Nghệ sĩ Minh Nghĩa được người hâm mộ biết đến với tư cách là một trong những nghệ sĩ cải lương (NSCL) sáng tạo. Bởi anh đã tạo ra cho mình phong cách ca diễn hết sức độc đáo đầy dụng công, tìm tòi trên “thánh đường” sân khấu; không “đụng hàng” và thật khó bắt chước.  Nghệ sĩ cải lương Minh Nghĩa luôn mong muốn đem âm nhạc cải lương quay trở lại thời hoàng kim của nó.
Mang trong người niềm đam mê cháy bỏng
Minh Nghĩa tên thật Nguyễn Trọng Nghĩa, là đứa con hào sảng của miệt Tiền Giang, sông nước miền Tây. Ngay từ nhỏ Nghĩa đã đam mê cải lương, ước mơ sẽ trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, thành danh như các NSƯT Minh Vương, Thanh Sang… và nhiều bậc thầy nổi tiếng khác trong lĩnh vực sân khấu cải lương. Anh cũng mơ có thể tự sáng tác vọng cổ để làm những album lưu niệm riêng cho mình.
Và để biến giấc mộng thành hiện thực là một con đường khổ ải, kiên trì, miệt mài lao động nghệ thuật không dễ ai cũng vượt qua được.Có sẵn trong lòng khát vọng cháy bỏng đam mê nên lúc học ở trường phổ thông anh đã nhiệt tình, linh hoạt với các phong trào văn thể mỹ. Thời điểm đó anh đã gây dựng được tên tuổi trong lòng bạn bè và các thầy cô. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Nghĩa nộp đơn thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu Điện ảnh TP. HCM.
Được những bậc thầy trong lĩnh vực cải lương như Bảy Trạch, nhạc sĩ Nhật Bằng, nhạc sĩ Trung Hiếu…giúp đỡ đã tạo điều kiện cho anh có thể bộc lộ khả năng diễn xuất của mình.Anh còn từng được thử sức với nhiều vai diễn ở các đoàn văn công và được đánh giá là có duyên với sân khấu. Từ đây, Minh Nghĩa có cơ hội diễn xuất chung với một số tên tuổi nghệ sĩ lớn.
Một phần tài năng, sự nổi tiếng của anh bây giờ bên cạnh khả năng thiên bẩm còn bắt đầu từ việc ham học hỏi, tiếp thu nhanh những kỹ thuật đỉnh cao của các đàn anh đi trước. Trau dồi và khổ luyện, giúp các kỹ năng trong nghề “đắc điệu” một cách hoàn thiện nhất.Đến giữa năm 1992, anh xin về công tác tại đoàn hát cải lương Trung Hiếu của Công an TP.HCM. Một thời gian sau, anh quyết định đi học lại trong trường Nghệ thuật Sân khấu II để nâng cao “giọng ca vàng”.

Nghệ sĩ Minh Nghĩa trong một lần diễn xuất chung với NSƯT Thoại Mỹ
Nặng nợ với cải lương
Khi đã thuần thục kỹ thuật biểu diễn, anh nhanh chóng tham gia đoàn cải lương Minh Tơ và cũng đã được hội đồng nghệ thuật đồng ý phân vào những vai có lời thoại chính. Minh Nghĩa được NSƯT Kim Tử Long đánh giá tốt về năng lực, khả năng biểu diễn.Kinh nghiệm “thực chiến” trên sân khấu cộng với chiều sâu “miệt mài đèn sách” ở trường đã giúp anh lọt vào vòng chung kết của cuộc thi Bông Lúa Vàng.
Tới năm 2000, anh tiếp tục thử sức mình ở cuộc thi Giải triển vọng Trần Hữu Trang. Minh Nghĩa tâm sự: “Những năm đó Cậu Út Mười Trà Ôn chấm thi giải Bông Lúa Vàng đã khen Nghĩa có làn hơi tốt và Cậu Mười cho theo đi hát. Trong thời gian đó mình may mắn được nghệ sĩ Ngọc Mai, tác giả Minh Thùy mời thu tiếng cho đài TNND TP.HCM bài “Bông súng đồng bưng”.
Ngoài ra có một kỷ niệm vui khi được nhiều khán thính giả Đài truyền hình Đồng Nai yêu cầu bài "Cánh cò mang theo" của tác giả Dương Kinh Thành. Nghĩa hát chung với ca sĩ Bích Phượng lúc mới bắt đầu sự nghiệp đã gặp được những điều vui, ý nghĩa đó ai ai cũng sẽ nhớ hoài trong tim…
Ngoài ra, anh chàng nghệ sĩ đa tài này còn tham gia cộng tác khá nhiều các đài truyền hình tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, VTV… Anh chia sẻ thêm: “Bây giờ cải lương không còn thời hoàng kim như ngày xưa nữa nhưng bản thân Minh Nghĩa vẫn mơ ước được đi hát, được phục vụ bà con hâm mộ dù cho bất kỳ hoàn cảnh nào…
Được thể hiện phong cách và làn hơi của mình mong sao thỏa lòng đam mê yêu nghề, khát khao được sống mãi với cái nghiệp mà mình đã chọn! Mình đã đi và bước đầu cũng đã có ít nhiều thành công. Nhưng sẽ còn tiếp tục đi trên con đường đó...”
Trọng Hiếu - Hoàng Đức
(NB&CL)
|