Không biết tự bao giờ người ta thường cài một đóa hoa hồng trắng lên ngực áo vào mùa lễ Vu Lan khi không còn có mẹ, để rồi sâu thẳm trong tâm hồn tự dưng thấy tủi thân và lạc lõng vô cùng….
Rằm tháng bảy như chiếc thuyền thời gian trôi mãi trong không gian vô định, mỗi năm lại đến rồi đi… Nhưng nó không thể nào mang theo được niềm thương nhớ mẹ của những đứa con đã mồ côi mẹ. Dù thời gian có trôi qua bao lâu đi nữa, nhưng với mẹ bao giờ các con vẫn luôn trẻ dại bé thơ.
Hàng ngày các con vẫn cố gắng nuốt những giọt nước mắt ngược vào tim rồi thầm nói khẽ với bản thân rằng: Mẹ ơi, mẹ hãy yên tâm con của mẹ nay đã trưởng thành…..
NSND- TS Bạch Tuyết mồ côi mẹ từ thuở lên tám. Phận số của cô sao thật éo le, tạo hóa bắt cô phải chịu nỗi đau lớn nhất của đời người khi vạn vật xung quanh mình đang hoan hỉ đón mùa xuân của đất trời. Cô nhớ rõ như in những lời trăn trối của mẹ trước lúc chia xa “Hai chị em con cố gắng sống sao cho thật tốt, đừng để người ta chửi là đồ không có mẹ”.
Chỉ vậy thôi….nhưng cho đến bây giờ trong tâm trí của cô vẫn còn nguyên ký ức, người ta phủ mẹ của cô bằng những tấm vải trắng xóa đến vô hồn. Nỗi đau quá lớn khiến cô không còn khóc được, ánh mắt khô khốc ngước nhìn di ảnh để tâm sự cùng với mẹ mỗi khi có chuyện buồn vui.
Chỉ vậy thôi…nhưng lời căn dặn ấy đã đi theo cô suốt cuộc đời, cho đến hôm nay cô đã là một NSND, một nữ nghệ sĩ cải lương đầu tiên đạt học vị Tiến sĩ….Và hơn hết, từ lâu cô đã thấm nhuần giáo lý nhà Phật, tất cả mọi thứ trên đời đều là cát bụi phù du, cô học Thiền và hành Thiền….cũng chí ít mong rằng mọi người sẽ may mắn hơn cô, không chịu cảnh sớm phải mồ côi……
Thưa cô, khi nhớ về mẹ chắc hẳn trong lòng cô vẫn còn những ký ức rất đẹp về bà!
Với riêng tôi, Mẹ chưa bao giờ mất! Và Mẹ vẫn là người phụ nữ trẻ đẹp nhất, nhân hậu, dịu dàng, thông minh nhất, hình ảnh tuyệt vời của Mẹ, giọng nói thanh tao, ánh mắt hiền từ, cam chịu, “thà mình buồn chớ nhất quyết không làm tổn thương người khác… Trên năm mươi năm, qua sóng từ mà chúng ta hay gọi là “Network” người xưa hay gọi là “Lưới trời”, Mẹ luôn hiện quanh tôi, bảo bọc, chở che tôi, đưa tôi qua những khúc quanh cuộc đời, cho tôi niềm tin và sức sống trong suốt hành trình làm người.
Thưa cô, mỗi người con mồ côi mẹ đều rất bơ vơ và tủi thân. Mỗi khi nhớ về mẹ cô thường làm gì để xoa dịu tâm hồn?
Tôi mồ côi, tôi bơ vơ...đôi khi tôi có cảm giác như thế, nhưng không thấy tủi thân, có lẽ nhờ thừa hưởng giọt máu, hơi thở, khí chất, tính cách của ông bà cha mẹ. Không biết tự lúc nào hình thành trong con người mình câu nói :“ Hãy tự học, tự vươn lên để có thể đứng vững trên đôi chân của mình, hãy nghĩ và làm như thế nào để cho nhẹ gánh đời cũng như thanh thản cho mình, hãy thành đạt để có khả năng sống tốt với chung quanh thay vì làm cho chung quanh khó chịu, nặng nề.
Tôi nghĩ đơn giản, nhớ Mẹ có nghĩa là mỗi đêm nhìn hình Mẹ, thắp nén nhang trước khi đi ngủ, mình có thể mĩm cười với Mẹ và nói rằng hôm nay con chưa làm gì khiến cho Mẹ buồn! ”.
Thưa cô! Cô nghĩ sao nếu nói theo duy tâm là “ông trời” bắt cô phải nếm nỗi đau mồ côi mẹ quá sớm để sau này được trở thành người nổi tiếng?
Chúng ta vẫn thở, vẫn sống, vẫn học hỏi, vẫn làm việc tận tâm tận lực, nhưng chúng ta vẫn khờ dại, ngây ngô trước “qui luật của cuộc đời”, đó là sinh lão bịnh tử, đó là sự Luân hồi, là Vô thường…Chúng ta nghe, thấy, biết ..vv..mà thật ra đã biết gì? Chừng nào sinh , chừng nào diệt?
Tôi đi ngang qua các nghĩa trang thấy các bia mộ không phải chỉ những người 80 , hay 90 tuổi mà đủ hết, hai tuổi, mười bốn tuổi, ba mươi, hai mươi ba tuổi, bốn mươi tuổi..vv … ..Cho nên câu hỏi của bạn rất hay mà tiếc là tôi không có đủ dữ liệu để trả lời! Nó thuộc về cái mà chúng ta ai cũng quay quắt tìm, là câu chữ của tự mỗi người tiếp cận và xử lý mà ta thường gọi là “định mệnh”.
Sáng ngày rằm của ngày Lễ Vu Lan, mọi người con trên thế gian đều có tâm trạng rất đặc biệt. Xin cô chia sẻ với độc giả về cảm xúc của mình ?
Nén nhang, lời chúc nhau sống tốt, học Thầy, học bạn cái cách giữ gìn thân an lành – tâm trong sáng, luôn nói lời biết ơn với mọi thứ trong cuộc sống mà ta có được hay chưa có được, tránh làm đau lòng, tổn thương nhau …là một trong những cách tốt để cùng nhau bày tỏ lòng nhớ ơn đấng sinh thành.
Chắc hẳn rằng vào mùa lễ Vu Lan hàng năm, cuộc sống của cô có nhiều điều đặc biệt?
Tôi bình thường như mọi người, không phải đợi đến Vu Lan mới nhớ ơn Cha - Mẹ.
Thưa cô, Đức Phật có dạy rằng “Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu. Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu (kinh Nhẫn Nhục)”. Vậy mà trong xã hội ngày nay, có rất nhiều người con nhẫn tâm giết cha hại mẹ….Xin cô nhắn nhủ đôi điều về đạo hiếu với những người con còn được hưởng phúc báu khi còn cha còn mẹ?
Mỗi người hiện diện trong đời đều có cảnh giới riêng, sự Hình thành – Ra đi, Gặp gỡ - Chia tay đều có nguyên nhân, lý do, hoàn cảnh, đều có Duyên – Nghiệp, Họa - Phước riêng.
Cái không biết tôi không có thói quen bình luận hay ý kiến, điều xuất hiện trong đầu mỗi người lúc nào cũng chập chờn, nhảy nhót, đôi lúc mình còn không hiểu mình thì không dám khuyên bảo ai!
Nhà Phật có câu “Dẫu là Chánh pháp cũng đợi hỏi mới nói!”. Riêng tôi, tôi tin “ Sống thiện sẽ gặp chuyện lành, sống không thiện khó gặp chuyện tốt! Không nghĩ đến chuyện đáp đền công ơn cha mẹ thì khó mà yên ổn trong trời đất.
Là đệ tử nhà Phật, cô thường đi gieo duyên lành. Điều gì khiến cô cảm thấy đau lòng trong xã hội hiện nay?
Nhiều điều đau lòng xét về phương diện nào đó, nhưng cũng có biết bao điều vô cùng tốt đẹp đang hiện diện, đang sinh sôi nảy nở khắp nơi. Chúng ta khuyên nhau, động viên nhau làm tốt thì điều tệ hại sẽ dần dần bớt đi chớ nếu chỉ đau lòng không thôi sẽ chẳng thay đổi được gì…
Và chắc hẳn rằng mọi chuyện cũng bắt nguồn từ quy luật nhân – quả, thưa cô?
Là một Phật tử, tôi chú ý học hỏi và làm theo những điều Đức Phật dạy, nếu chưa được tốt như tôi muốn chắc là giống như câu hỏi của bạn: Mọi chuyện bắt nguồn từ Nhân – Quả …nhiều đời!
Điều ước của cô trong mùa Lễ Vu Lan năm nay?
Sức khỏe, phương tiện để có thể chia sẽ bớt nhưng đau thương, hẩm hiu, oan khuất não lòng của các trẻ em bất hạnh sớm chịu cảnh mồ côi .
Thưa cô, cô còn điều gì muốn chia sẻ thêm với độc giả báo sân khấu mói chung và những Phật tử nói riêng vào mùa thắng hội Vu Lan này?
Cám ơn những tình cảm yêu thương của báo Sân Khấu, của các độc giả yêu mến, ngưỡng mộ nghệ thuật Cải lương. Là nghệ sĩ chúng tôi luôn có gắng mang đến nhưng tác phẩm, những bài hát ý nghĩa nhắc nhở công ơn cha mẹ, sống làm người hữu dụng, cùng nhau làm lành, làm nhẹ những vết thương của mình của đời.
Nén hương lòng mùa Vu Lan sẽ càng thêm ý nghĩa nhắc chúng ta nhớ món nợ tinh thần “ơn nghĩa sinh thành” mãi mãi muôn đời không sao trả hết.
Xin cảm ơn cô đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện hết sức ý nghĩa này. Kính chúc cô nhiều niềm vui trong mùa Lễ Vu Lan, đem thêm nhiều duyên lành đến cho mọi người. Mẹ hiền còn sống là mặt trời giữa trưa chói sáng Mẹ hiền khuất bóng là mặt trời đã lặn Mẹ hiền còn sống là mặt trăng sáng tỏ Mẹ hiền khuất rồi là đêm tối âm u .
(Kinh Tâm Địa Quán)
Cuộc sống như một bức tranh với vô vàn những gam màu sáng tối, mà mỗi con người đều phải biết tìm đường đi đúng cho mình. Nhưng với những người con sớm bất hạnh khi không còn mẹ lại càng phải nỗ lực nhiều hơn.
Sống tốt và trở thành người có ích cho xã hội, biết yêu thương thông cảm và chia sẻ lẫn nhau về tình người là một món quà vô giá mà chúng ta đều cố gắng đạt được để dâng lên đấng sinh thành.
Và cho đến hôm nay, NSND – TS Bạch Tuyết đã không phụ lòng người mẹ kính yêu, hàng ngày cô vẫn đem đến cho đời những niềm vui trong cuộc sống, truyền cho thế hệ trẻ những tinh túy của nghề, và gieo duyên lành đến với mọi người ……Để đóa hoa hồng trắng trên ngực NSND – Tiến sĩ Bạch Tuyết vào mỗi mùa Lễ Vu Lan vẫn lung linh và thắm mãi với thời gian…….