Bài hát đưa nghệ sĩ Út Trà Ôn lên danh hiệu Ông vua vọng cổ được nghệ sĩ Viễn Châu sáng tác trong cảm xúc xuất thần, và cũng cho ông danh hiệu Vua soạn giả vọng cổ.
Bài hát là một trong những điển hình của đặc thù sáng tác “đo ni đóng giày”: Viết theo chất giọng, làn hơi của một nghệ sĩ dành riêng cho nghệ sĩ đó biểu diễn… của các soạn giả cải lương Nam Bộ. Hơn 50 năm qua, bài vọng cổ này vẫn lay động lòng người và vẫn chưa có ai vượt qua được chất giọng ngọt ngào của Út Trà Ôn.
Hơn nửa thế kỷ qua, bản Tình anh bán chiếu vẫn đứng đầu trong các băng đĩa vọng cổ.
Tuyệt phẩm vang danh
Hơn nửa thế kỷ qua, bài hát đã thấm sâu trong lòng bao thế hệ. Trong lễ đón nhận danh hiệu NSND ở tuổi 91, khi soạn giả Viễn Châu được NSND Ngọc Giàu và NSND Kim Cương dìu lên sân khấu, một lãnh đạo Trung ương đã nhắc ngay bài ca cổ Tình anh bán chiếu của ông.
Không phải vô tình vị lãnh đạo nhắc đến bài hát này. Tình anh bán chiếu là một trong những bài hay nhất, có số phận đặc biệt và chính nó đã đưa nghệ sĩ Út Trà Ôn từ danh hiệu Đệ nhất danh ca do khán giả bình chọn trở thành Ông vua vọng cổ.
Cũng chính từ thành công vang dội, đĩa bán đắt như tôm tươi, nghệ sĩ Viễn Châu được báo chí tôn xưng là Vua soạn giả vọng cổ.
“Nghịch lý” anh bán chiếu “trễ hợp đồng” còn trách bóng hồng.
Trong hồi ký nghệ thuật của mình, nghệ sĩ Viễn Châu đã viết lại tình huống độc đáo của hoàn cảnh ra đời bài Tình anh bán chiếu như sau:
“Năm 1961, Giám đốc hãng đĩa nhạc Hồng Hoa bảo Viễn Châu cùng đệ nhất danh ca Út Trà Ôn đã ký một hợp đồng làm việc, vì vậy tôi phải sáng tác ngay một bản vọng cổ để Út Trà Ôn ca bản đầu tiên thâu đĩa hát.
Ngay sau đó tôi có công chuyện đi Bạc Liêu, về ngang Ngã Bảy Phụng Hiệp, tôi vô quán cà phê nghỉ chân, thấy một anh bán chiếu trẻ dáng quê mùa hiền lành đang ngồi dưới một mái hiên nhà nghỉ chân, tay cầm nón lá quạt quạt.
Dưới sông ghe thuyền tấp nập, phía trong đồng lại có một đám cưới đang rước dâu trên đường, thế là tôi nảy sinh một chủ đề. Anh bán chiếu có một mối tình thầm kín với cô gái đặt mua chiếu, năm sau đem chiếu lên bán thì cô đã đi lấy chồng. Anh ta vô cùng thất vọng và nỗi buồn của anh dâng trào như con sông “lai láng muôn dòng”.
Trên đường từ Ngã Bảy về tới Sài Gòn đêm đó, tôi đã soạn xong Tình anh bán chiếu trên xe”.
Nội dung bài hát là tâm sự thất tình của anh bán chiếu ở xứ Cà Mau. Một năm trước anh được cô gái ở xóm Rẫy Phụng Hiệp đặt đôi chiếu bông bề dài hai thước. Cô gái đã dẫn anh bán chiếu đến phòng riêng đo ni chiếc giường gõ đỏ.
Cô hỏi giá cả, anh bán chiếu trả lời lấy giá rẻ làm quen. Năm hôm sau, khi anh sắp sửa lui ghe, cô đứng trên bến dặn dò kỹ lưỡng. Anh bán chiếu (và có lẽ kiêm luôn dệt chiếu) đã nhặt từng cọng lác sợi gai, tự tay dệt đôi chiếu bông cho cô gái.
Nghệ Sĩ Viễn Châu (trái) và nghệ sĩ Út Trà Ôn (phải) thời trẻ.
Nhưng một năm sau, khi anh bán chiếu quay lại vàm kênh ngã bảy, vác đôi chiếu bông lên xóm rẫy, thì cửa vườn nhà cô đã đóng kín, xóm giềng cho biết cô đã theo chồng về xứ khác đã hơn bốn tháng rồi. Anh bán chiếu thất vọng, đem đôi chiếu quay lại xuồng, chờ con nước lớn để lui ghe mà cõi lòng tan nát, than trách cho mối tình tuyệt vọng.
Trong hơn 70 năm sáng tác, Viễn Châu đã không ít lần có phút thăng hoa như lần sáng tác Tình anh bán chiếu.
Là tác giả của hơn 2000 bài vọng cổ, hàng chục vở cải lương, ông lại là bậc thầy điệu nghệ chuyên “đo ni đóng giày” sáng tác riêng cho chất giọng, làn hơi, tính cách của từng người nghệ sĩ; giúp họ từ vô danh thành hữu danh, từ nghệ sĩ triển vọng thành ngôi sao nổi tiếng; từ “thế hệ vàng” Thanh Nga, Út Bạch Lan, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Kim Ngọc, Thanh Nguyệt…
Và ngay cả thế hệ hiện nay như Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy, Thanh Ngân…
Rõ ràng đây chỉ là quan hệ mua bán, đặt hàng, chưa thấy cô gái có tư tình tư ý gì về quan hệ yêu đương hay hẹn hò tình cảm. Thế nhưng trong ánh mắt si tình của anh bán chiếu, thì chừng như cô gái là người từng hẹn hò rồi phụ bạc. Anh trách chuyện cô gái lấy chồng là:
“Người ta đã có đôi rồi, chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung, để mình vác cặp chiếu bông, chờ đợi chi nữa uổng công đợi chờ”.
Không chỉ trách cô gái cụ thể này, anh còn khái quát cho cả những cô gái khác mà xót xa cho nghề bán chiếu: “Tôi thấy đời tôi sao lạnh lẽo khôn cùng. Còn chi buồn hơn nghề bán chiếu, để tô điểm loan phòng cho những gái còn xuân. Đến khi họ cất bước sang ngang, lại không một lời hỏi han từ giã”.
Dù trách, dù than như vậy, nhưng anh vẫn tiếp tục ôm lấy mối tình câm lặng đó “chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi khi”. Và dõng dạc thề nguyền “sông sâu bên lở bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai”.
Rõ là theo lô gích của đời sống và luật lệ thì không ai có thể buộc cô gái phải chờ nhận chiếu đã đặt hàng rồi mới được đi lấy chồng, hoặc bắt buộc cô gái phải hỏi han, từ giã anh bán chiếu trước khi lấy chồng, nên lời trách của anh bán chiếu thật là vô lý.
Hơn thế nữa, về thời gian, cũng hiếm ai đặt một đôi chiếu đến một năm sau mới lấy. Quãng đường từ Cà Mau lên đến Phụng Hiệp đi chậm lắm thì cũng chỉ vài ba con nước đến một tuần lễ, thời gian dệt chiếu mà anh bán chiếu thú nhận là chỉ “mấy ngày đêm ròng rả”, thì cái sự trễ tràng đến một năm sau mới giao chiếu của anh quả là đáng trách hơn.
Tiếng nói con tim phá vỡ những quy luật đời thường
Vậy thì tại sao anh bán chiếu chậm chạp trễ nải ấy lại được khán giả đồng cảm, những lời than trách rõ ràng vô lý của anh ta lại được hàng vạn hàng triệu người thương xót?.
Vì sao cái sự quá phận, lồng ghép quan hệ tình cảm yêu thương vào trong một quan hệ dân sự đơn thuần của anh bán chiếu lại được người nghe đồng tình?. Tại sao bao nhiêu thế hệ qua người ta không thấy, không trách sự chậm chạp, vô lý của anh bán chiếu?.
Chợ nổi Phụng Hiệp nơi tác giả lấy cảm hứng sáng tác tuyệt phẩm “Tình anh bán chiếu”
Điều độc đáo của bài hát, của tác giả là đã vượt lên trên cái lô gích hình thức của đời sống, những luật lệ thông thường mà bấm vào những quy luật tâm lý tình cảm của con người được đúc kết trong thành ngữ “khi thương trái ấu cũng tròn”.
Tài hoa của nghệ sĩ Viễn Châu là đã phả vào anh bán chiếu một tâm hồn đa cảm, lãng mạn và để cho anh ta nhìn suy diễn mọi việc theo lăng kính mù quáng cũa người yêu đơn phương. Anh bán chiếu đã tình cảm hóa, yêu đương hóa mọi hành vi của cô gái theo tưởng tượng của mình ngay từ lần gặp đầu tiên:
“Nhớ năm ngoái khi ghe vừa tới vàm sông Ngã Bảy, cô đã tươi cười dẫn tôi đến tận nhà cô”.
Việc cô tình cờ ra bờ sông dặn dò việc giao hàng lại được anh cảm nhận như là lời hò hẹn đến nỗi “sau khi cô đà quay gót, chiếc áo bông hường khuất dạng sau mấy lùm tre. Cô có biết đâu tôi đã lấy nón lá che ngang để giấu đôi dòng nước mắt, vì không muốn bàng quan thiên hạ họ cười tôi là một kẻ si tình”.
Sức sống và sự độc đáo của bài hát là ở đó. Vượt lên trên lý lẽ, câu chuyện không cần phải éo le gay cấn, bài hát đã bấm đúng vào tâm lý con người, khắc họa được trái tim run rẩy của anh con trai si tình, một mối tình đơn phương bi lụy.
Trái tim có quy luật riêng, có tiếng nói riêng của nó. Nghệ sĩ Viễn Châu đã nghe được tiếng nói tưởng như vô lý đó và đã nói thay cho hàng vạn hàng triệu con người từng đã có lần, có lúc xao lòng, oặn thắt vì những mối tình đơn phương hư ảo.
Một nguyên nhân khác không thể thiếu là những lời lẽ yêu thương hờn trách thiết tha đó đã được nói bằng ngôn ngữ chất phác Nam bộ, và giọng hát ngọt ngào chân chất của ông Vua vọng cổ Út Trà Ôn. Một nghệ sĩ tài hoa thiên phú, từ thanh niên nông thôn tỉnh lẻ, tướng tá lù khù xấu trai mà giọng ca ngọt lịm, đã chinh phục từ các đoàn hát miền Tây đến đài Phát thanh Pháp Á, thi đâu đậu đó.
Chính giọng ca của ông, sự hâm mộ của khán giả trong ngoài nước của ông đã giúp đoàn Thanh Minh, Thanh Nga sắp phá sản được vực dậy và phát triển trong bối cảnh cải lương Sài Gòn đang khủng hoảng thời đó.
Cũng chính ông ra luật làm cho bà bầu Thơ (mẹ nghệ sĩ Thanh Nga) một người quản lý có bàn tay thép bọc nhung phải chùn bước nhượng bộ, rồi thêm một lần nữa, cũng chính ông phạm luật nhưng bà bầu Thơ lại phải tiếp tục chùn bước vì sợ bể hợp đồng với khán giả Việt kiều.