Mới đây mà đã 4 năm SKCL vắng bóng “ Hoàng tử”, một anh kép điển trai bậc nhất từ trước đến nay. Kỷ niệm 4 năm ngày mất của NSUT Minh Phụng, tôi viết bài này ngoài thắp nén hương lòng để tưởng nhớ đến người Nghệ sĩ tài hoa, đồng thời cũng ghi lại một số kỷ niệm đẹp, những giai thoại về anh – một trong những Nghệ sĩ mà tôi rất thân và hết sức trân trọng.
* CHUYỆN NƠI PHỐ NÚI BỤI MÙ TRỜI
Tôi là một fan của NSUT Minh Phụng từ khi anh từ Tỉnh về Sài Gòn và nổi danh trên Sân khấu ở các đoàn Kim Chung 1,2 và 5 vào những năm cuối thập niên 1960. Nhưng phải đến năm 1972 tôi mới lần đầu tiên gặp được thần tượng của mình ở ngoài đời, khi Minh Phụng cùng đoàn Kim Chung 5 lưu diễn ở Thành phố Ban Mê ( viết tắt của Tp. Buôn Mê Thuột, còn gọi là Tp. Buồn Muôn Thưở hay Tp. Bụi Mù Trời ).Lực lượng của đoàn Kim Chung 5 lúc này rất hùng hậu, gồm: Minh Phụng, Lệ Thủy, Chí Tâm, Kiều Tiên, Minh Sang, Trường Xuân, Tô Kiều Lan, hề Minh, Hồng Hoa, Hồng Thủy, Văn Khoe, Hoài Mỹ…
Nên đã tạo thành cơn sốt vé khi đoàn lưu diễn dọc các Tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Phố núi Ban Mê ngày thường vốn tĩnh lặng, bỗng chốc trở nên xáo động khi sự xuất hiện của đôi tài danh Minh Phụng – Lệ Thủy. Đặc biệt, Minh Phụng với vẻ đẹp nam tính quyến rũ mà Báo giới Sài Gòn trước đây đã tốn nhiều giấy mực để ca ngợi và so sánh anh với hai mỹ nam tử bậc nhất của Trung Quốc thuở xưa là Phan Anh và Tống Ngọc, đã được bà con khán giả Ban Mê trầm trồ khen ngợi. Những lúc Minh Phụng dạo phố núi hay đi chơi tennis với bộ đồ thể thao màu trắng, đi trên chiếc Vespa trắng luôn kéo theo một dòng người ái mộ để chiêm ngưỡng mặt thật của anh kép đẹp trai nhất của SKCL từ trước đến nay.
Nhiều nữ sinh đã cúp cua, nghỉ học để mong gặp được thần tượng của mình. Rồi hang loạt câu chuyện được thêu dệt về “ Hoàng tử”, về cặp “ Bão biển “ Minh Phụng – Lệ Thủy. Ai cũng khen họ ca hay, diễn giỏi, duyên dáng mà đẹp như Tiên đồng – Ngọc nữ. Vốn rất hâm mộ Minh Phụng, nên dù bận ôn thi Đại học, tôi vẫn dành một đêm để đến rạp Thăng Long ( nơi ngã sáu, trung tâm Tp. Buôn Mê Thuột ) để xem anh diễn trong vở “ Giai nhân bên suối bạc “ ( Tức “ Bên cầu vọng thê “) của soạn giả Ngọc Vân.
* NHỮNG KỶ NIỆM GIỮA TÔI VÀ MINH PHỤNG
Cuối năm 1972, tôi thi đậu Đại học vào trường Đại học Kỹ Thuật Phú Thọ ( nay là ĐH Bách Khoa TP.HCM ), nên đã rời phố núi Ban Mê để xuống Sài Gòn theo đuổi khóa học 4 năm ở trường này. Không ngờ vài năm sau đó, tôi trở thành nhà báo chuyên viết về bóng đá , rồi trở thành người viết kịch trường, là phóng viên của Tuần báo SKTP từ năm 1990 cho đến nay, nên tôi thường xuyên có dịp gặp anh Minh Phụng. Bài viết đầu tiên về anh của tôi là vào năm 1982 khi tôi giới thiệu anh trên chuyên mục “ Nghệ sĩ và sân cỏ” của tờ báo Bóng đá Long An. Anh hơn tôi gần chục tuổi nhưng anh luôn xem tôi như bạn thân.
Anh thường xuyên tâm sự cùng tôi về chuyện đời, chuyện nghề. Qua đó, tôi biết thêm nhiều về anh. Tính Minh Phụng vốn hiền, thẳng thắn, luôn yêu cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp do tạo hóa làm nên. Trong giao tiếp, nói chuyện với bạn bè, Minh Phụng hay tiếu âm, pha trò. Chính cái cách đùa giỡn tếu tếu đầy lạc quan ấy đã giúp anh hình thành một phong cách rât riêng của Minh Phụng. Đó là những câu nói mép, bỏ nhỏ hết sức có duyên, gây bất ngờ với bạn diễn đã tạo sự thích thú trong lòng người xem.
Một số hậu duệ của Minh Phụng như: Minh Phương, Linh Cường, Phương Minh Phụng, Vương Minh Phụng, Vương Minh, Vương Cảnh Phụng… đã cố học cách nói mép, bỏ nhỏ của anh, nhưng cũng những câu nói ấy, cách diễn ấy, họ không tạo được dấu ấn như Minh Phụng, bởi cái duyên Sân khấu của anh cực kỳ lớn, là thứ mà trời cho riêng anh. Đối với Sân khấu, anh là người rất yêu nghề, luôn tôn trọng bạn diễn lẫn người xem. Anh biết lắng nghe ý kiến đóng góp của nhiều người để hoàn thiện các vai diễn của mình. Với tôi, mỗi lần có vai diễn mới, anh đều mời tôi đi xem và thường gọi điện đến tôi vào lúc nửa đêm: “ Đêm qua ông thấy mình diễn vai ấy có được không, có chỗ nào chưa ổn, ông góp ý để mình sửa nhé…”
Tôi có một kỷ niệm hết sức đẹp với Minh Phụng, đó là lần tôi đi thực tế ở các Tỉnh miền Tây, ghé thăm đoàn Tiếng Chuông Vàng của anh diễn ở Cà Mau. Đêm ấy cúp điện, trời rất oi bức, thấy tôi trằn trọc không ngủ được, Minh Phụng cho chạy máy đèn suốt đêm để mở quạt cho tôi ngủ. Sự quan tâm của anh đã làm cho tôi vô cùng cảm động và nhớ mãi. Lúc còn sống, thấy tôi có khó khăn về chỗ ở nên Minh Phụng bảo tôi về ở chung với anh, dành cho tôi một căn gác riêng. Nhưng tôi, do công việc hay đi về khuya nên sợ làm phiền, ảnh hưởng đến sức khỏe của Minh Phụng nên không nhận lời. Phải đến sáu tháng sau khi Minh Phụng mất, tôi mới về ở căn gác trên cho đến khi chị Kiều Tiên bán nhà tôi mới chuyển đi nơi khác để ở.
Xem tôi như người nhà, nên mỗi lần có chuyện gì, gia đình Minh Phụng đều gọi điện báo tin cho tôi và tham khảo ý kiến. Như việc anh lập đoàn hát Tiếng Chuông Vàng-Minh Phụng trong thời điểm SKCL đang bắt đầu gặp khó khăn. Hay như cuối năm 2003, Minh Phụng bị hôm mê gần hai tháng, anh được cấp cứu và điều trị ở Viện tim TP, rồi bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng sức khỏe của Minh Phụng lúc ấy rất xấu, các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy động viên gia đình nên tiến hành mổ tim cho Minh Phụng dù xác suất sống là 50-50. Ngoài gia đình, tôi và Lệ Thủy được mời đến BV Chợ Rẫy vào chiều 4/11 ÂL ( năm 2003 ) để tham khảo ý kiến mổ hay không mổ tim cho Minh Phụng.
Gia đình Minh Phụng lúc này rối hết, ai cũng sợ ca mổ sáng hôm sau do các bác sĩ Singapore thực hiện vào cái ngày mùng 5ÂL, rất kiêng kỵ. Còn nước còn tát, tôi và Lệ Thủy động viên gia đình nên để bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Do kỵ tuổi với Minh Phụng, nên sáng hôm ấy tôi có đến Chợ Rẫy, nhưng đứng ngoài, chỉ có Lệ Thủy và Thanh Tuấn ( hai người này đều tuổi Tý, hơp với tuổi Thân của Minh Phụng ) đẩy xe đưa Minh Phụng vào “ trận “. Như có phép màu, Minh Phụng đã thoát hiểm trong tình trạng “ ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng những biến chứng của tiểu đường đã làm tổn thương nhiều bộ phận khác trong cơ thể của anh, hành hạ anh đến 6 năm sau thì Minh Phụng mất. Tôi có một chút luyến tiếc vì sự ra đi hơi sớm của Minh Phụng.
Nếu như Minh Phụng không vì quá yêu cái đẹp do tạo hóa ban cho, khi sợ đôi chân của mình khuyết tật, anh đã chần chừ, không để bác sĩ tháo khớp chân trái của anh sớm, thì có lẽ sự sống của anh có thể đã dài thêm. Âu cũng là số phận của một con người. Ở cõi thiêng, chắc anh cũng ngậm miệng cười mãn nguyện khi thấy có biết bao người yêu quý, nhớ thương anh…
Sau ngày Minh Phụng mất, vợ anh ( NS Kiều Tiên ) đã quyết định bán căn nhà ở đường Trần Xuân Soạn ( Q.7) để mua căn nhà mới ở mặt tiền đường Nguyễn Trãi (Q.5) cho gần bạn bè và người thân hơn. Hằng ngày chị vẫn cầu kinh cho chồng sớm siêu thoát, ít đi đây đi đó như trước, nhưng lại thường xuyên làm công việc từ thiện và đi Chùa nhiều. Bé Quỳnh Em ( con trai út của Minh Phụng và Kiều Tiên ) giờ đã là một thanh niên rường cột của gia đình.
Cháu làm đủ thứ nghề, từ mở cửa hang kinh doanh điện thoại, mở quán cà phê, và hiện tại đang mở quán ăn ở 69 Tản Đà (Q.5) để nuôi mẹ và bà ngoại. Còn ái nữ của Minh Phụng-Kiều Tiên hiện theo chồng định cơ ở Mỹ. Thỉnh thoảng Y Phụng có về Việt Nam thăm gia đình, viếng mộ cha. Nhưng lần giỗ năm nay, Y Phụng do bận nhiều việc nên không về giỗ cha được. Từ Mỹ điện về, Y Phụng cho biết: Sang năm, đúng 5 ngày cha con mất, con mới về được, để giỗ cha lớn hơn. Chú cho con gởi lời thăm các cô chú, anh chị đồng nghiệp và rất mong mọi người hãy đến thắp nến nhang cho cha con trong ngày giỗ lần này. Dù không về được, nhưng ở bên Mỹ, con cũng làm một măm cơm để tưởng nhớ ba Phụng.
GIỖ MINH PHỤNG TẠI HAI NƠI
Ngày 14 và 15 tới đây ( tức ngày 2 và 3 tháng 11 A6L năm Nhâm Thìn ), kỷ niệm 1 năm ngay mất của cố NSUT , gia đình sẽ tổ chức giỗ anh tại hai nơi: Chùa Nghệ sĩ ( 14/12 ) và tại tư gia ( 151 đường Nguyễn Trãi , P.2, Q.5 , vào trưa 15/12/2012 ). Qua báo SKTP, thay mặt cho gia đình, NS Kiều Tiên gởi lời mời trân trọng đến bạn bè, đồng nghiệp, các khán giả thân quen đến Chùa Nghệ sĩ hay tại tư gia thắp nén nhang cho Minh Phụng và dự bữa cơm thân mật cùng gia đình. Rất mong mọi người đến dự.