 11 tuổi đã đờn thành thạo Kìm, guitar phím lõm, được ông ngoại là Nguyễn Văn Cụ, một nghệ nhân đờn tài tử, nhạc lễ có tiếng ở Ba Tri, truyền hết nghề lại cho cháu ngoại.
Năm 1958 khi vừa tròn 17 tuổi, Minh Thảo từ Tây Ninh xuống Sài Gòn, tính xin vô đoàn hát, với vóc dáng cao ráo, có giọng ca trong trẻo, nhịp nhàng vững chắc, Minh Thảo hy vọng mình sẽ trở thành một anh kép cải lương. Thời đó, nếu trở thành nghệ sĩ cải lương, không cần phải nổi danh, chỉ cở mức độ trung bình cũng có thể tạo cho mình một cuộc sống kha khá.
Minh Thảo có người cô họ là cô Ngọc Thạch, vợ của danh cầm Văn Vĩ, lúc này ông đang là cây đờn chánh của sân khấu Kim Chung. Nghe Minh Thảo biết đờn, Văn Vĩ mới kêu đờn thử cho ông nghe, Minh Thảo đờn xong, ông khen có ngón đờn hay và khuyên nên chọn nghề đờn. Ở nhà Văn Vĩ – Ngọc Thạch đang có mở lớp dạy đờn ca nên Minh Thảo được bố trí dạy học trò tiếp cùng Văn Vĩ.
Dĩa hát đầu tiên, Minh Thảo đờn kìm chung với Văn Vĩ là đĩa hát “Ối Cha Đau” do Văn Hường ca, và đĩa thứ hai là “Chú Xồi Thợ Nhuộm” do Xuân Phát ca của hãng Tân Thanh. Năm đó Minh Thảo mới vừa 18 tuổi. Thấy công việc dạy đờn ca ở nhà Văn Vĩ cũng hợp với khả năng của mình nên Minh Thảo ở đó luôn, có dịp gặp gỡ danh cầm Năm Cơ, Duy Trì, Sáu Lệ, Năm Vĩnh…
Là những danh cầm kìm cự phách, danh tiếng, được trao đổi học hỏi thêm, từ đó Minh Thảo trở thành cây đờn kìm trẻ nhiều triển vọng được mời đờn trong chương trình đại nhạc hội của Duy Ngọc, của Tùng Lâm. Được Văn Vĩ giới thiệu lên đờn trong các chương trình ca cổ của đài phát thanh.
Trong thời gian ở nhà Văn Vĩ, Minh Thảo thường hay gặp danh cầm Năm Cơ được ông góp ý chỉ dẫn thêm rất nhiều nên rơ đờn kìm của Minh Thảo chịu ảnh hưởng rất nhiều cách đờn của ông Năm Cơ. Tính ra Minh Thảo đã dạy ở lò Văn Vĩ – Ngọc Thạch từ năm 1958 – 1975.
Sau năm 1975, Minh Thảo bắt đầu đi đờn cho đoàn hát, đoàn đầu tiên cộng tác là đoàn Sống Chung, sau đó thì lần lượt qua các đoàn Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Văn Công Thành Phố, Nhà hát Trần Hữu Trang, đoàn cải lương Tinh Hoa , sau cùng là đoàn Trung Hiếu. Từng là tay đờn kìm rất ăn ý với các danh cầm: NSƯT Hoàng Huệ, Hoàng Thành, Minh Nhường, Đức Lang,…
Đặc biệt là khi danh cầm Sáu Lệ qua đời, Minh Thảo được cô Sáu Liên, giám đốc hãng dĩa Việt Nam ký contract độc quyền, đờn kìm thay thế, hợp cùng với danh cầm NSƯT Văn Giỏi, Minh Nhường tạo nên bộ ba ăn ý nhất của hãng dĩa Việt Nam. Trước khi trở thành cây đờn kìm độc quyền của hãng dĩa Việt Nam.
Minh Thảo cũng là tay đờn rất ăn ý với danh cầm Văn Hải, nhạc sĩ Thanh Hồng. Ở đài Tiếng Nói Nhân Dân TPHCM thỉnh thoảng, Minh Thảo đờn guitar phím lõm ở một số bài ca tân cổ. Vốn người hiền lành, hòa nhã, Minh Thảo rất dễ gắn kết với nhiều tay đờn guitar khác nhau. Cách diễn tấu của Minh Thảo dịu dàng, mềm mại, ngọt ngào đúng bản sắc của cây đờn kìm cải lương.
Ông đờn không khoa trương, hay độc địa để phá người khác, quan niệm của ông về đờn khi hòa tấu với nhau phải hòa quyện tạo cảm hứng cho nhau để đưa đến người nghe bản đờn hay nhất. Có lẽ vì tính cách đó và cách đờn hiền mà Minh Thảo dường như không kỵ bất cứ cây đờn guitar nào.
Với các nghệ sĩ trẻ, thì ông là chỗ dựa vững chắc, làm nền dẫn dắt, khi hòa đờn chung với các nhạc sĩ trẻ tạo ra một phong cách diễn tấu vững vàng, chững chạc. Minh Thảo là trong số ít danh cầm đờn kìm đờn cải lương, tân cổ giao duyên hay nhất, mang phong cách của danh cầm Năm Cơ, tuy nhiên sự bay bướm, độc đáo, lắc léo thì Minh Thảo không thể sánh bằng danh cầm bậc thầy của mình.
Nhưng sự mềm mại, nhẹ nhàng, tiếng tơ ngân len vào tâm hồn tạo cho người nghe một cảm xúc lâng lâng, êm ả, man mác, đó chính là tiềng đờn đặc trưng của tiếng đờn kìm Minh Thảo. Ngoại trừ NSƯT danh cầm Ba Tu là cây đờn kìm bậc thầy số 1 hiện nay. Trong giới cải lương, trong lứa tuổi của mình, Minh Thảo vẫn còn là cây đờn kim hay nhất của sân khấu cải lương. Khán giả vẫn thường gặp ông trên các chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc hay Ngân Mãi Chuông Vàng của HTV.
Nhạc sĩ đờn kìm hiện nay không thiếu, nhưng đa số vẫn đờn theo phong cách tài tử. Để có một tay đờn kìm đầy cảm xúc, đủ bản lãnh, thích hợp với sân khấu cải lương là chuyện không hề đơn giản. Muốn đờn sân khấu hay, phải có thời gian trãi nghiệm đờn ở các đoàn hát hay đờn nhiều tuồng cải lương trên truyền hình, trên băng video.
Minh Thảo không phải là tay đờn kìm dành cho đờn ca tài tử, mặc dù ông được dạy dỗ đào tạo từ gia đình có truyền thống nhạc lễ, nhạc tài tử. Thời gian làm nghề ở Sài Gòn gần gũi bên danh cầm Năm Cơ, Văn Vĩ. Suốt trên hai mươi năm đờn cho các đoàn cải lương nổi tiếng, cùng đờn chung với nhiều danh cầm guitar bậc nhất của sân khấu cải lương đã tôi luyện cho Minh Thảo sở trường của một tay đờn kìm sân khấu, đờn cho các hãng băng đĩa.
Cách diễn tấu của Minh Thảo là cách đờn phối hợp chung với dàn đờn, không phải là cách đờn biểu diễn cá nhân, chỉ cốt làm sao nổi bật mình, đờn hiền không đờn phá, có lẽ vì vậy mà một số tay đờn trẻ không đánh giá cao Minh Thảo. Nhưng ở các danh cầm lão luyện, Minh Thảo luôn dành được sự thương yêu, trân trọng, bởi tính cách khiêm nhường, biết học hỏi và tôn trọng những đàn anh, tiền bối. Minh Thảo là nhạc sĩ tài năng nhưng rất hiền lành, hòa nhã.
Sau nhiều năm trãi thân cùng nghiệp đờn ca, đầu năm 2013, Minh Thảo đã quyết định về lại quê hương Bàu Năng mở lớp dạy đờn ca cho em cháu địa phương nhà. Vẫn thường xuyên giữ liên lạc với Tp.HCM, vẫn tham gia đều đặn Vầng Trăng Cổ Nhạc và Ngân Mãi Chuông Vàng khi có lời mời.
Ông tâm sự:”Bây giờ đi đờn cho vui cho đỡ nhớ nghề thôi, chớ sức khỏe đã không cho phép lăn lóc, cày bừa nữa rồi. Lớn tuổi rồi cũng nên tránh ra để cho các em, các cháu tiến lên. Nói theo anh Văn Giỏi: lão lai tài tận mà”…