Tối qua Thanh Hậu cũng đã nghe, âm thanh rất hay và chất lượng hơn bản mình đang có, nghe mấy tiếng đàn cổ rõ thì tuyệt quá, đang chờ mặt B của mọi người
Xin cảm ơn Bangtran đã chia sẻ vở cải lương nổi tiếng này. Xin mời cả nhà nghe trực tiếp do MEM upload lên trang nhà với chất lượng mp3 296kbs. Trong khi nghe, mời cả nhà đọc những thông tin về vở cải lương này để hiểu hơn về hoàn cảnh ra đời của nó.
Tướng cướp Bạch Hải Đường trên sân khấu Dạ Lý Hương
Ngành Mai
Một trong số những tuồng cải lương ăn khách, nổi tiếng được khán giả khen tặng là “tuồng hay” người ta phải kể đến vở hát “Tướng Cướp Bạch Hải Ðường” của soạn giả Nguyễn Huỳnh, từng được trình diễn trên sân khấu Dạ Lý Hương vào khoảng cuối thập niên 1960.
Nữ nghệ sĩ Hoài Dung, cô đào xuất sắc trong vai “Người mẹ tội lỗi,” hiện nay nếu còn mạnh giỏi cũng gần 80. Hình chụp cuối thập niên 1950. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai) Do là vở tuồng được giới mộ điệu ưa thích nên ông bầu Xuân, giám đốc đoàn Dạ Lý Hương đã cho diễn đi diễn lại nhiều lần, và thời gian sau thì tuồng lại được lên truyền hình để bà con khắp nơi được thưởng thức. Ðêm Thứ Bảy đài truyền hình phát vở tuồng “Tướng Cướp Bạch Hải Ðường” thì sáng hôm sau Chủ Nhật, hầu như các chợ lớn nhỏ trên toàn quốc thiên hạ bàn tán, phân tích từng vai trò, đặc biệt nhằm vào nhân vật nữ chính (Nhung) mà chửi cho bõ ghét. Cũng nhờ màn ảnh nhỏ của máy truyền hình mà cốt truyện của tuồng nói trên rất nhiều người biết đến.
Thành phần diễn viên và các vai như sau: Nhung (Ngọc Giàu), Liên (Phượng Liên), Thu (Kiều Mai Lý), Bà Tư (Hoài Dung), Minh (Hùng Cường), Bằng (Thành Ðược), Bầu Trung (Văn Chung), Hai Cang (Dũng Thanh Lâm), Ông Tư (Xuân Phát), Xếp Khám (Thanh Việt).
Thế nhưng, rất hiếm người biết được vở hát “Tướng Cướp Bạch Hải Ðường” có gốc từ tuồng cũ. Tuồng cũ này đã có một thời được hát trên sân khấu Hoài Dung-Hoài Mỹ với tên “Người Mẹ Tội Lỗi.” Tuy đổi tên nhưng bố cục, tình tiết và tên nhân vật vẫn giữ nguyên, chỉ thêm thắt chút ít về bài ca cho nghệ sĩ có vai trò được ca vọng cổ mà thôi.
Nếu những ai từng theo dõi hoạt động sân khấu ca kịch, hoặc là khán giả sành về cải lương thì chắc rằng họ đều biết vào khoảng cuối thập niên 1950, trong làng cải lương có gánh hát Hoài Dung-Hoài Mỹ thường đi lưu diễn hơn là ở Sài Gòn, bởi vào thời ấy đất nước thái bình, đường sá lưu thông đi lại dễ dàng, gánh hát đi đây đi đó dễ kiếm ăn hơn.
Tuồng “Người Mẹ Tội Lỗi” là chủ lực của đoàn Hoài Dung-Hoài Mỹ, dọn đến địa phương nào cũng đều chọn hát đêm đầu tiên và ít nhứt là hai đêm. Thời đó khán giả đi coi tuồng phần đông nhận thấy nữ nghệ sĩ Hoài Dung rất xuất sắc trong vai Nhung, tức người mẹ tội lỗi (đúng với tên tuồng) và kép Văn Khoe trong vai thám tử Bằng cũng được khen tặng.
Có nhiều người và ngay cả chúng tôi được xem cả hai thế hệ nghệ sĩ thủ vai trò, cũng đều có nhận xét chung là Thành Ðược sau này đóng vai thám tử Bằng không độc đáo bằng kép Văn Khoe của thế hệ trước, có lẽ Thành Ðược là kép mùi chăng? Cũng như Ngọc Giàu đóng vai Nhung người ta không “thấy ghét” bằng đào Hoài Dung khi xưa. Và vai Thu, thế hệ trước đóng, người xem vẫn thích hơn là Kiều Mai Lý đóng sau này.
Thêm một yếu tố đặc biệt đã tô điểm nét tươi đẹp thêm cho vở tuồng là lúc ấy bản nhạc “Duyên Kiếp” mới ra đời đang thịnh hành, mà trong tuồng lại có cảnh Hoài Mỹ đờn Tây Ban Cầm và hát: “Anh ơi nếu mộng không thành thì sao... Non cao đất rộng biết đâu mà tìm...” Ðể quý độc giả có thể hiểu rõ hơn, chúng tôi xin tóm tắt sơ lược cốt truyện như sau:
Lúc bấy giờ tại Thủ Ðô Sài Gòn thường xảy ra nhiều vụ cướp của giết người rùng rợn. Thủ phạm biệt danh là Bạch Hải Ðường, bởi sau mỗi lần gây án mạng hắn thường để lại một cánh hoa hải đường trắng trên thân thể nạn nhân. Thám tử Bằng phải vất vả ngày đêm truy tầm tên kẻ cướp, nhưng vô tình không hay biết kẻ cướp là bạn học cũ, tên là Ðặng Hoàng Minh.
Minh có vợ là Nhung, một thiếu phụ trẻ đẹp say mê bài bạc, lại còn ngoại tình với tên Hai Cang, một gã lưu manh trá hình làm con nhà triệu phú. Một hôm Bằng tổ chức tiệc vui, trong số bạn bè đến dự có vợ chồng Minh và Trung, một bạn học cũ nay trở thành ông bầu cải lương. Giữa tiệc vui, một việc đáng tiếc xảy ra... Liên vợ của Bằng truy hô mất trộm chiếc nhẫn hột xoàn quý mà chồng nàng vừa tặng.
Ngoài ông bầu Trung, không ai có thể ngờ được là kẻ ăn cắp chính là Nhung, vợ của Minh... Càng mỉa mai hơn nữa là sau khi làm việc tác tệ đó, nàng lại đem chiếc nhẫn hột xoàn trao tặng cho nhân tình là Hai Cang. Nhờ Trung, nên Minh biết rõ sự thật, khi về nhà hạch sách vợ... nhưng không ngờ Nhung sanh tâm oán ghét, giữa đêm khuya gởi thơ tố cáo chồng là kẻ cướp rồi bỏ đứa con thơ mới lên hai tuổi, gom góp hết tiền bạc theo gã lưu manh...
Thế là hành tung của Minh bị lộ, chàng đành bó tay nạp mình đền tội và bị đày đi Côn Sơn. Minh đã ký thác đứa con bé Thu thơ ngây cho vợ chồng thám tử Bằng nuôi dưỡng.
Mười tám năm thắm thoát trôi qua giữa lúc Minh âm thầm đền tội ngoài hải đảo thì tại Sài Gòn, bé Thu đã trưởng thành và nay nghiễm nhiên là một thiếu nữ yêu kiều được thám tử Bằng là dưỡng phụ vô cùng quý mến.
Nhưng đất bằng nổi sóng, sau chuỗi ngày làm vợ tên Hai Cang thì Nhung lại bị tên này khinh rẻ, ngày ngày đánh đập hành hạ... Ðược biết Thu sắp lấy chồng giàu, Hai Cang xúi Nhung đến làm tiền vợ chồng thám tử Bằng bằng cách đòi con.
Hành tung này bị phát giác và nhờ bầu Trung nên tin này lọt vào tai Minh. Thế là vì tình bạn thiêng liêng chàng vượt ngục về Sài Gòn để trừng trị con người đanh ác. Hai Cang cãi vã xô xát gây thương tích trầm trọng cho Nhung. Minh đến kịp lúc và hạ sát Hai Cang. Trong cơn hấp hối trước mặt thám tử Bằng, Nhung tự nhận là kẻ đã giết Hai Cang để cho Minh khỏi mắc tội giết người. Cũng dịp này Nhung nhìn con, nhưng chỉ nhìn nhau để rồi phải ngậm ngùi xa cách và sau đó Minh bị bắt trả về Côn Ðảo.
Soạn giả Nguyễn Huỳnh là chồng cô đào Hoài Dung, cũng đồng thời là bầu gánh hát Hoài Dung-Hoài Mỹ. Về sau gánh hát rã lúc nào chúng tôi không biết, để rồi nghe nói ông trao vở tuồng “Người Mẹ Tội Lỗi” cho đoàn Dạ Lý Hương và sửa tên là “Tướng Cướp Bạch Hải Ðường.”
Người nghệ sĩ chỉ có một thời vàng son mà thôi, khi qua thời xuân sắc rồi thì không thể đóng vai chánh nữa. Ðiển hình là trong tuồng “Tướng Cướp Bạch Hải Ðường,” nữ nghệ sĩ Hoài Dung đã không còn đóng vai chánh (vai Nhung) mà bà đóng vai Bà Tư, người ở chỉ xuất hiện vâng vâng, dạ dạ mấy tiếng rồi đi vô, coi như “ xuống cấp” quá xa. Cũng như ngoài đời giống như bao nhiêu nghệ sĩ về chiều khác, năm 1972 người ta thấy soạn giả Nguyễn Huỳnh ngồi cạnh nữ nghệ sĩ Hoài Dung bán khoai lang chiên ngay trước nhà ở chung cư rạp Quốc Thanh.
Thông tin hay quá, con còn thấy có thông tin để soạn giả vở tuồng là Nguyễn Huỳnh Hoài Dung luôn đó Pa Minh. Không ngờ vở tuồng này không chỉ thu tiếng mà còn được trình diễn trên SK qua nhiều thế hệ nữa, không biết thế hệ trước đã diễn ra sao nhưng nghe bài viết khen quá chừng. Ấy vậy mà tuồng này cũng xưa quá, những thập diên 50 luôn.
Đọc đến dòng cuối thấy soạn giạ giả Nguyễn Huỳnh và nghệ sĩ Hoài Dung có cuộc sống khổ mà thương quá, một thời vàng son trên SK luôn .