1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Cho tới ngày nay ở Sài Gòn, ngoài Hùng Cường, chưa có nghệ sĩ nào nổi bật trên hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật, như: Tân nhạc, cải lương, kịch nói, phim ảnh... Ông còn là võ sĩ quyền Anh từng thượng đài thi đấu...

    Nghệ sĩ Hùng Cường.
    Ông cũng là nam nghệ sĩ được cho là có nhiều vợ và bồ nhất ở Sài Gòn. Vậy mà khi chết đi, ông nằm trong ngôi mộ nhỏ ven con đường làng ở Bến Tre.

    Làm sôi động sân khấu cải lương

    Cho tới ngày nay, chưa có ai làm được chuyện “kinh thiên động địa” trên sân khấu cải lương như Hùng Cường. Đó là vào năm 1959, một nghệ sĩ chưa từng được biết trong giới cải lương, chưa từng đảm nhận bất cứ vai phụ nào, bỗng bất ngờ xuất hiện trong vai chính và thành công vang dội.

    Đó là điều không thể hiểu nổi, bởi một người theo nghề cải lương phải mất ít nhất 2-3 năm làm “giàn bao” mới lên được vai phụ, rồi cũng mất chừng ấy thời gian mới lên được vai chính nếu thực sự có tài và khổ luyện. Người làm chuyện “động trời” ấy là ca sĩ tân nhạc Hùng Cường.

    Trước đó, dù là ca sĩ tân nhạc nổi tiếng, nhưng Hùng Cường rất yêu thích cải lương, nên bỏ công sức nghiên cứu, học hỏi. Với một nền móng nhạc lý vững vàng, cộng với chất giọng đã được trui rèn và sự kiên trì, cố gắng khổ luyện, ông đã mạnh dạn bước lên sân khấu cải lương và khẳng định ngay tên tuổi của mình.

    Đoàn cải lương Ngọc Kiều như đánh cược với chén cơm manh áo của mấy chục con người khi chấp nhận cho ca sĩ tân nhạc Hùng Cường chưa hề hát cải lương đóng vai chính Roméo trong vở mới dựng “Mộng đẹp đêm trăng”. Một giàn diễn viên gạo cội thời đó của đoàn Ngọc Kiều như Ngọc Đáng, Ngọc Giàu, Hoàng Kinh, Thanh Sang, Kim Nguyên, Thanh Kỳ… đã chấp nhận làm “giàn bao” cho Hùng Cường.

    Kể từ đó, trên bầu trời cải lương miền Nam xuất hiện một ngôi sao rực sáng, Hùng Cường đã giúp cho tiếng tăm và doanh thu của đoàn Ngọc Kiều cải thiện đáng kể. Với vóc dáng “sáng” sân khấu, chất giọng tenor khỏe, lối diễn xuất vừa tự nhiên vừa tự tin và rất hợp lý, cùng những bài bản cải lương đã được luyện tập kỹ càng, Hùng Cường đã thành công vang dội ngay từ vai diễn đầu.

    Tức thì, chủ đoàn Ngọc Kiều ký tiếp hợp đồng với Hùng Cường để hát vai chính trong kịch bản mới “Tuyết phủ chiều đông” sẽ khai trương tại rạp Viễn Trường (Mỹ Tho, Tiền Giang) sau một tháng tập dượt.

    Hùng Cường đã mướn riêng một nhạc sĩ cổ nhạc đến nhà ông luyện tập ngày đêm. Ngoài ra ông rất nhạy bén, biết được sở đoản, sở trường của mình, nên đã phối hợp với soạn giả cải lương lồng vào kịch bản khá nhiều đoạn tân nhạc, khai thác đúng tài năng của ông.

    “Tuyết phủ chiều đông” của soạn giả Bạch Yến Lan và giọng hát mới toanh Hùng Cường đã tạo nên một sự kiện chấn động “thánh địa cải lương” Mỹ Tho. Rạp Viễn Trường đầy kín từ chỗ ngồi đến chỗ đứng, bên ngoài còn dư khán giả gần nửa rạp.

    Tiếp theo, đoàn Ngọc Kiều dựng tiếp vở cải lương “Màu tím đèn hoa giấy”, khai trương từng bừng tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo năm 1960, rồi tiếp tục lưu diễn nhiều tỉnh, thị xã lớn ở miền Tây. Hùng Cường đóng vai Kha Phong - một kiếm sĩ Phù Tang điêu luyện, bên cạnh tài danh Ngọc Đáng. ''Ngôi sao'' cải lương Hùng Cường rực sáng từ dạo đó.

    Đóng phim, đóng kịch, viết nhạc, làm thơ...

    Hùng Cường tên thật là Trần Kim Cường, sinh năm 1936 tại tỉnh Bến Tre, sau theo gia đình về sinh sống ở Sài Gòn. Ngay từ khi còn là học sinh Trường Trung học Trần Hưng Đạo, ông đã có thể tự sáng tác và biểu diễn những bài hát học sinh trong các lần hội diễn của trường. Sau khi học xong “tú tài”, ông chính thức theo nghiệp ca hát tại các vũ trường Kim Sơn, Baccara...

    Ngay từ những năm 1954-1955, Hùng Cường đã nổi tiếng với các nhạc phẩm “tiền chiến” như: Ông lái đò, Vọng ngày xanh, Sơn nữ ca, Đường xưa lối cũ… Tất cả đều được thu đĩa và đạt số bán kỷ lục ở Sài Gòn bấy giờ.

    Sau khi bước sang cải lương và thành công vang dội, Hùng Cường vẫn tiếp tục gắn bó với sân khấu ca nhạc và lại làm người hâm mộ quay cuồng theo ông với một thể loại nhạc mới lạ lần đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn – nhạc giật, như cách gọi lúc đó là nhạc “kích động”, một dạng pop-rock đã được Việt Nam hóa. Nhạc “kích động” với giọng ca Hùng Cường chỉ thực sự đạt đỉnh cao khi phối hợp cùng Mai Lệ Huyền - một ca sĩ nữ cũng “quậy” không kém.

    Những ca khúc tươi vui và “kích động” như: Hai trái tim vàng, Vì chưa ngỏ ý, Túp lều lý tưởng… đã từng làm sôi động giới trẻ miền Nam cuối thập niên 1960 - đầu 1970.

    Sau ca nhạc, cải lương, Hùng Cường tiếp tục “lấn sân” sang điện ảnh. Hàng loạt các phim do Hùng Cường thủ vai chính được người xem chú ý thời bấy giờ như: “Chân trời tím”, “Mãnh lực đồng tiền”, “Còn gì cho nhau”, “Nắng chiều”, “Ly rượu mừng”, “Vết thù trên lưng ngựa hoang”… Lúc mới bước sang điện ảnh, Hùng Cường bị châm chích rất ác ý, chê bai là “cải lương”.

    Thế nhưng, sau khi thành công với phim đầu tiên “Chân trời tím”, nhiều hãng phim đã mời Hùng Cường cộng tác và phim nào có tên ông cũng ăn khách. Hãng phim Kim Thân đã trả thù lao khá cao để mời Hùng Cường và Mai Lệ Huyền đóng cặp trong phim “Mãnh lực đồng tiền”.

    Theo chân Hùng Cường, nhiều đào kép cải lương khác ở Sài Gòn cũng tham gia đóng phim, mà nổi hơn cả là Thanh Nga và Mộng Tuyền. Lúc đầu, các nữ tài tử điện ảnh rất ngại đóng cặp với kép hát cải lương, trong đó có Hùng Cường.

    Theo báo chí thời ấy, công ty phim truyện Liên Ảnh trước khi mời Kim Vui đã có ngỏ ý mời Thẩm Thúy Hằng đóng cặp với Hùng Cường, nhưng Thẩm Thúy Hằng từ chối, có lẽ do “định kiến” ấy.

    Nhưng sau đó “người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng mới tiếc rẻ, khi thấy Kim Vui nổi bật bên Hùng Cường trong phim “Chân trời tím” và phim vừa thành công về tài chính vừa đoạt Giải văn học nghệ thuật Sài Gòn năm 1971, lại vinh dự là lần đầu tiên một cuốn phim Việt Nam phụ đề Pháp ngữ được gửi đi trình chiếu tại Ðại hội điện ảnh tổ chức ở Dianard, Anh Quốc.

    Vào những năm 1960, khi cải lương đang chiếm lĩnh Sài Gòn, một nhóm “kịch sĩ” đứng đầu là Vân Hùng, La Thoại Tân, Hùng Cường hợp cùng kỳ nữ Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng và ca sĩ Túy Hồng tạo nên một “đặc chủng” nghệ thuật mới mang tên “Kịch nghệ Sài Gòn”. Kịch Sài Gòn ra đời muộn, không ồn ào, không thu hút ngay được nhiều khán giả tới rạp, nhưng dần dần cũng tạo được chỗ đứng.

    Ngoài kỳ nữ Kim Cương vốn là con nhà nòi về kịch nói, số còn lại đều từ điện ảnh, ca nhạc sang. Có thể nói, chính những cái tên như Thẩm Thúy Hằng, Hùng Cường đã lôi kéo một lượng khán giả không nhỏ, giúp sân khấu kịch Sài Gòn có chỗ đứng và phát triển dần.

    Võ sĩ ngoài đời và trên sàn diễn

    Trong giới tài tử điện ảnh ở Sài Gòn trước năm 1975, có 2 người được cho là giỏi võ nhất, đó là Lý Huỳnh và Hùng Cường. Lý Huỳnh vừa đóng phim vừa mở võ đường Thái cực đạo, nên được phong là “võ sư”.

    Hùng Cường mê đánh quyền Anh từ thời học sinh, sau này ông vẫn tiếp tục tập quyền Anh như là môn võ thể dục giúp rèn luyện sức khỏe. Lúc ấy, phong trào tập luyện quyền Anh ở Sài Gòn rất yếu, số người giỏi chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, trong đó có Hùng Cường.

    Năm 1970, khi hàng trăm ngàn bà con Việt kiều bỏ nhà cửa, đất đai, tài sản ở Campuchia về Việt Nam lánh nạn và sinh sống, mở lò dạy quyền Anh thì phong trào mới phát triển trở lại.

    Sau đó, người ta tổ chức thi đấu môn quyền Anh, Hùng Cường cũng đăng ký “thượng đài”, nhưng vào phút cuối đã bỏ cuộc vì bận theo đoàn hát đi lưu diễn xa. Chuyện này được Hùng Cường thể hiện lại trong nội dung một vở cải lương sau đó.

    Hùng Cường còn thọ giáo môn võ Bình Định của một thầy dạy võ nổi tiếng ở Quy Nhơn trong một lần đi diễn ở đây. Khi về Sài Gòn, Hùng Cường rước hẳn thầy dạy võ vào Sài Gòn dạy cho mình cả năm trời. Với năng khiếu bẩm sinh, Hùng Cường đã nhanh chóng thăng đến hạng “đai đen”.

    Nhờ tập luyện nhiều môn võ đông tây, kim cổ mà Hùng Cường rất giỏi võ và có sức khỏe hơn người. Khi đóng phim hay diễn trên sân khấu, ông thường ra đòn giống như thật, nếu người bạn diễn cũng giỏi võ, họ sẽ cống hiến cho người xem những màn biểu diễn võ thuật đẹp mắt.

    Nhờ giỏi võ mà khi đóng phim ở những trường đoạn đánh nhau hoặc cảnh đóng nguy hiểm, Hùng Cường thường tự đóng chứ không nhờ người đóng thế, đó cũng là một lợi thế của Hùng Cường so với những nghệ sĩ đóng phim khác.

    Một nghệ sĩ chưa từng được biết trong giới cải lương, chưa từng đảm nhận bất cứ vai phụ nào, bỗng bất ngờ xuất hiện trên sân khấu cải lương trong vai chính và thành công vang dội. Người làm chuyện “động trời” ấy là ca sĩ tân nhạc Hùng Cường.

    Nguồn tin:Lao Động






    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 3 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Duongtonhu (19-08-2013), romeo (19-08-2013), Thanh Hậu (19-08-2013)

  3. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Chuyện tình Hùng Cường - Bạch Tuyết.

    Trong lịch sử sân khấu cải lương gần 100 năm qua, giai đoạn nào cũng có những “cặp đôi hoàn hảo”, như Phùng Há - Năm Châu của thập niên 1940 - 1950, hay sau này là Thành Được - Út Bạch Lan, Minh Cảnh - Mỹ Châu, Minh Vương - Lệ Thủy, Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ... Nhưng theo những người trong nghề, có lẽ cặp đôi Hùng Cường - Bạch Tuyết là “hoàn hảo” nhất.
    Bài 2: Chuyện tình Hùng Cường - Bạch Tuyết

    “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết

    Sự xuất hiện của ngôi sao Hùng Cường trên bầu trời cải lương cũng là lúc bộ môn nghệ thuật đặc trưng này của Nam Bộ bước vào thời kỳ cực thịnh. Thập niên 1960 có thể nói là “thời kỳ hoàng kim” của sân khấu cải lương. Thời ấy ở Sài Gòn và cả miền Nam, bộ môn nghệ thuật cải lương đủ sức làm lu mờ mọi bộ môn nghệ thuật, mọi hoạt động giải trí khác.

    Cũng trong giai đoạn này, cái tên Hùng Cường đứng bên Bạch Tuyết có sức thu hút mãnh liệt người mộ điệu cải lương và được đặt cho biệt danh cặp “sóng thần”, cùng với tên đoàn hát Dạ Lý Hương mà họ đầu quân.

    Bạch Tuyết tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sinh ngày 24.12.1945 tại Khánh Bình - Châu Đốc (thuộc tỉnh An Giang ngày nay). Từ nhỏ, Bạch Tuyết đã có khiếu ca hát tân nhạc, ngâm thơ. Cuối năm 1955, sau một tai nạn thảm khốc, mẹ cô đã từ giã cuộc đời, để lại hai đứa con gái tuổi còn thơ dại. Còn rất nhỏ, mà Bạch Tuyết đã đi hát kiếm tiền ở những nhà hàng ca nhạc.

    Thời đó, cô cũng như các bạn học rất ái mộ các nghệ sĩ như Thanh Nga, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng… Sau thời gian học, cả đám hay kéo vào hậu trường sân khấu xem tập tuồng và cũng để xin hình và chữ ký của các thần tượng mà mình ái mộ. Thanh Nga tuy nổi tiếng nhưng rất nhiệt tình và không bao giờ từ chối người hâm mộ.

    Nhìn thấy Bạch Tuyết, cô đào Thanh Nga bất ngờ hỏi: “Em có biết hát không?”. “Dạ thưa, em chỉ biết hát tân nhạc thôi” - Bạch Tuyết bẽn lẽn đáp lời. Thanh Nga mỉm cười và nói: “Cưng đi hát đi, chị tin rằng cưng sẽ thành công”.

    Những lời nói khích lệ đó của nghệ sĩ Thanh Nga như là định mệnh, làm thay đổi cả số phận, cuộc đời của Bạch Tuyết. Không lâu sau, vào năm 1963, Thanh Nga và Bạch Tuyết lại gặp nhau trong một tình huống khác: Bạch Tuyết đoạt giải Thanh Tâm còn Thanh Nga là người trao giải!

    Năm 1960, Bạch Tuyết vào học trường nội trú, thời gian này bà bắt đầu giao du học hỏi với nhiều nghệ sĩ, trong đó có soạn giả Điêu Huyền. Điêu Huyền nhận bà làm con nuôi, cho gia nhập đoàn Kiên Giang.

    Năm 1961, đoàn Kiên Giang diễn vở “Lá thắm chỉ hồng”, cô đào chính tới trễ, Bạch Tuyết bất ngờ được giao vai cô lái đò Lệ Chi, diễn xuất của bà khiến khán giả hết sức ngạc nhiên. Dù còn rất trẻ, Bạch Tuyết đã khẳng định tên tuổi mình ở đoàn hát tỉnh Kiên Giang.

    Nhờ đó, bà được nghệ sĩ Út Trà Ôn mời về đoàn Thống Nhất và đảm nhận vai chính trong vở “Tiếng hát Muồng Tênh”, tên tuổi bà bắt đầu nổi từ đó. Cuối năm 1962, bà vào đoàn Bạch Vân.

    Năm sau được giải Thanh Tâm cho diễn viên triển vọng cùng các nghệ sĩ Mộng Tuyền, Trương Ánh Loan, Tấn Tài, Thanh Tú, Diệp Lang. Năm 1964, bà về hát cho đoàn Dạ Lý Hương, hợp tác với các soạn giả danh tiếng bấy giờ là Hà Triều - Hoa Phượng, tài năng của bà càng được khẳng định.

    Năm sau, vở “Tần Nương Thất” đã mang lại cho bà huy chương vàng giải Thanh Tâm cho nghệ sĩ xuất sắc. Năm 1966, Hùng Cường gia nhập đoàn Dạ Lý Hương, cùng với Bạch Tuyết tạo thành 1 cặp đôi hoàn hảo trong mắt khán giả. Đến năm 1971, bà cùng với Hùng Cường mở gánh hát Hùng Cường – Bạch Tuyết.


    NSƯT Bạch Tuyết bên mộ Hùng Cường.

    Cặp “sóng thần” Hùng Cường – Bạch Tuyết

    Suốt thời gian dài, từ năm 1966 cho tới 1972, hai cái tên Hùng Cường – Bạch Tuyết luôn xuất hiện đầy rẫy trên các trang báo, trên các panô quảng cáo, trên khắp các nẻo đường Sài Gòn.

    Dù đã mấy chục năm trôi qua, nhưng nhiều người Sài Gòn vẫn chưa quên những vở tuồng để đời của cặp đôi Hùng Cường – Bạch Tuyết như: “Cho trọn cuộc tình” ; “Lệnh của bà”; “Má hồng phận bạc” , “Tình chú Thoòng”’ “Trăng Thề Vườn Thúy”, “Cung Thương sầu nguyệt hạ”... cùng hàng chục bản tân cổ giao duyên với giọng ca Hùng Cường - Bạch Tuyết.

    Những giai thoại về Hùng Cường – Bạch Tuyết thì nhiều vô kể, liên quan đến mọi khía cạnh, từ nghề nghiệp đến tình cảm. Chẳng hạn, người ta cho rằng chuyện tình giữa Tam Lang và Bạch Tuyết tan vỡ là có yếu tố Hùng Cường. Nhưng Bạch Tuyết cho rằng mình yêu quý Hùng Cường đơn thuần vì thái độ lao động nghệ thuật.
    Hùng Cường – Bạch Tuyết “hoàn hảo” đến mức ca diễn đều hay, hát tân nhạc và cổ nhạc đều tốt, quăng bắt hợp lý... Chính họ đã làm nên thương hiệu Dạ Lý Hương nổi đình nổi đám vào giữa thập niên 1960.

    Bạch Tuyết kể: “Ngày ấy những vở tuồng tôi hát với Hùng Cường tạo hiệu ứng rất tốt, khán giả kéo đến rạp như sóng thần, vì vậy báo giới mới đặt cặp “sóng thần” Hùng Cường – Bạch Tuyết.

    Hùng Cường là một nghệ sĩ cực kỳ giỏi. Đó là một con người tài hoa, có tri thức, đam mê nghề, hết sức nghiêm túc với nghề. Với một người như vậy, lại làm việc chung thì không có cớ gì lại không đem lòng yêu mến được.

    Nhưng con người tôi lạ lắm, tôi nhớ có lần nói với anh ấy: “Em rất thương anh, quý anh. Mọi khán giả đều yêu mến anh, muốn được gần gũi anh, muốn được anh yêu. Em lại được anh yêu trong nghệ thuật, em muốn giữ mãi cảm xúc đẹp, thanh khiết này để dâng hiến cho khán giả”.

    Phải đấu tranh nội tâm và kiềm chế dữ lắm chứ. Rất may là không có chuyện gì xảy ra chứ nếu không chưa chắc tình cảm và hình ảnh của chúng tôi trong nhau lại mãi đẹp như thế”.

    Họ đã làm nên một Dạ Lý Hương

    Giải thưởng Thanh Tâm ra đời năm 1958 do nhà báo Trần Tấn Quốc lập ra để khuyến khích nhân tài trẻ cho sân khấu cải lương. Sau khi ra mắt, giải Thanh Tâm trở nên danh giá trong làng sân khấu.

    Ngoài tiêu chuẩn ca diễn xuất sắc, giải Thanh Tâm còn đòi hỏi tiêu chuẩn đạo đức, cho nên nghệ sĩ luôn rèn luyện, phấn đấu. Việc chấm giải rất lạ, không hề có một cuộc thi nào diễn ra.

    Ban giám khảo sẽ đi xem tất cả các vở tuồng trong năm, chọn ra tuồng hay, nghệ sĩ giỏi rồi cuối cùng mới ngồi lại bình bầu. Vì thế, nghệ sĩ phải luôn trong tư thế “thi” suốt cả năm, hết năm này lại năm khác, hết suất này tới suất khác. Thậm chí phải luôn sống tử tế, vì chỉ cần tai tiếng là coi như bị loại.

    Nghệ sĩ Thanh Nga là người duy nhất nhận giải Thanh Tâm lần đầu tiên năm 1958. Những người trong giới đều nhìn nhận, giải thưởng Thanh Tâm ngày ấy có sức động viên rất lớn, khuyến khích nghệ sĩ trẻ rèn luyện để có cơ hội bước lên bục vinh quang.

    Hùng Cường là nghệ sĩ cải lương duy nhất tài năng thăng hoa trong thời kỳ của giải Thanh Tâm nhưng lại không nhận được giải thưởng này, lý do là vì khi đó Hùng Cường đã 24 tuổi, vượt quá tuổi quy định của giải thưởng.

    Thực ra, dù giải Thanh Tâm không chỉ dành riêng cho nghệ sĩ cải lương ở Sài Gòn, nhưng trong 10 năm tồn tại với 24 huy chương vàng được trao, không có nghệ sĩ nào ở đoàn tỉnh được nhận vinh dự cao quý ấy, mà tất cả đều đang hát ở Sài Gòn.

    Mà ở Sài Gòn, giải thưởng Thanh Tâm cũng tập trung vào diễn viên của một số đoàn “đại bang”, trong đó phải kể đến đoàn Kim Chung và đoàn Dạ Lý Hương.

    Thời ấy ở Sài Gòn, dân mộ điệu cải lương nếu thích xem tuồng “hương xa”, tuồng tích cũ, có đánh kiếm, kể cả chuyện bên Tàu, bên Nhật, người ta tìm đến đoàn Kim Chung. Còn đối với những khán giả yêu thích tuồng “tình cảm xã hội”, những câu chuyện của xã hội miền Nam đương đại, họ tìm đến đoàn Dạ Lý Hương.

    Lý hương là một loài cây có nguồn gốc từ Châu Mỹ, được người Pháp đưa đến trồng đầu tiên ở Đà Lạt. Cây có nhiều hoa màu vàng lục nhạt, hay lục nhạt, thơm ngát về đêm, vì vậy mà có tên là dạ lý hương.

    Chọn đặt tên cho đoàn hát là “Dạ Lý Hương” vào đầu thập niên 1950, ông Bầu Xuân muốn gửi gắm vào đó sự “tỏa hương” của nghệ thuật cải lương. Dù vậy, đoàn Dạ Lý Hương vẫn không có gì nổi bật sau khi thành lập.

    Mãi đến năm 1964, khi ngôi sao mới đoạt giải Thanh Tâm là “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết về đầu quân, cùng lúc cặp soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng vừa kết nối thành cặp “bài trùng” để cho ra những tuồng hát “tâm lý xã hội” sâu sắc, thì đoàn Dạ Lý Hương mới có tiếng nói trong giới sân khấu cải lương Sài Gòn.

    Tuy vậy, cho đến khi Hùng Cường về đầu quân cho Dạ Lý Hương vào năm 1966, thì cái tên Dạ Lý Hương mới vượt lên tột đỉnh, làm lu mờ các đoàn hát khác. Đoàn Dạ Lý Hương với Hùng Cường - Bạch Tuyết đi tới đâu là tạo nên hiện tượng tới đó, rạp hát không bào giờ còn chỗ trống, thậm chí mỗi ngày diễn 2 suất, tiền bán vé phải chứa bằng bao bố...
    Ngày ấy đoàn Dạ Lý Hương “danh giá” đến nổi khi đội bóng đá miền Nam Việt Nam chuẩn bị đi tranh giải Merdeka 1966 ở Malaysia, các cầu thủ “được” chiêu đãi... một suất xem hát ở đoàn hát này. Vì vậy mà chiếc cúp danh giá Merdeka từ Kuala Lumpur đội tuyển giành được mang về Sài Gòn có dấu ấn của đoàn Dạ Lý Hương, của Hùng Cường – Bạch Tuyết. Cũng từ duyên cớ này mà người Sài Gòn được chứng kiến một câu chuyện khác, gắn với cái tên của đội trưởng đội tuyển bóng đá miền Nam, danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang.

    Nguồn tin:Lao Động




    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 5 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Duongtonhu (19-08-2013), ngtram (12-09-2013), romeo (19-08-2013), Tống Thành Tâm (19-08-2013), Thanh Hậu (19-08-2013)

  5. Tống Thành Tâm
    Avatar của Tống Thành Tâm
    Từ nhỏ mình đã thích cách vô vọng cổ của nghệ sĩ Hùng Cường, làn hơi tenor thật mạnh mẽ. Tiếc là các bài vọng cổ ông hầu hết là song ca...
    Nghe đâu ông mất ở Mỹ cùng thời điểm với Lê Công Tuấn Anh? Sao mộ lại ở Bến Tre vậy?
    Nghệ sĩ Linh Cường cũng có giọng rất giống ông
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following User Says Thank You to Tống Thành Tâm For This Useful Post:

    romeo (19-08-2013)

ANH EM CHANNEL