LÀ MỘT NGHỆ SĨ THUỘC CỘI ĐA, CỘI ĐỀ CỦA BỘ MÔN NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG, MỘT LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT MANG TẦM QUỐC HỒN QUỐC TUÝ CỦA DÂN TỘC. KHÔNG BIẾT BAO LẦN CÔ ĐÃ ĐÓNG VAI TRÒ NGƯỜI CHIẾN SĨ TRÊN MẮT TRẬN VĂN HOÁ ĐỂ ĐEM CHUÔNG ĐI ĐÁNG XỨ NGƯỜI ĐỂ RỒI CẢI LƯƠNG VIỆT NAM ĐÃ VANG DANH TRÊN TOÀN THẾ GIỚI.
NHƯNG MỖI LẦN NGHE CÔ ĐI BIỂU DIỄN NHƯ THẾ, KHÁN GIẢ YÊU CẢI LƯƠNG VÀ NGƯỜI VIỆT NAM ĐỀU THẤY HÃNH DIỆN VÔ CÙNG. ĐẦU THÁNG 5 NÀY, NSND - TIẾN SĨ BẠCH TUYẾT SẼ CÙNG VỚI NSUT THOẠI MỸ, NSUT KIM TỬ LONG, NSUT PHƯỢNG LOAN SANG NHẬT BIỂU DIỄN TRONG CHƯƠNG TRÌNH VĂN HOÁ - VĂN NGHỆ NHÂN CHÀO KỶ NIỆM 40 NĂM VĂN HOÁ VIỆT - NHẬT, MỘT CHƯƠNG TRÌNH MANG TẦM VÓC QUỐC TẾ.
NSND - TIẾN SĨ BẠCH TUYẾT ĐÃ DÀNH CHO BÁO SÂN KHẤU MỘT BUỔI TRÒ CHUYỆN NGẮN TRƯỚC KHI LÊN MÁY BAY ĐỂ LÀM NHIỆM VỤ THIÊNG LIÊNG NÀY.
- Thưa cô, điều gì đã làm cô nhận lời trong chuyến đi này? Cảm xúc của cô?
Bác Hồ nói "văn học nghệ thuật cũng là mặt trận, các văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Chúng tôi vui vì có cơ hội giao lưu văn hoá cùng các nước, đặc biệt là nước Nhật - chỉ vừa mới ổn định phát triển sau cơn động đất, sóng thần có một không hai trên hành tinh. Càng vui hơn vì được hát cho bà con mình đang làm việc, sinh sống tại quốc gia này.
- Xin cô cho biết, cô và các nghệ sĩ sẽ đem đến chương trình các tiết mục gì?
Những vở diễn kinh điển của nghệ thuật Cải lương mang nội dung, chống xâm lăng, ca ngợi tấm lòng nhân nghĩa thủy chung, tình làng nghĩa xóm, nói lên những đức tính cao đẹp của con người Việt Nam từ dựng nước, giữ nước, trải qua bao thế hệ đã được bà con mình yêu thích, trân trọng giữ gìn gồm: Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga, Đời Cô Lựu, Lý Chiêu Hoàng, Hồn Thơ Ngọc,...vv... cùng những bài ca cổ như Quê hương, Mẹ...
- Do trở ngại về mặt ngôn ngữ nên khán giả bản địa sẽ khó cảm nhận những điều mà người nghệ sĩ gửi gắm qua vai diễn. Vậy người nghệ sĩ trên sân khấu phải làm sao để họ có thể hiểu và cảm nhận hết cái hay, cái độc đáo của bộ môn nghệ thuật cải lương? Đây cũng là một bài học lớn mà các nghệ sĩ trẻ cần phải học hỏi, rất mong cô chỉ bảo.
Bên phía bạn yêu cầu chúng tôi gửi các tiết mục trong chương trình sang trước với đầy đủ nội dung, ý nghĩa đặc thù của thể loại để bên bạn cho phiên dịch giới thiệu, chuẩn bị sẳn nên người xem sẽ không gặp trở ngại trong việc thưởng ngoạn nghệ thuật Cải lương VN.
- Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật chắc chắn rất nóng lòng để được gặp Cô - một Cải lương Chi Bảo. Chắc hẳn cô có rất nhiều tâm sự gởi đến kiều bào của mình.
Vâng! Chắc là vậy. Người đi xa thường nhớ nhất những gì thân thương của tuổi thơ trải qua, niềm vui, nỗi buồn, con đò, cây đa, dòng sông, bến nước. Ngoài các buổi biểu diẽn phục vụ bạn. Đại sứ quán cùng các lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật cho biết sẽ tạo điều kiện để các nghệ sĩ gặp gỡ giao lưu, hát tặng bà con mình.
- Thưa Cô, hiện nay có rất nhiều nghệ sĩ trẻ lưu diễn ở nước ngoài. Ngoài việc mang tính chất là biểu diễn phục vụ nhưng sâu hơn vẫn là quảng bá bộ môn Nghệ thuật Cải lương của mình. Là một bậc Thầy, xin Cô chỉ dạy thêm kinh nghiệm để giúp họ hoàn thành được sứ mạng của mình một cách tốt nhất khi lưu diễn ở nước ngoài.
Mỗi văn nghệ sĩ là một sứ giả, các bạn trẻ hôm nay được học hỏi, được chăm chút tạo điều kiện làm nghề, các bạn có cơ hội đi nhiều nắm bắt thông tin. Thời đại thuộc về các bạn, mỗi bạn sẽ tự biết cách giới thiệu mình, đất nước mình với con người ở các quốc gia mình đi qua. Tôi nghĩ kinh nghiệm của mỗi người không phải lúc nào cũng cần thiết cho ai đó!
- Thưa Cô, Cô còn điều gì chia sẻ trước chuyến đi?
Mỗi bận đi xa đều có cái để thấy, để học, nhưng được "về lại nhà" sau mỗi chuyến đi mới là niềm vui nhất của tôi!
Rất cám ơn Cô đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn. Xin chúc Cô và nghệ sĩ trong đoàn thành công rực rỡ và hoàn thành sứ mạng của mình trong chuyến đi này. Khán giả quê nhà rất thương và qúi mến Cô.