1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Sân khấu cải lương ngày nay mất dần những độc chiêu làm ngây ngất người xem, không còn đất để cho những nghệ sĩ hài ca phô diễn chất giọng vàng của mình. Dần dần, người ta quên có một thời cải lương có những giọng ca hài độc đáo như Hề Minh, Văn Hường, Hề Sa, Hoa Huyền, An Danh…

    Tuồng tích ngày xưa ấy, anh hề thường đi kế bên anh kép chánh, thường là gia đồng, đại diện cho lớp nông dân nghèo trung thành, nghĩa khí. Khi nhân vật chánh lâm nạn, bị cường quyền áp bức, đến hồi cao trào nhất, anh hề từ bên trong bước ra can gián, hay móc ngoéo kẻ gian ác bằng những câu vọng cổ hớm hỉnh, sâu sắc, thỏa mãn tâm lý người xem, bảo vệ người hiền, căm ghét kẻ ác.

    Vị trí anh hề chánh trong đoàn có khi ngang bằng anh kép chánh, thường thì hơn kép nhì, kép ba. Chính nhờ vị trí anh hề ca quan trọng, nghệ sĩ hài An Danh mới tạo dựng được tên tuổi của mình trên sân khấu Kim Chung ngày xưa, đến thập niên 80, anh trở thành danh ca hài xuất sắc, tung hoành ngang dọc, sánh bước với những danh ca đương thời: Minh Vương, Thanh Tuấn, Châu Thanh, Linh Vương…

    MỘT KIẾP PHONG TRẦN

    An Danh tên thật là Phạm Văn Xinh, sanh năm 1947, tại xã An Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nơi có truyền thống mê đờn ca tài tử cải lương nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Mười bốn tuổi (1961), anh đã xin vô làm quân sĩ ở đoàn Kiên Giang của ông bầu Sáu Nhỏ, khi vào đoàn chỉ có giọng ca hay chứ chưa biết nhịp hay bài bản gì, hằng đêm vừa làm việc vừa chú ý theo dõi các nghệ sĩ khác mà học, lâu lâu cũng được ông bầu cho hát một vài vai kép con.

    Đến năm 1963, một bữa nọ anh đến xem đoàn Kim Chung 2 diễn, thấy nghệ sĩ Minh Cảnh liền đến làm quen và nhờ Minh Cảnh xin cho vào đoàn tiếp tục làm quân sĩ. Chưa được bao lâu thì đoàn Kim Chung 2 lưu diễn miền Trung, anh được chuyển qua đoàn Kim Chung 1 với số lương hằng đêm là 20 đồng, không được hưởng lương tháng như những nghệ sĩ khác ở đoàn Kim Chung.

    Dù vậy, số tiền ấy quá lớn, so với anh thời còn ở Kiên Giang, mỗi đêm chỉ được lãnh vài đồng. Lúc này hề chánh đoàn Kim Chung 1 là danh hài Văn Hường. Hồi mới vào đoàn, anh lấy tên là Hữu Danh vì thích nghệ sĩ Hữu Phước, không có ý hát hề, chỉ nuôi mộng làm kép, nên dù ở gần Văn Hường anh cũng luyện ca hơi kép, sau này về đoàn Kim Chung, anh đổi lại tên là An Danh.


    Đoàn Kim Chung 3 được thành lập với đào kép chánh là Lệ Thủy – Thanh Hải, anh lại được chuyển qua tiếp tục làm quân sĩ, dù giọng ca rất hay.

    Thời đó muốn được hát một vai trên sân khấu không phải dễ, khi nào người coi sân khấu của đoàn thấy hát được mới cho thử vai. Khi đoàn dựng vở Nhớ Bóng Trăng Xưa, có một lớp hồi tưởng ca vọng cổ trong hậu trường, anh được phân hát đoạn này, đêm nào cũng vậy, mỗi lần anh vô vọng cổ, vào hò nhứt, khán giả vỗ tay rầm rộ, tạo được uy tín với đoàn.

    Một năm sau (1964), anh được cho hát thì bị bể tiếng không hát được, bao nhiêu hy vọng của mấy năm miệt mài làm quân sĩ sắp được đổi đời lên kép thì hư hơi, buồn quá, xin qua đoàn Kim Chung 4, lúc này cặp đào kép chánh của đoàn là Út Bạch Lan – Thanh Hải…


    NHỜ THẾ VAI HỀ CỦA TRỌNG KHIÊM ĐƯỢC KÝ CONTRACT

    Một đêm nọ, đoàn diễn tại rạp Thủ Đô, trước khi hát tuồng Bẻ Kiếm Bên Trời, anh vào nói với nghệ sĩ Hoàng Ghi, người coi sân khấu, xin nghỉ hát luôn, giải nghệ về nhà kiếm chuyện khác làm ăn. Hoàng Ghi hiểu được tâm trạng của anh, chỉ an ủi chứ chưa dứt khoát đồng ý cho nghỉ hay không. Bất ngờ đêm đó, hề Trọng Khiêm không đến hát mà khán giả đã vô đầy rạp, sắp tới giờ mở màng rồi.

    Hề chánh là danh hài Văn Hường, hề phụ là Tư Vững và Trọng Khiêm. Khi được đề nghị hát thế vai Trọng Khiêm, anh không chịu thế, anh nói “mai tôi nghỉ rồi còn hát xướng nổi gì?”. Hết người này tới người kia đến động viên anh vẫn không chịu hát. Nghệ sĩ Út Bạch Lan thấy vậy mới biểu anh cứ hát đi. Ông Tư Vững ngày thường chơi rất thân với An Danh, hai chú cháu hay nói chuyện tiếu lâm rất tương đắc.

    Khi nghe An Danh không chịu thế vai Trọng Khiêm, ông nổi nóng chửi thề: “Địt mẹ không thế thì làm cái đ…gì. Đi sắm tuồng ngay! Không thuộc tao nhắc cho mày hát…” Cho tới giờ phút đó, An Danh vẫn còn mê hát kép chứ không thích hát hài, nhưng vì nể lời ông Tư Vững là bậc cha chú, nên miễn cưỡng đi làm mặt.



    Các nghệ sĩ: An Danh, La Kính, Thanh Ba Ròm, Thanh Phú, Thanh Sanh, Minh Vương, Minh Phụng, Tấn Tài, Kiều Tiên
    Nhờ mỗi đêm có coi hát nên vai này anh cũng thuộc, tính hát một đêm rồi chia tay anh em, nên anh hát rất thoải mái, những câu nói mép hằng ngày đùa vui với ông Tư Vững được anh đem ra sử dụng, không ngờ khán giả cười nghiêng ngửa, vỗ tay hoan hô.

    Tới cảnh kết, thay vì móc dây bay, bay vào trong thì anh lại trở bộ dậm chân, làm động tác như bay rồi bất ngờ tỉnh queo, đi bộ vào trong, khán giả được dịp cười thỏa mãn ở cảnh kết. Đêm đó mọi người khen anh hát có nhiều nét mới hơn Trọng Khiêm (sau đêm diễn đó, Trọng Khiêm cũng không đến đoàn luôn).


    Đang ngồi tẩy trang, bất ngờ trưởng đoàn Văn Ba vào hậu trường hỏi lớn: “Thằng An Danh đâu rồi?” An Danh trả lời: “Dạ cháu đây”. Ông Văn Ba nói tiếp: “Hồi nãy ông Long với bà Kim Chung đi chơi về có ghé vô đón coi ngay màn chót, thấy mầy hát khán giả cười ổng hỏi thằng nào, tao nói thằng An Danh, ổng nói, kêu nó 8 giờ sáng mai lên văn phòng tôi ký contract”.

    Suốt đêm đó, mừng quá không ngủ được, không ngờ định giải nghệ lại được ký contract, đó là năm 1965. Sáng sớm hôm sau, đúng giờ hẹn, anh đến văn phòng bầu Long, khúm núm bước vào: “Thưa, cậu kêu con có chuyện gì?”. Bầu Long trả lời: “Kêu mày lên ký contract”.


    Từ ngoài người ngoại vụ của đoàn bước vào thấy An Danh đứng xớ rớ ở đó mới hỏi bầu Long: “Anh ký contract với đứa nào?”. Bầu Long chỉ sang An Danh: “Nó đấy!”. Người ngoại vụ trả lời: “Thằng này hát xướng gì mà anh ký contract, hôm trước tôi định đuổi nó đó.

    Hôm qua nó làm đơn xin nghỉ, tôi sẽ cho nó nghỉ”. Bầu Long cản lại: “Ậy…ậy…nó là con gà mới của tôi đấy”. Vậy là anh được ký contract với số lương 20.000 đồng mỗi đêm, còn được hưởng thêm lương mỗi tháng nữa.

    Từ đó, anh hát thế luôn vai của Trọng Khiêm, trở thành hề nhì kế bên Văn Hường. Đến tuồng Trinh Tiết Một Đời Hoa, hát thay Tư Vững vai Tứ Tà, rồi thay Văn Hường hát luôn hề chánh, hề Hoa Huyền hát phụ cho An Danh. Lúc này làn hơi cũng chưa trở lại.

    An Danh chỉ ca ở dạng trung bình, nhờ diễn rất duyên nên khán giả rất thích. Qua thời kỳ bể tiếng, An Danh bỗng ca hay hơn, điêu luyện, chắc chắn hơn, rất mê giọng ca của Văn Hường nên câu vô An Danh bắt chước theo sư phụ, nhưng trong lòng câu thì vỗ êm, ngọt như một anh kép mùi.

    An Danh đã đi qua hết tất cả các đoàn Kim Chung từ 1 đến 6, hát cặp kè với những danh ca thượng thặng như: Minh Cảnh, Thanh Hải, Tấn Tài, Hùng Cường, Minh Vương, Phương Bình, Thanh Tuấn, Quốc Trầm, Hoài Thanh, Chí Tâm, Ngọc Ẩn…Làn hơi của An Danh là làn hơi của một danh ca, vì thất tướng, không đẹp trai nên phải hát hề, dường như tổ nghiệp đã sắp đặt cho anh như vậy.


    Ở công ty Kim Chung thời đó, hề chánh của đoàn là những giọng ca độc đáo, đủ khả năng làm cho khán phòng dậy sóng bởi những tràng pháo tay khi vô vọng cổ. Văn Hường, Hề Sa, An Danh, Hoa Huyền…thành ngôi sao sân khấu một thời là nhờ đã được khai thác tối đa khả năng ca hài của họ.

    Nếu không có cách khai thác sở trường của những giọng ca hài trên sân khấu cải lương thì sẽ không có một An Danh rất được các danh ca đương thời nể nang, quý trọng. Sân khấu cải lương luôn có những chổ đứng đặc biệt dành cho những giọng ca xuất sắc. An Danh là cây cười được ký hợp đồng lâu năm nhất (5 lần hợp đồng) ở sân khấu Kim Chung (từ năm 1965 đến năm 1975)…


    (Còn tiếp)

    Nguồn tin: Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 4 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Duongtonhu (02-10-2013), huongle (23-09-2013), romeo (23-09-2013), Thanh Hậu (03-10-2013)

  3. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Danh ca hài An Danh, niềm hạnh phúc vô biên (phần 2)

    THÀNH CÔNG Ở ĐOÀN VĂN CÔNG THÀNH PHỐ: Sau 30 tháng 4 năm 1975, An Danh đi hát ở một số đoàn tỉnh một thời gian rồi trở về thành phố hát cho đoàn Sài Gòn 3. Khi đoàn Văn Công Thành Phố dựng vở Cây Sầu Riêng Trổ Bông có vai Bảy Xị là vai hề ca mà trong đoàn không ai có sở trường đó. Nghệ sĩ Lệ Thủy mới giới thiệu An Danh với đoàn, vậy là An Danh được chuyển từ đoàn Sài Gòn 3 về Văn Công Thành Phố để đảm nhận vai Bảy Xị.

    NSUT Minh Vương và NS An Danh
    Khi diễn phúc khảo lãng đạo đoàn góp ý phải nâng thêm vai Bảy Xị thì nghệ sĩ Lệ Thủy phát biểu: “Yên chí, đó là nghề của chàng mà”. Thật ra An Danh đã chuẩn bị cho lớp diễn đó rất kỹ càng, anh nhờ sư phụ Viễn Châu (lúc đó đờn tranh cho đoàn với nghệ danh Bảy Bá) viết cho hai câu vọng cổ, đợi đến khi công diễn ra khán giả mới trổ tài, dành sự bất ngờ cho mọi người.

    Chị Lệ Thủy là người diễn chung với An Danh nhiều năm trên sân khấu Kim Chung nên chị hiểu sự hiệu quả của anh như thế nào. Đêm công diễn vở Cây Sầu Riêng Trổ Bông với khán giả, tới lớp diễn cao trào của vai Bảy Xị, An Danh đã chồng hơi vô vọng cổ bằng cách hò Huế rất lạ tai (cách hò Huế để vô vọng cổ là sở trường đặc biệt của danh ca Minh Cảnh.

    Cho tới hôm nay chưa có nghệ sĩ nào hò Huế để vô vọng cổ hay ca trong lòng câu hoặc để dứt câu đọc đáo như ông, một độc chiêu khẳng định giọng ca có một không hai).

    Khán giả tưởng thưởng An Danh bằng những tràng pháo tay như muốn vỡ tung rạp hát. Bao nhiêu năm hát trên sân khấu Kim Chung hay đi bất cứ đoàn hát nào, An Danh đã quen nghe tiếng vỗ tay của khán giả mỗi lần vô vọng cổ, đêm nào ca khán giả không vỗ tay coi như đêm đó anh hát không thành công.


    Phải nói trong thời điểm đó (khoảng 1976) trên sân khấu Tp Hồ Chí Minh chưa có danh hề ca vọng cổ nào đứng trên sân khấu có làn hơi độc đáo như An Danh. Anh không ca giễu mà ca rất ngọt như một anh kép mùi, chỉ khác khi vào hò nhứt câu 1 thì ử như Văn Hường, chính lối pha trộn này đã tạo nên thương hiệu An Danh.

    Lối diễn hài của An Danh là lối diễn hài tình huống hay những câu nói móc lò, dí dỏm, rồi đến khi cao trào thì giải quyết bằng cách vô vọng cổ. Hai giọng ca ảnh hưởng sâu sắc tới cách ca vọng cổ của An Danh là danh ca Minh Cảnh và danh hài Văn Hường. An Danh học họ ở kỹ thuật sắp nhịp, cách xử lý làn hơi sao cho độc đáo, khi ca bắt buộc khán giả phải vỗ tay.

    Nhiều danh ca từng hát chung sân khấu với An Danh như Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn, Chí Tâm, Hoài Thanh…đều khoái giọng ca của anh hề diễn cặp bên mình. Có những khi cao hứng, An Danh ca tới “hò đậy” (tên gọi dây kép bằng với tone si). Sau thành công của vai Bảy Xị.

    Thật lòng An Danh muốn bám trụ luôn ở sâu khấu Thành Phố, còn gì bằng khi làm nghề lại được đứng trên một sân khấu lớn bật nhất mà mình là hề chánh, dường như mỗi người có một định mệnh riêng, trong lúc huy hoàng nhất thì sự nghiệp của An Danh gặp một khúc cua cho tới bây giờ nó vẫn là nỗi đau dù anh đã giả từ sân khấu.


    Sau thành công của vở Cây Sầu Riêng Trổ Bông, đoàn dựng tiếp vở Khi Bình Minh Trở Lại. Để chuẩn bị vai diễn này độc đáo hơn vai Bảy Xị, để hàng đêm khán giả vẫn đến xem đoàn đông nghẹt và vẫn dành cho An Danh những tràng pháo tay như sấm.

    An Danh đã nhờ sư phụ Viễn Châu viết cho hai câu vọng cổ, một kể các tựa tuồng sân khấu đang diễn tại thành phố, tuy ghép tên ghép tuồng nhưng lại lột tả đúng tâm trạng của nhân vật cần thể hiện.

    Một kể lại các tựa phim đang chiếu cũng phù hợp với nhân vật như tựa tuồng sân khấu, hai câu ca này An Danh sẽ dự định ca khi công diễn, câu nào có hiệu quả thì sẽ làm bài hát chính cho vai diễn của mình, sau đêm phúc khảo, có ý kiến của một vị lãnh đạo Sở Văn Hóa thời bấy giờ đề nghị nên bỏ vì cho đó là một lớp hài rẻ tiền. Hát bằng một câu khác nghiêm chỉnh hơn thì không có hiệu quả sân khấu.


    Một thời gian sau thua buồn vì nghĩ rằng trên sân khấu đoàn Văn Công Thành Phố không còn chổ cho hề ca như mình thi thố tài năng, An Danh xin rời đoàn tiếp tục đi về các tỉnh tìm đến đoàn nào có những vai diễn phù hợp với mình, nghĩa là khai thác hài ca. Đây là bước hoặc quan trọng, bây giờ nghĩ lại An Danh không trách không hờn ai, mà anh cho rằng số anh chỉ được vậy.

    Thời đó mới giải phóng cho nên sự quản lý nghệ thuật ở các đoàn rất chặt chẽ, nghiêm túc. Nhìn các diễn viên hài bây giờ tha hồ tung hứng, nhiều khi quá đà “trớt quớt”, dung tục vẫn cứ ngang nhiên tồn tại mà anh buồn, nếu ngày đó cởi mở như bây giờ có lẽ anh không rời xa Thành Phố để dần dần mai một, và từ đó danh hài ca An Danh trở thành một anh hài cấp tỉnh.

    Rời Văn Công Thành Phố, anh về đoàn Cao Nguyên của bà bầu Tâm, hát cặp với danh ca trẻ đang rất ăn khách thời đó Tuấn Kiệt (là danh ca Châu Thanh hiện nay). Khi đứng trên sân khấu để ca chưa bao giờ An Danh chịu lép trước một giọng ca nào, An Danh và Tuấn Kiệt đã trở thành một bộ đôi ăn khách bật nhất trên khắp các nẻo đường lưu diễn, khán giả từ miền Tây đến miền Trung rất ái mộ họ.

    An Danh trở thành danh hài ca có số lương rất cao, ảnh hưởng rất lớn tới lượng khán giả vào mua vé. Ở đoàn Cao Nguyên được vài năm, An Danh cộng tác với đoàn Sông Hậu. Năm 1990, anh có thu một số băng đĩa cải lương hát chung với Thanh Tuấn, Minh Vương, Minh Phụng…Cho tới năm 1993, thì anh quyết định giải nghệ luôn, từ giã niềm đam mê mà suốt ba mươi năm anh đã gắn đời mình với ánh đèn sâu khấu


    ĐƯỢC HÁT LÀ NIỀM HẠNH PHÚC.

    Giã từ sân khấu khi vẫn còn phong độ đỉnh cao, điều sâu xa nhất là nỗi đau trong lòng anh khi dần dần những kịch bản cải lương sau này không còn khai thác, tạo đất diễn cho hài ca. Có người cho rằng sự có mặt của hài ca không cần thiết nữa.

    Nhưng anh lại nghĩ khác, đã là kịch bản sân khấu dù mang nội dung gì, hình thức gì thì yếu tố giải trí vẫn phải có, hề ca trong tuồng cải lương là nét điểm xuyết tạo sự hấp dẫn, chớ đâu có tội tình gì. Có thể tác giả không thích viết hề ca, hoặc họ viết hài ca không có duyên mà bỏ qua rồi dần dần anh hề ca biến mất trên sân khấu.

    Số danh hài diễn hiện nay rất nhiều, nhưng để có một danh ca hài hay đúng nghĩa, để cho những làn hơi kép chánh kiêng nể, khán giả mê lịm thì có thể nói chưa có ai. Tre đã tàn mà măng không mọc. Buồn thay cho số phận hề ca trên sân khấu. Cải lương đã mất đi một chiêu độc đã làm phong phú, đa dạng suốt quá trình tồn tại và phát triển. Đó là tất cả những nổi niềm mà An Danh đã thổ lộ.

    Với anh những ngày được hát, được đứng trên sân khấu là niềm hạnh phúc vô biên mà không có danh vọng tiền bạc nào có thể bù đắp được cho anh. Những trải nghiệm, những vinh quang, những nổi buồn thê thiết trong ba mươi năm đi hát hề ca, với anh vẫn là nỗi đam mê, quyến rủ nhất, không có sự sung sướng nào ở cuộc đời này đối với anh bằng được đứng trên sân khấu sắm một vai hài ca vô một câu vọng cổ được khán giả vỗ tay…bể rạp


    Anh tâm sự rằng: “Nếu sau này có tác giả, đạo diễn nào khai thác hề ca, xin đừng coi thường, cho đó là rẻ tiền hạ cấp thì thiệt là tội nghiệp. Diễn hài ca không khó nhưng không phải không làm được, nhưng chắc chắn ca hài mà không có làn hơi hay thì coi như không làm được gì. Mong sao một ngày nào đó sẽ xuất hiện giọng ca hài hay”.

    Đúng, sân khấu hài hiện nay rất ăn khách, đa số là diễn hài kịch, kể cả những diễn viên hài của cải lương cũng xâm canh qua kịch và họ đã nổi tiếng cũng như có vị trí cao trong giới biểu diễn. Nhưng để tìm một giọng ca hài hay…chắc còn phải chờ lâu lắm, không biết đến bao giờ. Để sân khấu cải lương cho tới bây giờ chỉ còn biết nhắc Văn Hường, Hề Sa, An Danh…và sau này là Thanh Nam.

    Nguồn tin: Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 4 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Duongtonhu (02-10-2013), huongle (02-10-2013), romeo (02-10-2013), Thanh Hậu (03-10-2013)

ANH EM CHANNEL