Khoảng năm 1910, ở Mỹ Tho (Tiền Giang) có ban tài tử của Nguyễn Tống Triều, người xứ Cái Thia, rất nổi tiếng. Trước đó chưa có đờn ca trên sân khấu hoặc trước công chúng.
Đem chuông đi đánh xứ người
Thật ra Nguyễn Tống Triều (tục gọi Tư Triều) quê ở Thuộc Nhiêu, làng Dưỡng Điềm (nay thuộc H.Châu Thành, Tiền Giang). Ông sinh năm 1876, lúc nhỏ được cha mẹ cho đến trường làng học chữ quốc ngữ và tìm thầy học thêm chữ Nho.
Học hành tiến bộ nhưng ông lại thích đến hiệu thuốc của thầy Nguyễn Văn Lạc (nhà thơ Học Lạc), lấy cớ là hỏi thêm sách vở nhưng mục đích là để học đờn, làm thơ và ca hát. Ông lại kết bạn với Trần Quang Diệm người làng Vĩnh Kim Đông (vốn là hậu duệ của tiến sĩ Phan Hiển Đạo, người đặt nền móng cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ).
Ban tài tử Nguyễn Tống Triều dự hội chợ các nước thuộc địa ở Marseille, Pháp, năm 1906 - Ảnh: tư liệu
Khi thầy Học Lạc mất là lúc Nguyễn Tống Triều trở thành một tài tử nổi danh, đặc biệt là sử dụng đờn kìm. Ông có thể đờn được 20 bài tổ và những bài bản của bè bạn chế tác lúc đương thời với ngón đờn kìm điêu luyện. Bấy giờ Nguyễn Tống Triều trên 20 tuổi và đã về vùng Cái Thia cưới vợ, lập nghiệp tại làng Mỹ Đức Tây (Cái Bè). Tại đây, ông tiếp tục dạy đờn cho bè bạn trong vùng và thành lập một ban tài tử.
Năm 1906, khi Pháp tổ chức hội chợ các nước thuộc địa ở thành phố Marseille, ngoài việc đem các đặc sản nông nghiệp hoặc mỹ thuật tham gia triển lãm, chính quyền 2 tỉnh Gò Công và Mỹ Tho còn cử 2 ban nhạc tài tử sang Pháp trình diễn. Ban nhạc tài tử Gò Công do Huỳnh Đình Điển dẫn đầu, còn ban của Tư Triều gồm: Tư Triều đờn kìm (trưởng ban), Chín Quán đờn độc huyền, Mười Lý thổi tiêu, Bảy Vô đờn cò, Ba Đắc và Hai Nhiễu ca... Tương truyền cô Hai Nhiễu có tật nói lắp, nhưng cô có thể vừa đờn tranh vừa ca, đặc biệt là khi ca thì không ai biết cô có dị tật.
Trong lần xuất ngoại này, 2 ban tài tử của Huỳnh Đình Điển và Nguyễn Tống Triều làm tròn nhiệm vụ giới thiệu văn hóa cho bè bạn các nước thuộc địa. Khi về nước, khoảng năm 1910 Huỳnh Đình Điển (lúc đó là chủ Nam Kỳ lữ điếm) đi tàu đến Cái Thia mời ban tài tử của Tư Triều về Mỹ Tho lên sân khấu trình diễn vào đêm đầu tuần và cuối tuần để thu hút khán giả, đồng thời hai ông đã bày vẽ cách “ca ra bộ”.
Thấy khán giả yêu thích loại hình nghệ thuật mới, ông Phạm Đăng Hộ (tục gọi là thầy Hộ) người Gò Công, chủ rạp chiếu bóng Casino (Mỹ Tho), cũng mời ban tài tử của Nguyễn Tống Triều lên sân khấu trình diễn vào tối thứ tư và tối thứ bảy hằng tuần, trước khi chiếu bóng, được khán giả rất hoan nghênh.
Năm 1914, chính quyền thực dân Pháp xây dựng chợ Sài Gòn mới (chợ Bến Thành). Mấy năm sau, xung quanh khu vực này mọc lên nhiều nhà hàng khách sạn sang trọng, trong đó có nhà hàng Cửu Long Giang. Nghe tiếng ban tài tử của Nguyễn Tống Triều, qua sự giới thiệu của ông Huỳnh Đình Điển, ông chủ nhà hàng Cửu Long Giang xuống Mỹ Tho tìm rước ban nhạc Tư Triều lên Sài Gòn.
Ban tài tử lúc này thường xuyên có cô Hai Nhiễu (con gái Tư Triều) ca, Lê Ngũ Đồng ở Cái Thia đờn độc huyền, Nguyễn Tri Khương (ở Vĩnh Kim) đờn cò hoặc thổi sáo và Tư Triều đờn kìm. Thỉnh thoảng ban còn được bổ sung thêm Nguyễn Thơ Chỉnh (Hương sư Chỉnh), Năm Cư hoặc những người bạn đờn ca ở vùng Chợ Gạo, Ba Dừa...
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Niệm, con gái thứ ba của Nguyễn Tống Triều, đêm nào Ban tài tử Mỹ Tho lên biểu diễn thì chiều hôm đó có xe song mã chạy quảng cáo rất xôm tụ. Tối đến khán giả đông nghẹt. Người có tiền thì chiếm chỗ ngồi sang trọng. Người không tiền cũng đứng ngóng chờ Ban tài tử đến”.
Tài hoa bạc phận
Nguyễn Tống Triều là người am tường nghệ thuật. Theo lời thuật của những người trong họ thì chính ông là người sửa chữa hoàn chỉnh bản Phụng cầu hoàng. Trong lĩnh vực nghệ thuật ông ứng tác rất nhanh. Lần nọ ông Phó tổng Tính (chồng bà Sương Nguyệt Anh) ở Rạch Miễu làm lễ khai bằng, cử người đại diện đến rước ban nhạc tài tử của Nguyễn Tống Triều phục vụ. Vâng lệnh chủ, người đại diện không báo trước nội dung buổi lễ. Nhưng khi vào chương trình thì Tư Triều có thể vừa cầm đờn kìm khảy, lại vừa hát, bài bản nói về buổi lễ như đã sáng tác sẵn.
Nguyễn Tống Triều thường phục vụ các nhà hàng ở Sài Gòn, ít khi về nhà. Cuối năm 1917 có người gửi về nhà một bức chân dung của ông và báo tin ông đã mất, thi hài an táng ở một nghĩa địa Sài Gòn - Gia Định.
Ca ra bộ là hình thức phôi thai của nghệ thuật cải lương, vì vậy có thể xem Nguyễn Tống Triều là ông tổ của nghệ thuật cải lương.
Ông Trần Văn Khải là cháu gọi Nguyễn Tống Triều bằng cậu. Những năm ông Khải dạy ở Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn đã vẽ lại hình ảnh Nguyễn Tống Triều trong quyển Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (NXB Khai Trí, 1970). Theo lời ông Khải, ông cũng đã cố gắng tìm hài cốt của người cậu tài hoa bạc phận nhưng bặt vô âm tín.
“Nghe Tư Triều đờn kìm không muốn nghe ai nữa”
Sở trường của Nguyễn Tống Triều là cây đờn kìm. Giáo sư Diệp Văn Cương dạy tại Trường Chasselup Laubat Sài Gòn, là một người am tường nghệ thuật thường nói: “Tôi đã nghe anh Tư Triều đờn kìm, cậu Năm Diệm đờn tỳ bà thì không muốn nghe ai đờn nữa”. Ông Nguyễn Thơ Chỉnh (là học trò của ông Tư Triều) ở Cái Thia nhận xét: “Ngón đờn của chú Tư Triều chậm rãi, ngân nga, lan tỏa trong đêm thanh vắng nhất là những đêm trăng mờ, trên dòng sông yên tĩnh. Cho nên, muốn biết cái hay của ông thì phải nghe cái hậu của câu đờn”.
Mỹ Tho xưa có Nam Kỳ lữ điếm, là một dãy lầu 10 căn nằm cạnh ga xe lửa (đường Trưng Trắc ngày nay), do Huỳnh Đình Điển làm chủ. Ông là một doanh nhân nhưng rất say mê nhạc tài tử.
Doanh nhân kiêm nghệ nhân
Huỳnh Đình Điển người Gò Công, sinh năm 1863. Thuở nhỏ ông học ở trường tỉnh rồi chuyển lên Sài Gòn học Trường Chasseloup Laubat. Tốt nghiệp, ông ra làm thông ngôn cho Tòa Khâm sứ Trung kỳ, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì xin nghỉ việc. Ông là học trò của nhạc sư Lộ Công Trứ nổi tiếng đất Gò Công. Lúc làm thông ngôn Tòa Khâm sứ, có lần ông theo thầy Lộ Công Trứ ra kinh đô Huế, đàn hát giúp vui cho Thái hậu Từ Dũ.
Vốn là một nghệ nhân lành nghề lại đam mê âm nhạc, ông tìm mua gỗ trắc, gỗ ngô đồng, ngà voi, xương voi... về làm một bộ nhạc cụ gồm: đờn kìm, đờn tranh, tì bà, sến, độc huyền, tiêu và sáo. Tại Gò Công, ông lập ban nhạc tài tử gần một chục người thường xuyên diễn tấu, vui chơi. Huỳnh Đình Điển sử dụng đờn kìm điêu luyện, nhưng tài hoa nhất là thổi sáo.
Cây sáo của ông chế tác bằng ống xương voi. Có lần ông ngồi tàu thủy ra bắc, theo quy định thời bấy giờ tàu khách không được cặp sát bến mà phải đậu ngoài khơi. Trong lúc chờ đợi một người bạn đem ca nô ra rước, ông đem sáo ra thổi, người bạn của ông nghe tiếng sáo lần theo đúng chỗ thuyền đậu.
Năm 1906, sau khi tham dự hội chợ các nước thuộc địa tại Marseille, Pháp, các thành viên của hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho đều xuống tàu về nước. Riêng Huỳnh Đình Điển xin ở lại, theo lời chỉ dẫn của một người bạn, để học nghề thú nhồi bông, sau đó về nước mở cửa hiệu tại số 104 đường Pellerin, Sài Gòn. Thời bấy giờ, vào ngày cuối tuần các quan chức người Pháp ở Sài Gòn có thói quen cưỡi xe song mã lên vùng Thủ Dầu Một săn bắn. Đến chiều trở về thế nào cũng hạ được vài con thú rừng.
Để khoe tài thiện xạ, họ thường nhờ Huỳnh Đình Điển nhồi bông bộ da để lưu giữ “chiến lợi phẩm”. Huỳnh Đình Điển có thể nhồi bông bộ da cọp, gắn mắt thủy tinh, vá lại chỗ đạn bắn và sửa lại điệu bộ những con thú cho sống động. Chỉ mấy con khỉ mà ông có thể biến thành một đám mệnh phụ phu nhân đánh bài tứ sắc hoặc một cu li kéo xe cho chủ... nên đám khách Tây rất thích. Và cũng nhờ biệt tài làm thú nhồi bông nên ông quen thân với nhiều quan chức ở Sài Gòn thời bấy giờ để làm vỏ bọc tham gia các phong trào chống lại chế độ thuộc địa.
Minh Tân khách sạn - Ảnh: Tư liệu
Năm 1908, Huỳnh Đình Điển cho Gilbert Trần Chánh Chiếu mượn Nam Kỳ lữ điếm ở Mỹ Tho và đổi thành Minh Tân khách sạn để làm cơ sở kinh tài cho phong trào Minh Tân.
Ngoài ra, ông còn hùn vốn lập Nam Kỳ Minh Tân công nghệ và nhiều hội buôn để lấy tiền lời đưa du học sinh ra nước ngoài học tập, đồng thời hỗ trợ xuất bản tờ Lục Tỉnh tân văn, kêu gọi đổi mới, yêu nước. Ít lâu sau, bị Trần Bá Thọ tố cáo nên các cơ sở kinh tài của phong trào Minh Tân đều bị xét, Trần Chánh Chiếu bị bắt cùng 90 người, trong đó có Huỳnh Đình Điển.
Nhưng vì Trần Chánh Chiếu có quốc tịch Pháp nên chính quyền thuộc địa không đưa ra tòa bởi theo quy định thời bấy giờ người có quốc tịch Pháp không thể xử theo luật thuộc địa. Do đó mỗi người chỉ bị tạm giam ít tháng rồi được tha bổng.
Sau biến cố này, Huỳnh Đình Điển đổi tên Minh Tân khách sạn trở lại là Nam Kỳ lữ điếm. Nơi đây đã mấy lần đón nhận cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh và Kỳ ngoại hầu Cường Để về vận động quyên góp cho các phong trào yêu nước.
Những người bạn tri âm
Trở lại chuyện ban nhạc tài tử. Huỳnh Đình Điển và Nguyễn Tống Triều vốn là bạn tri âm từ trước, trong dịp sang Pháp, họ cùng nhau lênh đênh trên mặt biển suốt mấy tháng trời, cùng hòa tấu những khúc nhạc tri âm. Ở Marseille, trừ những đêm lên sân khấu biểu diễn, họ cùng nhau tham quan tìm hiểu, dự khán những đêm biểu diễn và học hỏi nhiều điều từ kịch nghệ phương Tây.
Khi trở về quản lý Nam Kỳ lữ điếm, Huỳnh Đình Điển đã rước ban nhạc của Nguyễn Tống Triều đến trình diễn. Hai người bàn với nhau nên bắt chước lối trình diễn sân khấu ở hội chợ các nước thuộc địa. Họ thống nhất về cách bài trí sân khấu như bố trí phông màn, trên có bày một bộ ván, phía trước có một bàn nghi đủ lư đỉnh, bình hoa và đĩa ngũ quả.
Ban nhạc tài tử mặc quốc phục ngồi trên bộ ngựa trình diễn. Còn các ca sĩ đứng trước bàn nghi, mỗi người ca một đoạn, có điệu bộ minh họa... Từ đó hình thành nghệ thuật ca ra bộ, bước khởi đầu tiến tới loại hình cải lương.
Huỳnh Đình Điển có người bạn thân quê ở Đồng Sơn (Gò Công) tên là Lê Sum, chủ bút tờ Công luận báo. Lê Sum là một trong những nhà báo cừ khôi ở miền Nam, lại rất giỏi thi phú, người đồng cảnh ngộ với Huỳnh Đình Điển có cuộc sống gia đình đơn chiếc. Năm 1919 Lê Sum cho ra đời quyển Việt âm Văn uyển, nhà in J.Viết xuất bản.
Về cuối đời, Huỳnh Đình Điển sống tại Gò Công với người vợ trong hoàn cảnh không con cái, thỉnh thoảng ông lấy đờn ra khảy hoặc lấy tiêu ra thổi. Những người bạn tri âm tri kỷ đều đã qua đời, tiếng đàn ông giống như tiếng kêu lạc lõng giữa đêm khuya. Trước khi mất ông dặn vợ đem bộ nhạc cụ của mình đốt cháy tất cả, để ông gặp bạn của mình dưới suối vàng cùng hòa tấu.
Một người bạn khác có thể gọi là tri âm tri kỷ với Huỳnh Đình Điển là cụ Phan Chu Trinh. Huỳnh Đình Điển từng nuôi nấng cụ Phan Chu Trinh lúc cụ đến Mỹ Tho, giúp đỡ rất nhiều tiền bạc lúc cụ ở Pháp. Khi cụ Phan lâm bệnh nặng về nước, Huỳnh Đình Điển đã rước cụ về nhà mình số 104 đường Pellerin, Sài Gòn chăm sóc.
Khi cụ Phan mất, Huỳnh Đình Điển là người đứng đầu ban tang lễ lo từ việc xếp đặt chương trình nghi lễ, phát hành đưa tang, đọc diễn văn truy niệm, tổ chức an táng cụ Phan tại nghĩa trang tương tế Gò Công và lập đền thờ cụ tại Đa Kao. Sự kiện đã gây tiếng vang lớn, mở đầu cho các địa phương làm lễ truy điệu cụ Phan, tiến tới những cuộc biểu tình bạo động.
Vào đầu thế kỷ 20, thầy Năm Tú không chỉ nức tiếng với gánh hát của mình mà còn đóng góp quan trọng để quảng bá cải lương.
Rạp cải lương đầu tiên
Châu Văn Tú, còn gọi là Pièrre Châu Văn Tú (hay thầy Năm Tú), là một nhà tư sản ở Mỹ Tho xưa. Năm 1918, ông xây dựng tại chợ Mỹ Tho một rạp mang tên Cinéma Palace, còn gọi là rạp Thầy Năm Tú (sau này đổi tên là rạp Vĩnh Lợi rồi Tiền Giang).
Máy hát đĩa xưa - Ảnh: H.P
Trước khi có rạp thầy Năm Tú, ở Mỹ Tho đã có rạp Tư Lài nhưng cũng chỉ dành cho hát bội, bên trong bài trí sơ sài. Lần đầu tiên ở Mỹ Tho có một rạp hát tương đối hiện đại, dành riêng cho nghệ thuật cải lương. Rạp Thầy Năm Tú có sân khấu rộng và cao, được bố trí ròng rọc để thay đổi phông màn, hai bên có nhiều lớp cánh gà.
Rạp có hai tầng ghế ngồi. Tầng dưới có hàng trăm ghế đủ 4 hạng: thượng hạng, hạng nhất, nhì và ba. Trên lầu là sàn gỗ chắc chắn cũng bố trí ba hạng ghế: nhất, nhì, ba. Còn hai bên chia thành từng ngăn và bốn ghế đẹp dành cho khách đặc biệt. Qua nhiều lần đổi chủ, sửa sang, rạp Thầy Năm Tú hiện vẫn còn ở đường Lý Công Uẩn với tên là rạp Tiền Giang, nhưng ít khi có đoàn cải lương diễn.
Hồi đó, sau khi mua lại gánh xiếc cùng một số diễn viên tài năng của ông André Thận, thầy Năm Tú sắm thêm màn cảnh, y phục và nhờ ông Trương Duy Toản - là thầy tuồng, dàn dựng nhiều vở cải lương rất ăn khách. Năm 1922, thầy Năm Tú lập gánh hát và cũng là gánh hát thành công nhất, thu hút được nhiều diễn viên nổi tiếng bấy giờ như Sáu Nhiêu, Tám Danh, Phùng Há, Năm Châu…
Gánh hát Thầy Năm Tú thường diễn tuồng Kim Vân Kiều (của Nguyễn Công Mạnh), Trưng Nữ Vương (của Đặng Thúc Liêng), Trang Châu mộng hồ điệp, Mộc Quế Anh dưng cây, Tội của ai (của Năm Châu)… Mỗi tuần gánh hát Thầy Năm Tú diễn tại Mỹ Tho 3 đêm, diễn ở rạp Eden (Chợ Lớn) 3 đêm và nhiều nơi khác.
Máy hát thầy Năm Tú
Ngoài việc xây rạp, lập gánh hát, thầy Năm Tú còn nhập linh kiện về rồi tổ chức lắp ráp và phổ biến máy hát đĩa hiệu Pathé phono. Ông còn làm đại lý thu đĩa các tuồng cải lương gánh hát của mình gửi sang Pháp cho hãng Pathé phono in ra đĩa rồi đem về bán.
Máy hát thầy Năm Tú có đặc trưng riêng là mang nhãn hiệu Con chó, đĩa hát thì hiệu Con gà trống đỏ. Đĩa hát thầy Năm Tú có 2 loại: Loại thứ nhất phát các bài hát bằng tiếng Hoa và bán cho người Hoa. Loại thứ hai dành cho thính giả Việt Nam. Do đĩa có dung lượng rất thấp nên mỗi tuồng cải lương phải in từ 6 đến 12 đĩa, tùy theo tuồng. Sau này, mỗi đĩa đơn chỉ chứa một bài 6 câu vọng cổ.
Lúc bấy giờ, nhờ có phương tiện máy hát đĩa mà nhiều người bình dân thuộc vanh vách các điệu ca Tứ đại oán, Hành vân, Xàng xê, Dạ cổ hoài lang… Sau này thì Tiết Nhơn Quý chinh đông, Tiết Đinh San chinh tây rồi tới Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà. Riêng ở thôn quê, mỗi khi có đám cưới, người có máy hát đĩa rất khổ vì được gia chủ cho người bơi xuồng tới rước về ngồi trên bộ ván giữa để quay dây thiều và thay kim, thay đĩa phục vụ thính giả suốt đêm.
Đĩa hát có 2 mặt, nhưng đối với người kỹ tính thì hát xong một mặt phải thay một cây kim mới để khỏi làm trầy đĩa, trong khi thời lượng của một đĩa 6 câu vọng cổ chỉ chừng 10 phút và mỗi khi hát xong một mặt phải trở bề.
Cũng từ khi có máy hát thì dư luận bàn tán xôn xao. Người thì khen kỹ thuật phương Tây giỏi, kẻ thì cho rằng bọn Tây dùng mị thuật bắt hồn người ta nhốt vào trong đó, từ đó chúng dễ bề cai trị… Vì vậy có thơ bình luận rằng: “Chỉ nghe tăm tiếng thấy đâu hình/Phẫn nộ cười ca nghe mà kinh/Mị thuật trên đời nhiều phép lạ/Không là thần dị cũng tà tinh”.
Mặc dù có khen có chê, nhưng rồi người ta cũng chấp nhận và cũng nhờ có máy hát thầy Năm Tú mà cải lương được phổ biến rất nhanh. Có những người còn mang loại hình nghệ thuật này ra tận Hà Nội rồi tổ chức tập đàn, tập ca và dựng tuồng cải lương trên đất Bắc, như sinh viên.
Trường cao đẳng Hà Nội tổ chức dàn dựng và trình diễn vở Tối độc phụ nhơn tâm, rồi sinh viên Trường Lục lộ-Công chánh đưa tuồng Kim Vân Kiều lên diễn đầu tiên ở rạp Quảng Lạc (Hà Nội) vào khoảng năm 1925... (Từ hát bội đến thoại kịch, tác giả Thuần Phong, Đồng Nai Văn tập, số 7.1966). Tiếc thay, thầy Năm Tú sau đó bị vỡ nợ, các dịch vụ văn hóa do ông khởi xướng ngừng hoạt động. Và đầu năm 1928, gánh hát Thầy Năm Tú tan rã tại chợ Cái Bè sau 6 năm tồn tại.
“Máy hát tây sao biết hát tiếng ta?”
Lúc mới ra mắt, máy hát còn là “vật thể lạ” với nhiều người. Một cụ già ở Tiền Giang thuật lại rằng, hồi cụ còn trẻ, đi chợ thấy người ta bu nghẹt ở một cửa tiệm nọ. Có một ông hương chức khăn đen áo dài cặp dù nhón gót nhìn vô. Trên bàn có một cái máy hát, tiếng đờn, tiếng hát phát ra vui vẻ. Ông lấy làm lạ hỏi:
- Cái gì hò hát vậy chú?
- Máy hát thầy Năm Tú mua tận bên tây đem về
- Có ai trong đó mà hát vậy?
- Trong đó có máy chứ có ai đâu.
- Máy hát tây sao biết hát tiếng ta?
- Thì nó là cái máy, ông vặn tiếng tây thì nó hát tiếng tây, vặn tiếng ta thì hát tiếng ta. Ông đợi một lát nó hát tiếng tây cho mà nghe!
Nghe chủ tiệm nói chiếc máy này đem ra hát để quảng cáo bán cho khách, ông hương chức nọ mừng quýnh bèn hỏi giá. Chủ tiệm cho biết giá máy là 30 đồng, mỗi cái đĩa giá 4 đồng. Sau khi được chỉ dẫn cách quay dây thiều, cách thay đĩa, thay kim... ông hương chức nọ mua liền một cái.
Những thời kì đầu có khăn quá, thu dĩa phải chuyển sang Pháp để sang ra nhiều dĩa để bán. Em có biết thông tin, ngày xưa các nghệ sĩ tiên phong của SKCL chúng ta phải sang Pháp để thu bộ dĩa rồi về Việt Nam, sau đó sẽ phát hành bán ở VN. Lúc đó bên ta chưa thịnh hành phòng thu.