Sau thành công với mô hình diễn song ngữ, Nhà hát Cải lương Hà Nội tiếp tục phát triển mô hình mới khác, đó là Sân khấu nhỏ có tính thử nghiệm dành cho Đờn ca tài tử – Nghệ thuật Cải lương. Đây là một mô hình mang tính chất thử nghiệm nhằm quảng bá cải lương đến gần công chúng hơn, đồng thời giúp phong trào nghệ thuật không chuyên phát triển.
"Công chúng – những ai yêu nghệ thuật cải lương nhưng vì một lý do nào đó không trở thành diễn viên được thì có thể đến nhà hát ca một bài vọng cổ, hay thích một diễn viên nào của Nhà hát cũng có thể yêu cầu được diễn cùng” NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, cho biết.
Đến gần công chúng Sau khi đã được các cấp lãnh đạo cho phép thực hiện mô hình biểu diễn nhằm giới thiệu và quảng bá nghệ thuật sân khấu dân tộc đến với đông đảo khán giả, đặc biệt là du khách quốc tế, theo hình thức song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) Nhà hát cải lương Hà Nội đã thu được kết quả bước đầu. Đơn vị đã biểu diễn thường xuyên theo lịch cố định và duy trì được số lượng người nước ngoài mua vé dự xem. Hiện nhà hát vẫn duy trì một tuần một buổi và luôn rất đông khách. Do nhu cầu thưởng thức ngày càng đông nên tới đây, chúng tôi sẽ diễn theo tour, 1 tuần 2 – 3 buổi, có thể là cả sáng, chiều, tối.
Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Nhà hát cải lương Hà Nội vẫn tìm mọi cách để tồn tại và phát triển. Ảnh: N.N
Để mở rộng và phát triển hơn nữa công tác tổ chức biểu diễn và thu hút người xem, Nhà hát đã dàn dựng và tổ chức biểu diễn theo mô hình sân khấu nhỏ có yếu tố thử nghiệm. Chương trình này, ngoài lực lượng chuyên nghiệp của các nghệ sỹ, nhạc công, kịch mục của nhà hát thì còn có sự tham gia của khán giả thuộc các đối tượng xã hội khác nhau quan tâm, yêu mến, có lòng nhiệt thành với cải lương.
“Văn hóa – Nghệ thuật luôn được coi trọng và có giá trị tinh thần hỗ trợ cho kinh tế, tạo sự sang trọng hiểu biết của một số doanh nhân, người yêu mến cải lương có sân chơi đúng tầm, lịch sự và được “tự giới thiệu” bản thân trước công chúng. Đặc biệt đây còn là buổi gặp gỡ, giao lưu, mà thân chủ muốn “chiêu đãi” bạn bè bằng một đêm hát “tài tử” để mọi người cùng tham gia trong môi trường của một công ty, một cơ quan, hoặc gia đình” ông Hùng, cho biết.
Diễn cùng nghệ sĩ
Theo ông Hùng, mô hình này có thể gọi là Đờn ca tài tử cải lương trên đất thiêng ngàn năm Văn hiến. Đờn ca tài tử cải lương hòa cùng âm điệu Chuông vàng thủ đô hoặc Hội tụ giữa lòng Hà Nội những tiếng đàn, giọng ca cải lương. Nội dung nghệ thuật là đờn ca chuyên và không chuyên nghiệp (do các Doanh nhân, người ái mộ và hiểu biết Cải lương đăng ký trước hoặc có nguyện vọng tại chỗ tham gia); Diễn các trích đoạn nổi tiếng (kể cả Nhà tài trợ, người xem tập luyện và diễn cùng ); Ca vọng cổ. Ca tân cổ giao duyên. Ca chặp bài. Ca lẻ; Diễn tấu cá nhân (của Nhạc công Nhà hát và khán giả). Hình thức Sân khấu sẽ được thay đổi sao cho phù hợp với tính chất, tính năng, đối tượng của từng chương trình được sắp xếp theo yêu cầu cụ thể.
Mô hình hoạt động này chính là thử nghiệm phương thức xã hội hóa: vừa làm được chuyên môn vừa chủ động tìm đối tác – tài trợ, vừa tạo điều kiện để một bộ phận đối tượng xã hội có điều kiện tài chính, và người yêu mến Cải lương được tham gia như một chủ thể sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật dân tộc. “Từ những việc làm này, ai chưa biết về cải lương đến xem sẽ hiểu, ai hiểu lơ mơ rồi thì sẽ hiểu rõ hơn và tìm đến nhiều hơn.
Hiện Nhà hát đang có khoảng 20 diễn viên không chuyên tham gia biểu diễn. Họ sẽ diễn với diễn viên nhà hát, diễn một hình hoặc diễn cùng nhau. Cách làm này không chỉ giúp cho phong trào nghệ thuật không chuyên phát triển mà quan trọng hơn nữa là phát hiện ra các nhân tài trẻ để có hướng tuyển dụng, đào tạo đưa về thành diễn viên chuyên nghiệp.
Vì đây là mô hình đa dạng về khán giả, luôn luôn đi tìm công chúng mới” ông Hùng cho biết. Chương trình này bước đầu sẽ thực hiện tuần hai buổi và tiếp đó nếu nhiều hội viên đăng ký Nhà hát sẽ tổ chức nhiều hơn. Đặc biệt chi phi cũng không nhiều, các hội viên sẽ đóng 500 nghìn đồng/ tháng để duy trì, và được diễn, được hát, được ca và được giao lưu với các nghệ sĩ. Tất nhiên chất lượng nằm ở cấp độ chung chung. “Bình thường khi đi xem nghệ sĩ chuyên nghiệp diễn sẽ thấy họ dùng thủ pháp, kỹ thuật tâm lý để diễn còn xem những nghệ sĩ không chuyên diễn thì thấy cái chân chất, mộc mạc, ngờ nghệch riêng”, ông Hùng nói..