GĐNet - Diễn viên cũ của Nhà hát Cải lương Hà Nội đã có đơn tố cáo ông Trần Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát gian lận bằng cấp. Quá trình tìm hiểu cho thấy những điều bất bình thường trong hồ sơ của ông này…
Nhà hát Cải lương Hà Nội tại 72 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm. Ảnh: Việt Nguyễn
Cấp II cũng chưa xong? Theo đơn tố cáo là của bà Đồng Thị Thúy Chinh (SN 1985, nguyên diễn viên của Nhà hát Cải lương HN), giai đoạn 1974-1978, ông Trần Quang Hùng học bộ môn Cải lương tại Trường Trung học Nghệ thuật Hà Nội khi mới tốt nghiệp cấp II. Cùng khoảng thời gian học Cải lương, ông Hùng có đăng ký học Bổ túc Văn hóa cấp III (1975-1978) nhưng bỏ nửa chừng. Đơn tố cáo cho rằng, trước 1980, Trường Trung học Nghệ thuật Hà Nội không có Khoa kiến thức cơ bản (giảng dạy các môn học của cấp III), khoa này chỉ thành lập sau năm 1985.
“Nếu ông Hùng chưa hoàn thành chương trình học văn hóa phổ thông và không được học kiến thức này tại trường trung cấp thì theo quy định sẽ không đủ điều kiện để được cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp”, người tố cáo viết. Như vậy, theo quy chế thi tuyển tại chức, ông Hùng không đủ điều kiện đầu vào lớp Đạo diễn sân khấu của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội khóa 2004-2008.
Qua tìm hiểu của phóng viên, bộ hồ sơ lý lịch (gồm cả viết tay và theo mẫu) khi ông Hùng và phụ huynh gửi đơn xin học ở trường này (ngày 10/10/1974) có thể hiện nội dung ông Hùng mới học hết lớp 6, phần nguyện vọng ghi “Bộ môn Cải lương làm cho tôi rất thích”. Chưa hết, lá đơn ngày 15/10/1974 của ông Trần Thành Du (bố của ông Hùng) gửi tới trường Trung học Nghệ thuật cũng thể hiện trình độ văn hóa của con trai mới hết lớp 6. Phần ghi chú góc trái, phía dưới lá đơn không đánh dấu yêu cầu “1 bằng tốt nghiệp cấp 2, 3”, mà chỉ đánh dấu “x” vào các phần “2 lý lịch”; “1 đơn xin học”; “1 giấy khai sinh”; “1 giấy sức khỏe”. Thêm nữa, giấy giới thiệu của Trường cấp II Lương Khánh Thiện, ngày 24/10/1974, gửi tới Trường Trung học Nghệ thuật cũng chỉ ghi ông Hùng là “học sinh lớp 6 năm học 1973-1974)”.
Trang cuối cùng được ghi trong học bạ Bổ túc cấp III của ông Trần Quang Hùng. Ảnh chụp hồ sơ.
Mốc thời gian kỳ lạ Qua các bộ hồ sơ mà chúng tôi thu thập được cho thấy, vị Giám đốc này chưa có bằng tốt nghiệp cấp II, nhưng lại có một tấm bằng tốt nghiệp Đại học loại giỏi ở Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh. Đáng ngạc nhiên hơn, như đã nói ở trên, giai đoạn 1975-1978, ông Trần Quang Hùng đang theo học Trường Bổ túc Văn hóa cấp III, thậm chí năm học 1975-1976 phải lưu ban vì học lực yếu, nhưng lại xuất hiện một giấy chứng nhận tốt nghiệp viết tay của Sở Giáo dục Hà Nội (nay là Sở GD&ĐT) thể hiện rằng ông Hùng đã tốt nghiệp cấp II Bổ túc Văn hóa trong kỳ thi diễn ra ngày 26/10/1975.
Theo hồ sơ phóng viên có được từ Sở VHTT&DL, từ 1975-1978, ông Hùng học lớp 8 hai lần (do lưu ban), học lớp 9 và lớp 10A. Thời điểm 10/6/1978, học bạ Bổ túc này ghi “Học lực trung bình, học chưa chăm”, kết quả ghi “được lên lớp 10B”. Đây là sự lộn xộn hết sức đáng ngờ. Tuy nhiên, toàn bộ thông tin về lớp học cuối cấp III này hoàn toàn bỏ trống trong học bạ. Như vậy, bằng những cứ liệu trên, có thể hiểu, song song với quá trình học môn Cải lương tại Trường Trung học Nghệ thuật Hà Nội, ông Hùng theo học Bổ túc Văn hóa, nhưng chưa hoàn thành nên không thể có bằng Trung cấp.
Theo quy chế 36 của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh tại chức, thí sinh phải tối thiểu tốt nghiệp cấp III. Trong trường hợp thí sinh mới tốt nghiệp cấp II thì phải theo học một trường Trung cấp nào đó, trong quá trình học sẽ hoàn thiện kiến thức phổ thông để được cấp bằng Trung cấp. Tấm bằng này cũng đủ điều kiện dự thi vào hệ tại chức Đại học như bằng tốt nghiệp cấp III.
Quy định rõ ràng như vậy, tại sao Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh có thể tiếp nhận một học sinh chưa tốt nghiệp cấp III (thậm chí cấp II) vào học? Tại sao Sở VHTT&DL không phát hiện ra những vấn đề trong hồ sơ cán bộ?
> Trả lời PV Báo GĐ&XH, bà Nguyễn Thị Bình – NSND, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội (trước là trung cấp) xác nhận, ông Trần Quang Hùng có theo học bộ môn Cải lương tại trường vào giai đoạn 1974-1978. Trong thời gian này, Trường Trung cấp nghệ thuật có đào tạo cả bổ túc văn hóa, tuy nhiên, do từ quá lâu về trước nên không thể xác định được ông Hùng có hoàn thành chương trình học hay không. Bằng tốt nghiệp trung cấp cũng do Sở VHTT&Du lịch cấp.
> Bộ hồ sơ cán bộ của ông Trần Quang Hùng do bà Hà Thị Hiên – Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở VHTT&DL) cung cấp cho phóng viên không có bằng tốt nghiệp cấp II, cấp III.
GĐNet - Từ một học sinh mới hết lớp 6, xin học bộ môn Cải lương của một trường trung cấp nghệ thuật, rồi tiếp tục dở dang chương trình học bổ túc cấp III từ năm 1978, ông Trần Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội vẫn trúng tuyển Đại học năm 2004 (sau 25 năm). “Lộ trình” đến giảng đường ĐH Sân khấu Điện ảnh vì thế mà đầy những “bí ẩn” cần làm rõ…
Hồ sơ vênh nhau Báo GĐ&XH số 128 ra ngày 24/10 có đăng bài viết “Nhà hát Cải lương Hà Nội: Giám đốc bị “tố” gian lận bằng cấp”, phản ánh những dấu hiệu khuất tất liên quan đến quá trình học tập của ông Trần Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát (thuộc sự quản lý của Sở VHTT&DL). Phóng viên đã xác minh hồ sơ cán bộ của ông Hùng từ Sở VHTT&DL. Theo đó, ông Trần Quang Hùng sau khi học hết lớp 6 đã xin học tại Trường Trung học Nghệ thuật Hà Nội (1974 – 1978).
Trong thời gian này, ông Hùng theo học bổ túc văn hóa cấp III để hoàn thành chương trình phổ thông, tuy nhiên, đã bỏ dở. Cụ thể, học bạ ghi rõ ông Hùng được lên lớp 10B (lớp cuối cấp III theo chương trình học lúc bấy giờ), nhưng toàn bộ thông tin về năm học bị bỏ trống hoàn toàn. Vì vậy, ông Hùng không được cấp bằng Trung cấp.
Toàn bộ hồ sơ cán bộ mà Sở VHTT&DL cung cấp cho phóng viên gồm: Giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp II bổ túc văn hóa; Giấy giới thiệu của trường cấp II Lương Khánh Thiện giới thiệu ông Trần Quang Hùng xin vào Trường Trung học Nghệ thuật Hà Nội (nay là Cao đẳng); Lý lịch xin học các trường đại học, trung học chuyên nghiệp (dùng cho học sinh phổ thông); Phiếu tuyển chọn của Ban tuyển sinh TP Hà Nội; Đơn xin học gửi Ban giám hiệu Trường Trung học Nghệ thuật Hà Nội; Học bạ trường Bổ túc văn hóa cấp III (1975-1978);
Quyết định của UBND TP Hà Nội năm 1978 công nhận tốt nghiệp cho 35 học sinh trường Trung học Nghệ thuật Hà Nội; Quyết định của Sở Văn hóa thông tin Hà Nội năm 1978 phân phối 15 học sinh tốt nghiệp Trung học Nghệ thuật Hà Nội về công tác tại Đoàn Cải lương Kim Phụng; Bằng tốt nghiệp ĐH Sân khấu Điện ảnh.
Hồ sơ này đã thể hiện rằng, ông Hùng chỉ có duy nhất 1 tấm bằng tốt nghiệp, đó là bằng của ĐH Sân khấu Điện ảnh. Chưa hết, các hồ sơ học tập của vị giám đốc này còn bộc lộ nhiều điểm “vênh” đến kỳ lạ. Học bạ bổ túc cấp III của ông Hùng không có nổi một trang nào “tươi sáng”: Năm học lớp 8 đầu tiên lưu ban vì sức học yếu, điểm thi toàn 3, 4, 5, có duy nhất một điểm 6; Năm lớp 8 thứ hai có “khá” hơn chút vì chỉ có 4 điểm dưới trung bình trong tổng số 12 điểm thi; Năm lớp 9 tốt hơn với 2 điểm thi dưới trung bình; Năm lớp 10A cũng chỉ có 3 điểm dưới trung bình, được lên lớp 10B.
Nhìn chung, kết quả học tập các năm đều được đánh giá từ yếu đến trung bình, môn Văn năm nào điểm cũng rất thấp. Thế nhưng, không hiểu vì lý do và mục đích gì, mà trong hồ sơ trúng tuyển vào ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 2004 được ghi rất “tự tin” là: Xếp loại học tập “Giỏi”, xếp loại hạnh kiểm “Khá”, xếp loại tốt nghiệp “Giỏi” (?!).
“Bí kíp” giấy chứng nhận, quyết định Qua tìm hiểu, được biết, một số Giấy chứng nhận và Quyết định nêu trên (trong hồ sơ cán bộ do Sở VHTT&DL cung cấp) chính là những “bí kíp” để ông Hùng tự tin bước vào giảng đường đại học và ra trường với tấm bằng loại giỏi (đạo diễn sân khấu) năm 2008.
Làm việc với PV Báo GĐ&XH, TS. Nguyễn Đình Thi – Phó Hiệu trưởng ĐH Sân khấu Điện ảnh cho biết, sau khi phóng viên gửi nội dung làm việc, nhà trường đã kiểm tra hồ sơ lưu đối với sinh viên Trần Quang Hùng (khóa 2004-2008) để xác minh các thông tin theo đơn tố cáo. Theo đó, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh khẳng định việc tuyển sinh ông Trần Quang Hùng hoàn toàn đúng quy trình, không có sai sót gì.
Thế nhưng, ông Thi cũng nhận định, theo quy chế 36 của Bộ GĐ&ĐT về tuyển sinh đại học hệ tại chức thì có 2 trường hợp được dự thi: Thí sinh mới tốt nghiệp cấp II nhưng theo học một trường trung cấp nghề (tiếp tục hoàn thiện chương trình học cấp III thì được cấp bằng tốt nghiệp Trung học chuyên nghiệp); Hoặc thí sinh đã tốt nghiệp cấp III. Phải có một trong hai điều kiện trên mới có thể học đại học hệ tại chức. Ông Trần Quang Hùng nằm ở điều kiện thứ nhất.
Nhưng, theo quy định, sau khi đỗ vào Đại học, sinh viên phải nộp bằng tốt nghiệp cấp III (nay là THPT) hoặc bằng trung cấp nghề để các trường kiểm tra và sẽ được trả lại trước khi sinh viên ra trường. Những trường hợp gian dối về điều kiện thi đại học vì thế sẽ được phát hiện qua học bạ, bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cho xem những bản sao lưu hồ sơ sinh viên của ông Trần Quang Hùng trong quá trình học lớp đạo diễn, đại diện Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh cho biết, hiện hồ sơ của ông Hùng đã được cơ quan cấp trên quản lý, nhà trường chỉ giữ học bạ.