Năm 2012 là một năm chứng kiến nhiều khởi sắc của sân khấu Quảng Ninh. Những vở diễn gây ấn tượng, những gương mặt triển vọng mới xuất hiện và dư âm của những chuyến lưu diễn v.v.. tất cả đã góp phần làm cho không khí biểu diễn sân khấu thêm sôi động.
Một điểm nổi bật mà ai cũng nhìn ra ngay trong hoạt động sân khấu của tỉnh nhà là những vở diễn lớn được xây dựng và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Đó là những vở diễn được đầu tư công phu, được xây dựng để hướng đến các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.
Đầu tiên phải kể đến vở
"Giếng thơi trong lòng phố", của
Đoàn kịch Quảng Ninh. Đây là một vở kịch tâm lí xã hội của nhà viết kịch Chu Thơm, do đạo diễn NSƯT Trung Hiếu và nhóm êkíp cộng tác thực hiện, chỉ đạo nghệ thuật NSƯT Từ Diệu Hương.
Ở đây, bàn tay đạo diễn Trung Hiếu đã nới rộng biên độ kịch, sáng tạo trong việc vận dụng những yếu tố độc đáo của loại hình sân khấu khác để đưa vào kịch, làm cho vở kịch sống động hơn. Thêm nữa, sự diễn xuất của các diễn viên trong đoàn đã có tiến bộ rất nhiều so với những năm trước. Từ đó, vở kịch đã có sức hút kéo khán giả đến với sân khấu.
Đúng như nhận định của ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:
"Vở kịch đã có sức cuốn hút rất lớn, để lại ấn tượng sâu sắc với nội dung tư tưởng mang tính thời sự cao". Trước khi
tham gia hội diễn tại Huế, Đoàn kịch Quảng Ninh đã đưa vở diễn tham gia phục vụ khán giả các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tạo ra được một hiệu ứng tốt. Khán giả phía Nam đón nhận nồng nhiệt vở kịch bởi sự mềm hoá nội dung tư tưởng, gia tăng tính giải trí.
NSƯT Từ Diệu Hương (Trưởng Đoàn kịch Quảng Ninh) kể:
"Trong đêm diễn của Đoàn tại Liên hoan, rất nhiều nghệ sĩ đến cổ vũ đã phải nhường lại ghế cho khán giả vốn chờ đón vở kịch này. Còn trong đêm diễn có bán vé tại Cung Văn hoá Lao động Việt – Nhật, khán phòng không còn một chỗ trống".
Ấn tượng hơn nữa là vở kịch đã lôi kéo được rất nhiều khán giả trẻ, những người vốn chưa mặn mà với nghệ thuật sân khấu. Có lẽ, sự xung đột gay gắt giữa hai tuyến nhân vật làm cho khán giả tìm thấy trong vở kịch cái nhịp sống công nghiệp hối hả, bộn bề của chính họ trong vở diễn này. Vở diễn đã mang lại cho đoàn
2 HCB dành cho cá nhân tại hội diễn.
Giống như vở diễn của Kịch nói Quảng Ninh, vở diễn mới
"Người đàn bà mười ba bến nước" của
Đoàn Cải lương tỉnh nhà cũng đã gây được chú ý đối với khán giả. Vở diễn của tác giả Tạ Xuyên, chuyển thể từ truyện ngắn "Mười ba bến nước" của nhà văn Sương Nguyệt Minh; đạo diễn là NSƯT Hoàng Quỳnh Mai; chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Thanh Chương.
Đây là vở diễn được dàn dựng để tham gia
Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, tại TP Biên Hoà (Đồng Nai). Với một đề tài không mới nhưng cải lương Quảng Ninh vẫn tạo cho vở diễn những ấn tượng tốt. Từ lối dẫn chuyện rất hiện đại bằng việc gia tăng tính kịch, đối thoại nhiều; đến cách xử lý trang trí sân khấu đơn giản, gần với sân khấu ca nhạc; xử lý âm thanh cách điệu của tiếng nước, tiếng giã gạo… xuyên suốt vở diễn, đã tạo ra những nét mới cho sân khấu cải lương.
Đánh giá về vở diễn này, ông Phạm Hữu Lượng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hoá (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho rằng:
"Đề tài của vở diễn đã được nhóm thực hiện làm mới bằng mọi hình thức sân khấu. Điều đó đã mang lại một màu sắc mới giúp thoát khỏi lối mòn của cải lương truyền thống". Hay cũng có thể nói, vở
"Người đàn bà mười ba bến nước" là một thứ "rượu mới" được rót ra từ chiếc "bình cũ". Và đó là một thứ rượu ngon đáng để thưởng thức. Chẳng thế mà vở diễn đã được Hội đồng nghệ thuật cũng như khán giả tại Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp năm 2012 đánh giá cao.
Đặc biệt, khán giả phía Nam từ chỗ tò mò đến thích thú khi nghe cải lương Bắc do các nghệ sĩ Quảng Ninh biểu diễn. Cái xu hướng kịch hoá của cải lương Quảng Ninh rất được khán giả phía Nam đón nhận. Vở diễn này đã đem lại cho cải lương Quảng Ninh
2 HCV, 2 HCB và một giải thưởng diễn viên trẻ triển vọng. 2 HCV được trao cho NSƯT Tiến Mác và NS Hương Sen. Đây là chiếc HCV thứ 2 của
Tiến Mác kể từ khi anh được phong tặng danh hiệu
NSƯT. Không chỉ thể hiện tốt vai chính trong vở diễn này, NSƯT Tiến Mác còn khẳng định một chất giọng cải lương không thể thay thế ở miền Bắc cũng như cả nước.
Tuy còn là một diễn viên trẻ hơn NSƯT Tiến Mác rất nhiều, nhưng nghệ sĩ
Hương Sen đã được xếp thứ 7 trong danh sách 34 diễn viên xuất sắc được trao tặng HCV đợt này.
Một gương mặt sáng giá nữa của cải lương Quảng Ninh là nghệ sĩ
Duy Quang. Với vai
Tào trong vở cải lương này, NS Duy Quang đã nhận về mình 2 giải thưởng, đó là 1 chiếc
HCB và 1 giải thưởng diễn viên có triển vọng.
Cũng trong khuôn khổ những ngày diễn ra Liên hoan, các diễn viên của Đoàn Cải lương Quảng Ninh đã cống hiến nhiều tiết mục phục vụ khán giả các tỉnh phía Nam như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai v.v.. Vở diễn "Người đàn bà mười ba bến nước" với sự thể hiện của những diễn viên có triển vọng đã giúp cải lương Quảng Ninh xác lập được một chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả.
Không chỉ để lại dấu ấn trong những chuyến lưu diễn trong nước, cải lương Quảng Ninh còn được đón nhận nồng nhiệt khi lưu diễn tại nước ngoài.
Tại Lễ hội Gangneung Danoje ở Hàn Quốc diễn ra trong tháng 6-2012, đoàn đã biểu diễn 5 buổi tại sân khấu Dano Suri, sân khấu Dano Ari và tham gia lễ diễu hành đường phố tại thành phố Gangneung (tỉnh Gangwon – Hàn Quốc). Các nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật Cải lương tham dự Lễ hội Gangneung Danoje lần này đều là những gương mặt nghệ sĩ trẻ, các tiết mục biểu diễn đã được đông đảo khán giả đánh giá cao. NSƯT Thanh Chương, Trưởng Đoàn Cải lương Quảng Ninh, cho biết: "Kết thúc Lễ hội, ông thị trưởng thành phố Gangneung Danoje đã mở tiệc chiêu đãi và ghi nhận sự đóng góp tích cực của Đoàn vào thành công chung của Lễ hội Gangneung Danoje"…
Các nghệ sỹ đoàn NT Quảng Ninh chụp ảnh lưu niệm với đoàn NT Philippines
Năm 2012,
Đoàn Chèo Quảng Ninh không có hội diễn để xây dựng những vở lớn nhưng cũng đã để lại ấn tượng trong nhiều đêm biểu diễn nghệ thuật dân tộc, độc tấu các nhạc cụ truyền thống như đàn đá, sáo Mèo, đàn tính; biểu diễn các điệu múa Tày, múa xoè hoa của người Thái; phục vụ các tiết mục hát văn, hát ca trù và được khán giả nước ngoài đánh giá rất cao.
Đoàn còn tham gia đóng góp tham luận cho Hội thảo "Nghệ thuật chèo với đề tài hiện đại" tại Hà Nội. Bằng những kinh nghiệm thực tiễn của mình, Chèo Quảng Ninh đã đúc rút và đóng góp cho Hội thảo những vấn đề lý luận về chèo hiện đại, như là tính nhanh gọn và sôi động, dễ bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, tính tích hợp của chèo Quảng Ninh v.v...
Cũng tại Hội thảo này, NSƯT Đỗ Trọng Bình thay mặt cho Đoàn, đã đề xuất, xin ý kiến để chuẩn bị tổ chức một hội thảo về đề tài "Khán giả Quảng Ninh với sân khấu chèo"…
Sân khấu ca nhạc Quảng Ninh năm 2012 cũng có sự sôi động nhất định với các cuộc thi cấp khu vực và toàn quốc được tổ chức tại tỉnh nhà như Liên hoan
"Giọng hát hay người làm báo Việt Nam 2012" lần thứ III; Vòng chung kết Tiếng hát hữu nghị Việt – Trung năm 2012 khu vực miền núi, trung du, duyên hải phía Bắc.
Ngoài ra, ca sĩ
Lương Ngọc Diệp với việc xuất bản CD "Hạ Long sớm" đã trở thành ca sĩ đầu tiên làm được một sản phẩm âm nhạc đồng bộ và chuyên nghiệp ngay tại Quảng Ninh. Đây sẽ là một tiền đề tốt để cho các tài năng âm nhạc trẻ phát sáng với những sản phẩm được làm một cách chuyên nghiệp.
Sân khấu ca nhạc không chuyên, phong trào văn nghệ quần chúng đã hoạt động tích cực tạo ra được những hạt nhân mới. Nhiều người trong số họ đã lọt vào vòng chung kết và đạt giải trong các cuộc thi âm nhạc như Lương Ngọc Diệp, Đinh Văn Lương (Công ty Than Hòn Gai). Họ thường xuyên mang lời ca tiếng hát của mình làm "nóng lên" sân khấu ca nhạc vốn khá "lạnh lẽo" trong thời gian qua.
Đánh giá chung về hoạt động sân khấu năm vừa qua, NSƯT Đỗ Trọng Bình cho biết:
"3 đoàn sân khấu chuyên nghiệp trong tỉnh, mỗi đoàn có một hình thức hoạt động riêng và thu được những kết quả khác nhau nhưng đều để lại ấn tượng tốt trong năm 2012. Những nhiệm vụ chính trị của tỉnh giao đã được các đoàn thực hiện tốt. Riêng Đoàn kịch và Đoàn cải lương đã xây dựng những vở diễn tham gia các liên hoan sân khấu và gây được tiếng vang với khán giả phía Nam".
Ông Bình cũng nhấn mạnh đến sân khấu không chuyên khởi sắc ở chỗ đã được đầu tư nhiều hơn kể cả trang phục, đạo cụ, bồi dưỡng diễn viên. Các đơn vị đã xây dựng được các phong trào, các hội diễn tạo ra được những mô hình có sức lan toả trong xã hội…