PN - Trong số 20 đạo diễn (ĐD) tham gia cuộc thi Tài năng trẻ ĐD sân khấu 2013 chỉ có bốn ĐD ở lĩnh vực cải lương. Trong đó, cái tên Phan Ngọc Thức được nhiều người chú ý, bởi đây là một tên tuổi còn rất mới.
Tham dự cuộc thi bằng vở diễn Gió hoàng cung (TG: Phạm Tân - Anh Tuấn, chuyển thể Hà Nam Quang), Phan Ngọc Thức càng được chú ý hơn vì đây là vở diễn thuộc đề tài lịch sử, khai thác mối quan hệ của vua Gia Long và tam cung hoàng hậu - công chúa Ngọc Bình, người vốn là vợ của vua Quang Toản.
Nhưng, khi vở diễn ra mắt, cách làm mới cải lương của ĐD trẻ này đã khiến khán giả giật mình. Vở diễn là cải lương nhưng phần âm nhạc lại được xử lý hoàn toàn chỉ trên một chiếc đàn organ. Đáng nói hơn, phần nhạc cổ của vở diễn được thu sẵn, tất cả diễn viên đều hát playback trên nền nhạc suốt vở diễn!
Gió hoàng cung - vở cải lương được chờ đợi nhiều nhất nhưng cũng gây thất vọng nhiều nhất
Việc hát playback của các nghệ sĩ cải lương không có gì mới mẻ, thậm chí còn được xem là giải pháp hữu hiệu cho những chuyến lưu diễn về vùng sâu, vùng xa, không thể mang theo cả dàn nhạc chỉ vì một tiết mục ca cổ. Tuy nhiên, cách làm này chỉ có thể áp dụng với những tiết mục ca lẻ, thậm chí có thể du di cho một trích đoạn, còn áp dụng cho cả một vở diễn thì e chừng không ổn.
Một trong những yếu tố tạo nên sự độc đáo và hấp dẫn của nghệ thuật cải lương là khả năng ca diễn của nghệ sĩ và sự hòa điệu của dàn nhạc dân tộc cũng như sự quăng bắt của từng nhạc công. Tất cả những điều đó đã bị phá vỡ bởi cách làm mới ở Gió hoàng cung. Không chỉ làm mất tính “tài tử” của cải lương, việc sử dụng chỉ một cây đàn organ và thu sẵn toàn bộ âm nhạc của vở như đã biến tác phẩm cải lương, nghệ sĩ cải lương thành những “sản phẩm công nghiệp”, sáng tạo rập khuôn. Diễn viên phải “lập trình” theo để ăn khớp với âm nhạc và không được phép thay đổi.
Khổ nỗi, dù diễn viên đã cố gắng để ăn khớp, nhưng những trục trặc vẫn cứ liên tục xảy ra. Suốt buổi diễn, không ít lần diễn viên và âm nhạc “cãi lộn” nhau vì âm nhạc được mở không khớp với lời ca của diễn viên hoặc vì âm thanh của phần nhạc đột ngột lớn bất ngờ…
Dấn thân vào loại hình sân khấu dân tộc là điều rất đáng trân trọng ở ĐD trẻ Phan Ngọc Thức. Khát khao được thể nghiệm, làm mới cải lương ở một ĐD chỉ mới hơn 20 tuổi cũng là nỗ lực đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, dù có làm mới cách nào, làm mới đến đâu cũng không thể thiếu sự am hiểu thấu đáo về những tinh túy của nghệ thuật cải lương.
haizzzzz, bó tay. Không biết bình luận sao nữa. Có thể sau này tân tiến hơn nữa sẽ có vở diễn mà Nghệ sĩ sẽ nhép 100%, từ câu thoại đến câu nói lỗi hay ngâm thơ.... biết đâu chừng
Có nên khắc khe thế không, khi cải luơng trong giai đoạn bảo hoà, 1 đạo diễn trẻ muốn đưa ra cái bắt kịp thời đại thì mọi người lại đả kích, diễn y như cũ thì bị coi là bắt chước????
Theo tôi nghĩ, cái nào cũng có cái hay riêng, nhưng chúng ta chưa làm cho nó tới thôi!!!!
Vậy, cần xem lại chúng ta đang cần gì ở cải lương truớc khi chúng ta chê nó, đó là điều cần nhất!!!!
Koala cũng xài beat cho TĐ thường xuyên, thời buổi hiện nay đầu tư dàn nhạc công theo 1 vở diễn từ đầu thì nặng tiền lắm ah. Nếu beat chưa hay thì làm cho hay hơn thôi.
Đồng ý với đồng chí Gấu và anh Âu .....phải có một cái nhìn thoáng tí chút..beat hay hát nhép chẳng là xấu..chỉ là do quá lạm dụng thôi...và cái quan trọng nữa là do định kiện của mọi người..tùy hoàn cảnh thôi...
Bài viết rõ ràng châm chích và dìm hàng đạo diễn trẻ này. Phải chi được cơ quan ban ngành hỗ trợ kinh phí cao cho việc dàn dựng 1 tiết mục dự thi chắc ko ai ngu dại đi xài Beat làm chi đâu.
Thật ra diễn theo Beat ko dễ tí nào nhưng có cái hay là bắt người diễn viên phải thuộc tuồng và ko được cương bậy bạ. Làm Beat mà hay như cỡ Koala thì ko thua thì 1 dàn nhạc hoành tráng đâu nha.
Công nhận bà Đào nói đúng người bấm Beat rất quan trọng, cũng may CLB mình có Romeo và Koala, quá ư chuyên nghiệp.
Đạo diễn này bị xui, tìm ko đúng người bấm Beat nên mới để xảy ra sự cố đáng tiếc, rồi bị kéo theo chửi cách sử dụng Beat luôn, tội cho cái Beat quá, hihi.
Trong bài viết có nhắc đến ..." mất tính "tài tử" của cải lương"...
Hihihi, "cải lương" thì làm sao có chất "tài tử" được, đúng ko ka?
Đúng là dùng beat rất khó khăn cho nghệ sĩ, và chẳng ai dại gì làm như thế nếu như được đầu tư quan tâm đúng mức, và cũng thiếu tính chuyên nghiệp đối với 1 vở diễn để đi thi. Nhưng nghĩ lại, một dàn đờn có thể theo từ đầu đến cuối tuồng không thể đơn giản chỉ là nhìn kịch bản mà đàn, nó đòi hỏi phải dàn đờn theo suốt được quá trình tập luyện của vở. Có nhiều thứ đáng lên án hơn nữa kia mà, và không phải hễ có 1 dàn đàn trực tiếp thì sẽ không gặp sự cố.
Nói thế, chứ cũng không khuyến khích vấn đề chơi beat đối với hội thi chuyên nghiệp à nghen. Vì giữa người ca và người đàn luôn có 1 sự hòa quyện về... tâm hồn.
MEM nghĩ trong chuyên nghiệp, nhất là thi thố tay nghề dàn dựng hay hát hò thì ko nên sử dụng beat. Chạy show hay hát chơi thì miễn bàn. Bản thân beat ko có gì xấu nhưng mỗi cuộc chơi mỗi ngành nghề có những quy chuẩn của nó mà công nghệ hóa thì mất đi tính nghệ thuật đặc thù (nghệ thuật của đàn và hát hòa quyện vào nhau cùng thăng hoa).