SOẠN GIẢ ĐIÊU HUYỀN TÊN THẬT PHẠM VĂN ĐIỀU (CHÍN ĐIỀU) SINH NĂM 1915 TẠI LÀNG NHƠN NGHĨA, TỔNG ĐỊNH BẢO, QUẬN CHÂU THÀNH, TỈNH CẦN THƠ ( NAY LÀ XÃ NHƠN NGHĨA, HUYỆN PHONG ĐIỀN, TP. CẦN THƠ ), ÔNG MẤT NĂM 1983 TẠI TP. HCM.
Trong giới nghệ sĩ cải lương trước năm 1975, nhiều người thường gọi soạn giả Điêu Huyền là “Thầy Điêu Huyền” hoặc “Ba Chín” bằng thái độ trân trọng và thân thương; bởi ông không chỉ có những đóng góp đáng kể cho Sân khấu Cải lương nói chung, riêng nhiều nghệ sĩ biểu diễn được ông nâng đỡ nghề nghiệp và cả tình thương như gia đình.
Đặc biệt, những nghệ sĩ từng đạt Giải Thanh Tâm hẳn không quên những lời đông viên nhắc nhở của ông, khi ông đại diện giới trao giải. Khi tôi làm báo chuyên nghiệp thì rất tiếc không được một lần gặp soạn giả Điêu Huyền, nhưng qua tài liệu và nghe nhiều nghệ sĩ kể lại, tôi rất ngưỡng mộ tài nghề cả nhân cách của soạn giả Điêu Huyền.
Vì thế tôi viết chân dung ông bằng lòng trân trọng và ngưỡng mộ qua tư liệu và lời kể của NSUT Ánh Hồng, người mà được ông trao Giải Thanh Tâm năm 1962.
Thời đó, Cần Thơ từng mệnh danh là thủ phủ của miền Tây Nam Bộ, cũng là một địa chỉ nổi tiếng về Đờn ca tài tử, mà quê soạn giả Điêu Thuyền là một trong những hạt nhân tiêu biểu cho phong trào lúc bấy giờ. Cần Thơ còn sản sinh nhiều nghệ sĩ lớn như NSND Nguyễn Phương Danh (Tám Danh), Cô Năm Cần Thơ, soạn giả Mộc Quán-Nguyễn Trọng Quyền,
Soạn giả Điêu Huyền cũng là một trong những cánh chim đầu đàn trong làng soạn giả Cải lương, ông là Thầy tuồng có trên dưới 40 tác phẩm, có thể từ những kịch bản trước 1975 như: Thiếu nhi thời loạn, Chén pháo Chí Linh, Giải phóng Thăng Long thành… Sau năm 1975, ông có kịch bản hay để đời như: Ánh lửa rừng khuya, Tìm lại cuộc đời (viết chung Hoàng Khâm và Huy Lam),
Khách sạn Hào Hoa (viết chung Trần Hà), Tiếng hò sông Hậu… Tác phẩm của ông bao giờ cũng phản ánh đời sống hiện thực về một giai đoạn lịch sử nhất định, mô tả những sự kiện có tính quy chiếu về thời gian và không gian, số phận nhân vật là những con người hiện thân của cuộc sống trong bối cảnh đất nước.
Từ văn chương Cải lương đến xây dựng tính cách nhân vật, soạn giả Điêu Thuyền chắt lọc một cách rất tinh tế. Ca từ luôn gắn với tâm lý và trạng thái nhân vật; nhiều nhân vật trở thành hình tượng nghệ thuật tiêu biểu cho một lớp người nào đó trong một giai đoạn xã hội nhất định.
Khi sân khấu Cải lương từ sau Giải phóng đi vào chính quy-chuyên nghiệp hơn, những nhân vật trong các tác phẩm của soạn giả Điêu Huyền được các đạo diễn và diễn viên thổi hồn vào trở thành những hình tượng nhân vật của Cải lương bất tử. Một Trần Hùng, Jackly Hương, Huy Bình, Lính Tám… (Tìm lại cuộc đời), một Hội đồng Dư, Chơn, Cô Lài (Tiếng hò sông Hậu), Trung và Hiếu (Khách sạn Hào Hoa)… đã có sức mãnh liệt trong lòng khán giả một thời.
Qua mỗi số phận nhân vật của ông khiến người ta lại soi rọi ngoài đời để suy ngẫm về câu chuyện thái thế tình đời, so sánh sự đối lập giữa thiện-ác, chính nghĩa-hung tàn… và từ đó đem lại cho khán giả một sự tẩy rửa tính thẩm mỹ và nhân văn hơn. Nội dung và tư tưởng tác phẩm của soạn giả Điêu Huyền bao giờ cũng sáng tỏ, cấp độ nhận thức người xem cỡ nào cũnh hiểu thấu về lòng yêu nước, cảm thông chia sẻ với người dân bị áp bức, với những số phận trái ngang, nghiệt ngã…
Ngoài tài nghề sáng tác, soạn giả Điêu Huyền còn là giám đốc kỹ thuật cho nhiều đại ban Cải lương trước 1975, riêng trong đó có gánh Cải lương Kiên Giang mà NSND Bạch Tuyết không thể nào quên. Đó là gánh Cải lương đầu tiên chị Bạch Tuyết khởi nghiệp và được soạn giả Điêu Huyền giới thiệu và nhận chị làm con nuôi từ đó.
Soạn giả Điêu Huyền có phong cách sống giản dị dễ hòa nhập với nhiều người, ông biết nhìn người, thông cảm và sẻ chia hoàn cảnh. Khi nghệ sĩ gặp khó khăn là ông sẵn lòng giúp với khả năng ông có thể, đặc biệt là không đố kỵ tài năng và ai cũng được ông coi trọng. Đó là nhân cách và tư duy của một nghệ sĩ lớn đúng nghĩa, chính vì thế mà nhiều người trong giới quý trọng ông, xem ông là Thầy của nghề nghiệp, tình thương yêu và tấm lòng nhân hậu của người cha.