Nhà báo đạo diễn Thanh Hiệp “Để đam mê không chi phối nghề báo”
Nhà báo Thanh Hiệp và NSND Ngọc Giàu
Chương trình Cầu vồng tuổi thơ được UBND TPHCM chỉ đạo thực hiện nhằm phục vụ trẻ em nghèo của TPHCM từ ngày 12-8. Đến nay chương trình đã diễn gần một năm, mỗi sáng chủ nhật Nhà hát lớn TP đã trở thành điểm hẹn của khán giả thiếu nhi. Sân chơi này còn thu hút sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ tên tuổi như: NSND Ngọc Giàu, NSƯT Bảo Quốc, Thanh Vy, Minh Hạnh, Kim Tử Long, Kim Xuân, Quế Trân, NS Tú Trinh, đạo diễn Đoàn Khoa, ca sĩ Cẩm Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Dương Triệu Vũ, Hiền Thục, Lương Chí Cường, Việt Quang, Dương Đình Trí, Dương Bửu Trung, diễn viên Cát Phượng, Khánh Nam, Anh Vũ, Mỹ Chi, Trí Quang, Trịnh Kim Chi, Minh Béo, MC Vũ Mạnh Cường, nhà thiết kế thời trang Calvin Hiệp, NS Mai Thế Hiệp….Một trong những thành viên gắn bó với sân chơi này là nhà báo đạo diễn Thanh Hiệp, anh đang làm việc tại báo Người Lao Động, đồng thời là người phụ trách nhóm kịch Lạc Long Quân, chuyên diễn những kịch bản do anh sáng tác và đạo diễn. Dưới đây là bài phỏng vấn của nhà báo Hoàng Kim – báo Thanh Niên với nhà báo đạo diễn Thanh Hiệp nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-2013):
Nhà báo Thanh Hiệp và NSND Huỳnh Nga
Xin anh cho biết vì sao anh vừa làm báo vừa làm đạo diễn? Lý do vào nghề chắc cũng thú vị lắm?
Tôi đến với nghề báo trước khi quyết định theo học đạo diễn sân khấu hệ đại học chính qui, cùng khóa với các nghệ sĩ: NSƯT Thành Hội, Minh Hạnh, NS Khánh Hoàng, Tất My Ly, Mỹ Khanh, Tấn Phát, Nguyên Đạt, Thái Quốc…Lý do vào nghề rất đơn giản: học để viết cho đúng. Thưở ấy tôi được Trưởng Ban văn hóa nghệ thuật của báo Người Lao Động cử đến phỏng vấn đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc, ông lúc đó đang là hiệu trưởng của Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM, nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam. Qua cuộc trò chuyện tôi biết có một lớp đại học đạo diễn đầu tiên do hai trường liên kết đào tạo, đó là trường sân khấu tại TPHCM và tại Hà Nội. Thế là tôi tham gia dự thi và được cấp học bỗng toàn phần. Thời đó cơ quan của tôi đã tạo mọi điều kiện để tôi vừa học, vừa làm. Cực nhọc lắm nhưng rất vui. Khóa học của chúng tôi kéo dài đến 7 năm vì đa số đều là nghệ sĩ biểu diễn, cán bộ đi học, nên quy tụ lại làm vở diễn tốt nghiệp rất khó. Đến tháng 3 năm 2000 chúng tôi mới quy tụ đầy đủ. Vở kịch “Cưới chồng” của tác giả Duy Trác là vở tôi chọn làm bài tốt nghiệp có sự tham gia của: NSƯT Việt Anh, NS Hồng Nga, Minh Nhí, Hoàng Sơn, Tú Trinh, Cát Phượng, Hữu Lộc, Việt Hương, Hà Linh…Sau đó nghệ sĩ Phước Sang đã mời vở diễn này diễn tại Sân khấu kịch Sài Gòn hơn 30 suất.
Nhà báo Thanh Hiệp và nhóm Siu Band, vũ đoàn Vầng trăng.
Làm báo rất bận rộn, vậy anh lấy đâu ra thời gian dàn dựng và tổ chức các chuong trình biểu diễn hiện nay?
Hầu như thời gian cuối tuần là chính. Sân khấu Cầu vồng tuổi thơ tại Nhà hát TP do Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TPHCM thực hiện là sân chơi hoàn toàn phục vụ miễn phí khán giả, ưu tiên cho trẻ em. Từ tết Nguyên Đán 2013, Trung tâm đã nhân rộng điểm diễn này tại Sân khấu Sen Hồng – Khu B Công viên 23-9 và từ ngày 23-6 chương trình này sẽ được diễn tại các trung tâm văn hóa ngoại thành, bắt đầu là điểm diễn tại UBND quận 12 - TPHCM. Riêng chương trình Làn điệu phương nam tôi đã làm hơn 7 năm rồi, có thời gian gián đoạn vì kinh tế khó khăn, ngân sách dành cho chương trình không nhiều trong khi việc doanh thu của trung tâm lại khó khăn nên tạm ngưng. Từ sau đêm chuyên đề sân khấu của NSND đạo diễn Huỳnh Nga đến nay thì “Làn điệu phương nam” xuất hiện với phiên bản mới. Do mỗi tháng tổ chức chương trình vào tối 4, nên việc tập dợt cũng không quá căng thẳng. Hơn nữa bên cạnh các chương trình chuyên đề như: kép độc, đào tính cách, đào võ…thì trung tâm có chủ trương mời các đoàn biểu diễn nguyên vở, cụ thể vào tối 4-7 tới, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sẽ diễn vở Đêm trước giờ hoàng đạo – một bản dựng của đạo diễn Lê Trung Thảo, kịch bản Võ Tử Uyên (HTV), vở đã tham dự Cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2013 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức tại TPHCM.
Nhà báo Thanh Hiệp với trẻ em thiếu nhi trong chương trình Cầu vồng tuổi thơ tại Nhà hát lớn TP
Nhà báo Thanh Hiệp và trẻ em nghèo tại sân khấu Sen Hồng
Khi làm chuong trình thì anh có mạnh dạn viết về tác phẩm của mình như một nhà báo độc lập?
Đó là điều tối kỵ, hãy để đồng nghiệp nhận xét về mình. Còn nói một cách nào đó, sự tự tin giới thiệu về đứa con tinh thần của mình rất cần một sự khách quan, nên dừng lại ở việc thông tin tránh bình luận. Hơn nữa hai hoạt động mà tôi đang gắn kết lại hoàn toàn miễn phí với khán giả, không bị áp lực doanh thu nên nỗ lực làm tốt hơn, đúc kết kinh nghiệm qua mỗi suất diễn để nâng cao tay nghề.
Khi nghe đồng nghiệp báo chí góp ý về chương trình thì anh có chấp nhận hay là khó chịu?
Có nhào vào làm thì mới hiều được hết cái khó của người nghệ sĩ hiện nay. Đôi lúc ngồi ở ghế khán giả, một khán giả có trình độ thẩm định mà nghề báo buộc mình phải khắc khe, khi ấy tôi mới hiểu và cảm thông. Ai cũng muốn làm tốt, đạt hiệu quả nghệ thuật, chẳng ai muốn làm một chương trình, vở diễn bị phê bình cả. Thế nhưng khi hiểu rõ bản chất của ranh giới khen và chê, thì tôi hoàn toàn cảm nhận rõ công việc của mình rất cần sự góp ý để làm tốt. Có câu nói “hễ diễn chùa, diễn miễn phí thì chất lượng sẽ kém” điều này không chính xác, nhất là khi mình là một người làm báo. Do vậy phải làm tốt hơn và biết lắng nghe để điều chỉnh. Thể hiện thái độ khó chịu là không có thiện chí.
Anh nhận dàn dựng chuong trình cho thiếu nhi tại Nhà hát TPHCM và Công viên 23-9 với giá rất rẻ, chẳng những anh không có thù lao mà còn bỏ thêm tiền túi của mình để bổ sung cho tiết mục hay hơn. Động lực nào khiến anh làm như vậy?
Như đã nói, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm với sự đam mê của chính mình. Hồi đó vì mê sân khấu mà đến với nghề báo và chọn lãnh vực sân khấu để viết, sau đó đi học đạo diễn. Thì nay phải có dịp lăn xả vào để trả cái nợ ân tình mà sân khấu đã cho tôi. Với nguồn kinh phí rất thấp hiện nay mà Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TPHCM cùng với các đơn vị phối hợp phải chia sẻ với ngân sách chung của TPHCM, thì 10 triệu đồng cho một suất diễn ở sân khấu Sen Hồng (Khu B Công viên 23-9) và chương trình Làn điệu phương nam chẳng đủ để lo cho toàn bộ đêm diễn. Cụ thể trong suất diễn chuyên đề “Những kép độc trên sân khấu cải lương”, chuyện bù tiền túi là bình thường, nhưng quan trọng là tạo không khí làm nghè và sáng tạo cho anh em nghệ sĩ đến với sân chơi này một cách hồ hởi. Sàn diễn cải lương gần như tắt đèn nhiều năm qua, nhìn thấy nghệ sĩ làm nghề qui tụ trong hậu trường, tôi rất vui. Còn một động lực nữa là tôi nhào vào làm để tìm thời sự mà viết báo. Cụ thể như loạt bài “Một đời kép độc” trên báo NLĐ đã được viết trong thời gian sau khi chương trình chuyên đề “Những kép độc trên sân khấu cải lương” của Làn điệu phương nam tổ chức.
Nhà báo Thanh Hiệp và DV Cao Mỹ Châu, Hoàng Việt, Anh Khoa
Nhưng liệu mọi người có hiểu anh hay cho rằng anh có mưu đồ gì đó? Hình như cũng có chút oan tình...?
Cảm ơn câu hỏi của chị. Đâu đó vẫn có những dư luận cho rằng tôi hám danh, cố nhào vô các lãnh địa này để “câu danh lợi”. Mưu đồ và oan tình là hai phạm trù khiến cho những ước mơ đẹp sẽ tan biến, tôi nghĩ nếu cứ sợ bị dư luận trù dập thì sẽ không có ai dám mạnh mẽ lao vào mục đích tốt đẹp của cuộc đời. Tôi nhớ hoài câu hỏi của ông Lê Duy Hạnh – Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM khi biết tôi làm đêm chuyên đề sân khấu NSND Huỳnh Nga: “Có 10 triệu đồng cho một đêm diễn Làn điệu phương nam, kinh phí ít như vậy, mày làm vì cái gì?”. Câu hỏi thân tình của một người anh trong nghề khiến tôi suy nghĩ, nhưng tôi trả lời ngay: “Em làm vì tấm lòng kính trọng chú Huỳnh Nga”. Và không chỉ có tôi, hầu hết các nghệ sĩ, anh em công nhân hậu đài, diễn viên múa đều đến với chú Huỳnh Nga một cách không toan tính, cũng như đã từng đến với hai suất hát tôn vinh NSND soạn giả Viễn Châu ở Trà Cú, Trà Vinh. Tôi không tham vọng khi muốn mọi người hiểu hết công việc mình làm, chỉ nghĩ đến việc còn hứng thú, còn lửa thì cứ làm và làm một cách tử tế.
Nhà báo Thanh Hiệp giao lưu với các diễn viên của giải Chuông vàng vọng cổ và NS Tú Sương
Nhà báo Thanh Hiệp và các diễn viên trong vở Quang Trung khởi nghiệp - diễn tại sân khấu Sen Hồng.
Anh mơ ước điều gì cho sân khấu mà anh đang theo đuổi, cả trong lĩnh vực báo chí lẫn đạo diễn?
Mơ ước thì nhiều, chị làm báo là đồng nghiệp với tôi chắc khi đặt ngòi bút nói về sự mong đợi cho sân khấu đã từng chạnh lòng nghĩ đến cơ sở vật chất của nền nghệ thuật nước nhà. Điều tôi mơ ước không quá cao xa mà nằm ở chính ý thức rèn luyện nghề và giữ nghề của thế hệ diễn viên trẻ của sân khấu cải lương. Khi mà chuẩn mực làm nghề được tôn tạo thì bộ mặt chung của sàn diễn sẽ khác. Như chị thấy đó, chỉ với 10 triệu đồng cho một suất diễn, thế nhưng nghệ sĩ đến với Làn điệu phương nam không hát nhép. Họ hát thật dù lãnh tiền rất thấp, mỗi nghệ sĩ chỉ nhận từ 50 đến 100 ngàn đồng để đổ xăng, đến với đêm diễn. Khi mà ý thức làm nghề được xem trọng dù có nghèo đến mấy thì lúc đó sự giàu có ở tấm lòng trọng nghề, trọng khán giả và trọng chính bản thân mình sẽ nâng nghệ thuật lên. Các thế hệ nghệ sĩ đều mong chờ một chiến lược cụ thể của UBND TPHCM, của Sở VH, TT và DL TPHCM khi Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo được xây dựng xong. Có nhà mới an cư, có nền tảng mới nghĩ đến chuyện phát triển.
Chúc anh có nhiều động lực để tiếp tục cống hiến cho sân khấu và cho nghề báo mà anh đang cùng tôi đồng hành.
Nhà báo Thanh Hiệp trong chương trình Làn điệu phương nam - Hội ngộ chuông vàng
Hoàng Kim (thực hiện)
.
Nhóm kịch Lạc Long Quân do nhà báo đạo diễn Thanh Hiệp phụ trách đã dàn dựng các vở: Dũng tướng Trần Bình Trọng, Quang Trung khởi nghiệp, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Trung hiếu làm đầu, Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng Giang, Khí tiết Nguyễn Địa Lô, Khí tiết Hưng Đạo Vương…và các vở kịch cổ tích dân gian: Aladin và cây đèn thần, Thạch Sanh – Lý Thông, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Mai An Tiêm, Ông lão đánh cá và con cá vàng… Trong năm 2013, ngoài 4 suất/tháng tại Nhà hát TP, Cầu vồng tuổi thơ sẽ nhân rộng điểm diễn tại các Nhà Thiếu nhi quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức, Củ Chi, Cần Giờ…để đưa nghệ thuật đến với khán giả thiếu nhi nghèo ngoại thành. Cụ thể là ngày 23-6 sẽ diễn tại Nhà thiếu nhi Quận 12