Từ lúc 10 tuổi, Thanh Nga bắt đầu ca vọng cổ phụ họa và rất thành công trên sân khấu Thanh Minh, do nghệ sĩ Năm Nghĩa - dưỡng phụ của Thanh Nga làm bầu gánh. Nhờ nhạc trưởng Út Trong của đoàn Thanh Minh rèn luyện cho nhiều bài bản cổ nhạc, Thanh Nga được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt khi mới 8 tuổi, bắt đầu chính thức diễn trên sân khấu qua vai đào con trong các tuồng như Phạm Công Cúc Hoa, Đồ Bàn di hận, Lửa hờn… Biệt hiệu “Thần đồng Thanh Nga” có từ giai đoạn này. Rèn luyện cho chín muồi, cô bước vào vai chính đầu tiên lúc 16 tuổi: vai sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới..
Những nghệ sĩ bậc thầy như Năm Châu, Phùng Há, Kim Cúc, cô Ba Thanh Loan đã nỗ lực dìu dắt Thanh Nga. Với sắc đẹp dịu dàng, lộng lẫy, quyến rũ cùng lối ca diễn truyền cảm đặc biệt, cô đã mãi gây ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn giới mộ điệu qua những vai kế tiếp như Xuân Tự trong tuồng Áo cưới trước cổng chùa, Giáng Hương trong Sân khấu về khuya, Diệp Thúy trong Đôi mắt người xưa, Uyên trong Ngã rẽ tâm tình, Trinh trong Con gái chị Hằng, Mía trong Bọt biển… Từ vai diễn đầu tiên - Nghi Xuân trong vở Phạm Công Cúc Hoa, 8 năm sau bắt đầu được biết tới với vai Phà Ca trong Người vợ không bao giờ cưới của soạn giả Kiên Giang, cô đã làm cho khán thính giả xúc động theo mối tình ngang trái của nàng Phà Ca và chàng Kiểu Mộng Long - con của sứ quân Kiểu Thuận ở đất Sơn Tây. Chính lối ca chân phương và cách diễn thật thà, chân chất đã đưa Thanh Nga bước thẳng đến đài vinh quang, trở thành nghệ sĩ đoạt huy chương Vàng đầu tiên của giải Thanh Tâm, khi tuổi mới 16.
Có lẽ khó ai ca diễn hay hơn nữ nghệ sĩ tài danh nhưng hồng nhan bạc mệnh này qua những vai người phụ nữ trong cảnh đời ngang trái, trớ trêu, trong xã hội đầy rẫy bất công, thiếu tình người và sẵn sàng khai thác, vùi dập những cô gái lỡ mang kiếp đoạn trường, bất hạnh. Với Tiếng trống Mê Linh, một vở tuồng kinh điển của cải lương sau năm 1975, đoàn Thanh Minh Thanh Nga vẫn tiếp tục khẳng định được phong cách của thương hiệu mình và tài năng của nghệ sĩ Thanh Nga.
Rồi Thanh Nga trở thành một trong những diễn viên xuất sắc ở miền Nam và là "diễn viên xuất sắc nhất” tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức năm 1973 tại Đài Bắc, là đại diện gương mặt nữ duy nhất trong đoàn tham dự Đại hội Điện ảnh Ấn Độ năm 1969, được cố Thủ tướng Indira Gandhi đón tiếp. Với tài nghệ, vẻ đẹp đài các và thanh tú, Thanh Nga in đậm trong trí nhớ khán giả qua phim Loan mắt nhung của đạo diễn Lê Dân, dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Sau giải phóng miền Nam trả lời phỏng vấn trên báo chí tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Thanh Nga đã có lần bày tỏ ước muốn được tham gia diễn xuất trong những vai diễn của nền điện ảnh cách mạng. Có những đạo diễn miền Bắc đã lên kế hoạch mời Thanh Nga đóng phim như đạo diễn Trần Phương, đạo diễn Hải Ninh…
Chuyện đời - chuyện tình
Thanh Nga lúc nhỏ có tên là Juilette Nga, nếu giải Thanh Tâm đưa “Phà Ca” sáng lên như ngôi sao mới mọc (1958), thì cũng đưa vào đời một Thanh Nga bắt đầu biết mộng mơ, biết làm thơ. Và những lời đồn đại, cả giấy mực viết ra, là có thật về chuyện Thanh Nga có người yêu đi vào chiến khu theo cách mạng, tâm đầu ý hợp với anh chàng bạn diễn Út Hậu, hay mối tình thầm kín của Thanh Nga và soạn giả Hà Triều năm lên 18… Mối tình thầm kín của Hữu Phước dành cho Thanh Nga, đến ngày trở thành đôi tình nhân đẹp trên sân khấu với nghệ sĩ Thành Được, cuộc hôn nhân tan vỡ đầu tiên với người đàn ông tên Mẫn… Hồng nhan bạc phận, Thanh Nga phải sống những ngày đoạn trường và đối mặt với dư luận cay nghiệt của một đời nghệ sỹ. Những rắc rối không đâu cứ ùa đến, có cả việc vu oan, tố cáo. Từ chỗ tưởng như ngã quỵ, Thanh Nga chỉ còn tình yêu sân khấu, thành công nối tiếp thành công đã giúp cô đứng lên với một người bạn bên cạnh, tay trong tay đến giờ phút cuối cùng trong cuộc đời: Đó là ông Phạm Duy Lân. Thanh Nga và chồng từng có những ngày rất hạnh phúc. Ông Phạm Duy Lân thương và rất thông cảm nghề nghiệp của vợ, ân cần động viên và góp ý cũng như hỗ trợ tinh thần cho Thanh Nga an tâm hoạt động nghề và thăng hoa với những vai diễn.
Đêm 26-11-1978, diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng, nữ nghệ sĩ Thanh Nga bước lên chiếc xe hiệu Volkswagen sơn màu xám nhạt. Chiếc xe này đưa bà ra đi vĩnh viễn vào lúc hơn 23h khuya hôm ấy, sau phát súng quái ác của một kẻ lạ mặt nhắm vào bà. Viên đạn bắn trúng ngực trái, chưa xuyên ra sau lưng, nhưng đủ kết liễu sinh mệnh của bà năm 36 tuổi. Hàng vạn khán giả Sài Gòn, giới nghệ sĩ cải lương rơi nhiều nước mắt nhất, để khóc một tài hoa từng làm rạng rỡ nền vọng cổ nói chung.
Đồng nghiệp tiếc thương
Đưa tang Thanh Nga, nghệ sỹ nhân dân Phùng Há khóc: "Tôi khóc Thanh Nga còn vì một kỷ niệm sâu nặng, một hôm, Thanh Nga tới nhà tôi, ôm lấy tôi mà nói: Má Bảy ơi, con đã xin phép má chồng con rồi, khi nào má Bảy qua đời con xin được để tang đủ lễ, theo nghĩa một đứa con ruột của má đẻ ra. Tôi không kìm được nước mắt trước tấm lòng Nga". Ngày Thanh Nga mất, rất nhiều người Sài Gòn đưa tang và khóc. Vậy mà người mẹ của Thanh Nga, bà bầu Thơ vẫn không để rơi một giọt nước mắt trước mặt mọi người. Bà bình tĩnh sắp xếp đám tang đâu vào đó, vẫn là trụ cột của căn nhà 4 tầng lầu nuôi cả đại gia đình ba thế hệ. Và xong đám, bà lãnh đạo đoàn lao vào tập tuồng ngay vì đoàn không thể đóng cửa ảnh hưởng đến đời sống anh em, và phụ lòng tin yêu của khán giả. Tập đúng tuồng Dương Vân Nga mà Thanh Nga đã thủ diễn, bây giờ Kim Hương lên thay. Trái tim người mẹ ấy hẳn đã tan nát thế nào. Nhưng không ai thấy bà khóc, chỉ vài tháng sau mái tóc từ màu đen bỗng chuyển sang bạc trắng.
NSƯT Bạch Tuyết tâm sự: “Giấc mơ về chị vẫn luôn có trong tôi, từ ngày còn là một khán giả nhỏ. Năm 14 tuổi, tôi vẫn còn là cô học trò rất ngây thơ ở trường Đức Trí đã len lỏi trước bao khán giả để xin một tấm hình có chữ ký Thanh Nga. Đó là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với người nghệ sĩ mà mình yêu mến. Thật tuyệt vời, cả đêm tôi mất ngủ, cứ mơ màng nhìn thấy chị. Thời điểm đó, chị nổi tiếng lừng lẫy với các vở Người vợ không bao giờ cưới, Hoàng hậu mã nhi nương bửu... Năm 1963, tôi đoạt HCV giải Thanh Tâm cùng nghệ sĩ Ngọc Giàu, Trương Ánh Loan, Diệp Lang, Thanh Tú, Tấn Tài. Thật bất ngờ, sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga đã quyết định dàn dựng vở Khói sóng Tiêu Tương của tác giả Hà Triều Hoa Phượng, tập hợp toàn các nghệ sĩ vừa đoạt giải nhập vai. Chị Thanh Nga vào vai tiểu thư Bàng Lộng Ngọc còn tôi đóng vai ca kỹ Thúy Mai. Ngày tập tuồng, tôi chủ động gặp chị và nhắc lại lời khuyên của chị ngày nào, đồng thời đưa ra tấm hình mà tôi gìn giữ như một báu vật. Chị ngạc nhiên và cảm động lắm rồi vuốt tóc tôi bảo: "Phải ráng lên em, phải yêu nghề, sống chết với nghề thì mới thành công, phải luôn ơn nhớ tổ nghiệp".
Còn nghệ sỹ Thanh Kim Huệ nói: “Ngày được tin chị bị sát hại, tôi tức tốc chạy đến bệnh viện. Chị nằm đó như đang ngủ, tóc xõa dài, mặc nguyên bộ quần áo đỏ rất đẹp. Chị Nga mất, tôi hụt hẫng một thời gian dài, đêm nào cũng nằm mơ thấy chị. Sau năm 1975, tôi rời đoàn nên chị em ít có dịp gặp nhau, lúc đó tôi đã lập gia đình và tạo được tên tuổi cho mình. Có lần tôi diễn, chị còn mang một đống mũ đội đầu của nhân vật vào cho tôi chọn khiến tôi vô cùng cảm động. Lần tôi sang Mỹ du lịch, gặp lại chồng cũ của Thanh Nga, tôi hỏi anh: "Đã sống đến 70 tuổi rồi, ngồi ngẫm nghĩ lại, anh thấy thương ai nhất?", anh đã trả lời: "Đến bây giờ, tôi thương Thanh Nga nhất, cô ấy là một nghệ sĩ có tâm tính hiền lành, trong sáng". Trời sinh Thanh Nga ra để làm nghệ sĩ, trong từng vai diễn của chị luôn toát ra sự đài các, sang trọng, rất tự nhiên chứ không cần phải diễn nhiều. Tôi học hỏi và ảnh hưởng ở chị trên sân khấu và ở ngoài đời là tấm gương về sự yêu thương và vị tha. Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn cố gắng không để lại tì vết nào như lời chị từng dạy: "Nghệ sĩ cần có một cái tâm trong sáng"…
The Following User Says Thank You to DOHOANG For This Useful Post:
DOHOANG
NSƯT Thanh Nga trong ký ức bạn bè
Nghệ sĩ Kim Cương từng hứa hẹn làm thông gia, Nhiếp ảnh gia sân khấu Huỳnh Công Minh, người chụp nhiều ảnh về nữ nghệ sĩ nhất... kể lại hồi ức về NSƯT Thanh Nga.
NSƯT Kim Cương: “Còn một lời hứa chưa thực hiện được với Thanh Nga”
Ngày ấy, tôi và Thanh Nga thuộc hai “địa phận” khác nhau, chị bên cải lương còn tôi bên kịch, nhưng cuộc đời, hoàn cảnh, tình cảm của chúng tôi có nhiều điểm tương đồng: hơn ba mươi tuổi mới tìm được hạnh phúc đời mình, cùng có con khi đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp và chỉ có một đứa con duy nhất, con của tôi và cô ấy đều là đích nhắm của một bọn bắt cóc.
Thanh Nga là người đầu tiên tôi tiết lộ việc mình đang mang thai, lúc tôi vô bệnh viện thăm chị sinh con. Và ngay lúc đó tôi và Thanh Nga đã có một lời giao hẹn mãi đến giờ tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng vì không thực hiện được: nếu tôi sinh con gái thì sẽ se duyên cho hai đứa, còn nếu tôi sinh con trai thì sẽ tạo mối giao tình thân thiết anh em. Sau khi Thanh Nga mất, Hà Linh, con cô ấy, trở nên khép kín, còn con tôi lại chọn lĩnh vực kinh tế để theo đuổi nên hầu như ít qua lại với nhau.
NSƯT Thanh Nga trong một vai diễn.
Đã có lúc tôi nghĩ nếu ngày ấy không phải con tôi mà là con của Thanh Nga bị bắt cóc trước, thì người bị bắn chết đó sẽ là tôi. Từ sau khi con tôi bị bắt cóc, Thanh Nga lo sợ con mình cũng sẽ là mục tiêu của bọn xấu nên luôn luôn theo sát con, không bao giờ để con vuột khỏi tầm mắt, kể cả phải cho con nghỉ học ở trường. Thậm chí diễn ngoài sân khấu nhưng liếc mắt vào hậu đài không thấy con, cô lập tức bỏ diễn. Tôi hoàn toàn hiểu được tâm trạng này, vì nếu con Thanh Nga bị bắt cóc trước, tôi cũng sẽ lâm vào trạng thái đó, và biết đâu tôi là người bị bắn khi cố bảo vệ con mình.
Lúc nghe tin Thanh Nga chết, tôi cứ tưởng người chết đó là mình. Tôi đến nhà xác tìm cô, nhìn cảnh kỳ tài nằm đấy với mái tóc xõa dài, gương mặt rất đẹp, son phấn còn nguyên mà ai oán số phận: Chúng tôi cùng là nạn nhân của vinh quang.
Nhiếp ảnh gia sân khấu Huỳnh Công Minh, người chụp nhiều ảnh nhất về nữ nghệ sĩ: “Thanh Nga có chút nam tính”.
“Tôi là người chụp ảnh cho đoàn hát Thanh Minh, nên nắm rất nhiều chuyện hậu trường của giới nghệ sĩ. Thanh Nga là một nghệ sĩ thanh sắc vẹn toàn hiếm gặp. Trong cô là tập hợp những tính cách khác nhau: nữ tính, yếu đuối, yêu hết mình; nhưng lại có một chút nam tính: đã nói một là một, hai là hai, không thích thỏa hiệp. Đó cũng chính là lý do tan vỡ mối tình đẹp như thơ của cô với kép chánh Thành Được, khi cô phát hiện anh còn qua lại với người cũ, dù trong những người tình đến và đi trong đời cô, Thành Được là người cô yêu nhất, cũng đẹp đôi với cô nhất.
Người phụ nữ, cho dù là đang ở đỉnh cao hay không, gia đình vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Đến cuối đời mình Thanh Nga tìm thấy một người yêu cô hết lòng, chăm sóc cô chu đáo là ông Phạm Duy Lân, nhưng đến khi tìm được một mái ấm thật sự cùng với đứa con ngoan, cũng là lúc cô từ giã cõi đời. Âu đó cũng là minh họa của câu nói: "Hồng nhan bạc phận”.
Trần Quang - Thanh Nga trong phim Vết thù trên lưng ngựa hoang.
Diễn viên điện ảnh Trần Quang: “Chị như một thiên thần”
“Vết thù trên lưng ngựa hoang là bộ phim đầu tiên và duy nhất tôi đóng chung với chị Thanh Nga vào khoảng cuối năm 1970, đầu năm 1971. Bộ phim này là một trang sử đẹp của điện ảnh trước 1975. Một điều đặc biệt là cho đến bây giờ, khi tôi trở về nước, những người ở lứa tuổi bốn mươi mấy, năm mươi trở lên vẫn còn nhớ rất rõ về bộ phim này. Vì lúc bấy giờ, chưa từng có bộ phim điện ảnh nào thu hút được khán giả như thế, thậm chí là đánh bạt những bộ phim của Hollywood chiếu tại Việt Nam.
Bộ phim này tập trung toàn diễn viên giỏi, trong đó có hai kiều nữ bên cải lương là chị Thanh Nga và Bạch Tuyết. Đặc biệt chị Thanh Nga lần đầu xuất hiện bên điện ảnh nên rất gây chú ý. Chị có cách diễn trầm lắng rất dễ thương, có lẽ không cần phải diễn nhiều, mà chỉ bằng khuôn dáng tự nhiên là vào nhân vật rất ngọt. Khi vào phim, chúng tôi đóng cặp với nhau, thường gọi là anh em. Thanh Nga vẫn thường đùa với tôi: “Hơn mấy tháng lận đó nha, phải kêu bằng chị nha!”.
Diễn viên Trần Quang.
Cái đáng quý của chị là sự chuyên nghiệp. Hẹn 7h là đúng 7h có mặt. Mà đó cũng là cách làm của thế hệ chúng tôi. Khi làm phim, có lúc chúng tôi giận nhau. Sau này mỗi lần nhớ lại, tôi thấy rất dễ thương! Tôi còn nhớ, đó là cảnh cuối phim, nhân vật chị Thanh Nga đóng đang mang bầu, tôi đóng vai chồng, hôn vợ trước khi đi chuyến buôn lậu cuối cùng để giải nghệ.
Theo diễn biến tâm lý thì tôi sẽ cúi xuống hôn lên môi của vợ. Lúc đó, khi tôi chưa kịp hôn thì chị nói khẽ: “Quang, nhớ nghe, đang đóng phim nghe Quang”. Tự nhiên tôi mất hứng và tự ái. Tức là tính chị Thanh Nga rất kỹ, hôn thì không để ai hôn ngoài chồng mình. Lúc đó tôi đang tràn đầy cảm hứng, nhập vai ghê gớm vì đây là cảnh quan trọng nhất và khó nhất của cả bộ phim. Câu nói của chị làm tôi cụt hứng. Tôi giận và nói với đạo diễn là không muốn quay nữa.
Thấy tôi bỏ quay, chị Thanh Nga kêu lên: “Cái ông này, đàn ông gì mà kỳ vậy, mới giỡn chơi chút mà giận”. Lúc đó, đạo diễn Lê Hoàng Hoa cũng chiều tôi và ngưng quay. Sau đó một hai hôm, tôi thấy hết giận, đồng ý quay trở lại. Tôi chủ động nói với chị: “Xin lỗi Thanh Nga, có lẽ hôm đó tôi hơi phản ứng mạnh. Nhưng thật ra Thanh Nga hiểu cho rằng lúc đó tôi không còn là tôi nữa mà tôi là nhân vật”. Chị Thanh Nga nhẹ nhàng bảo: “Không, đó là lỗi của tôi. Tôi đùa, nhưng tôi đùa không đúng chỗ”. Thế là đôi bạn diễn làm huề và diễn với nhau rất ưng ý.
Có một hình ảnh cũng thật dễ thương không kém là tình cảm của anh Lân chồng chị. Anh yêu vợ vô cùng. Anh theo đoàn phim suốt những cảnh có chị Thanh Nga đóng. Mỗi khi trời nắng, lúc đang tập dợt, anh ấy cầm dù che nắng cho vợ. Đến khi đạo diễn kêu diễn thì anh ấy hôn nhẹ vợ một cái rồi chạy thật nhanh ra sau xem vợ diễn. Khi đạo diễn kêu cắt thì anh chạy lại che dù cho vợ. Hai người thật là đẹp đôi mà ai nhìn vào cũng thấy yêu mến.
Riêng đối với tôi, em gái của chị Thanh Nga sau này là người tình của tôi, nên tôi luôn coi chị như chị ruột. Khi tôi đến dự đám tang của chị, tôi giống như người em đến vĩnh biệt chị mình. Mà chị nằm đẹp lắm. Gương mặt điềm đạm, bình thản, coi như mình đã trả xong nợ đời thì đi, chứ không thấy một nét nào đau đớn trên gương mặt của chị cả. Chị Thanh Nga như một thiên thần nằm ngủ”.
Vài nét về NSƯT Thanh Nga :
- Năm 1952, khi mới 10 tuổi, Thanh Nga được đưa lên sân khấu đoàn Thanh Minh ca vọng cổ trước khi vở tuồng được diễn. Bà bầu Thơ, mẹ Thanh Nga vui mừng trước sự hưởng ứng của khán giả, cho con đến học cổ nhạc nghệ sĩ Út Trong.
- Năm 1954, Thanh Nga chính thức có vai diễn đầu tiên: bé Nghi Xuân trong vở Phạm Công Cúc Hoa. Thanh Nga không nề hà nhận những vai diễn nhỏ, từ vai con đào chạy loạn trong tuồng Đồ Bàn di hận đến vũ nữ múa trống tambourin trong Lửa hờn…
- Năm 16 tuổi Thanh Nga được giao vai chính là sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới. Chính vai diễn này đã giúp nghệ sĩ đoạt Huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1958.
- Năm 1960, đoàn cải lương Thanh Minh đổi tên thành Thanh Minh – Thanh Nga. Trong giai đoạn này, tài năng của Thanh Nga càng được khẳng định trong hàng loạt vở Áo cưới trước sân chùa, Gió ngược chiều, Sân khấu về khuya, Đôi mắt người xưa…
- Ngày 26/11/1978, sau khi diễn xong vở Thái hậu Dương Vân Nga, Thanh Nga cùng chồng là ông Phạm Duy Lân, và con là Phạm Duy Hà Linh lên xe về nhà riêng. Khi xe vừa về đến nhà, bọn bắt cóc xuất hiện với mục đích bắt cháu Hà Linh, vợ chồng nghệ sĩ vì bảo vệ con nên bị bắn nhiều phát đạn vào người. Chồng Thanh Nga chết tại chỗ, còn nữ nghệ sĩ chết trên đường đến bệnh viện.