Tối 4.6, Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP.HCM sẽ tổ chức tại Nhà hát TP chương trình Làn điệu phương nam với chủ đề “Những kép độc trên sân khấu cải lương”. Đây là chương trình định kỳ hàng tháng phục vụ miễn phí khán giả.
Chương trình sẽ hội tụ những nghệ sĩ “lão làng” như: NSƯT Hùng Minh, Nam Hùng, NS Trường Sơn, NS Thanh Phú, La Kính, Công Minh, Chí Bảo, Khánh Tuấn... để nói về những bí quyết, kinh nghiệm, vui buồn... của vai kép độc trên sân khấu cải lương.
NSƯT Vũ Linh và NS Chí Bảo - người nổi tiếng đóng những vai kép độc trên sân khấu tuồng cổ, trong vở “Tình sử Dương Quí Phi”
Chương trình mang tính học thuật
Đạo diễn Hữu Luân - Giám đốc TTTCBD và ĐA TP.HCM cho biết: “Trước hết xuất phát từ ý nghĩa tôn vinh những nam nghệ sĩ đã thể hiện thành công những vai kép độc trên sân khấu cải lương trong suốt 40 năm qua. Họ là những nghệ sĩ tận tụy với nghề, hết lòng sáng tạo để thể hiện thành công nhiều vai diễn nổi tiếng. Qua đó đưa ra một nhận định: Như thế nào là một kép độc, một vai phản diện trong một vở cải lương.
Tầm quan trọng của vai diễn này đòi hỏi các nghệ sĩ đã phải lao tâm khổ trí như thế nào. Ngoài ra, Trung tâm của chúng tôi muốn ghi lại hình ảnh, phát biểu có tính học thuật cộng với những minh họa mang tính nghệ thuật cao để phục vụ cho công tác bảo lưu của sân khấu cải lương trên màn ảnh nhỏ”.
Soạn giả, NSND Viễn Châu cho biết: “Theo tôi chương trình Làn điệu phương nam đi vào chuyên đề sân khấu “Những kép độc trên sân khấu cải lương” rất hay. Đây sẽ là một trong những chuyên đề đi sâu vào học thuật nhằm giúp khán giả trẻ yêu thích nghệ thuật có cái nhìn rộng hơn về những thành công của người nghệ sĩ chuyên đóng vai kép độc và hiểu thế nào là kép độc của sân khấu cải lương và qua chương trình này nhắn nhũ với diễn viên trẻ đừng sợ vai phản diện.
Đó là một kỳ công thú vị của nghệ thuật cải lương mà khi đã đạt được thâm hậu sẽ rất hãnh diện vì mình được công chúng công nhận nghệ sĩ đóng thành công vai kép độc”.
Vai kép độc... tạo sinh khí cho vở diễn
NS Công Minh - người có hai vai diễn phản diện được công chúng nhớ đến đó là thái giám (Tô Hiến Thành xử án) và Quách Hòe (vở Bích Vân Cung kỳ án) nói: “Chính vì lo ngại sẽ không có nhiều diễn viên trẻ nối nghiệp để diễn các vai phản diện nên chúng tôi tham gia suất diễn này nhằm nói lên những tâm huyết của chúng tôi. Qua đó mong sao các diễn viên thế hệ hôm nay sẽ hiểu đúng về sở trường kép độc”.
Soạn giả Kiên Giang cho biết: “Cụm từ kép độc là khái niệm chỉ anh kép đóng vai xấu, đối lập với cụm từ kép mùi (vai tốt). Cách nói này xuất hiện từ khi có hoạt động sân khấu cải lương, chọn đào lựa kép, đã trở thành một cách nói phổ cập trong nghề và trong công chúng. Trong một vở tuồng thì kép độc là vai đối đầu với kép mùi, là vai gieo gió, là động lực gây ra xung đột, nghĩa là giữa cái ác và cái thiện. Nếu không có cái ác khốc liệt thì không bật lên được cái thiện sáng ngời.
Do đó vai trò của anh kép độc và kép mùi phải cân bằng thế và lực. Thế nhưng trước kia và ngay cả bây giờ dường như một số bầu và tác giả chỉ quan tâm lăng xê kép mùi, ít để ý nhiều đến kép độc. Đó cũng là nguyên nhân khiến một số kịch bản diễn trên sân khấu cứ nhàng nhàng, thiếu hơi nóng của sinh khí. Có thể khẳng định nếu không có những vai kép độc thì sân khấu cải lương đã mất đi sức hấp dẫn của nó, bởi nếu thiếu một Tô Định thì làm sao có được sự chia ly đầy nước mắt của Trưng Trắc, Thi Sách, nếu thiếu một Chu Phác Viên độc tài, mưu mô thì làm sao tấn bi kịch của Thị Bình, Lỗ Tứ Phượng, Phồn Y có thể làm người xem thương cảm...”.
NS Trần Hoàng Gin - diễn viên trẻ tại Cà Mau, tốt nghiệp lớp diễn viên do Nhà hát Trần Hữu Trang đào tạo, đang đi theo sở trường kép độc - ảnh chụp chung với diễn viên Diễm Kiều NSƯT Nam Hùng và Thanh Thanh Tâm trong live show “Thanh Thanh Tâm - Vọng phu”
Kép độc góp phần soi rọi công chúng
NSƯT Hùng Minh - người nổi tiếng với nhiều vai kép độc cho biết thêm: “Vai kép độc cần có ngoại hình khỏe mạnh, giọng thoại phải rõ, thể hiện tính khí của nhân vật. Không phải cứ la hét, nạc nộ, đánh võ thật hay... là sẽ đạt yêu cầu, cái cần thiết của một vai độc là đi vào nghiên cứu tâm lý nhân vật. Diễn cho ra cái thần của nhân vật.
Các bạn trẻ hôm nay rất ít chịu đi vào nghiên cứu để diễn những vai kép độc, họ sợ bị khán giả ghét, vì cái độc bao giờ cũng là tác nhân gây ra những bi kịch cho những nhân vật lương thiện. Chí ít những vai độc đối với tôi cũng là một phần soi rọi đối với công chúng. Bởi, người nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, mà trách nhiệm của chúng ta phải cảnh giác người xem tránh xa cái xấu, cái ác”.