Đạo diễn trẻ chọn đề tài Lịch sử để dựng vở là một điều đáng mừng. Lịch sử là hồn dân tộc , cần phải được yêu quý, giữ gìn, phải được đứng trên Thánh đường Nghệ thuật. Nhưng, chỉ yêu thôi chưa đủ, bởi dựng vở Sử không hề đơn giản.
NSUT Hữu Quốc & NS Lê Hồng Thắm
Vở Cải lương Gió Hoàng Cung ( Tác giả: Phạm Tân, Tuấn Anh – Chuyển thể cải lương: Hà Nam Quang ) vừa công diễn là một sự cố gắng lớn của đạo diễn trẻ Phan Ngọc Thức. Kịch bản không nói về những trận đánh hào hùng, những sự kiện nổi bật được đề cập chi tiết trong Lịch sử , mà lại chọn một góc khuất rất nhỏ, một thân phận phụ nữ chỉ được miêu tả vài dòng ngắn ngủi là Công chúa Lê Thị Ngọc Bình.
Bà vốn dòng hoàng tộc nhà Lê, được gả cho Nguyễn Quang Toản, con trai của Quang Trung Nguyễn Huệ, làm chính cung hoàng hậu nhà Tây Sơn. Ngày Nguyễn Ánh ( vua Gia Long ) đánh vào Phú Xuân, Quang Toản đào vong, bỏ lại Ngọc Bình nơi cung cấm. Say mê nhan sắc cũng như thân phận hoàng tộc nhà Lê của bà, Nguyễn Ánh phong bà làm Đệ Tam Phi. Trong khoảng thời gian chung sống, dù được Nguyễn Ánh hết mực yêu thương chiều chuộng, Ngọc Bình vẫn không quên được nhà Tây Sơn, nên sau khi sinh cho Ánh được bốn người con, bà đã qua đời ở tuổi 27.
Chọn thân phận phụ nữ trong thời loạn là một ý tưởng mới mẻ của hai tác giả trẻ. Tuy không có nhiều chi tiết để tham khảo, hầu hết đều phải hư cấu, nhưng ngược lại, điều đó đã mở rộng đường cho sự sáng tạo, không bị phụ thuộc nhiều vào chính sử, dễ dàng tập trung miêu tả tâm lý của nhân vật. Tuy nhiên, để có thể dàn dựng kịch bản tốt như thế, cần phải có một bàn tay của đạo diễn nhiều kinh nghiệm. Hình như Phan Ngọc Thức quá trẻ nên dù rất nhiệt tâm, nhưng anh chưa thể xử lý trọn vẹn những đòi hỏi, gút mắc trên Sân khấu.
Trước hết là về âm nhạc, việc lạm dụng cây đàn Organ khiến vở diễn thiếu hẳn sự mượt mà, da diết cố hữu của nghệ thuật Cải lương. Có đoạn lại “ chuyển tông “ hao hao nhạc Hoa, cứ như mượn tạm ở đâu đó để “ chữa cháy “. Hữu Quốc, Lê Hồng Thắm vốn là những diễn viên giỏi của làng Cải lương, nhưng cũng khó phát huy được thế mạnh của mình trước cách hòa âm phối khí nặng chất “ điện tử “ như vậy.
Vở diễn còn sơ suất trong cách xử lý tâm lý nhân vật. Ngọc Bình vốn dòng Hoàng tộc, được giáo dục nghi lễ, văn hóa kỹ lưỡng, dù có căm ghét, thù hận Nguyễn Ánh thế nào đi nữa, cũng khó có thể mắng chửi ông cay cú như vậy. Đặc biệt, là cách dùng từ “ Người đàn bà dạng chân giữa hai triều đại “ được thốt ra từ miệng của một công chúa đến hai lần thì có vẻ hơi dung tục.
Hơn nữa, khi chấp nhận làm Đệ Tam Phi của Nguyễn Ánh, bà đã xác định tư tưởng là để cứu mạng gia thần, bộ hạ nhà Tây Sơn, nhưng cứ mắng chửi, chì chiết liên tục, khác nào chọc tức ông, khiến ông thẳng tay tàn sát hơn mà thôi. Ngay cả khi mang thai, còn chưa xác định đứa con trong bụng là của Quang Toản hay Nguyễn Ánh, bà lại một lần nữa “ hiên ngang “ đối đầu, làm cho Nguyễn Ánh nghi ngờ nguồn gốc của bào thai. Dù đứng ở tâm lý trung trinh tiết liệt, muốn giữ lại huyết mạch cho nhà Tây Sơn, hay ở vị trí một người mẹ, sao có thể hành động bất trí như thế.
Vở diễn rất ngắn, chỉ hơn một tiếng rưỡi, nhưng lại có cảm giác lê thê, vì câu chuyện của Nguyễn Ánh và Ngọc Bình cứ xoay lòng vòng, cùng với những tiếng mắng chửi, gào thét không cần thiết khiến khán giả không khỏi “ nhức đầu “. Gía như Ngọc Bình mềm mại hơn chút nữa, thì những lời cay đắng của bà sẽ lọt tay Nguyễn Ánh hơn. Nét đẹp và thế mạnh của Ngọc Bình không phải là sự hiên ngang, mà là nền giáo dục, văn hóa hoàng tộc đã khiến Nguyễn Ánh say lòng, thì tại sao khi chung sống không thấy bà sử dụng nó?
Tuy nhiên, vở diễn lại có một điểm cộng ở phần diễn xuất.Hữu Quốc diễn rất tròn vai, từng cử chỉ, nét mặt đều được anh chăm chút tỉ mỉ. Một vua Gia Long quyết đoán, bạo ngược và một người đàn ông dịu dàng, si tình, tuy rất mâu thuẫn, nhưng lại cùng tồn tại rất hợp lý, liên tục hoán vị cho nhau, vừa đáng giận cũng vừa đáng thương. Lê Hồng Thắm cũng vậy, cô diễn tốt ở những đoạn tự sự, tâm lý của Lê Thị Ngọc Bình. Nhưng giá như lúc đối mặt với Nguyễn Ánh, cô bớt “ cương” đi một tí, nhiều thêm một vài khoảng lặng, một vài sự mâu thuẫn trong nội tâm thì sẽ hay hơn.
Dù sao vẫn mừng khi có những người trẻ chọn lịch sử để viết và dựng.Họ có quyền thử nghiệm.Chưa thành công thì làm lại.Mỗi lần làm là họ có thêm bài học quý giá. Vẫn hơn chạy theo những món thời thượng, vô bổ. Vẫn mong ai đó đỡ đầu để họ tiếp tục làm nghề, đừng bỏ cuộc. Một sàn diễn, một hợp đồng… Chỉ sợ sau cuộc thi, vở diễn bị cất kho thì ai còn tâm huyết để làm nghề! Dựng sử không dễ, nhưng càng khó hơn khi tìm cho vở một đầu ra, tiếp cận với khán giả, chen chân với hài, ma, sinh hoạt…