Cuối thập niên 60, cố nghệ sĩ tài danh Minh Tơ thành lập đoàn Đồng Ấu Minh Tơ, gồm các con cháu của những nghệ sĩ hát bội và hát bội pha cải lương nổi danh đương thời để đào tạo thành một lớp nghệ sĩ trẻ tài năng với lòng kỳ vọng là sẽ có một lực lượng nghệ sĩ mới đủ sức gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát tuồng cổ theo như tâm nguyện của ông.
Trong số đệ tử được ông Minh Tơ đào tạo, ký giả kịch trường và khán giả ái mộ nghệ thuật hát tuồng cổ thường nhắc đến những nghệ sĩ trẻ Thanh Tòng, Bạch Lê, Bữu Truyện, Thanh Thế, Ngọc Đáng, Thanh Hoàng (sau đổi tên là Bo Bo Hòng), Xuân Yến, Trường Sơn, Thanh Ngọc, Thanh Loan,…
Bữu Truyện sớm nổi danh
Các nghệ sĩ Bữu Truyện, Thanh Thế, Bạch Lê và Bo Bo Hoàng là những nghệ sĩ nổi danh sớm hơn các bạn đồng học nghề trong đoàn Đồng Ấu Minh Tơ, có lẽ là vì Thanh Thế, Bữu Truyện, Bạch Lê, Bo Bo Hoàng được các đoàn hát khác mời cộng tác, được đi lưu diễn nhiều nơi và nhất là cả bốn nghệ sĩ nầy thu thanh trong các Ban Cổ Nhạc của Đài Phát Thanh Saigon và thu nhiều dĩa tuồng cải lương hồ quảng nên khán, thính giả được thưởng thức nhiều hơn các bạn khác trong những năm cuối thập niên 1960.
Nghệ sĩ Bữu Truyện tên thật là Nguyễn Văn Truyện, sanh năm 1945, con của nhạc sĩ đàn tranh Tám Chi, mẹ là nữ nghệ sĩ hát bội Tám Út. Bữu Truyện là anh trai lớn, kế đó là Bữu Châu (nghệ sĩ mất năm 1989), và ba em khác cũng là nghệ sĩ : Bữu Khánh, Mỹ Phụng, Bữu Ấn.
Lên 10 tuổi, Bữu Truyện được cha mẹ cho theo thầy Minh Tơ học hát trong đoàn Đồng Ấu Minh Tơ một lược với các bạn trẻ Thanh Tòng, Bạch Lê, Thanh Thế, Trường Sơn, Bo Bo Hoàng...
Năm 12 tuổi, Bữu Truyện đã nổi danh thần đồng, hát chung với Thanh Thế trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa Cáo trong dịp Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu tổ chức hát gây qủy của Hội tại rạp Hào Huê năm 1957.
Năm 15 tuổi, Bữu Truyện được mời hát vai kép chánh trong đoàn hát Nam Thanh - Thu Ba, rồi ông bầu Mười Vàng mời Bữu Truyện hát cho đoàn Hoa Xuân Mười Vàng. Ông bà Bầu Bảy Huỳnh - Ngọc Hương cũng mời diễn viên Bữu Truyện về hát vai kép chánh của đoàn Thanh Bình Kim Mai.
Cặp đào kép Bữu Truyện - Thanh Thế
Năm 1965, Bữu Truyện và Thanh Thế là cặp đào kép chánh của đoàn hát bội pha cải lương Phước Thành, thời gian nầy Bữu Truyện và Thanh Thế cũng là đôi diễn viên thường trực của Ban Cải lương Phương Nam, đài Phát Thanh Saigon mà Nguyễn Phương là trưởng ban.
Nghệ sĩ Bữu Truyện có nhiều vai hát để đời như vai Đổng Trác tuồng Phụng Nghi Đình, vai Lương Sơn Bá đóng chung vớ nữ nghệ sĩ Kim Mai trong tuồng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, vai Phàn Định Công trong San Hậu và vai Hoàng Phủ Thiếu Hoa trong tuồng Mạnh Lệ Quân. Bữu Truyện cũng rất xuất sắc trong các vai tuồng như vai Châu Du, vai Lưu Bị trong tuồng Lưu Bị Cầu Hôn Giang Tả, vai Tào Tháo tuồng Huê Dung Đạo, vai Triệu Khuông Dẩn tuồng Trảm Trịnh Ân,vai Tống Nhơn Tôn tuồng Xử Án Bàng Quí Phi.
Sau năm 1975, Bữu Truyện hát ở đoàn Huỳnh Long, thành công qua các tuồng Lá Chắn Biên Thùy, Tấm Cám, Hùm Thiêng Yên Thế, Bí mật thành Cổ Loa.. Sau đó anh về hát cho đoàn Khánh Hồng – An Giang.
Về nghệ thuật hát cải lương tuồng cổ, Bữu Truyện được chân truyền của bậc thầy nghệ sĩ Minh Tơ nên Bữu Truyện hát vai nào cũng hay, bộ múa thật đẹp, nhất là khi anh xử dụng đôi cặp lông trĩ gắn trên mão để biểu diễn khí thế của những vai tướng như Lữ Bố, Triệu Tử Long…
Giọng hát của Bữu Truyện hơi khàn nên anh khai thác triệt để ưu thế của anh về phương diện diễn xuất, về các bộ múa và nhất là về phương diện hóa trang, Bữu Truyện chiếm được sự ái mộ nồng nhiệt của khán giả ngay khi anh mới xuất hiện trong lớp diễn.
Vì Bữu Truyện có nhiều năm công tác với Ban Phương Nam của Đài Truyền Thanh và Đài Truyền Hình do tôi thực hiện, tôi biết ngoài nghệ thuật ca diễn tuổng cổ như đã kể, Bữu Truyện còn biết xử dụng một cách tài tình các nhạc cụ như đàn guitare phím lõm, đàn tranh, đàn cò và đánh trống. Khi thu thanh nếu như thiếu diễn viên, Bữu Truyện có thể đổi giọng, hát nhiều vai một cách rất xuất sắc.
Trở thành cặp vợ chồng nghệ sĩ
Bữu Truyện và Thanh Thế đồng năm sinh, đồng hương Mỹ Tho, nhiều năm hát chung với nhau trên một sân khấu nên Bữu Truyện và Thanh Thế yêu nhau, kết hôn năm 1967 và sanh hạ được hai con: con trai lớn là Nguyễn Văn Dũng, nhạc sĩ đàn bầu, đàn tranh và đàn organ, tốt nghiệp trường Nghệ Thuật Sân Khấu và con gái là Nguyễn Thị Thanh Liên, nữ diễn viên của đoàn Khánh Hồng - An Giang.
Thanh Thế tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thế, sinh năm 1945 tại Mỹ Tho. Cha là nhạc sĩ đàn tranh Ba Tần, ông qua đời lúc Thanh Thế được 7 tuổi. Kế phụ của cô là nghệ sĩ hát bội tài danh Tám Văn, một trong những sáng lập viên của Hội Khuyến Lệ Cổ Ca, mẹ là nữ nghệ sĩ hát bội Năm Túy, tên thật là Bùi Thị Túy. Hai nghệ sĩ Tám Văn và Năm Túy là đôi diễn viên trụ cột của đoàn hát Tấn Thành Ban Bầu Cung.
Đoàn Tấn Thành Ban có hai đoàn, đoàn hát Tấn Thành Ban 1 do nữ nghệ sĩ Tư Châu điều khiển, hát thường trực ở đình Cầu Muối và đoàn Tấn Thành Ban 2 do nữ nghệ sĩ Năm Đồ điều khiễn, hát thường trực trong đình Minh Phụng ở Chợ Lớn.
Nữ nghệ sĩ Thanh Thế
Theo lời kể của ký giả Nguyễn Ang Ca khi anh xem Thanh Thế hát vai Thần Nữ trong tuồng Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ nhân suất hát Hội của Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ tổ chức tại rạp Nguyễn Văn Hảo, anh hỏi cha của cô Thanh Thế : « Anh dạy cách nào mà cháu còn trẻ tuổi quá mà cháu hát hay như một nghệ sĩ tài danh đương thời? ».
Anh Tám Văn trả lời : « Có lẽ nhờ Tổ nghiệp thương mà ban cho nó cái duyên sân khấu. Còn nhớ hồi nhỏ, lúc nó mới bốn tuổi, khi thấy má nó hát vai Giả Thị trong tuồng Ngũ Vân Thiệu bị thương, Giả Thị chạy loạn, thất lạc trong rừng mà vẫn bị Thượng Sư Đồ theo truy bắt, Giả Thị sanh con trong rừng, nó coi má nó diễn mà nó khóc mùi mẫn. Lúc sanh con, Giả Thị bồng tượng Tổ làm hài nhi, tối đêm hôm đó, Thanh Thế nhứt định đòi bế tượng Tổ nó mới chiụ đi ngủ. » Bà Bầu nói : « Thanh Thế có « nghiệp duyên » nên đêm đó cho Thanh Thế ôm tượng Tổ mà ngủ.»
Năm 10 tuổi, Thanh Thế gia nhập đoàn Đồng Ấu Minh Tơ, được nghệ sĩ Minh Tơ truyền nghề trong vòng 7 năm, trong thời gian đó Thanh Thế thường đêm vẫn hát trên sân khấu Đồng Ấu rồi diễn trên sân khấu Minh Tơ với các nghệ sĩ đàn chú đàn bác. Thanh Thế tạo được tên tuổi qua các vở tuồng Thần Nữ dâng ngủ linh kỳ, Phụng Nghi Đình, Trảm Trịnh Ân, Quan Công đại chiến Bàng Đức, Mã Siêu báo phụ thù.
Đặc biệt trong vai Thần Nữ, khi xin tội cho Tiết Ứng Luông, Thanh Thế đã hát kỷ thuật chạy gối thật điêu luyện, kềm thêm bộ múa võ, múa thương, múa đao thật đẹp. Giọng hát của Thanh Thế nghe ngọt lịm, tươi mát như giọng hát của một diễn viên của sân khấu tuồng xã hội, không có chất giọng khàn như phần lớn các nghệ sĩ hát bội.
Năm 1965, nữ nghệ sĩ Thanh Thế hát cho đoàn Khánh Hồng. Đến năm 1968, Thanh Thế củng với chồng là Bữu Truyện về hát cho đoàn Phước Thành ở Tân Định cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Năm 1975, Thanh Thế hát ở đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ qua nhiều vở tuồng Phụng Nghi Đình, Mã Siêu báo phụ thù, Lưu Bị cầu hôn Giang Tả, Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Đào Tam Xuân báo phu cừu,…
Năm 1979, Thanh Thế và Bữu Truyện hát cho đoàn Huỳnh Long qua các tuồng Tấm Cám, Nàng Tiên, Lá Chắn Biên Thùy, Tình sử A Nàng, Bí mật Thành Cổ Loa, Anh Hùng bán than, Thất Trảm Sớ, Trọng Thủy Mỵ Châu…
Những gian nan cuối đời
Trong hơn bốn mươi năm trong nghề, nữ nghệ sĩ Thanh Thế đã có những vai hát để đời như Điêu Thuyền, Hàn Tố Mai, Thần Nữ, Bàng Quí Phi, Đào Tam Xuân, Lý Thần Phi, Mạnh Lệ Quân, Chung vô Diệm, Dương Quí Phi, Chiêu Quân…Thanh Thế cũng thành công khi đóng các vai kép như Lữ Bố trong Phụng Nghi Đình, vai Triệu Tử Long trong tuồng Lưu Bị cầu hôn Giang Tả và trong tuồng Triệu Tử Long đoạt Ấu chúa.
Năm 1989, hai nghệ sĩ Bữu Truyện và Thanh Thế hát cho đoàn hát Lam Giang ở Hậu Giang. Nơi vùng sông Hậu, khán giả nhiệt liệt tán thưởng tài nghệ của Bữu Truyện và Thanh Thế.
Bữu Truyện lâm bịnh nặng, Thanh Thế đã phải bán ngôi nhà ở quận Bình Thạnh để lo chạy thang thuốc cho Bữu Truyện nhưng không thể cứu sống được Bữu Truyện khi mà bịnh của anh trở nặng.
Bữu Truyện mất… Thanh Thế đôi mắt lại không thầy đường vì bị bịnh cườm mắt nhiều năm. May nhờ có các vị mạnh thường quân ở nước ngoài giúp một số tiền lớn để Thanh Thế mổ chữa trị cả hai mắt, thêm nữa nhờ có sự giúp đở của nghệ sĩ Kim Cương nên hiện nay Thanh Thế đã đi hát lại được, vừa giải quyết được sinh kế vừa đem khả năng nghệ thuật để truyền dạy lại các đệ tử của cô.
Con trai của cô Thanh Thế, nhạc sĩ Thanh Dũng là đệ tử của nhạc sĩ cổ nhạc và hồ quảng Minh Tâm, hậu duệ của đại gia đình nghệ sĩ Bầu Thắng – Minh Tơ. Thanh Dũng hiện nay là một nhạc sĩ được nhiều ông bầu show và nghệ sĩ hồ quảng mời cộng tác.
Theo Nguyễn Phuơng