Mẹ của NS Phượng Thu là bạn thân của NSƯT Diệu Hiền. Do đó mỗi lần NSƯT Diệu Hiền ghé nhà chơi đều nghe Ngọc Thu (tên thật của NS Phượng Thu) hát nghêu ngao, phát hiện ra Phượng Thu có năng khiếu nên xin bạn mình cho Phượng Thu đi hát.
Ban đầu NSƯT Diệu Hiền gửi Phượng Thu đi học hát ở thầy Ba Kiệm (Ông nội của NSƯT Hải Yến). Vào học chưa được bao lâu, vì mê hát quá nên Phượng Thu xin NSƯT Diệu Hiền dẫn vào đòan Tháp Mười A, và chị chính thức bước vào sân khấu chuyên nghiệp vào năm 1990.

Vào đoàn chưa có vai diễn, NS Phượng Thu tranh thủ đứng bên cánh gà để học nghề từ các cô chú, anh chị nghệ sĩ diễn ngoài sân khấu. Chị thuộc rất nhiều vai tuồng với ý nghĩ là biết đâu vào một dịp nào đó mình sẽ được ra sân khấu hát.
Vậy mà may thiệt, khi đoàn diễn vở Gấu trắng rừng thiêng, cô đào diễn vai Pha-Rưng bất ngờ bị bệnh, thấy Phượng Thu thuộc tuồng nên NS Hoa Lệ và NS Châu Giàu kêu chị thay vai. NS Phượng Thu chia sẻ: Vai diễn Pha-Rưng là một vai đào lẵng mà chị nghệ sĩ trước diễn rất thành công, hơn nữa vai này lại đóng cặp với nghệ sĩ hề Lạc nổi tiếng (chị thường gọi là ba Lạc) nên vừa run nhưng cũng vừa mừng lắm, 5 giờ chiều là chị đã làm tuồng xong rồi…
Đây là vai diễn đầu đời và cũng là một cơ hội lớn nên chị đánh liều “quất luôn”…lúc đó chị còn nói với chú Lạc rằng “Ba ơi, có gì ra sân khấu ba tiếp con với nha”, ai dè hát xong được ba Lạc, các nghệ sĩ trong đòan và khán giả khen quá xá…
Cũng từ sau lần ấy, cơ hội đến với chị nhiều hơn khi được cô chú trong đoàn giao vai. Nhưng không bao lâu sau đó đoàn Tháp Mười A giải thể, NS Phượng Thu về cộng tác với đoàn cải lương Tháp Mười (một đòan ở huyện) của bầu Sĩ Phú. Tuy thời gian công tác ở đoàn Tháp Mười A không lâu nhưng NS Phượng Thu đã có nhiều kinh nghiệm bản lĩnh sân khấu đã vững vàng, nên khi về đoàn Tháp Mười chị có điều kiện để phát huy tài nghệ của mình.
Năm 1995 NS Phượng Thu về công tác đoàn cải lương Tây Đô cho đến hôm nay. Tại đây chị lại được rất nhiều anh chị em truyền thêm nghề nghiệp, như NS Kiều Mỹ Dung đã dìu dắt dạy ca thêm rất nhiều những bài bản lớn nhỏ, rồi chị kết nghĩa là NSƯT Phượng Loan đã xem Phượng Thu như em ruột sẵn sàng giúp đỡ bất cứ lúc nào…(chị chọn nghệ danh Phượng Thu vì rất yêu mến NSƯT Phượng Loan), đặc biệt là lãnh đạo đoàn đã tin tưởng giao vai cho chị.
Trong nghề nghiệp NS Phượng Thu cũng vô cùng nhớ ơn thầy Lê Xuân Hiểu (giảng viên trường ĐH SKĐA TPHCM), tuy rằng chị không được thọ giáo chính thức khi thầy lên lớp, nhưng mỗi đợt tập huấn chị được thầy chỉ dạy rất tận tình.
Chị cười vui cho biết “Hầu như vai nào chị cũng thuộc, vì vậy mà Phượng Thu là chuyên gia hát thế vai cho NS Kiều Mỹ Dung, NSƯT Thảo Vân…bất cứ lúc nào”. Năm 2005, NS Phượng Thu đã đoạt huy chương bạc trong kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp với vai Diệu trong vở Lời tự tình quê hương. Đây là một kỷ niệm rất đẹp đối với chị.
Ngoài công việc biểu diễn, NS Phượng Thu còn là thành viên trong Ban chấp hành Công đoàn của Nhà hát Tây Đô, phụ trách công tác nữ công. Tính tình hiền hậu dễ thương nên NS Phượng Thu rất được anh em trong đoàn quí mến. Chị hiện sống cùng với ông xã là anh Lê Văn Bảy phụ trách âm thanh của đoàn ở khu hậu cứ của nhà hát Tây Đô.
NS Phượng Thu cũng tham gia chạy show khi có lời mời, và chị cũng gửi một chút duyên hài khi tham gia cùng với NS Hoài Linh trong vở Người nhà quê.
NS Phượng Thu có một giọng ca rất khỏe, điệu nghệ khi luyến láy, nhiều âm sắc bổng trầm, chị có khả năng diễn đa dạng nhiều lọai vai. Cho đến bây giờ đã 23 năm theo nghiệp ca cầm, tuy chưa gặt hái nhiều thành công trong nghề nhưng chị vẫn âm thầm cống hiến hết mình cho sân khấu cải lương để không phụ lòng các cô chú, anh em đã hết lòng dìu dắt.
Và cũng chính sân khấu cải lương đã cho chị điều kiện để chị mở lòng với rất nhiều những hòan cảnh khó khăn qua công tác từ thiện, như tâm nguyện chị ao ước: hãy san sẻ tình thương cho nhau để cuộc sống này càng ít đi những điều bất hạnh….
DƯƠNG HẠC LÂM
Nguồn tin: Báo sân khấu