ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI NGHỆ SĨ HOẠT ĐỘNG Ở CÁC TỈNH XA THÀNH PHỐ, HỌ CHỊU NHIỀU THIỆT THÒI TRÊN CON ĐƯỜNG NGHỆ THUẬT VÌ ÍT ĐƯỢC KHÁN GIẢ THÀNH PHỐ BIẾT ĐẾN, NHƯNG TÀI NGHỆ CỦA CÁC NGHỆ SĨ ẤY CŨNG THUỘC HÀNG ĐIÊU LUYỆN LẮM.
TRONG KHOẢNG THẬP NIÊN 85 - 95, ĐÔI NGHỆ SĨ LINH CẢNH – BẢO TRÂN RẤT ĐƯỢC KHÁN GIẢ CÁC TỈNH THÀNH TỪ NAM ĐẾN BẮC YÊU MẾN. NS LINH CẢNH CÓ GIỌNG CA RẤT HAY, MANG ÂM ĐIỆU CỦA DANH CA MINH CẢNH, CÒN NS BẢO TRÂN XUẤT THÂN TỪ CON NHÀ NÒI THUỘC HÀNG ĐẲNG CẤP TRONG GIỚI CẢI LƯƠNG. HỌ GẶP VÀ YÊU NHAU CŨNG NHỜ SÂN KHẤU SE DUYÊN, NHƯNG MỐI TÌNH ẤY CŨNG BẮT ĐẦU TỪ CÂU “GHÉT CỦA NÀO, TRỜI TRAO CỦA ĐÓ”…..
NS LINH CẢNH: CHIẾN SĨ CÔNG AN MÊ CẢI LƯƠNG
NS Linh Cảnh sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Ông ngoại và các cậu các dì đều tham gia hoạt động trong thời kháng chiến, nên khi vừa tròn 13 tuổi (năm 1974) cậu bé thiếu niên Châu Văn Khuýnh (tên thật của NS Linh Cảnh) đã theo mấy cậu tham gia làm giao liên ở phòng tổ chức cán bộ tỉnh Long Châu Tiền, nay là tỉnh Đồng Tháp, lúc đó trưởng phòng là đồng chí Ba Lê, phó phòng là đồng chí Tư Gìa và Tư So.
NS Linh Cảnh kể ngày ấy vui lắm, nhớ mãi hình ảnh của “chú bé loắt choắt….” hàng ngày cứ 8 giờ sáng là phải lội bộ 4, 5 cây số từ đơn vị đóng quân ở rừng Láng Nghễ, Dồng Bàn (CamPuChia) ra điểm tập kết ngoài bờ sông để giao và nhận thư về cho đơn vị. Rồi mỗi khi có công tác khẩn, ba bốn giờ khuya là phải vượt rừng một mình để đi cho kịp.
Những năm 1974 ác liệt, rừng khuya tối đen như mực với những cơn gió lạnh đến run người rồi những tiếng chim Cú rừng, thỉnh thoảng xa xa vọng lại tiếng con Mễnh tát nghe mà ớn lạnh….hay mỗi khi trên đường công tác gặp phải máy bay của giặc anh phải trốn vào rừng….Vậy đó mà gan dạ lắm nào có sợ chết bao giờ, hễ đi công tác là “hăng say” lắm….
Làm công tác giao liên đến năm 1977, vì hòan cảnh nên anh từ giã đơn vị để về phụ giúp gia đình. Năm 1980 anh trở lại công tác ngành công an ở phòng công tác chính trị Đồng Tháp.
Những tưởng rằng cuộc đời của NS Linh Cảnh sẽ gắn bó với nghề công an, nhưng một lần theo một người bạn thi vào đoàn cải lương Tháp Mười A khi đòan tuyển diễn viên thì anh cũng thi chơi nhưng dè đâu đậu thiệt. Năm 1982 NS Linh Cảnh bắt đầu bước vào một ngã rẽ mới trong cuộc đời: trở thành một nghệ sĩ cải lương.
Anh cho biết “Nếu không có bước ngoặc này chắc giờ anh đã mang hàm Trung tá. Lúc đầu cũng băn khoăn lắm, khi làm đơn xin nghỉ ở cơ quan cũng gặp nhiều khó khăn. Bản thân lại rất thích ca hát và ba má rất yêu cải lương nên hết lòng ủng hộ…nên anh quyết định chuyển nghề và đi hát riết cho đến bây giờ. Cuộc đời vốn có những bất ngờ mà mình không lường hết được, Linh Cảnh không bao giờ hối hận với sự lựa chọn của mình”.
Người thầy đầu tiên của NS Linh Cảnh trong nghề là NS Châu Giàu, với giọng ca đặc biệt giống Minh Cảnh nên anh nhanh chóng nổi danh ở khắp các tỉnh trên con đường lưu diễn. Vai diễn đầu tiên của NS Linh Cảnh trên sân khấu là Mạc Sầu trong vở cải lương Trương Chi – Mỵ Nương.
Chỉ hai năm vào nghề NS Linh Cảnh đã bước lên hàng kép chánh nổi danh với các vai Trăng Y Miên (Khi rừng thu thay lá), vai Khóa Hồng (Tình hận thâm cung), Lưu Tòan Định (Qua cơn ác mộng), Hòang Tử (Người đẹp Bạch Hoa Thôn)….Lúc này nhiều đòan hát biết đến và mời NS Linh Cảnh về cộng tác, như đoàn Sông Tiền, Sân khấu mới Bến Tre, Dạ Lý Hương, Sài Gòn 2, Tiếng chuông vàng Minh Phụng….hát chung với những cô đào nổi tiếng là NSƯT Mỹ Châu, NSƯT Diệu Hiền….
Đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm từ năm 1985 đến năm 1995, khán giả rất ưu ái NS Linh Cảnh và mệnh danh anh là “ông hoàng sân khấu”…..Năm 1997 tình hình sân khấu cải lương gặp nhiều khó khăn, đòan Tiếng chuông vàng Minh Phụng tan rã, NS Linh Cảnh không cộng tác với đoàn cải lương nào, trở thành một nghệ sĩ “tự do” cho đến bây giờ.
NS BẢO TRÂN: CON NHÀ TÔNG HÀNG ĐẲNG CẤP.
Là con gái thứ của NS Út Vân, NS Bảo Trân gọi NSND Ba Vân, NSND Tám Vân là bác ruột nên từ nhỏ tâm hồn của NS Bảo Trân đã thấm nhuần những câu ca, điệu hát. Mười một tuổi đầu đã bước lên sân khấu diễn vai Ngọc Thố trong vở cải lương Bạch Viên Tôn Các, mười sáu tuổi đã vững vàng làm đào chánh trên sân khấu đoàn Bông hồng vàng – Vĩnh Long.
Sớm nổi danh trên sân khấu với những vai diễn đã in sâu vào lòng khán giả như Thanh Sa (Bàn thờ tổ một cô đào), Thủy Tiên (Lệnh truy nã), Mạnh Lệ Quân (Mạnh Lệ Quân kỳ nữ)….nhưng NS Bảo Trân đành bỏ qua nhiều cơ hội cho mình khi được rất nhiều đòan cải lương thành phố mời về cộng tác.
Chị tâm sự “Lúc đó nghèo quá, không nhà cửa xe cộ ở thành phố làm sao mà về….hơn nữa phải lo kiếm tiền để lo cho cuộc sống gia đình nên phải đành chịu. Nhà báo Khổ Gia Trường lúc đó thường xuyên đi công tác ở tỉnh nên nắm rất rõ về tình hình các đoàn cải lương, rất thương hòan cảnh của những nghệ sĩ vùng sâu trong đó có Bảo Trân.
Giải thưởng Trần Hữu Trang 1991, nhà báo Khổ Gia Trường đăng ký xong xuôi cho Bảo Trân, nhưng vì hòan cảnh hết sức khó khăn nên Bảo Trân không tham dự được nên đành phụ lòng của nhà báo Khổ Gia Trường. Bảo Trân tiếc lắm, nhưng không còn sự lựa chọn nào….”.
NS Bảo Trân có vóc dáng cao ráo, giọng ca khỏe nhưng chất chứa nhiều tâm sự, thuở mới vào nghề chị lấy tên thật làm nghệ danh là Thu Trang. Khi còn đi đòan Bông hồng vàng, NS Minh Thiện (sau này là cán bộ Nhà hát Trần Hữu Trang) đến gặp NS Út Vân xin đổi nghệ danh cho chị là Bảo Trân cho đến hôm nay.
Tuy xuất thân từ gia đình nổi tiếng trong giới sân khấu cải lương, nhưng NS Bảo Trân không gặp nhiều may mắn trên con đường nghệ thuật. Ba chị là NS Út Vân tuy không nổi danh bằng hai người anh của mình nhưng rất khẳng khái không muốn nhờ vả hai anh, muốn các con của mình phải tự lực cánh sinh, phải đi lên trong nghề bằng đôi chân của chính mình.
Sau này khi hai Bác biết được các cháu mình cũng là những nghệ sĩ nổi danh ở tỉnh, đòi NS Út Vân phải dẫn các con lên nhưng chưa kịp thì bác mất. Nhiều khi suy nghĩ cũng thấy chạnh lòng, nhưng NS Bảo Trân tin mọi việc đều do duyên số….
Năm 1995 NS Bảo Trân về công tác ở đoàn cải lương Chuông vàng Sóc Trăng. Tuy thời gian công tác chỉ có hai tháng nhưng NS Bảo Trân đã đoạt huy chương đồng khi tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp tòan quốc trong vở Nỗi đau và năm tháng. Sau đó NS Bảo Trân về cộng tác với đoàn Tiếng chuông vàng Minh Phụng cho đến khi đòan giải thể vào năm 1997.
YÊU NHAU TỪ SỰ ĐỐI NGHỊCH…..
Gặp nhau trên sân khấu đoàn Tiếng chuông vàng Minh Phụng, nhưng ban đầu cả hai người kình nhau dữ lắm. Do khắc khẩu nên gặp ở đâu là gây nhau ở đó, chị nói “ổng” đi hát sau nếu tính ra là thuộc hàng đàn em nhưng mà lúc nào thấy chị cũng “vác” cái mặc lên trời nhìn mà thấy ghét.
Còn anh thì bảo ai mượn chị ghét làm chi nên “ông trời” trao anh luôn cho chị, vì vậy mà anh chẳng tốn tí nào công sức để “cua” mà chị cũng phải ưng. Khi công bố yêu nhau mọi người trong đoàn đều ngỡ ngàng, các anh chị trong đoàn đùa vui rằng “hai đứa lấy nhau chắc một ngày gây lộn tám chục lần”, còn anh chị thì nghĩ rằng mặc kệ “giận thì giận mà thương thì thương”…..
Thuở mới góp gạo thổi cơm chung sao mà khổ lắm, đến nỗi không có được chiếc xe đạp để mà đi hát, phải dắt díu nhau về ở nhờ căn chái bên nhà ngoại, cùng “nếm” mùi vị của một túp lều tranh mà không biết hai quả tim có “vàng” không vì lo chạy ăn đến “tối luôn mặt mũi”…..
Từ khi nghỉ hát ở đoàn Tiếng chuông vàng Minh Phụng, cả hai vợ chồng NS Linh Cảnh – Bảo Trân họat động ở các tụ điểm hay các đám tiệc, hát ở các chùa….. NS Linh Cảnh tâm sự “Cũng may là mua được miếng đất ở khu Gò Đệ, Phường Tân Thới Nhất Quận 12. Ngày xưa chỗ này hoang vắng lắm nên đất rẻ mình mới mua được, tất cả đều nhờ sự dành dụm từ tiền đi hát của hai vợ chồng.
Hiện nay Linh Cảnh và Bảo Trân cũng đi hát, tuy cuộc sống cũng rất khó khăn nhưng cũng may là còn có ngôi nhà của riêng mình không phải sống cảnh nhà trọ long đong. Gia tài lớn nhất hiện nay là cô con gái học lớp 8 đang bước vào tuổi lớn, nên cũng ráng cố gắng mà lo cho con…”
Cách đây vài năm NS Linh Cảnh và Bảo Trân có kinh doanh bida tại nhà nhưng không có kinh nghiệm nên đành dẹp đi vì lỗ vốn. Nhưng hiện tại công việc đi hát cũng ngày có ngày không, nên NS Linh Cảnh – Bảo Trân cũng dự định một hai năm nữa sẽ buôn bán nhỏ để cuộc sống ổn định hơn.
Sống đơn giản an phận và vui vẻ với những gì mình có, NS Linh Cảnh và Bảo Trân hàng ngày vẫn đem tiếng hát lời ca phục vụ khán giả thân thương. Tình yêu của họ dành cho nhau vẫn đong đầy lắm, bởi khi đến với nhau cũng nhờ sân khấu se duyên, bởi họ có cùng hòan cảnh nên rất hiểu và thông cảm cho nhau. Nay không còn khắc khẩu như xưa vì ai cũng biết chìu người còn lại và hơn hết là giận thì ít lại, mà thương thì vẫn cứ đong đầy…...