Hôm 20-10, liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc khai mạc tại Đồng Nai với sự tham gia của 25 đoàn nghệ thuật cải lương trong cả nước. Liên hoan được kỳ vọng sẽ tạo ra những tiền đề để vực dậy hoạt động của sân khấu cải lương chuyên nghiệp vốn đang rất khó khăn hiện nay.
Dịp này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên, Trưởng ban chỉ đạo liên hoan về những vấn đề có liên quan.
Ông Vương Duy Biên
- PV: Thế mạnh của cải lương thường là những tuồng tích cũ, song liên hoan cải lương toàn quốc lần này lại thu hẹp phạm vi đề tài đương đại (từ những năm 1930 trở lại đây). Liệu việc bỏ đi phần lấp lánh của cải lương thay vào đó là những đề tài mới có làm giảm tính hấp dẫn của loại hình truyền thống này?
Ông Vương Duy Biên: Phải thừa nhận rằng, cải lương cũng như nhiều loại hình sân khấu truyền thống khác, thế mạnh của các nghệ sĩ, đạo diễn, biên kịch luôn là các tích cổ, tuồng cổ. Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc lần này lại chuyên về đề tài đương đại không phải là phủ nhận những thành tựu trước đây của cải lương có được mà là nhằm hướng các nghệ sĩ đến những đề tài mới, gần gũi với cuộc sống.
Một trong những xu hướng dễ nhận thấy của sân khấu cải lương là tác giả hay “né” các đề tài đương đại, nếu có nhắc đến cũng rất nhẹ, chỉ dùng cũ để nói mới trong khi đó những đề tài về cuộc sống hiện nay, gần gũi với công chúng thì lại bỏ qua. Vì vậy, chúng tôi chủ tâm khuyến khích tính sáng tạo của các nghệ sĩ để đưa sân khấu cải lương thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn trước đây. Rất nhiều gương tốt, đề tài tốt của cuộc sống hiện đại vẫn đang bỏ ngỏ. Nghệ thuật là phải dám đổi mới.
- Các đoàn nghệ thuật, đặc biệt là đoàn công lập thường có tâm lý dựng vở dự liên hoan để “kiếm” huy chương rồi xếp kho. Liệu ở liên hoan cải lương có tình trạng đó?
Nghệ sĩ cũng như bao người bình thường khác cũng phải mang nỗi lo cơm áo vì thế giờ đây, không ai dại bỏ ra một đống tiền để dự thi rồi để đấy không thể biểu diễn, không thể bán vé được. Nếp cũ thời bao cấp không còn nữa. Các đoàn nghệ thuật giờ đây luôn phải đối mặt với bài toán kinh tế, phải tự thu, tự chi vì thế không thể “ép” họ làm theo những tác phẩm chỉ để dự thi, để “cúng” rồi không diễn.
- Nghệ sĩ tham dự liên hoan thường lo ngại tình trạng “chạy” huy chương, chạy giải thưởng để dễ dàng hơn trong việc xét tặng các danh hiệu NSƯT, NSND sau này. Có thể ngăn chặn hiện tượng tiêu cực này?
Thực ra ai tổ chức hội diễn, một cuộc thi hay liên hoan cũng mong muốn có được một kỳ cuộc hoàn hảo, “sạch sẽ”, không có tì vết. Liên hoan lần này cũng vậy, chúng tôi luôn hướng tới việc chọn lựa ban giám khảo, những người cầm cân nảy mực lành nghề và công minh, chặt chẽ, trong sáng nhất. Tuy nhiên đây là sân chơi nghệ thuật, cảm nhận của mỗi người về nghệ thuật lại đa chiều, vì thế không phải lúc nào cũng có thể đạt được sự đồng thuận của mọi thành viên.
- Cải lương, cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác gặp nhiều khó khăn? Với vị trí của nhà quản lý, theo ông cần có giải pháp nào để các nghệ sĩ tiếp tục cống hiến và gìn giữ nghệ thuật này?
Cảnh trong vở Vượt qua tâm bão của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Đồng Nai trong đêm khai mạc liên hoan 20-10. Ảnh: Đỗ Hạnh
Để gìn giữ, phát triển nghệ thuật truyền thống theo tôi cần phải có giải pháp đồng bộ từ việc đầu tư đào tạo lực lượng nghệ sĩ kế cận, tạo môi trường làm việc lành mạnh, chính sách đãi ngộ hợp lý và quan trọng hơn cả là xây dựng được đội ngũ khán giả tương lai am hiểu và biết cảm thụ nghệ thuật truyền thống.
Từ nhiều năm qua, một số chương trình đưa nghệ thuật truyền thống vào lớp học cũng đã được thực hiện tuy chưa tạo ra được sức lan tỏa mạnh mẽ nhưng đã phần nào khơi gợi được ý thức cảm thụ văn hóa dân tộc đối với các em ngay từ khi còn nhỏ. Cùng đó, chúng ta cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để nghệ thuật tiến gần hơn với công chúng… Và khi đó, tôi tin chắc rằng, sức ảnh hưởng của sân khấu sẽ không còn bó hẹp trong các liên hoan, hội diễn như trước đây nữa.