PN - Sân khấu cải lương (SK CL) có lẽ sẽ có thêm một mùa Tết đìu hiu trong Tết Quý Tỵ này. Sân khấu Thủ Đô đến giờ phút này mới chỉ có lịch sáng đèn từ mùng Một đến mùng Bốn Tết với chương trình Nghệ sĩ mừng xuân (mùng Một) và lịch tái diễn những vở cũ của Đoàn III - Nhà hát Trần Hũu Trang: Đả chiến phá sông Ngân, Phước Lộc Thọ…
NSƯT Quế Trân đang chuẩn bị chương trình minishow tại Công viên Văn hóa Đầm Sen từ mùng Ba đến mùng Năm Tết. Một chương trình tương tự của NSƯT Kim Tử Long cũng sẽ tổ chức tại đây. “Thực đơn” của khán giả CL mùa Tết này chỉ có vậy. Nguyên nhân CL vắng bóng vẫn là lý do muôn thuở: "Không có điểm diễn"!
Tuy nhiên, nếu nhìn đến tận cùng vấn đề thì chuyện không có nhà hát chỉ là cái cớ... Một trong những lý do chính khiến SK CL cứ mãi èo uột, sàn diễn CL ngày càng teo tóp thực ra thuộc về chính bản thân của những người làm nghề. Đa phần các nghệ sĩ (NS) CL khi được hỏi đều có chung một khát vọng: "Ước mơ một nhà hát hiện đại, một sàn diễn sáng đèn hàng đêm. Nếu có một chương trình dàn dựng nghiêm túc sẽ sẵn sàng bỏ bớt sô ca lẻ để được trở về sống chết với những vai diễn...".
Nhưng khi "đụng chuyện" mới biết khát vọng đó của không ít NS chỉ là… "lời nói đẹp". Rất nhiều lần các nhà tổ chức biểu diễn, đạo diễn bị đặt vào tình huống nan giải từ khi bắt tay dựng vở cho đến lúc vở đã công diễn. NS được mời tham gia thường ít quan tâm đến nội dung vở diễn, tính cách nhân vật mà điều quan tâm đầu tiên là vai chính hay vai thứ, có ca nhiều hay ít, ai là người đóng chung với mình... Thực tế, chỉ chuyện tên NS đứng trước hay sau trong tờ giới thiệu chương trình cũng đã thành chuyện, thì việc "so kè" vai chính - thứ có lẽ là đương nhiên!
Được đánh giá tốt nhưng từ sau Liên hoan Sân khấu, lịch diễn Tiếng vạc sành vẫn chỉ là... kế hoạch
Sắp xếp được trật tự này lại đến nỗi lo lương bổng. Một số NS thường đòi hỏi cát sê theo kiểu so bì với một số chương trình trước đó mà ít quan tâm đến thực tế của chương trình mình đang tham gia, những khó khăn của nhà tổ chức… Thậm chí, chuyện đòi tăng cát sê sau một vài suất diễn vì thấy khán giả có vẻ đông, không phải cá biệt. Thực tế đã có vở diễn phải xếp kho chỉ vì NS đòi tăng lương nhưng nhà tổ chức không thể đáp ứng.
Không ít lần, khi một SK mới hình thành, các NS khi nhận lời cộng tác đều trả lời rất cương quyết: Sẽ chấp nhận cùng đồng hành, cùng chia sẻ với quản lý, bầu sô với quyết tâm gầy dựng một điểm diễn thường xuyên sáng đèn.
Nhưng, chỉ sau một vài suất diễn còn bao nhiêu NS, diễn viên (DV) CL dám chấp nhận hy sinh, “đồng cam cộng khổ” hay vội vàng viện lý do mình phải kiếm sống để rồi… “một đi không trở lại”? Một chút chạnh lòng khi nhìn sang các SK kịch. Không thể nói vì DV kịch ít sô nên chấp nhận bám SK. Ngược lại là khác. Gần như chẳng DV kịch nào sống bằng tiền bồi dưỡng của SK kịch. Nguồn thu chính của họ là phim truyền hình, sô quảng cáo, chương trình games show… Diễn kịch chỉ là để thỏa mãn niềm đam mê, để giữ lửa với nghề…
Có bao giờ NS CL tự hỏi SK CL ngày càng teo tóp có bao nhiêu là phần lỗi của chính những người làm nghề? Hay chỉ biết than vãn CL thiếu sự quan tâm, thiếu đầu tư của nhà nước? Không phủ nhận niềm đam mê của những NS CL. Phải đam mê lắm, yêu nghề lắm các NS mới gắn được với nghề khi SK CL đang gặp trăm ngàn khó khăn. Nhưng tiếc rằng dường như cái tôi của không ít NS lại lớn hơn lửa nghề của họ.
Mùa Tết NS “bay sô” khắp nơi, từ tăng cường cho các đoàn tỉnh đến tham gia chương trình truyền hình ở các địa phương. SK CL “èo uột” nhưng NS CL vẫn sống khỏe, vẫn chạy sô đều đều, thậm chí lịch chạy sô đã nhận trước ba-bốn tháng. Nhưng ngồi lại cùng nhau để làm được gì đó giúp SK CL vượt khó thì… hình như các NS vẫn thiếu sự đồng lòng. Nên tiếp tục chờ đợi một cách thụ động hay tự cứu mình có lẽ là điều giới làm nghề cần suy nghĩ lại. Tấm lòng, tâm huyết và nỗ lực nếu chỉ của một số NS, người làm nghề e chừng khó có thể thay đổi thực trạng buồn của SK CL hiện nay.